Chính luận
Trước thềm Hội nghị Trung ương lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ khóa đảng XIII (2021-2026), Ban Tuyên giáo đảng đã chỉ đạo báo chí phải kiên quyết “bảo vệ tư tưởng đảng”. Theo Trung ương, tư tưởng Đảng bao gồm chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đã được chọn làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động. Vì vậy, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng được coi là nhiệm vụ sống còn, liên quan trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ, vì vậy đây chính là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng của cả hệ thống chính trị trong giai đoạn hiện nay”. (Theo Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, ngày 12/09/2022).
Nhưng tại sao phải “bảo vệ”?
Bởi vì đã có “một số không nhỏ” cán bộ, đảng viên “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” không còn tin vào Chủ nghĩa Cộng sản và đường lối lãnh đạo của đảng. Trong số này có cả đảng viên trẻ trong Quân đội, Công an và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, những người được coi là “hạt giống đỏ” tương lai của đảng. Vì vậy, bộ Nội vụ Việt Nam đã viết: “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là sự tự thay đổi theo hướng tiêu cực trong tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đang diễn ra ngày một mạnh mẽ trong đội ngũ cán bộ, đảng viên; là một thách thức to lớn đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. “Tự diển biến”, “tự chuyển hóa” là một loại kẻ thù giấu mặt, một thứ “giặc nội xâm” rất khó nhận diện và vô cùng nguy hiểm. Vì thế phòng chống“tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đang là nhiệm vụ cấp bách của Đảng, Nhà nước Việt Nam hiện nay.” (Ban Cán sự Bộ Nội vụ, ngày 23/12/2018).
Lời cảnh báo này sau 5 năm vẫn còn nguyên vẹn, và càng nghiêm trọng hơn với tình trạng “tham nhũng, tiêu cực” vẫn diễn biến phức tạp và lan rộng.
Đáng chú ý hơn là tình trạng suy thoái đạo đức và lối sống, đã được nhập chung với “suy thoái tư tưởng chính trị” vào lúc toàn đảng chuẩn bị Hội nghị Trung ương bỏ phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ các chức vụ do Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII bầu. Cuộc bỏ phiếu này nhắm gạn lọc đội ngũ lãnh đạo cho nhiệm kỳ khóa đảng XIV 2026-2031, với khả năng ông Võ Văn Thưởng, Chủ tịch nước, sẽ giữ chức Tổng Bí thư thay ông Nguyễn Phú Trọng.
Ông Thưởng, sinh năm 1970 tại Hải Dương (miền Bắc) nhưng trưởng thành ở Vĩnh Long (miền Nam). Cha mẹ ông được nói đã tập kết ra Bắc trong thời kỳ chiến tranh. Có tin nói cha ông là ông Võ Trần Chí, từng giữ chức Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Mẹ ông là con gái Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
KẺ THÙ SỐ MỘT
Nên biết công tác phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, nằm trong chủ trương “xây dựng, chỉnh đốn Đảng”, được đặt lên hàng đầu từ sau Đại hội đảng khóa XI năm 2011 đưa ông Nguyễn Phú Trọng lên chức Tổng Bí thư thay ông Nông Đức Mạnh. Nhưng sau 12 năm, Bộ Nội vụ cho biết: “Tự diễn biến", "tự chuyển hóa" ở Việt Nam hiện nay đang diễn ra hết sức phức tạp, với nhiều mức độ khác nhau trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đây thực sự là một hiểm họa tiềm tàng, một loại kẻ thù giấu mặt, một thứ "giặc nội xâm" nguy hiểm rất khó nhận diện và đáng sợ nhất.”
Sự sợ hãi này còn được Bộ Nội vụ giải nghĩa: “Nếu hiện nay chúng ta xác định nền tảng tư tưởng chính trị với những nguyên lý, quy luật trong học thuyết Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là kim chỉ nam cho hành động thực tiễn của cách mạng Việt Nam mang mầu "đỏ thắm" thì sự "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" theo hướng tiêu cực sẽ làm màu đỏ thắm phai nhạt dần, cuối cùng chuyển sang màu khác hoặc màu đối lập. Hoặc mục tiêu lựa chọn của chúng ta là chủ nghĩa xã hội, song "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" làm nhận thức phai nhạt dần và mục tiêu bị chệch hướng sang chủ nghĩa tư bản...”
Thật ra “chệch hướng” đã xẩy ra từ khi đảng CSVN buộc phải thi hành chính sách “Đổi mới” để tồn tại từ năm 1986, thời Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Chủ trương này phát triển mạnh hơn từ năm 1991, sau khi khối Liên bang Xô viết Cộng sản tan rã. Sau đó xuất hiện những tiếng nói đòi dân chủ hóa chế độ và xét lại vai trò lãnh đạo của đảng. Tình trạng “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa trong hàng ngũ đảng viên công khai trên nhiều mặt như nói một đàng, làm một nẻo; không làm theo chỉ thị của Trung ương; đùn đẩy trách nhiệm; tranh chức tranh quyền và lợi ích nhóm; không học và làm theo Nghị quyết đảng; bài bác Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh. Nghiêm trọng hơn cả là tệ nạn tham nhũng đã bùng phát song song với chủ trương làm kinh tế “theo định hướng xã hội chủ nghĩa” rất mơ hồ.
