
Hôm Thứ Tư, 26 tháng 4 năm 2023, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã có cuộc điện đàm đầu tiên kể từ khi chiến sự Nga-Ukraine nổ ra. (Nguồn:YouTube)
BẮC KINH – Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói chuyện với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy lần đầu tiên kể từ khi chiến sự Nga-Ukraine nổ ra, theo tin Reuters.
Zelenskiy cho biết cuộc điện đàm “dài và có ý nghĩa,” báo hiệu cơ hội mở ra mối quan hệ gần gũi hơn với người bạn quyền lực nhất của Nga, đồng thời bổ nhiệm một cựu Bộ trưởng nội các làm đại sứ mới của Ukraine tại Bắc Kinh.
Tập cũng nói với Zelenskiy rằng Trung Quốc sẽ cử đại diện đặc biệt tới Ukraine và tổ chức các cuộc đàm phán với tất cả các bên đang mong muốn hòa bình.
Zelenskiy cho biết có “cơ hội sử dụng quyền lực chính trị của Trung Quốc để củng cố các nguyên tắc và quy tắc để xây dựng hòa bình.” Ông nói thêm: “Ukraine và Trung Quốc, giống như phần lớn tuyệt đối của thế giới, đều quan tâm đến sức mạnh chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia.”
Zelenskiy cũng cho biết Tập đã bày tỏ “những lời ủng hộ” đối với việc gia hạn thỏa thuận xuất cảng ngũ cốc của Ukraine từ các cảng ở Biển Đen. Phía Moscow tuyên bố hiệp ước sẽ không được gia hạn sau ngày 18 tháng 5, trừ khi phương Tây cũng gỡ bỏ những trở ngại đối với xuất cảng ngũ cốc và phân bón của Nga.
Tập Cận Bình đã đến thăm Moscow vào tháng trước. Kể từ tháng 2, Tập đã thúc đẩy một kế hoạch hòa bình gồm 12 điểm. Tập nói với Zelenskiy rằng Trung Quốc sẽ tập trung vào việc thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình và nỗ lực ngừng bắn càng sớm càng tốt.
Tòa Bạch Ốc hoan nghênh cuộc điện đàm nhưng cho biết còn quá sớm để nói liệu nó có thể dẫn đến một thỏa thuận hòa bình hay không.
Văn phòng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết Macron đã thúc đẩy Tập điện đàm với Zelenskiy trong chuyến thăm Bắc Kinh vào tháng này.
Các viên chức Ukraine từ lâu đã kêu gọi Bắc Kinh sử dụng ảnh hưởng của mình với Nga để giúp chấm dứt chiến tranh. Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một thỏa thuận hợp tác “không giới hạn” vài tuần trước khi chiến sự nổ ra.
Kể từ đó, Trung Quốc đã lên án các biện pháp trừng phạt dành cho Moscow nhưng cũng chẳng công khai ủng hộ Nga trong cuộc chiến với Ukraine. Trung Quốc cũng đã trở thành đối tác kinh tế lớn nhất của Nga, mua hết lượng dầu mà nước này không còn bán cho Châu Âu.
Trong những tháng gần đây, Washington cho biết họ lo lắng về việc Trung Quốc có thể cung cấp vũ khí hoặc đạn dược cho Nga. Phía Bắc Kinh đã phủ nhận mọi kế hoạch như vậy.
Trung Quốc nói rằng họ sẵn sàng giúp hòa giải vì họ không đứng về bên nào. Tuy nhiên, các nước phương Tây cho rằng đề xuất hòa bình của Trung Quốc quá mơ hồ, không vạch ra con đường cụ thể nào để thoát khỏi chiến tranh.