Hôm nay,  

Bí thư chi đoàn

13/05/202311:17:00(Xem: 2406)
Truyện

vn court

Bên ngoài trời mưa tầm tã. Cửa đóng kín nhưng trong nhà vẫn nghe tiếng gió giật từng cơn. Vinh nhìn lên đồng hồ treo tường thấy đã chín giờ tối, như vậy cơn mưa đã kéo dài hơn hai tiếng. Nếu trời không mưa giờ này chắc Vinh vẫn còn ngồi ở quán cà phê nói chuyện với anh em cho qua thì giờ vì vợ con đã về quê, hết giờ làm về nhà thấy trống vắng buồn bã. Cầm ly trà lên, Vinh uống hết một chút còn lại. Trà nguội nhưng vẫn còn ngon lắm, pha từ gói trà nhỏ của ông Văn, nhân viên trong sở tặng cho Vinh hồi chiều. Món quà thật nhỏ nhưng gói ghém ân tình lớn cho người sa cơ lỡ bước. Vinh tính mang ly xuống bếp rửa rồi lên lầu đi ngủ sớm thì nghe tiếng gõ cửa dồn dập. Vinh thầm lo, nghĩ có thể là công an đến bắt người vì đêm hôm mưa gió ai mà đến thăm. Chuyện công an đến nhà bắt người không cần trát tòa hay báo trước là chuyện thường xuyên trong chế độ mới. Biết là phải mở cửa nhưng Vinh cũng lớn tiếng hỏi xem là ai. Bên ngoài cũng gào lên để át tiếng gió “Em là Hải đây Ông Thầy ơi. Xin mở cửa”. Hải lách mình bước vào trong nhà rồi xoay người đóng ngay của lại. Hải mặc áo mưa dài, đội nón bảo hộ nhưng cả người ướt nhem vì mưa lớn quá. Trong khi Hải cởi áo mưa Vinh nối dây cái sưởi điện để trên bàn và nấu nước pha ấm trà mới. Vừa ngồi xuống, Hải lên tiếng “Trời mưa bão nhưng em cũng muốn đến vì có chuyện quan trọng cần bàn với Ông Thầy”. Hải vừa nói vừa cười, cũng với nụ cười ấm cúng và thân tình như xưa. Tuy bất ngờ cả về hoàn cảnh thăm viếng và lý do nhưng Vinh vẫn giữ thái độ tỉnh táo, vui vẻ và chú ý lắng nghe không tỏ vẻ nghi ngại gì cả.
     Năm 1972 vào thời điểm sản xuất đạt kỷ lục cao nhất nhà máy xi măng tuyển dụng nhiều nhân công trẻ là người địa phương không có nghề kỹ thuật, vào làm việc với tư cách phu thường. Hải là một trong số nhân công mới này. Lúc đó Hải còn mang tên Phan Văn Hai, 18 tuổi, nghề phụ đánh cá, thuộc diện hoãn dịch lý do gia cảnh  “mẹ góa con côi”. Khi đó Vinh là trưởng cơ xưởng nên cho Hai làm theo toán thợ hàn. Nhờ có sức vóc và chịu khó lại thêm tính tình hiền hậu dễ thương nên Hai làm việc rất năng nổ, được mọi người thương mến. Một năm sau Vinh sắp xếp cho Hai học việc thợ hàn. Nhờ tính chuyên cần ham học hỏi Hai luôn tìm dịp học ở Vinh và các thợ giỏi về lý thuyết nghề hàn điện nên tiến bộ rất nhanh. Chưa đầy hai năm từ ngày vào làm Hai có thể tự mình làm được nhiều việc và được lãnh lương phụ thợ. Vì thế, Hai vẫn gọi Vinh là “Ông Thầy” để tỏ lòng biết ơn đã nâng đỡ và cất nhắc. Vinh từng khuyên nhủ Hai chỉ cần làm việc siêng năng là đủ chứ không cần xưng hô như thế nhưng Hai vẫn gọi khi không có người thứ ba.
