Hôm nay,  

Khói sóng trên sông

29/04/202314:33:00(Xem: 1889)
Truyện

DC_RungCam
Tranh Đinh Cường.

Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai…

(Tản Đà, dịch Hoàng Hạc Lâu)


*** 

 

Ngày cuối tuần nào cũng như ngày hội, đường phố khu thủ đô tỵ nạn nầy đông khách lạ lùng. Thiên hạ các vùng chung quanh đổ xô đến, thi đua cùng với du khách từ những tiểu bang khác về. Nam thanh nữ tú thướt tha. Áo quần màu mè đủ vẻ đủ dáng. Những tiếng cười dòn tan yêu đời khắp chốn. Quán ăn được mọi người chiếu cố tận tình. Tiếng ồn ào đầy ngập buổi làm tạo nên một âm giai đinh tai điếc óc Chuyên. Nhiều khi vừa bưng thức ăn ra tiếp đãi khách Chuyên vừa tự hỏi không biết mình có thể tiếp tục công việc một vài tháng nữa hay không. Chẳng nặng nề cực nhọc gì, tiền típ lại khá, nhưng sao như có vẻ gì đè nặng tâm tư. Nhìn cử chỉ của tục khách càng thêm chán ngán: ăn uống vung vải, tung tóe, tăm xỉa răng và thức ăn vụn vất đầy trên bàn, giấy lau tay bung thừa, đổ tháo. Lại còn ơi ới kêu gọi mỗi khi thấy bóng dáng nàng bưng thức ăn lên cho bàn khác. Như là những kẻ có quyền, như là những ông chủ bự. Nhiều anh còn cố gằng giương cổ kêu to như sợ thực khách chung quanh không nhận ra tiếng mình trong đám đông ồn ào.
     Thôi thế mới đúng là đời! Ru rú trong nhà làm sao hiểu được chuyện xảy ra trong xã hội lắm sự lạ lùng nầy. Muốn ai cũng mềm mỏng nhu mì như mình thì cái thế giới nầy hóa ra chỉ là thế giới của một loại người hay sao? Làm thân phận người bồi bàn mà khó chịu vì cử chỉ phàm phu của thực khách có mà tịch sớm, - tao từng có kinh nghiệm bồi bàn trong hai năm tao thấm thía cái nhọc nhằn của nghề, lượm mấy đồng tiền thiên hạ bỏ lại trên bàn cho mình cũng cười ra nước mắt lắm – câu nói của Trang tuy tếu một chút nhưng hàm chứa một chân lý: phớt lờ chuyện thiên hạ và bất cần sự hoàn toàn ở người khác. Hãy chấp nhận thế giới nầy như vậy đó, đừng đòi hỏi nó phải như thế nọ, thế kia theo ý mình.
     Bây giờ là giữa trưa. Quán ăn lại ồn ào hơn. Hầu hết các bàn lớn đã bị các ông anh-chú-bác chiếm. Nhớ loại danh từ nầy, Chuyên mỉm cười với mình, cái cười nhẹ thiệt nhẹ nhưng hình như mấy tô phở nàng đang bưng trên khay cũng cười theo, nước trong tô sóng sánh, mấy miếng thịt thái mỏng nằm chồng lên nhau được dịp nhấp nhô. Cái con nhỏ Trang coi vậy mà ác ghê, mấy cha già đáng tuổi chú bác mà vô đây cứ anh anh em em với các cô bồi bàn bị nó đặt chết cái tên là các ông-anh-chú-bác không nên thân mới cố gỡ gạc giờ chót cuộc đời bằng một vài danh từ để tự đánh lừa mình. Họ đương ba hoa chích chòe về chuyện chánh trị kim cổ đông tây, về những thành tích ngày xưa được phóng đại theo thời gian.
     Hồi đó có lần tụi Việt Công tung ra gần hai tiểu đoàn bao vây tụi tôi. Tụi nó tiền pháo hậu xung mấy chục lần trong hơn cả tháng. Tụi tui nằm dưới hầm dưỡng sức chờ cho tụi nó mệt, chun lên, phản công lại, tóm gọn, diệt trọn. Trận đó báo chí đăng quá trời…
     Hồi lúc tôi nắm Ty thuế vụ quận Năm, một bữa kia đi về nhà thấy hai hộp bánh bíscuit đầy nhóc vàng lá, hỏi ra mới biết mấy thằng Ba Tàu đem tới. Tôi la người nhà quá cỡ, biểu ngày mai tụi nó tới thì trả lại. Ăn của tụi nó thì phải làm theo tụi nó, đâu còn thể thống gì nữa. Dẹp….
     Chuyên nghe câu được câu mất, vâng quý chú, quý bác có những công lao và thành tích ngày xưa. Đáng trân trọng biết là bao! Chuyên và những người không may còn ở lại Việt Nam chỉ mong quý chú, quý bác lập được những thành tích tương tợ trong hoàn cảnh mới. Mỗi thời có những khó khăn riêng của nó, ước gì quý chú, quý bác bỏ cái gói hành trang thành tích quá khứ nặng nề trên vai xuống đi mà nhảy ra tranh đấu cho nhân quyền, cho quyền tị nạn, cho sự phản đối cưỡng bách hồi hương, cho những ý kiến chống bang giao…Dùng thời giờ đánh bóng lại hằng ngày một thành tích đã móc meo ngày xưa của mình các chú các bác không thấy kỳ cục quá hay sao? Vừa vô ích vừa như con lạc đà chở cục bứu quái dị trên lưng mà lúc nào cũng khen cục bứu mình đẹp.
     Một người nắm tay Chuyên- hơi mạnh khiến sắc mặt Chuyên đanh lại- ra vẻ như tình thân.
      “Dung nghĩ coi anh nói có phải không. Ngày xưa cái chết treo sợi tóc trên đầu anh, mấy thẳng nầy ngồi ở Saigòn nếu mà ăn hối lộ thì ngày nay đâu xứng đáng được ngồi ăn với anh, phải không? Tụi nó phải sao sao đó mới được ngồi chung bàn với anh chứ?”
     Chuyên cố gắng điều khiển bắp thịt mặt để tạo vẻ mỉm cười, ngó xuống chỗ cườm tay bị nắm, cánh tay thô bạo được tự động gở ra. Chuyên thường có những cử chỉ như vậy. Nàng dùng mắt để nói, để ra lệnh hơn là dùng lời.