Vì vậy, một trong 10 nhiệm vụ được chuẩn bị cho Hội nghị giữa nhiệm kỳ lần này là “tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, trong đó có công tác bảo vệ Cương lĩnh, đường lối, nền tảng tư tưởng của Đảng, sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, giữ gìn bí mật nội bộ, bí mật quốc gia”. (Theo báo Lao Động, ngày 01/01/2023).
Sau đó là: “Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIV và lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2026-2031”.
TIÊU CHUẨN ĐƯỢC CHỌN
Theo tài liệu đảng (Viện chiến lược và Chính sách tài chính), tiêu chuẩn được chọn vào chức vụ lãnh đạo phải hội đủ các điếu kiện:
Về chính trị tư tưởng: “Trung thành với lợi ích của Đảng, của quốc gia, dân tộc và nhân dân; kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu, lý tưởng về độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội và đường lối đổi mới của Đảng. Có lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng, không dao động trong bất cứ tình huống nào, kiên quyết đấu tranh bảo vệ Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước. Có tinh thần yêu nước nồng nàn, đặt lợi ích của Đảng, quốc gia - dân tộc, nhân dân, tập thể lên trên lợi ích cá nhân; sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp của Đảng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Yên tâm công tác, chấp hành nghiêm sự phân của của tổ chức và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.”
Về đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật: “Có phẩm chất đạo đức trong sáng; lối sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, giản dị; cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư; Tâm huyết và có trách nhiệm với công việc; không tham vọng quyền lực, không háo danh; có tinh thần đoàn kết, xây dựng, gương mẫu, thương yêu đồng chí, đồng nghiệp. Bản thân không tham nhũng, quan liêu, cơ hội, vụ lợi và tích cực đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, lợi ích nhóm, nói không đi đôi với làm; công bằng, chính trực, trọng dụng người tài, không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi. Tuân thủ và thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình.”
Cùng với chiến dịch cổ võ cho Hội nghị bỏ phiến tín nhiệm, Tuyên giáo đã hô hào báo chí tăng cường “tuyên truyền về xây dựng Đảng, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch…”
Phát biểu tại Lễ Khai mạc Hội Báo Toàn quốc năm 2023 tổ chức ở Hà Nội ngày 17/3/2023, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nói: “Báo chí cách mạng Việt Nam thực sự là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng và Nhà nước, luôn gắn bó, đồng hành cùng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta.” Ông Nghĩa, một Thượng tướng, còn khuyến cáo: “Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý báo chí và đội ngũ phóng viên, biên tập viên có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức trong sáng, tinh thông nghiệp vụ để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.”
Sau đó tại Lễ Bế mạc ngày 19/3 (2023), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng chỉ thị: “Đội ngũ những người làm báo phải vững vàng về bản lĩnh chính trị, tư tưởng; ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp và hội nhập quốc tế. Hệ thống báo chí cần phát huy hơn nữa vai trò là công cụ truyền thông sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân; đồng thời là phương tiện giám sát, phản biện xã hội hiệu quả.”
Sở dĩ có lời khuyến nghị này vì đã có hiện tượng “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” trong hàng ngũ ngưới làm báo. Tình trạng báo chí tham nhũng và “tự phá rào” đi chệch hướng đảng cũng đã xuất hiện. Tuy nhiên, Tuyên giáo không coi đó là nghiêm trọng mà chỉ coi đó là những trường hợp đơn lẻ, mặc dù tình trạng “sáng đăng, trưa gặp, chiếu gỡ” vẫn xẩy ra.
Tính đến ngày 30-11-2021, ở Việt Nam có 816 cơ quan báo chí in và điện tử, trong đó có 557 báo và tạp chí in; 29 báo và tạp chí điện tử; 114 báo và 116 tạp chí có cả hai loại hình (báo chí in và báo điện tử); 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình, trong đó có 2 Đài phát thanh, truyền hình quốc gia, 1 đài kỹ thuật số, 64 đài địa phương, 5 đơn vị hoạt động truyền hình không có hạ tầng phát sóng truyền hình riêng. Về đội ngũ những người làm báo, cả nước có khoảng 40.000 người hoạt động trong cơ quan báo chí, trong đó có 17.161 người được cấp Thẻ Nhà báo. Tuy đội ngũ báo chí đông như thế nhưng Ban Tuyên giáo là cơ quan đảng duy nhất quyết định đường lối thông tin và tuyên truyền cho cả làng báo.
Đó là lý do tại sao đảng cấm tư nhân ra báo, nhưng ngược lại, vì không có báo tư nhân nên đảng đã thất bại chống tham nhũng. Cũng tương tự như thế với cuộc bỏ phiếu bầu Quốc hội do đảng tổ chức, chọn ứng cử viên và đếm phiếu nên kết quả là của đảng, do đảng và vì đảng mà thôi.
– Phạm Trần
(04/023)