     Biến cố bi thương của ngày 30 tháng tư đến không ngờ. Cả hai phe thắng và bại đều gọi là “cuộc đổi đời”. Mọi thứ đều thay đổi, theo chiều hướng đi xuống, từ thực tế đời sống cho đến giá trị con người. Ban giám đốc cùng những kỹ sư trụ cột của nhà máy tuy không trực tiếp cầm súng chiến đấu, chỉ làm công tác kỹ thuật nhưng cũng bị đưa đi tù tập trung với mỹ từ là “học tập cải tạo”. Đây là đòn thù có tính toán và lường gạt ở qui mô lớn, không lường được hậu quả đất nước sẽ tụt hậu do thiếu nhân lực xây dựng thời hậu chiến. Nhóm điều hành mới của nhà máy cũng có ban giám đốc cùng với đầy đủ các ban ngành nghe tên rất “nổ” nhưng thực chất gồm toàn những kỹ sư không có ai làm được bài toán phân số. Thực trạng này không chỉ có ở nhà máy Vinh từng làm việc mà xảy ra ở tất cả các cơ sở, từ kỹ thuật, giáo dục đến y tế trên toàn miền Nam. Vì thế dân chúng đã xài những danh từ mới như “bác sĩ xuyên tâm liên” “kỹ sư chuyên tu” để chế nhạo những chất xám của chế độ mới luôn hô hào là nhân dân làm chủ đất nước. Và những ông bà chủ này lại bị gạt thêm một lần nữa khi nghe rêu rao là nhà nước khoan hồng cho một số bác sĩ kỹ sư trở lại nhiệm sở cũ để lao động xây dựng đất nước chứ không dám nói là với đội ngũ bác sĩ khám bệnh chỉ cần mang ống nghe vào một lỗ tai và kỹ sư cơ khí chỉ có tay nghề đánh búa tạ để tán “lê vê” thôi thì làm sao điều hành những bệnh viện và nhà máy tối tân của miền Nam. Vinh là một trong số những trí thức tạm gọi là may mắn được thoát tù cải tạo sớm vào thời điểm đó. Ngay hôm sau ngày Vinh trở về nhà máy cũ một ông cối là Đỗ Mười, bộ trưởng bộ xây dựng của chế độ mới đến “tham quan” và tập trung những kỹ sư “ngụy” lên hội trường để nói chuyện. Lão quan chức nức tiếng này đúng như lời truyền miệng sau khi nhân dân đọc được những lời ca tụng tâng bốc của báo chí đương thời. Đó là một quan lớn tài nghệ tuyệt vời, luôn kiên quyết hành sử đúng theo lập trường của giai cấp công nhân với một khuôn mặt rặc ròng “răng đen mã tấu”, Không khác gì các quan chức khác, nhất là ở các trại tù tập trung, ông ta nói dai nói dài nói dở và lời lẽ vô cùng sắt máu. Buổi “trao đổi” với các kỹ sư “ngụy” thực sự là đòn đe dọa phủ đầu mà thôi. Nội dung vắn tắt Vinh không bao giờ quên là “Các anh thuộc giai cấp bóc lột. Cách mạng không giết, tha học tập cải tạo còn cho các anh trở về làm việc lại là sự khoan hồng to lớn. Các anh phải giác ngộ, tự nguyện lao động tốt để lấy công chuộc tội với quần chúng nhân dân và xây dựng đất nước. Các anh bây giờ chỉ là cá nằm trong rọ. Càng phản kháng hay phá hoại chỉ tự làm trầy vi tróc vẩy mà thôi. Các anh phải nhớ lấy”. Nói đến đây ngài bộ trưởng lên giọng, gương mặt vênh lên phừng phừng giận dữ, tiếng nói rít róng giữa hai hàm răng khít chặt nghe thật khiếp. Số phận của kỹ sư “ngụy” lưu dung được một quan lớn khẳng định là như thế. Liệu hồn mà giữ lấy mạng.
     Khi trở lại làm việc Vinh gặp lại Hai. Cuộc đổi đời đã hoàn toàn thay đổi cuộc đời của Hai một cách không ngờ. Từ Phan Văn Hai phụ thợ hàn trở thành Phan Thanh Hải bí thư đoàn thanh niên CS. Được chế độ mới xem là rường cột để bồi dưỡng trở thành lãnh đạo trong tương lai nên thanh niên được tin cậy và giao phó nhiều nhiệm vụ quan trọng. Công nhân, tức là chủ mới của nhà máy, xì xào Hai có cha là dân tập kết năm 1954 chứ không phải là con mồ côi. Sau 1975 thân phụ của Hai hồi kết làm tới bí thư tỉnh ủy của địa phương. Câu tục ngữ “Con vua thì được làm vua. Con sãi ở chùa thì quét lá đa” cũng được áp dụng triệt để trong chế độ mới. Chữ triệt để ở đây bao hàm ý nghĩa người tin cậy được không cần có tài đức chỉ cần huyết thống của đảng viên là đủ để khỏi phản phúc. Cha, bí thư tỉnh ủy thì con trai bí thư đoàn thanh niên là chuyện tất nhiên rồi. Vinh thắc mắc, với trình độ học vấn tiểu học, ít nói, chỉ có cá tính hiền lành, chăm chỉ thì từ phu chuyên leo lên tới chức bí thư đoàn thanh niên Hải phải “phấn đấu” tới cỡ nào mới phục vụ tốt cho đảng. Tuy Hải đã xem Vinh là ân nhân nhưng hoàn cảnh đã đổi khác liệu có yên ổn hay không. Vì suy nghĩ như thế nên mỗi lần gặp mặt Hải thấy anh chàng vẫn vui vẻ và lễ phép như xưa Vinh không thấy thoải mái tuy vẫn điềm tĩnh và lịch sự khi nói chuyện. Đêm nay, dù trời mưa bão Hải một mình đến nhà thăm bảo là có chuyện muốn bàn làm cho Vinh không khỏi bồn chồn lo ngại nhưng vẫn bình thản chờ Hải mở lời.