     Tất cả đều là chuyện đã qua. Mấy chú mấy bác đều xứng đáng cả. Xứng đáng nên Trời Phật độ qua được cái ải bảy mươi lăm, được đến xứ này an lành. Xin phép mấy chú mấy bác có cần gì nữa cháu mang ra.
     “Cô Dung nói đúng và hay quá,” một người nào đó sợ mình bị quên cố nói lớn, tay cầm đũa quơ quơ, thật buồn cười. Bây giờ không phải là lúc so đo chuyện trong quá khứ. Mà thôi, xin cô Dung cho chúng tôi một lượt bia nữa. Mỗi người một lon. Uống nha anh em, nói chuyện xưa chẳng đâu vào đâu thêm mích lòng nhau. Chỉ tổ cho cô Dung cười mũi chúng mình thôi. Bàn tiệc chớ không phải là chỗ tranh hơn thua chuyên xưa cũ”.
     “Cô cười càng tốt, có sao đâu,” tiếng ai đó rất oai hùng, bất cần. “Người đẹp cười mình đỡ hơn là người xấu cười. Cười đi cô Dung, Tôi thích được ngắm cô cười”.
     Chuyên đếm người để khóa lại những lời tán tụng lả lơi có khuynh hướng càng lúc càng bành trướng.
     Năm, sáu, bảy…. Vậy là thêm bảy lon bia nữa”, nàng lấy lòng khách “ Xin các chú các bác đợi cho một chút, cháu sẽ đem ra ngay. Hôm nay khách đông quá, bốn người mà chạy bàn không xuể”.
     Vậy đó, tôi không biết tôi đang hành nghề gì đây. Thiên hạ lẫn lộn giữa một cô bồi bàn có bổn phận bưng dọn thức ăn cho thực khách và một cô gái bán bar trong các quán rượu Việt Nam ngày trước. Vậy đó những anh hùng về già, quên khuấy khoảng cách mười lăm năm đã qua, tưởng chừng đâu như mới hôm qua mình còn ngồi trên trước trong một dinh, một phủ nào. Tôi thông cảm với thái độ quên khuấy thời gian, lẫn lộn không gian của họ. Cha tôi cũng vậy, ông hay nói về chuyện oai hùng quá khứ của mình. Ông thường lập lại những điều mà bọn trẻ chúng tôi không muốn nghe vì quá xa lạ. Xa lạ về cả sự kiện lẫn thái độ của con người lúc đó. Hai thế hệ, hai hoàn cảnh vô cùng khác biệt, làm sao chúng ta có cùng một kỷ niệm mà quý vị già cứ bắt lớp trẻ chúng tôi nghe về những kỷ niệm của quý vị, những kỷ niệm, nói cùng mà nghe, vừa không thể kiểm chứng, vừa có tính cách tự cao tự đại về cá nhân mà ai nghe qua hai lần cũng chán.
     Chúng tôi không biết chuyện các ông Thủ Tướng, các ông Tổng Thống, các ông Tổng Trưởng cũ, chúng tôi cũng không biết tên các ông Tướng, ông Tá cũ, thế mà cha tôi mỗi lần có dịp là nhắc tới những tên tuổi xa lạ này, với một ánh mắt sáng ngời đáng tội nghiệp và một giọng nói bỗng nhiên cao hẳn lên. Chúng tôi những người lớn lên sau cuộc chiến đã chấm dứt. Những điều chúng tôi đối đầu khác xa một trời một vực với những điều các chú các bác phải đối đầu. Ngày trước các chúc các bác lạnh lùng giết nhau trong cái dửng dưng của không hận thù, ngày nay lạnh lùng làm khổ nhau đến chết trong bầu không khí tràn đầy thù hận âm ỉ. Các chú các bác mau chân nhanh tay chạy vọt qua đây đâu thấy chúng tôi bị hành hạ đủ điều đâu…
     Chuyên mở freezer lấy mấy chùm bia lạnh, Đằng kia ông chủ tiệm đang cằn nhằn một thằng Mễ, vì nó rửa rau quá lâu, quá kỹ, kỳ cọ từng gốc rau, từng bẹ lá, tốn thì giờ và tốn nước. Nàng nói khi bước ra ngoài, đụng mặt ông chủ.
     “Ông Tâm ơi, hết bia rồi đó nhá, gọi điện thoại kêu tụi nó đem lại là vừa đó”.
     “Cám ơn cô Chuyên, à quên nữa cô Dung, cô biết việc ghê”, ông chủ đương bừng bừng sát khí, mặt tươi rói ngay, giọng vừa ngọt vừa ởm ờ “ Sẵn bữa nay vợ tôi đi vắng cô lên làm bà chủ ngày nay đi nhe. Tập dần là vừa.”
     Đó cha thấy không, cha còn đẩy con vào hoàn cảnh phải đi làm nữa thôi? Cha chỉ lo ôm cái tiệm của cha, cha chỉ lo sao cho êm ấm gia đình mới của cha thôi. Cha quên tụi con rồi. Cha quên mình còn hai đứa con mới qua, đang cần mọi thứ tình thương tới những sự giúp đỡ nhỏ nhoi cần thiết để bước vào đời. Giống như cha bòn mót từ chút thời gian để riêng lo cho cái tiệm của riêng cha, thiên hạ ăn gian từ lời nói dối với con gái của cha, cha có biết không? Nếu con không làm công cho họ đời thuở nào họ dám nói ởm ờ kiểu đó. Mập béo gì mà phải gài nhau một vài chữ mới thỏa lòng? Người ta chỉ nghĩ đến cái sướng khoái của riêng mình mà quên nỗi chán chường và bẽ bàng của người khác.
     “Ông Tâm nói gì cơ ạ”. Chuyên lên giọng, biểu lộ việc không vừa ý của một cô gái đẹp làm nghiêm. Tôi nghe không rõ vì quán ồn quá!
      “Tôi muốn nhờ cô bữa nay quán xuyến giùm luôn cả chuyện order hàng và coi chừng tổng quát cửa tiệm vậy mà”, ông chủ tiệm phở đỏ mặt chống chế. “Thấy cô có vẻ biết chú ý tới những việc mà tiệm mình cần phải làm”
      “Ông Tâm chọn lầm người rồi”, Chuyên quyết liệt nhưng vẫn từ tốn trong lời nói. Tôi mới vô làm chưa quen hết chuyện chạy bàn làm sao rành nấy chuyện khác được. Ông Tâm chỉ định người khác đi.
      “Thấy em có khả năng tôi mới chỉ định”, ông chủ cố vớt vát. “Sao bao nhiêu người khác, tôi không nhắc đến?, Có nhiệm vụ mới có thêm tiền”.
      “Cám ơn ông Tâm, tôi chưa quen với mấy chuyện đó”, vừa dợm bước đi Chuyên vừa nói thêm với một nụ cười để không khí không quá nặng nề. “Nhưng hình như ông Tâm quên giao ước ban đầu của hai bên rồi đó nhe!”.
     Người chủ trở mặt tức thì, đôi mắt lạnh tanh, trở vè địa vị của người có tiền, có quyền.
      “Thôi mấy cái chuyện nhỏ mọn mình nói sau, bây giờ cô làm ơn ra hai cái bàn quen kía  xem họ có cần gì không. Nãy giờ tôi thấy hình như là họ giơ tay lên ngoắc nhiều lần rồi đấy. Bữa nay đông khách quá mà bà xã tôi lại bỏ đi làm tóc. Bực thiệt”.
     Chuyên chán nản quay ra. Bực thì bực. Nhưng đâu có nghĩa nhân dịp vợ đi vắng dở trò thả dê dò ý trước. Nếu tôi không phản đối ngay bây giờ thì ông ta đã tấn công hòa bình thêm. Tôi biết chắc chắn như vậy. Từ anh-em người lớn kẻ nhỏ đến anh-em bồ bịch đâu có bao nhiêu xa.
     Bên ngoài vẫn là không khí ồn ào muôn thuở. Vẫn là nguyên nhân để Chuyên thấy rằng mình không thuộc thế giới nầy. Thế giới của những bon chen, vụ lợi đủ cách. Tiếc rằng tôi giống tính mẹ, giống cung cách ở đời của mẹ nên không cảm thấy thoải mái khi lọt vào đây, và tôi cũng không thể dửng dưng bỏ qua coi như không có trước những điều trái ý.     Sao tôi không học được cách sống của con nhỏ Trang kia chứ? Coi đời như pha. Coi lời nói như gió thoảng. Coi một trăm cái nắm tay như bụi cát tắp vào. Có ai trách gió tạt vào mặt mình đâu? Mấy ai càm ràm về việc bụi lỡ bay lên tắp vào chân tay ta đâu? Tại tôi mang cái nề nếp Đông Phương trật thời khi xưa mẹ tôi đã nhồi nhét vào đầu óc lúc con bà còn non nớt ở bậc Tiểu Học mà bao nhiêu năm trời khó khăn trong cuộc sống ở bên kia vẫn không làm mờ phai hay méo mó đi được? Tại tôi không biết điều chỉnh nhân quan để phù hợp với cuộc đời mới bon chen bên này? Mà xét cho cùng cuộc đời này chỗ nào lại chẳng bon chen? Bon chen từ lời nói, cái va chạm, đến một chút tự hào, đó là chưa kể cái bon chen lớn nhất, tiền bac…
Vẫn những giọng thân tình mặc dầu Chuyên chỉ biết mặt mà không biết tên người đối thoại.
      “Dung cho anh ly cà phê đen.”
      “Dung cho anh xin cái muỗng, ớt trái.”
      “Dung lại đây anh order!”
      Dung! Dung! và Dung! Những khuôn mặt mang nụ cười nham nhở. Những hàm răng cáu bợn thức ăn. Những hơi thở nồng hơi bia xú với thực phẩm chưa kịp tiêu hóa, tạo thành mùi cám heo lâu ngày, chuyển mùi. Chuyên muốn đẩy bật tung những cái bàn trước mặt, Chuyên muốn gạt phắc những chúng sinh lô nhô chung quanh sang một bên để chạy mau về phòng mình nằm sải tay thở những hơi dài trút hết những ưu sầu, chán chường ra khỏi tâm tư. Bỏ hết. Quên hết.
      Tiếng ồn ào mỗi lúc một tăng. Chuyên quay cuồng, mệt mỏi. Chung quanh không còn ai nữa.
     Khoa đứng dậy khi Chuyên xách bóp bước ra khỏi quầy. Buổi tối tuy khách đã thưa thớt nhưng quán vẫn còn một hai bàn dở dang tiệc rượu. Những thực khách thanh niên nhiều thì giờ trước mặt để tiêu pha, không có quá khứ sau lưng để đè nặng.
     Gió lạnh và sương đêm khiến Chuyên rùng mình, nàng nói với Khoa
     “Em đi về một mình được rồi, đêm lạnh lẽo thật nhưng anh mất thì giờ quá nhiều chờ đợi còn thì giờ đâu học hành?”
     Khoa đi sát vào người yêu hơn.
     “Lạnh, mất thì giờ không thành vấn đề. Cái điều lo âu nhất ở anh là bản mặt nọng lợn của thằng chủ em. Nó ngó em theo cái chiều như ta đây là chủ toàn thể em, anh không chịu được cái nhìn đó”.
     “Thôi đi ông mãnh, Chuyên cố gắng nói giọng thiệt vui. Ngó hay nói, hay đụng thì đã mất đi chút nào kia chứ. Em biết giữ thân. Nếu có gì thì đã có gì ngay từ ở Việt Nam hay lúc rảnh rỗi nằm bên Phi kia. Còn bây giờ thì anh khỏi lo”.
     “Một trăm cô, cô nào cũng thế, nói thì hay lắm”, Khoa cười, anh hít hít vai mình vào vai bạn. “Nhưng rồi từng bước từng bước một…tới lúc nào đó xa người yêu”.
     Chuyên ngó lên bầu trời, ít khi có dịp ngó trời về đêm. Ánh sáng đô thị chói ngời tinh đẩu, sao cũng thường lặn vào trong mây, bữa nay lại có vài ngôi sao lấp lánh, đẹp thật, bầu trời đen mờ điểm một vài ngôi sao le lói. Nhưng sao tôi như những vì sao đơn lẻ kia? Càng lúc càng mờ đi, càng thấy chung quanh mình không ai tha thiết thiệt tình. Khoa. Khoa. Khoa là người yêu của tôi thật sao? Chưa bao giờ tôi thấy lòng mình rung động tuyệt cùng khi có Khoa bên cạnh. Cũng chưa bao giờ tôi thấy hé lên chút niềm yêu thương Khoa mà không có hình ảnh đáng thương của Hùng hiện lên cùng một lúc. Tôi chỉ thương hại anh mà thôi, anh biết không? Tôi chỉ cần anh để có người rước đèn. Tôi còn chưa biết nếu cha tôi bắt gả cho anh tôi sẽ phản ứng như thế nào đây. Sao mà tôi khổ quá vậy!