     Hải ngồi xuống ghế cầm ly trà lên nhấm nháp chậm rãi. Đây không phải là phong cách của người làm công tác thanh niên phục vụ chế độ mới có xuất thân nghèo khó từ thời trước. Thấy Hải có vẻ do dự như có điều khó nói, Vinh lên tiếng “Có gì cần bàn em cứ nói. Anh em mình đâu có xa lạ gì.” Hải nhìn Vinh chăm chú rồi lại cười gượng gạo, thò tay vào túi áo lấy ra môt bọc nylon có gói cuốn sổ tay nhỏ đưa cho Vinh “Ông Thầy coi giùm em cuốn sổ ghi chép này rồi em sẽ nói”. Vinh cầm cuốn sổ mở ra xem. Đây là sổ nhật ký với nét chữ ngã nghiêng khó đọc, ghi ngày giờ không liên tục bắt đầu từ ngày Vinh trở về nhà máy làm việc cho đến buổi viếng thăm bất ngờ đêm mưa hôm ấy. Nội dung là ghi lại những cuộc tiếp xúc của Vinh, hầu hết là ngoài nhà máy, với ai, giờ nào, ở đâu, nói chuyện gì, và cả kết quả những lần lục lọi hồ sơ riêng của Vinh cất trong bàn giấy ở văn phòng. Đại loại như (… ngày…giờ…gặp trưởng toán Bé, thợ máy Quân, tài xế An ở quán cà phê chợ Tròn nói chuyện tân trang xe buýt chở công nhân. … Ngày…giờ … gặp cán sự Trọng, thư ký Phan, thợ dầu mỡ Bốn ở quán cà phê chợ Tròn, nói gì không nghe được vì ngồi xa quá …Ngày … giờ …đi dạo cư xá có ghé nhà tài xế Lến … Ngày…giờ…kiểm tra giấy tờ trong tủ ở văn phòng tu bổ, không phát hiện gì mới…). Đọc xong cuốn sổ, Vinh bần thần cả người, toát mồ hôi sống lưng dù trời đang mưa lạnh. Không tin tưởng và nghi ngờ nhân viên cũ là chuyện Vinh có thể đoán được, nhưng điều ngạc nhiên là họ theo dõi quá chặt chẽ bằng một người đang đắc thời, vẫn luôn miệng nói là không bao giờ quên ơn sự giúp đỡ của Vinh như Hải. Với thân phận lưu dung Vinh tự biết là chỉ nên nín thở qua sông, không dại dột làm chuyện phản kháng qua những cuộc tiếp xúc với người khác nên cứ ghi chép trung thực sẽ không thấy gì lạ. Còn chuyện đêm tối, sau giờ làm việc, cho người lục lọi chỗ làm tìm âm mưu phá hoại thì quả tình là đáng sợ. Chuyện này Vinh đã biết từ lâu vì mỗi ngày trước khi ra về đều sắp xếp ngay ngắn các giấy tờ, tài liệu kỹ thuật trong ngăn tủ nhưng cách vài ngày vẫn thấy xáo trộn trật tự, chứng tỏ có một bàn tay động đến. Biết đâu họ sẽ bỏ vào tủ giấy tờ những tài liệu phản động rồi bắt Vinh đi tù khi nhà máy đã “vắt chanh” xong. Ngày đó chắc không xa, chưa biết chừng nào mà thôi.
     Vinh nhìn Hải cười và đưa trả cuốn sổ  “Nói thực lòng, anh hiểu chuyện này em làm theo chỉ thị của cấp trên, nhưng anh không biết em cho anh xem để làm gì ” Hải thừ người mắt nhìn xuống, cố bày tỏ bằng một giọng ngần ngại “Em xin lỗi Ông Thầy. Xin thông cảm, em đâu muốn làm chuyện này, người ta bắt buộc em. Chức bí thư đoàn thanh niên nữa, em cũng đâu có ham.” Hải nói tới đó thì ngưng, quay qua nhìn Vinh bằng ánh mắt đau khổ. Vinh an ủi “Anh biết em khổ tâm khi làm chuyện này. Có điều gì muốn nói thêm em cứ mạnh dạn vì em cũng biết anh là người hiểu chuyện mà”  Hải tiếp tục uống trà, im lặng chốc lát, do dự như để tìm lời rồi nói liền một hơi không nghỉ “Làm việc cho chế độ mới mấy năm em biết nhiều chuyện lắm. Người ta sẽ không để cho Ông Thầy yên thân đâu. Sao anh không đi cho xa. Em đưa anh coi những ghi chép em đã làm chỉ muốn anh biết là tụi nó sẽ tìm cách hại anh. Tha lỗi cho em. Đêm nay em tới thăm là bởi vì em thực tình muốn giúp anh vượt biên. Tin tưởng em đi, em không gạt Ông Thầy đâu. Gia đình em sống ngoài hòn Sơn Rái như anh đã biết. Má em nghèo nhưng cậu của em có ghe lưới đưa người đi. Em đã gởi gấm và ổng chịu giúp rồi không lấy tiền gì hết. Ông Thầy đồng ý thì giao cho em lo liệu, không sợ ai biết đâu”  Từ lúc bước chân vào nhà cho đến khi nói hết ý người “đệ tử” xưa đã dẫn “Ông Thầy” đi từ bất ngờ này qua ngạc nhiên khác. Chàng thanh niên ít học hiền lành chăm chỉ mới sau mấy năm bỗng lột xác trở thành kịch sĩ tài ba rồi chăng. Vinh thấy mình nên hoãn binh, câu giờ là tốt nhất nên bắt tay Hải “Anh hiểu hoàn cảnh và tin em thực lòng muốn giúp anh. Chuyện lớn và bất ngờ quá em cho anh thời gian suy nghĩ rồi trả lời”. Thầy trò lại bắt tay từ giã. Hai bàn tay Hải thật ấm áp và cũng có thể là tay Vinh đang lạnh cóng.