      “Anh khinh thường Chuyên thì được, anh khinh thường đàn bà coi chừng Hội Phụ Nữ đả đảo anh bây giờ. Đời mấy ai dám nói mình giữ mãi lời hứa. Hoàn cảnh khắc nghiệt lắm anh, qua đây lâu anh không tưởng tượng được những khó khăn của người khác đâu”.
      Khoa mở cho Chuyên một viên kẹo chocolat bọc rượu.
      “Anh thì anh tin tưởng lòng mình. Không yêu thì thôi. Nhưng yêu thì sống chết cho người yêu”.
      “Nhưng anh không tin tưởng người anh yêu?”
      … Em muốn nói người yêu của anh? Vâng tin em thì tin nhưng nhìn cái thằng cha Tâm anh muốn ứa gan. Mà em nên nghỉ làm nghề nầy đi thì vừa. Mấy thằng cha già ngồi cái bàn bảy tên anh ước sức muốn đục cho mỗi thằng một đục vô mặt”.
      “Họ chỉ ba hoa lỗ miệng thôi nhằm nhò gì”?
      “Hồi nãy thấy nó nắm tay em anh đã đứng dậy. Sau thấy nó buông ra anh mới yên bụng ngồi xuống”.
      Chuyên thúc cánh chỏ vào hông bạn, tưởng thưởng.
      “Mà cái thằng nhóc kêu em bằng Chuyên nầy Chuyên nọ, nó là ai mà coi bộ em thân mật với nó vậy? Khoa hỏi.
      “Đó là con bà Tư bán tạp hóa ở ngoài đầu ngõ hồi ở bên Việt Nam. Chuyên vừa nói vừa choàng tay qua hông Khoa. Nó mới theo gia đình qua đây tháng trước. Chị nó bảo lãnh cho cha mẹ, nó ở chung một hộ nên được đi theo. Gặp em ở đây nó mừng quá nhìn bà con chòm xóm vậy mà.  Cái ông nầy hỏi kỹ quá. Bộ sợ mất hả?
      Khoa kéo Chuyên đứng lại, đưa tay kéo cằm nàng lên. Đừng có thân mật với nó quá nhe. Như hồi nãy là coi không được đó, Nó cở tuổi của em.
      Tôi không ưa thái độ đó của Khoa. Anh tưởng nói như vậy là tôi cảm động vì anh quá yêu tôi hay sao? Yêu không phải vậy. Tôi cũng là người. Tôi có những cách xử thế tiếp vật theo cách tôi. Anh đứng ngoài nhìn bằng cặp mắt chủ nhân sợ bị mất cắp món đồ sở hữu làm cho tôi khó chịu quá anh biết không? Ngày sau nếu chẳng may mà thành vợ chồng anh ghen hơn nữa thì ai mà chịu nổi. Sang đây lâu rồi sao mà cổ hủ quá. Phải tin tưởng người mình yêu chứ!
     Chuyên giựt mạnh cằm mình ra, đi mau về phía chỗ đậu xe. Gió thổi bung mái tóc, nhiều sợi lòa xòa xuống trán cũng không buồn vén lên. Bực mình. Càng ngày càng thêm chuyện bực mình. Thằng cha chủ. Mấy thằng bồi và nấu ăn làm chung. Khách khứa. Bây giờ lại thêm Khoa. Tôi có phải là con người hay không chứ? Trong tất cả những người đó có ai coi tôi thật sự là con người không, hay đối với họ, tôi chỉ là một viên ngọc quý cần phải bỏ vô túi cho chắc chắn? Quý cách mấy tôi cũng không muốn làm viên ngọc. Tôi chỉ muốn làm con người mà thôi, một con người thật sự, có đầy đủ tự do. Tự do trong suy nghĩ và trong hành động.
     Cho hai tay vào túi, Khoa lủi thủi đi theo sau. Hình như lúc nầy Chuyên dễ giận hờn. Có điều gì thay đổi trong tâm tư một cô gái, tạo nên hai thái độ khác biệt, khi còn ở trong nhà với khi nàng bước vào đời, dầu chỉ một bước thật ngắn. Bây giờ Chuyên không còn nụ cười tươi như trước, giọng nói lại chua chát. Sóng đời đã cuốn tâm tình nàng xa dần tôi rồi hay sao?
     Những vì sao trên trời đã tắt. Chuyên mở bóp tìm xâu chìa khóa, không nói một lời. Khoa đứng bên nàng theo dỏi từng cử chỉ. Xót xa. Cách biệt.
           
***
           
Nhưng rồi đến Mỹ tôi bị cuốn hút theo vào đời sống bận bịu. Mấy tháng đầu mỗi tuần một thơ, rồi cả tháng mới viết nỗi nửa trang, ba tháng nay chưa viết đước chữ nào. Tình yêu trong tôi không giảm, nhưng sự mời mọc chờ đón của Khoa, chiếm hết thời gian để nhớ về, lấp đầy kín lòng, không còn chỗ cho nỗi mong chờ. Tôi có đời sống mới, vẫn tôn thờ đời sống cũ trong tâm, nhưng không thể sống mãi với u sầu để thành quả phụ héo khô chờ đợi người tình. Tôi chưa có gì với Khoa, chỉ giao thiệp bạn bè của đời sống văn minh: bowling, nghe ca nhạc, đi khiêu vũ, dự party, shopping. Ở đâu chúng tôi cũng tươi cười giới thiệu nhau như bạn thân và luôn luôn tôi nói bóng gió cho mọi người biết trong tim tôi hình ảnh Hùng còn ở Việt Nam không thể xóa nhòa, không thể thay thế.
      Tình cảm tôi giả dối với lòng tôi. Chạy theo đời mới nhưng mặc cảm với đời cũ? Tôi níu kéo quá khứ như một cái phao ngăn chặn đời chìm xuống dưới muôn trùng lớp sóng của những cuộc vui sang trọng, chói lòa mà tôi không thể tưởng tượng ra được khi còn ở Việt Nam. Tôi thích đọc thơ của Hùng, ngấu nghiến những câu tình tứ yêu thương gởi từ tận bên kia trời xa thẳm. Tôi hãnh diện vì được nhớ, được thương nhưng tôi cũng vui thích khi được Khoa đón, Khoa đưa. Tôi cho là chuyện đương nhiên khi được Khoa mời mọc, quí trọng. Những lần va chạm tay ban đầu tình cờ không tính toán, những lần nắm tay tha thiết cố tình, những bàn tay dìu hông âu yếm Tây phương xóa tan trong tôi lúc đó, những điều thiết tha đã viết cho người yêu bên kia trời. Tôi quên, Tôi cổi lớp. Tôi đứt đoạn với quá khứ, để thành tôi, Chuyên của hiện tại.
      Lắm đêm, một mình trước bàn học, đứa em nhỏ đã cong lưng ôm con gấu ngủ ngon lành, tôi phân tách lòng mình và ước ao Hùng bỏ cuộc, quên tôi để tôi đỡ gánh gánh nặng mặc cảm phản bội. Tôi sống trong sự mâu thuẫn thường trực, miệng lòng nói không yêu, nhấn mạnh trên tư cách bạn bè, nhưng nhận lời đi đây đó. Viết thư kể lễ nhớ nhung, nhưng khi buồn bực tôi quên tất cả để quăng mình vào từng từng lớp lớp bủa vây của hiện tại. Tôi biện minh cho cha. Ai có hoàn cảnh quyến rũ mới mà không bỏ cuộc sau những năm tháng vô vọng đợi chờ? Tôi còn vậy, huống chi cha, đàn ông đang ở tuổi trung niên. Biện hộ như để gỡ tội mình. Thông cảm như xóa tan mặc cảm tội lỗi khi được mời mọc cầu xin.
      Thơ nhỏ Bình tới đúng lúc, chỉ chờ có vậy, không trách phiền.  Hùng có lý do, người yêu nghèo khổ trong vòng tay vẫn hơn một bóng hình sang trọng nhưng xa xôi diệu viễn, mờ nhạt khói sương không biết bao giờ trở thành hiện thực. Và biết đâu được biến thiên của cuộc đời? Yêu nhau ngày xưa, tình ý vô vàn ngày trước, đồng ý. Nhưng tình yêu như một sinh vật sinh ra, trưởng thành, sinh lực lên đến cực độ rồi héo tàn nếu không được vun phân tưới nước. Biết bao nhiêu cuộc tình tàn úa quanh tôi mặc dầu hai người yêu ở cạnh bên nhau, huống hồ gì thời gian cách trở, không gian muôn trùng. Tôi không tin tôi. Tại sao tôi bắt Hùng ấp ôm hy vong? Chuyện phải vậy thôi. Trách phiền chỉ làm khổ mình vô ích. Tôi sẽ gởi về một món quà gì đó rất có ý nghĩa nói lên sự thông cảm, tha thứ và có tác dụng gợi ý về cuộc tình ngày trước. Hùng sẽ nghĩ tới sự rộng lượng của tôi, sẽ an tâm xây đời đời nhưng lòng anh luôn luôn nhớ, phục tôi. Và tôi khỏi thắc mắc gì về những điều tôi làm bên này. Gánh nặng trút xuống ngon lành. An tâm, thoải mái.
     Tôi lấy giấy mực ra, định viết một bức thư thật cao cả, thật tình tứ, thật cảm thông, bỗng nhiên nước mắt từ vực sâu đau khổ tràn ra không thể cầm được. Thế là chấm dứt cuộc tình, thế là bay bỗng khung trời cũ trong đó tôi e ấp nhận với nỗi bàng hoàng thích thú nụ hôn đầu đời ở khu Đức Mẹ Fatima bên Bình Triệu, tiếp theo là những nụ hôn nồng cháy rung động toàn thân ở hồ tắm Đại Đồng, ở trong khu vườn chỗ cư xá Thanh Đa, một ngôi chùa vắng ở vùng Thủ Đức. Quá khứ bị vùi chôn ngay khi Hùng chia tay tôi ở chợ Sài gòn, đứng nhìn tôi bên dưới, tôi ngồi trên xe bus nước mắt lưng tròng. Quá khứ đã bị hòa tan theo thời gian và sự xa cách. Hùng có lý do để bỏ cuộc. Tôi chắc đâu mình vững lòng chờ đợi. Hòn đá Vọng Phu ngày xưa có được trạng thái vững tin, biến niềm tin về người yêu, người chồng- và cả chính mình- thành đá chắc là bên trong tâm hồn người cô phụ đáng thương kia đã trãi qua những trận chiến kinh hoàng và tôi chắc chắn rằng nàng đã được hổ trợ bằng những cặp mắt dòm ngó, nghi kỵ của những người chung quanh và được bảo vệ bằng cuộc sống nghèo nàn, đơn giản. Tôi, tôi không có những thứ khí giới cần thiết đó ở đây. Tôi bị đẩy xô để làm như thiên hạ, sống theo cuộc đời vật chất mới, quần mới áo và những cuộc vui kích động của lứa tuổi tôi. Hùng không lỗi khi xé tan khẩu ước cuộc tình. Tôi không có lỗi khi chỉ là một con vật nhỏ dật dờ theo con sóng đời trôi dạt. Nhưng sao tôi nghe muôn ngang đổ vỡ tàn khốc trong hồn, nghe hụt hẫng như mình không còn quá khứ, hôm qua được sanh ra và hôm nay là tôi của hiện tại, tâm hồn trống không….
      Chuyên đứng dậy xếp ngay ngắn mấy cuốn sách. Những cuốn sách thần diệu hóa giải những giờ phút trong rừng mơ mộng về quê cũ và về cuộc tình, giờ trở thành trơ trẻn lảng nhách. Bức thư mới viết được mấy dòng vẫn còn đó trước mắt nhưng không thể nào hoàn thành hôm nay. Lạ lùng. Chuyện bao lâu nay mong chờ xảy ra, giờ xảy đến lại nghe bùi ngùi. Một cảm giác vừa thoải mái, nhẹ nhàng vừa bực bực nho nhỏ hòa lẫn nhau kéo theo những giọt nước mắt và nụ cười nhếch môi.
      “Mẹ ơi! Chuyên kêu lên nho nhỏ. “Mẹ không hiện diện tại đây để con hỏi phải hành động thế nào cho đúng. Mẹ ở xa quá con không kể lễ được nỗi niềm. Ra đi cảm thấy cuộc tình bay bỗng, quê người con chỉ còn kỷ niệm làm món tài sản cuối cùng, giờ kỷ niệm cũng bay theo hoàn cảnh thực tế của người yêu. Mẹ! Tại sao mẹ không qua đây sớm để con được gục đầu vào vai khóc cho vơi nỗi niềm u uất?
      Chuyên đưa tay vặn tắt đèn. Ánh sáng vàng vọt từ một ngọn đèn đường phía xa xa chỉ đủ giúp Chuyên đi lại khoanh mình trên nệm. Trong bóng đêm, Chuyên nghe tiếng thở dài của mình cùng nhịp với hơi thở mạnh chìm sâu trong giấc mơ của đứa em cùng cha khác mẹ.