     Khi Hải ra về trời đã ngưng mưa. Chờ Hải khép cổng hàng rào Vinh mới khoát tay chào rồi đóng cửa, ngồi xuống ghế châm điếu thuốc và tiếp tục uống trà để nghĩ lại những chuyện vừa xảy ra. Thật bất ngờ và đáng suy gẫm. Mấy năm nay ở nhà máy này Hải là nhân vật nổi bật, được đảng ủy tin cậy nên tiếng nói có trọng lượng được thanh niên chấp hành nghiêm chỉnh. Là công nhân bình thường, chỉ học xong lớp ba tiểu học, không biết ăn nói, cũng không có biệt tài nào cả thì đảng phải có chiếc đũa thần mới hô biến Hải trở thành một cán bộ mưu lược trong thời gian ngắn như thế. Thân phụ của Hải đang ngồi ghế bí thư đảng ủy tỉnh nhà chắc chắn có thế lực và ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt chính trị của nhà máy nên cầm chắc là Hải sẽ không bao giờ dám làm điều gì có hại đến an ninh chung. Mẹ của Hải vẫn còn sống ở đảo, gia đình có làm chuyện đưa người vượt biên và Hải thật tâm muốn giúp Vinh vượt thoát cũng không cần suy nghĩ có nên tin hay không. Hải đã được giao nhiệm vụ theo dõi hoạt động của Vinh thì chuyện dàn dựng cái bẫy giúp vượt biên cũng là việc đảng có thể chỉ đạo cho Hải làm. Nếu chưa gài bẫy và đây là hảo ý thì liệu Hải có thể làm được không khi bị người khác âm thầm theo dõi và báo cáo vì dù gì thì đảng ủy nhà máy sẽ không hoàn toàn tin tưởng một cán bộ mới được đề bạt như Hải, một thanh niên sinh trưởng ở miền Nam không có kiến thức và hiểu biết chính trị chỉ có cha là cán bộ cách mạng mới hồi kết công tác ở chính quyền địa phương chứ không phải nhà máy.
     Vinh từ thành phố Saigon xuống làm việc đây từ trước năm 1975. Một nhà xi măng máy tối tân, năng suất cao, với những máy móc chính có hệ thống viễn khiển mà cấp chỉ huy với trình độ đại học, kể cả kỹ thuật và hành chánh quản trị chỉ có 10 người, không kể Chánh và Phó Giám đốc. Sau cuộc đổi đời hai vị giám đốc và kỹ sư trụ cột của nhà máy bị đưa đi tù cải tạo. Số người thay thế ở cấp điều khiển và vận hành nhà máy từ miền Bắc đưa vào lên tới 40 người, đa số là dân tập kết năm 1954. Trong số công nhân gọi là kỹ thuật chỉ có một kỹ sư cơ khí học chính qui tốt nghiệp đại học Mạc Tư Khoa, còn lại toàn là kỹ sư tại chức hay chuyên tu xuất thân từ thợ các ngành, một số cũng được gởi đi học ở các nước cộng sản. Đươc “khoan hồng” cho trở lại làm việc ở nhà máy này Vinh đã chứng kiến những trận đấu đá tranh ăn với những thủ đoạn độc ác và bỉ ổi giữa hai nhóm của dân hồi kết. Nhóm về trước được chia tất cả những chức vụ béo bở, nhóm về sau  không có mánh kiếm ăn nên tức tối tìm cách hạ bệ, hãm hại nhóm kia. Bọn “trâu chậm uống nước đục” này không những những chỉ phá “đồng chí” của mình mà còn hại cả những kỹ sư lưu dung. Biết thân là kẻ thua cuộc Vinh đã bỏ qua những mặc cảm để làm việc cho qua tháng ngày nhưng không bao giờ được yên thân. Tai họa đã giáng xuống Vinh nhiều lần tưởng như không thể thoát cảnh hiểm nghèo phải trở lại đời tù