      “Thôi thế cũng xong! Cho qua luôn”, nàng nói như để an ủi mình. Khỏi bận tâm, bận lòng. Rồi với thời gian mọi chuyện sẽ vào quên lãng, tới già, con cháu đàn đống sống đời tha hương viễn xứ, có nhớ về những kỷ niệm đời mình cũng sẽ quay lưng lại, không dám lục lọi vào trong sâu cùng của ký ức. Còn Hùng sẽ lụm khụm với gánh nặng nghèo khó ở vùng trời xa. Một lúc nào đó người nầy nhớ đến người kia chỉ còn chép miệng than thầm cho quá khứ, xa xưa, duyên mà không nợ…
      Tiếng xe lửa hú lên một hồi còi não nuột trong đêm vắng. Và Chuyên bật khóc. Tiếng khóc nghe rõ mồn một giữa khuya, sụt sùi... Gường bên cạnh đứa em nhỏ cựa mình, ú ớ.
 
Buổi tối LA nhộn nhịp đầy ánh đèn. Ánh đèn giăng mắc trên không soi sáng một vùng trời, ánh đèn trải dài bất cứ một xa lộ nào bằng hàng hãng dãy dãy xe cộ. Ba tháng nay mình ở trong thân thể con quái vật lân tinh khổng lồ kỳ dị đó. Lái xe mà Vũ tự hỏi sao lại có cái xứ dân đông như vậy, mà giàu sang như vậy, xài bất cứ thứ gì cũng phủ phê không tiết kiệm, hay là nhà nước càng cho dân chúng xài thả cửa thì dân chúng càng mau làm giàu. Chẳng bù lại những cấm đoán tiết kiệm trồng lên cổ dân chúng bao nhiêu thì dân chúng càng nghèo khổ bấy nhiêu. Vũ cười cười, mình ở đây nhưng thuộc thành phần khác nên không giàu. Chạy cơm chạy gạo nên không thấy thành phố về đêm bao giờ, cũng không thấy dạng tươi tắn của nó lúc ngày mới lên, có chăng là một hai lần thấy nó vào lúc trời bắt đầu chiều với hàng ngàn dãy xe bò thật chậm ra khỏi thành phố... Lấy lối ra khỏi xa lộ vào một khu phụ cận gần xóm Mễ, Vũ về nhà. Những căn nhà chung quanh u tối, phần nhiều đèn phía trước, không được thắp hay leo lét những bóng nhỏ mù mờ. Sự tồi tàn nghèo khổ có thể thấy được ngay trên hình thức tiêu thụ ánh sáng và tình trạng vệ sinh ở hai bên vệ đường. Như thường lệ, Vũ đậu xe dưới lòng đường. Hôm nay ngày chẵn, đậu phía bên tay mặt. Vũ nghĩ thầm, như vậy càng dễ, khỏi lo thức dậy sớm dời xe cho người ta quét đường. Xách cái hộp đựng thức ăn trưa, Vũ bước mau lên con đường dẫn vào nhà bằng phía cửa hông. Trước khi tra chìa khóa vào ổ, Vũ tiếc trách mình đã không ngừng lại nơi nào đó mua vài miếng gà chiên về cho Martha. Chắc giờ này nàng chưa ngủ. Mấy tháng nay đi lúc mặt trời sắp mọc mình có dành chút thì giờ nào cho Martha đâu. May quá hôm nay thằng trưởng toán cho cả đoàn biết phải về nửa chừng vì hết việc bất thình lình. Vậy là sướng rồi. Mới biết thời học sinh không có tiền vậy mà quí, mà tiên. Ra trường đi làm tuy rủng rỉnh nhưng phải gánh trên đầu bao nhiêu là trách nhiệm. Mở cửa ngõ vào nhà Vũ tưởng tượng ra đôi mắt đen lánh tròn to biểu lộ sự ngạc nhiên vô cùng của người yêu. Nhà vắng, chỉ có ánh đèn trong phòng mình. Vậy là Martha còn thức. Sao lại có tiếng xù xì, chắc nó lại bê cái ti vi nhỏ mượn của thằng em coi phim trễ rồi. Vũ muốn làm vợ ngạc nhiên hơn nên tra thật nhẹ chìa khóa vào cửa. Tiếng tách vừa nổi lên thì cũng là lúc đèn trong phòng chợt tắt ngấm và có tiếng động như người phóng ra ngoài cửa sổ đã mở sẵn. Vũ nghe tim mình se thắt như là có muôn ngàn lưỡi dao đâm vào thân thể. Chắc một tên lưu manh nào đã thừa lúc Martha ngủ mê để cửa nên vào trộm. Không biết nó có làm gì bậy không
      “Martha, Martha…em có sao không? Vũ kêu thảng thốt.
      Có tiếng ú ớ…Vũ tìm nút bật đèn. Chưa quen lắm với vị trí chính xác của chỗ bật đèn nên cả phút sau ánh sáng mới trở về căn phòng. Martha đó, nàng thu mình co ro trong chiếc khăn trải giường.
      Vũ chợt hiểu…chẳng có trộm đạo gì, chỉ có người vợ khác màu da trao tình yêu của nàng cho một người nào đó. Vũ muốn bạt tai vợ, con nhỏ từng thốt ra bao nhiêu lời âu yếm trên cặp môi mọng của khuôn mặt tiên nữ ngây thơ. Bây giờ cũng chính nơi đó cho người ta hút mật mà Vũ thường nói mình may mắn là người độc nhất được hưởng và cũng là nguyên động lực khiến Vũ tận lực lăn xả vào đời bương chải. Sao lại có chuyện lạ như vậy chớ? Bầu đã bốn tháng rồi, bụng cũng đã thấy rõ ràng sao còn đành làm khổ đứa con còn trong trứng nước, sao đành quên người yêu của mình thức suốt đêm để lo cho tương lai, sao có người lại chịu dan díu với thiếu phụ đã có chồng và đang mang mển. Sung sướng gì? Phải chi không thấy cái bụng u u thì chạy theo cũng còn khả dĩ. Vũ chửi thề bằng tiếng Việt, đ.m. tao giết mầy, nhưng rồi lại thấy mình vô lý, giết Martha người phản bội đã đành nhưng cũng là giết luôn đứa con chưa có dịp thấy vũ trụ này và nhất là mình phải giết mình sau đó. Vô lý! Không thể đốt tan đời ba người chỉ vì hành động ham hố của một người dưng nước lã không liên quan chi tới mình.
      “Martha, em điên rồi” Vũ nói với Martha bằng cặp mắt ráo hoảnh khi kềm sự tức giận xuống. “Dầu thấy tận mắt anh cũng không thể tưởng tượng được chuyện xảy ra”.
     Khuôn mặt Martha thật xanh, hai hàng nước mắt lăn nhỏ xuống. Vũ thấy mình như đoán sai về những diễn biến vừa rồi. Để giải quyết điều nghi ngờ, mà trong thâm tâm Vũ muốn mình nghi ngờ sai. Vũ giật mạnh tấm khăn trải gường ra khỏi thân thể Martha. Anh quay đi, thân thể đó đã phơi bày lồ lộ. Trắng đó, mắt đó, nhưng sao dơ dáng, dại hình. Vậy mà còn để đèn cho được! Chắc là chịu nhau hết mình nên muốn hưởng luôn khoái cảm bằng thị giác. Vũ lầm lì móc trong túi ra bao nhiêu tiền anh có, để lên trên bàn ngủ rồi sửa soạn quần áo đem ra xe. Tiếng khóc của Martha thút thít kể lễ rằng đây là lần đầu, nó là người yêu lúc hai đứa mới bước vào trung học, nó cạy cửa sổ vào ẩu không được sự đồng thuận. Vũ nghe tiếng được tiếng mất. Hành động sai quấy nào cũng có lý lẽ biện minh. Tội lỗi tày trời nào cũng có những điểm ngay tình. Thôi tôi không muốn nghe nữa, đừng làm tôi sôi máu. Và đừng thị tôi như đứa con nít lên năm.
     Cha mẹ Martha lấp ló trước cửa phòng, tiếng hai vợ chồng già xì xào Vũ không hiểu gì nhưng cũng thầm biết họ đang trách con. Vẫn thấy mình nên tùng theo cơn giận để khỏi chào, khỏi phân bua giả biệt. Vô ích thôi.
     Trên đường xuôi nam về Orange County, Vũ như đi trong mộng, như lạc vào cõi sương mù. Xe qua khỏi ngã rẽ vào phi trường đã lâu mà Vũ vẫn còn bàng hoàng. Trí anh đọng lại. không đủ sáng suốt để biết mình phải làm gì.
     Vậy là những dự định tương lai, viễn ảnh một cuộc đời cực nhọc nhưng thắm đượm tình thương yêu phải tan lìa. Vô lý là bước ngoặc cuộc đời mình lại tùy thuộc một yếu tố không phải do mình quyết định, vô lý là mình cực khổ lo tương lai hai đứa thì người vợ lại tàn phá đi một cách không tiếc thương. Vũ nhớ tới lời chị Chuyên cách đây mấy tháng trong điện thoại ngụ ý ngăn chận một cuộc hôn nhân dị chủng. Có thể chị Chuyên chỉ nghĩ đến những vấn đề không hòa hợp ngôn ngữ, khác biệt văn hóa cũng như sự khó tương thông giữa hai đàng, nhưng không thể nào chị Chuyên có thể ngờ đến hành động kỳ hoặc của người đàn bà khi lấy chồng dị chủng. Vũ chớp mắt cố xua đi nỗi buồn thì lại nhớ đến giọt máu của mình trong bụng Martha. Bỏ đi thì dễ, không liên lạc với nó thì dễ. Chuyện pháp lý về đứa con hay chuyện pháp lý về tình trạng vợ chồng của hai đứa cũng dễ, nhưng quên một giòng máu của mình trong bụng một người đàn bà mà mình chắc rằng sẽ lăng nhăng tình ái không phải là chuyện dễ dàng.
      Trước mắt Vũ hiện lên hàng đàn thân thể gầy yếu trơ xương của biết bao đứa trẻ không cha, đứng chầu chực kế bên bàn ăn của người dư tiền khi Vũ còn ở Sài gòn. Chúng có thể còn khá hơn con Vũ sau nầy vì may mắn được mẹ Việt Nam chăm sóc. Còn Martha mới mười chín tuổi đã vậy…

 

– Nguyễn Văn Sâm

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Vào ngày 6 tháng 12, 2023, nhà thơ, nhà văn, giáo sư văn học và nhà hoạt động xã hội được yêu mến người Palestine Refaat Alareer đã thiệt mạng trong một cuộc không kích từ Israel cùng với người anh, em gái và bốn đứa con của họ. Trong tuần để tang kể từ đó, những lời tri ân dành cho cuộc đời, sự nghiệp viết lách và các hoạt động nghệ thuật tích cực của Alareer đã tràn ngập khắp nơi trên thế giới. Nhiều lời tri ân được đăng cùng với bài thơ cuối cùng “Nếu tôi phải chết” được ông đăng trên Twitter của mình vào ngày 1 tháng 11 năm 2023. Cho đến nay, bài thơ chia tay như một điềm báo đau lòng của Alareer hiện đã được dịch sang hơn 40 thứ tiếng; được đọc trên các sân khấu thế giới và được viết trên các bức tường sân ga tàu điện; được in trên các biểu ngữ, bảng hiệu, cờ và diều, được giương cao trong các cuộc biểu tình đòi ngưng bắn trên khắp thế giới.
Nhà xuất bản của Ocean Vương trên Marketplace cũng như Ocean Vương trên Instagram của mình đã thông báo về cuốn tiểu thuyết mới sẽ được xuất bản vào tháng 6 năm 2025, Emperor of Gladness. “Emperor of Gladness” là cuốn tiểu thuyết thứ hai của Ocean Vương, “kể về một năm trong cuộc đời của một thanh niên ương ngạnh ở New England, người tình cờ trở thành người chăm sóc cho một góa phụ 82 tuổi bị mất trí nhớ, tạo nên câu chuyện về tình bạn. sự mất mát và mức độ chúng ta sẵn sàng mạo hiểm để đòi hỏi một trong những ân huệ quý giá nhất của cuộc đời: cơ hội thứ hai.”
Tuyển tập “9 Khuôn Mặt: 9 Phong Khí Văn Chương” của Bùi Vĩnh Phúc là những trang sách phê bình văn học độc đáo, nơi đây 9 người cầm bút nổi tiếng của Miền Nam – Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan, Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Xuân Hoàng, Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Tô Thùy Yên – được chiếu rọi trên trang giấy rất mực trân trọng, công phu, phức tạp, và nổi bật là kiểu phê bình văn học rất mực thơ mộng của họ Bùi.