đày. Trong một lần nhà máy ngưng hoạt động để tu bổ toàn diện (gọi là đại tu) máy nghiền đá được nâng lên môt đầu để kiểm soát, đánh bóng và làm trơn bệ trục quay. Công tác này do đơn vị tu bổ cơ khí nơi Vinh làm việc phụ trách, làm dang dở phải chờ qua đêm nên máy nghiền chưa được hạ xuống. Sáng hôm sau khi Vinh xuống hiện trường đã thấy hiện diện nhiều cán bộ, chỉ có vài người thuộc các bộ phận kỹ thuật còn lại là ban bảo vệ an ninh nhà máy. Khi Vinh đến bọn cán rựa nàybắt đầu la lối giận dữ đòi trừng phạt kẻ phá hoại đã đổ cát và dăm máy tiện vào bệ trục quay. Tổ chức mới của nhà máy rất rườm rà và cồng kềnh, nhiều ban bệ có chức năng giống nhau như sở tu bổ, phòng cơ điện … với nhân viên thiếu kiến thức chuyên môn nên thường và chạm nghề nghiệp như trò cười. Vì ban ngành nhiều quá nên kỹ sư “cà nhỏng” đông hơn. Mỗi khi có công tác lớn, như tu bổ máy nghiền, cối xay đá …là bu đen con, ngạc nhiên trầm trồ như xem hát xiệc. Sau giờ làm việc chỉ có cán bộ cách mạng mới có quyền vào nhà máy thì có kỹ sư lưu dung nào phá hoại trong đêm. Còn lực lượng bảo vệ đã làm gì và ở đâu khi “sự cố” xảy ra. Trong khi những “ông chủ” mới của nhà máy đang nổi trận lôi đình thì giám đốc và bí thư đoàn thanh niên xuống xem máy nghiền. Vinh đoán biết Hải đã nhanh chân chạy đi báo cáo để giám đốc giải quyết kịp thời trước khi mối “hận thù giai cấp” bùng nổ. Giám đốc mới đã yêu cầu những tay sừng sỏ im tiếng và mời hết về phòng họp. Chừng vài tiếng sau Vinh được mời họp riêng với giám đốc và được trấn an Vinh không phải là người phá hoại nên không cần lo gì cả cứ tiếp tục công tác, lấy hết những cát và dăm tiện ra, làm sạch, nếu đã chà láng rồi thì bơm dầu mỡ đầy đủ và ráp lại nắp đậy trục quay máy nghiền. Nếu giám đốc nhà máy vắng mặt vì họp trung ương ở thành phố hay vì lý do nào khác thì có lẽ bí thư đảng ủy là Ba Trạng sẽ ra lệnh cho bảo vệ bắt nhốt Vinh để điều tra phá hoại tài sản nhà nước. “Dậu đổ bìm leo” thời nào cũng có, đặc biệt là khi miền Nam bị nhuộm đỏ tệ trạng này càng lớn vì chính quyền mới khuyến khích quần chúng nhân dân nên căm thù tố cáo bọn tay sai bóc lột giai cấp lao động. Trước khi đổi chủ, cư xá công nhân nhà máy có 4 khu gồm khu biệt thự lầu dành cho phó giám đốc và kỹ sư có chức vụ, khu nhà hai tầng liên kế cấp cho kỹ sư, cán sự, đốc công và nhân viên trung cấp, khu nhà một tầng cho trưởng toán và thợ thuyền, và khu nhà nhỏ hơn dành cho phu thường và phu chuyên. Vinh được cấp một căn trong khu biệt thự. Khi đi tù cải tạo trở về Vinh vẫn được ở ngôi nhà cũ và có một trưởng toán thợ gởi thư lên ban giám đốc mới đề nghị “san bằng giai cấp” bằng cách đưa kỹ sư Vinh và gia đình dọn xuống ở khu phu thường. Chuyện giám đốc mới quyết định cho Vinh ở lại ngôi biệt thự cũ mặc cho nhiều cán bộ phản đối và lơ luôn chuyện đề nghị của ai đó là do Hải kể cho Vinh nghe trong một buổi chiều ngồi uống cà phê ở chợ Tròn.
     Vinh nhớ lại hình như “biến cố” nào cũng loáng thoáng có bóng của Hải. Hai lần xe công an đến tận nhà máy bắt Vinh đều được Hải cho hay trước không nói nên làm gì, bây giờ mới hiểu là Hải muốn chàng tìm cách trốn đi. Sự giúp đỡ tích cực và hiệu quả nhất là ở phiên tòa của “nhân dân” xử kỹ sư Vinh, tình báo do Mỹ cài lại tổ chức tại trường tiểu học Kiên Lương không lâu trước đây, do Hải và Ba Lến liên thủ phản công. (Xin đọc bài “Tổ trưởng lái xe” trong tập truyên này). Thêm một chuyện nhỏ nên kể là trong số cán bộ hồi kết đợt sau có anh Mạo, kỹ sư xây dựng, vợ là nhân viên cấp dưỡng cũng làm việc cho nhà máy, có con trai 4 tuổi muốn chiếc xe đạp ba bánh mà nghèo quá không mua nổi. Mạo đi lang thang ra bãi rác lượm được một chiếc cũ rỉ sét, sứt tai gãy gọng đem đến nhà Vinh nhờ mang vào cơ xưởng sửa lại cho con trai chơi tạm. Chuyện quá nhỏ và dễ dàng nhưng Vinh không muốn bị chỉ trích, chụp mủ bởi những tên nhiều chuyện nên cứ để đó chờ dịp thuận tiện. May cho Mạo, Hải ghé nhà chơi thấy chiếc xe bãi rác và hiểu hoàn cảnh của Ông Thầy nên tự đem vào cơ xưởng, chẳng những đích thân hàn sửa lại và tiện tay chà sét rồi xin sơn của kho dụng cụ sơn lại cho đẹp, chờ khô mang về giao cho kỹ sư Mạo bảo là anh Vinh đã làm xong. Bí thư đoàn thanh niên làm chuyện cỏn con này thì ai dám bôi bác.
Điều quan trọng nên nhắc ở đây là qua sổ tay ghi chép hoạt động của Vinh, nếu muốn giá họa thì chỉ cần ghi bất cứ điều gì có thể buộc tội âm mưu phản động hay phá hoại là xong vì đâu có ai dám phản bác. Sau giờ làm việc Vinh có “giao lưu” với một số người nhưng báo cáo rất “sạch” và trong những hành động trấn áp của chính quyền địa phương đối với Vinh, Hải và vài người khác vẫn can đảm biện hộ và bênh vực cho “xếp” cũ. Điều này chứng tỏ dù bị điều khiển và ép buộc cách mấy một người với bản chất lương thiện khó thể trở thành tên bất lương sau một thời gian ngắn. Nhóm kỹ sư lưu dung chỉ sót lại có vài người thì có thể thành lực lượng chống phá “cách mạng” không. Điều này đảng ủy nhà máy biết rõ. Bản thân Vinh cũng biết ngày nào còn xài được thì còn yên thân, nhưng không hiểu tại sao cứ ít lâu lại có xe công an vào nhà máy bắt Vinh đi nhốt ở huyện đội, tỉnh đội. Muốn người ta làm việc tốt thì cần gì phải khủng bố tinh thấn như thế. Trở lại làm việc ở nhà máy xi măng Vinh đã lọt vào tình huống bi đát. May mà hầu hết thợ thuyền, nhân viên cũ chỉ có vài người chống đối (như một trưởng toán vừa kể trên) còn lại đều hợp tác thoải mái để hoàn thành công tác, dù Vinh không còn chức vụ và quyền hạn gì để điều khiển anh em. Còn nhiều trưởng toán khi nói chuyện riêng tư, khuyên Vinh không nên “truyền nghề” tu bổ cho kỹ sư mới để tự bảo vệ bản thân và ai cũng ngạc nhiên, qua những lời bóng gió, là tại sao Vinh không bỏ đi như nhiều kỹ sư khác. Vinh sống sót được cho đến ngày đóng ghe xong để vượt thoát là nhờ kín tiếng cho an toàn. Lòng người khó đoán nên tốt nhất là không nói gì hết. Đâu có ai biết là sau chuyến đi ngày 29 tháng 4 năm 1975 ở bến tàu Hà Tiên với Bác sĩ VDT không xong, sau đó Vinh còn “làm” thêm ba chuyến nữa nhưng cũng thất bại. Chuyến cuối cùng năm 1980 nhờ anh Hai Phúc, giám đốc mới cho phép về Saigon chữa bệnh Vinh đã có thì giờ tự đóng thuyền và may mắn đã đưa vợ con ra đi an toàn.
     Hai thân mến. “Ông Thầy” viết bài này để cám ơn em, thằng Hai hiền lành dễ thương những ngày anh còn là kỹ sư trưởng cơ xưởng và cũng ghi nhận tấm lòng của bí thư đoàn thanh niên Hải, một người đắc thời nhưng vẫn giữ được bản chất hiền lương. Dù cho em đã thực tâm muốn giúp vượt biên nhưng anh không thể hấp tấp nhận lời ngay vì anh cũng phải tự bảo vệ bản thân. Vả lại, lúc đó chiếc thuyền nhỏ của anh đóng gần xong ở một nơi bí mật và đang chờ cơ hội thuận tiện để ra khơi.