Nhận được tin buồn nhà thơ Phan Xuân Sinh sau một cơn bạo bệnh, nhập viện vì bệnh tim mạch, hôn mê sau 10 ngày vô phương cứu chữa đã qua đời tại Texas ngày 28/2/2024. Thọ 76 tuổi...
Từ hồi trẻ, tôi đã có thói quen là những ngày giáp Tết thì bắt đầu chọn một vài bài nhạc xuân để nghe; và trong những ngày đầu năm thì sẽ đọc một cuốn sách. Thói quen “khai sách đầu xuân” có thêm một chi tiết khi tuổi quá độ “ngũ thập nhi tri thiên mệnh”: đọc một cuốn sách có chủ đề về Phật Giáo. Trong năm Giáp Thìn này, tôi chọn cuốn “Từ Mặc Chiếu Đến Như Huyễn” của một tác giả cũng tuổi con rồng: cư sĩ Nguyên Giác, cũng là nhà báo Phan Tấn Hải. Giới thiệu “tác giả, tác phẩm” dài dòng như vậy, nhưng đối với tôi, người viết đơn giản chỉ là anh Hải, một người anh thân thiết, đã từng có một thời ngồi gõ bàn phím chung trong tòa soạn Việt Báo ở phố Moran. Đọc sách của anh Hải, tôi cũng không dám “điểm sách” hay “phê bình sách”, vì có thể sẽ bị anh phán rằng “… viết như cậu thì chỉ… làm phí cây rừng thôi!” Bài viết này chỉ ghi lại một vài niềm hứng khởi khi được tặng sách, khi đọc qua cuốn sách mà cái tựa cũng đã chạm sâu thẳm vào những điều bản thân đang chiêm nghiệm.
Chúng ta thường được nghe nói, rằng mọi người đều bình đẳng trước Thượng Đế. Tuy nhiên, Thượng đế thì không ai thấy, nhưng có một thứ còn đáng sợ hơn nhân vật cổ sử đó (nếu thật sự là có Thượng Đế): đó là những trận mưa bom. Người dân Ukraine và Palestine ý thức rất rõ, vì đó là chuyện hằng ngày của họ: mọi người đều bình đẳng khi đứng dưới mưa bom. Già, trẻ, nam, nữ, trí thức, nông dân, nhà thơ, họa sĩ… đều bình đẳng: khi bom rơi trúng là chết. Cuộc chiến giữa người Palestine muốn giữ đất và người Israel từ nơi xa tới nhận phần đất mới do quốc tế trao tặng từ đất Palestine đã kéo dài nhiều thập niên. Bây giờ căng thẳng mới nhất là ở Gaza, cuộc chiến đang tiếp diễn giữa nhóm Hamas, thành phần chủ trương bạo lực của dân Palestine, và quân Israel. Trong những người chết vì bom Israel, có những người hiền lành nhất, đó là trẻ em và phụ nữ.
Thông thường khi nghe hai chữ “cô đơn” chúng ta liên tưởng đến trạng thái tinh thần yếm thế, tâm tư buồn bã, ngày tháng chán chường, thậm chí, cuộc đời trống rỗng. Có lẽ, vì ý nghĩa từ điển của từ vựng này; có lẽ, vì ảnh hưởng văn chương nghệ thuật; có lẽ vì chúng ta đã từ lâu tin như thế, mà không bao giờ đặt một nghi vấn nào. Đây là định nghĩa của “cô đơn” qua Bách thư toàn khoa Wikipedia: “Cô đơn là một trạng thái cảm xúc phức tạp và thường gây khó chịu, đáp ứng lại với sự cách ly xã hội. Cô đơn thường bao gồm cảm giác lo lắng về sự thiếu kết hợp hay thiếu giao tiếp với những cá nhân khác, cả ở hiện tại cũng như trong tương lai. Như vậy, người ta có thể cảm thấy cô đơn ngay cả khi xung quanh có nhiều người. Nguyên nhân của sự cô đơn rất đa dạng, bao gồm các vấn đề về xã hội, tâm thần, tình cảm và các yếu tố thể chất.
Vào những ngày cuối năm 2023, khi mà người Mỹ bắt đầu chuẩn bị cho những bữa tiệc Giáng Sinh, năm mới, bàn tán chuyện mua sắm, thì chiến sự giữa Isarel và Hamas chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Trên vùng đất thánh của cả ba tôn giáo lớn, những kiếp người lầm than chỉ mong có một ngày hòa bình, một ngày không bom đạn. Cũng vào những ngày cuối năm 2023, người Mỹ bắt đầu nhìn thấy một viễn cảnh Ukraine bị bỏ rơi, phải chấp nhận đổi đất lấy hòa bình. Nhiều người Việt cho rằng Ukraine sắp là một Việt Nam Cộng Hòa khác, một đồng minh bị Mỹ bỏ rơi, nhưng sau một thời gian có thể nhanh hơn nhiều.
Vào ngày 6 Tháng 12, giới truyền thông Mỹ đồng loạt đưa tin Taylor Swift, nữ ca nhạc sĩ đầy tài năng, được tạp chí Time vinh danh là “Nhân Vật Của Năm 2023” (Person of The Year). Đây là lần đầu tiên một ca nhạc sĩ được bình chọn danh hiệu giá trị này, càng nhấn mạnh thêm sự thành công và sức ảnh hưởng của cô gái hát nhạc pop-đồng quê. Trước đây, nhiều nhân vật được Time chọn từ năm 1927 là các tổng thống Hoa Kỳ, những nhà hoạt động chính trị lỗi lạc.
Bốn câu thơ này được bố tôi (nhà văn Doãn Quốc Sỹ) ghi lại như một giai thoại văn học, làm lời tựa cho tác phẩm Mình Lại Soi Mình. Bố tôi kể rằng khoảng năm 1984, phong trào vượt biên đang rầm rộ. Một người bạn mới gặp đó, mà hôm sau đã vượt biên rồi! Vào một ngày đẹp trời, bố tôi đạp xe từ Sài Gòn qua Làng Báo Chí bên kia cầu xa lộ để thăm chú Nguyễn Đình Toàn. Đến giữa cầu thì thấy chú đang đạp xe theo chiều ngược lại, cũng định đến thăm mình ở căn nhà hẻm Thành Thái. Hai người bạn gặp nhau giữa cầu. Có lẽ chú Toàn đã nhìn những cánh đồng lúa bên Thủ Thiêm, tức cảnh sinh tình, ngẫu hứng làm ra bốn câu thơ này.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.