 

-- Hoàng Thư

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Mỗi 30 tháng 4 là mỗi năm xa hơn ngày đó, 1975, thêm một bước nữa xa hơn, đi vào dĩ vãng. Hầu hết những người trực tiếp tham gia vào cuộc chiến trước 75, nay đã vắng mặt. Non nửa thế kỷ rồi còn gì. Khi không còn ai nữa, không hiểu những thế hệ trẻ tha hương sẽ nhớ gì? Một thoáng hơi cay? Có khi nào bạn đọc ngồi một mình chợt hát lên bài quốc ca, rồi đứng dậy, nghiêm chỉnh chào bức tường, thằng cháu nhỏ thấy được, cười hí hí. Ông ngoại mát rồi. Trí tưởng tượng của người thật kỳ diệu. Rượu cũng kỳ diệu không kém. Nửa chai vơi đi, lơ mơ chiến sĩ trở về thời đó. Lạ lùng thay, quá khứ dù kinh hoàng, khốn khổ cách mấy, khi nhớ lại, có gì đó đã đổi thay, dường như một cảm giác đẹp phủ lên như tấm màn mỏng, che phía sau một thiếu phụ trẻ đang khóc chồng. Cô có mái tóc màu nâu đậm, kiểu Sylvie Vartan, rủ xuống che nửa mặt. Nhưng thôi, đừng khóc nữa. Chỉ làm đất trời thêm chán nản. Để tôi hát cho em nghe, ngày đó, chúng tôi, những người lính rất trẻ.
Ngày 30 tháng 4 năm nay, 2024, đánh dấu 49 năm ngày Sài Gòn thất thủ vào tay cộng sản Bắc Việt (30 tháng 4 năm 1975). Biến cố này đã mở ra một tương lai đen tối cho dân tộc Việt Nam mà một trong những hệ lụy thảm khốc nhất là hàng triệu đồng bào đã bỏ nước ra đi tìm tự do, trong đó có khoảng hơn 400,000 người chết thảm giữa lòng biển cả. Cuộc chiến tranh Việt Nam kéo dài trong 20 năm đã khiến cho hơn 950,000 bộ đội và thường dân miền Bắc chết và khoảng 600,000 lính cộng sản bị thương. Trong khi đó, có khoảng hơn 700,000 thường dân và binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa thiệt mạng, cùng với 1,170,000 lính VNCH bị thương. Phía Hoa Kỳ có 58,281 binh sĩ tử thương và 303,644 lính bị thương. Đó là chưa kể số thương vong của binh sĩ các nước tham chiến ở hai miền Nam-Bắc, theo www.en.wikipedia.org.
Thế giới đang bùng nổ nhiều cuộc chiến tranh, và đang ngún lửa ở nhiều nơi khác: Trung Đông, Ukraine, Miến Điện, Đài Loan, Biển Đông… Một thời Việt Nam cũng đã trải qua nhiều cuộc binh lửa. Khi đọc kỹ Tam tạng Kinh điển, chúng ta cũng sẽ thấy có những cuộc chiến. Bản thân Đức Phật khi mới lớn cũng học kỹ thuật kiếm cung. Trong nhiều kiếp quá khứ, Đức Phật, khi còn ở cương vị Bồ Tát, cũng đã từng ra trận. Nhiều hình ảnh ẩn dụ trong kinh điển cũng cho thấy dấu tích chiến tranh: ngựa chiến, voi chiến, áo giáp, mũi tên… Và rồi tận cùng, Đức Phật nói trong Kinh SN45.7 rằng chiến thắng vinh quang nhất chính là nhiếp phục tham, sân, si – nơi đó chính là Niết Bàn. Đó là mặt trận lớn nhất, gian nan nhất.
Vào ngày 6 tháng 12, 2023, nhà thơ, nhà văn, giáo sư văn học và nhà hoạt động xã hội được yêu mến người Palestine Refaat Alareer đã thiệt mạng trong một cuộc không kích từ Israel cùng với người anh, em gái và bốn đứa con của họ. Trong tuần để tang kể từ đó, những lời tri ân dành cho cuộc đời, sự nghiệp viết lách và các hoạt động nghệ thuật tích cực của Alareer đã tràn ngập khắp nơi trên thế giới. Nhiều lời tri ân được đăng cùng với bài thơ cuối cùng “Nếu tôi phải chết” được ông đăng trên Twitter của mình vào ngày 1 tháng 11 năm 2023. Cho đến nay, bài thơ chia tay như một điềm báo đau lòng của Alareer hiện đã được dịch sang hơn 40 thứ tiếng; được đọc trên các sân khấu thế giới và được viết trên các bức tường sân ga tàu điện; được in trên các biểu ngữ, bảng hiệu, cờ và diều, được giương cao trong các cuộc biểu tình đòi ngưng bắn trên khắp thế giới.
Nhà xuất bản của Ocean Vương trên Marketplace cũng như Ocean Vương trên Instagram của mình đã thông báo về cuốn tiểu thuyết mới sẽ được xuất bản vào tháng 6 năm 2025, Emperor of Gladness. “Emperor of Gladness” là cuốn tiểu thuyết thứ hai của Ocean Vương, “kể về một năm trong cuộc đời của một thanh niên ương ngạnh ở New England, người tình cờ trở thành người chăm sóc cho một góa phụ 82 tuổi bị mất trí nhớ, tạo nên câu chuyện về tình bạn. sự mất mát và mức độ chúng ta sẵn sàng mạo hiểm để đòi hỏi một trong những ân huệ quý giá nhất của cuộc đời: cơ hội thứ hai.”
Tuyển tập “9 Khuôn Mặt: 9 Phong Khí Văn Chương” của Bùi Vĩnh Phúc là những trang sách phê bình văn học độc đáo, nơi đây 9 người cầm bút nổi tiếng của Miền Nam – Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan, Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Xuân Hoàng, Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Tô Thùy Yên – được chiếu rọi trên trang giấy rất mực trân trọng, công phu, phức tạp, và nổi bật là kiểu phê bình văn học rất mực thơ mộng của họ Bùi.
Nhận được tin buồn nhà thơ Phan Xuân Sinh sau một cơn bạo bệnh, nhập viện vì bệnh tim mạch, hôn mê sau 10 ngày vô phương cứu chữa đã qua đời tại Texas ngày 28/2/2024. Thọ 76 tuổi...
Từ hồi trẻ, tôi đã có thói quen là những ngày giáp Tết thì bắt đầu chọn một vài bài nhạc xuân để nghe; và trong những ngày đầu năm thì sẽ đọc một cuốn sách. Thói quen “khai sách đầu xuân” có thêm một chi tiết khi tuổi quá độ “ngũ thập nhi tri thiên mệnh”: đọc một cuốn sách có chủ đề về Phật Giáo. Trong năm Giáp Thìn này, tôi chọn cuốn “Từ Mặc Chiếu Đến Như Huyễn” của một tác giả cũng tuổi con rồng: cư sĩ Nguyên Giác, cũng là nhà báo Phan Tấn Hải. Giới thiệu “tác giả, tác phẩm” dài dòng như vậy, nhưng đối với tôi, người viết đơn giản chỉ là anh Hải, một người anh thân thiết, đã từng có một thời ngồi gõ bàn phím chung trong tòa soạn Việt Báo ở phố Moran. Đọc sách của anh Hải, tôi cũng không dám “điểm sách” hay “phê bình sách”, vì có thể sẽ bị anh phán rằng “… viết như cậu thì chỉ… làm phí cây rừng thôi!” Bài viết này chỉ ghi lại một vài niềm hứng khởi khi được tặng sách, khi đọc qua cuốn sách mà cái tựa cũng đã chạm sâu thẳm vào những điều bản thân đang chiêm nghiệm.
Chúng ta thường được nghe nói, rằng mọi người đều bình đẳng trước Thượng Đế. Tuy nhiên, Thượng đế thì không ai thấy, nhưng có một thứ còn đáng sợ hơn nhân vật cổ sử đó (nếu thật sự là có Thượng Đế): đó là những trận mưa bom. Người dân Ukraine và Palestine ý thức rất rõ, vì đó là chuyện hằng ngày của họ: mọi người đều bình đẳng khi đứng dưới mưa bom. Già, trẻ, nam, nữ, trí thức, nông dân, nhà thơ, họa sĩ… đều bình đẳng: khi bom rơi trúng là chết. Cuộc chiến giữa người Palestine muốn giữ đất và người Israel từ nơi xa tới nhận phần đất mới do quốc tế trao tặng từ đất Palestine đã kéo dài nhiều thập niên. Bây giờ căng thẳng mới nhất là ở Gaza, cuộc chiến đang tiếp diễn giữa nhóm Hamas, thành phần chủ trương bạo lực của dân Palestine, và quân Israel. Trong những người chết vì bom Israel, có những người hiền lành nhất, đó là trẻ em và phụ nữ.
Thông thường khi nghe hai chữ “cô đơn” chúng ta liên tưởng đến trạng thái tinh thần yếm thế, tâm tư buồn bã, ngày tháng chán chường, thậm chí, cuộc đời trống rỗng. Có lẽ, vì ý nghĩa từ điển của từ vựng này; có lẽ, vì ảnh hưởng văn chương nghệ thuật; có lẽ vì chúng ta đã từ lâu tin như thế, mà không bao giờ đặt một nghi vấn nào. Đây là định nghĩa của “cô đơn” qua Bách thư toàn khoa Wikipedia: “Cô đơn là một trạng thái cảm xúc phức tạp và thường gây khó chịu, đáp ứng lại với sự cách ly xã hội. Cô đơn thường bao gồm cảm giác lo lắng về sự thiếu kết hợp hay thiếu giao tiếp với những cá nhân khác, cả ở hiện tại cũng như trong tương lai. Như vậy, người ta có thể cảm thấy cô đơn ngay cả khi xung quanh có nhiều người. Nguyên nhân của sự cô đơn rất đa dạng, bao gồm các vấn đề về xã hội, tâm thần, tình cảm và các yếu tố thể chất.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.