Sau 20 năm thi hành Nghị quyết về “phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, tình hình đoàn kết trong nước và giữa người Việt Nam ở nước ngoài với đảng Cộng sản cầm quyền vẫn mờ nhạt hơn bao giờ hết. Lý do, theo lời Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến vì: “Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc có lúc, có nơi chưa được quan tâm phát huy đầy đủ. Các nguồn lực, tiềm năng sáng tạo của nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chưa được phát huy tốt. Việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội có mặt chưa theo kịp yêu cầu của tình hình mới, chưa thật sâu sát các tầng lớp nhân dân và cơ sở; chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội chưa đều.”
Quan trọng hơn, ông Chiến nói: “Một số tổ chức cơ sở đảng, một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa gương mẫu, chưa thực sự tôn trọng ý kiến, kiến nghị của nhân dân và giải quyết kịp thời các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. Quyền làm chủ của nhân dân có lúc, có nơi còn bị vi phạm; vẫn còn biểu hiện dân chủ hình thức, tách rời dân chủ với kỷ cương, pháp luật.” (Báo Chính phủ, ngày 20/2/2023).
Ông Đỗ Văn Chiến đã phát biểu tại cuộc Hội thảo tại TP Hồ Chí Minh ngày 20/2/2023 về “tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12/3/2003 về “đoàn kết toàn dân tộc”. Ý nghĩa “chia rẽ trong dân và giữa dân và đảng” đã nổi bật trong lời nói của ông Chiến. Rõ nhất là tính “gia chủ”, coi thường dân đã hiện ra trong lớp người có chức có quyền đáng lý ra phải là “đầy tớ của nhân dân” như ông Hồ Chí Minh đã dậy.
Hội nghị cũng nghe bà Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương than phiền: “Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc có lúc, có nơi chưa được quan tâm phát huy đầy đủ. Các nguồn lực, tiềm năng sáng tạo của nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chưa được phát huy tốt. Việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có mặt chưa theo kịp yêu cầu của tình hình mới, chưa thật sâu sát các tầng lớp nhân dân và cơ sở; chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội chưa đều.”
Bà Hoài nói thẳng: “Một số tổ chức cơ sở đảng, một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa gương mẫu, chưa thực sự tôn trọng ý kiến, kiến nghị của nhân dân và giải quyết kịp thời các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. Quyền làm chủ của nhân dân có lúc, có nơi còn bị vi phạm; vẫn còn biểu hiện dân chủ hình thức, dân chủ không đi đôi với kỷ cương, pháp luật.”
Ngoài ra bà cũng lưu ý mọi người: “Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra còn tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn.” Bà Hoài không nói vào chi tiết, nhưng đó là: “Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế; nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa; nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội; âm mưu và hành động "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch.”
Những nguy cơ này đã được đưa ra tại Hội nghị Đại biểu toàn quốc của Đảng giữa nhiệm kỳ khoá VII (20 - 25/1/1994). Đến nay đã ngót 30 năm mà có mặt “còn gay gắt hơn” thì điều này cho thấy tình hình suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ đảng viên mỗi ngày một nghiêm trọng.
MỐI LO NỘI BỘ
Mức độ nghiêm trọng này, về mặt an ninh nội bộ, theo lời Bộ trưởng Công an, Đại tướng Tô Lâm, thì: “Đất nước đang đứng trước 3 thách thức lớn đe dọa trực tiếp đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ”. Cụ thể, theo ông Lâm, thách thức đầu tiên là âm mưu hoạt động chống phá, gây bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch, phản động ngày càng thâm độc, nguy hiểm hơn. Thứ hai là nguy cơ đe dọa chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông, gắn với thách thức trong xử lý quan hệ với các nước lớn và giữ vững uy tín của Đảng, chế độ trước nhân dân ngày càng gia tăng. Thách thức thứ ba là nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với suy giảm lòng tin của nhân dân diễn biến phức tạp.
“Trong 3 thách thức nêu trên, nguy cơ mất an ninh chính trị nội bộ, suy giảm thế trận lòng dân, làm suy yếu sức chiến đấu của Đảng, của chế độ ta từ gốc, từ bên trong là nguy hiểm nhất”. (Báo Thanh Niên, ngày 03/02/2021).
Mặc dù tướng Tô Lâm không nói, nhưng ai cũng biết vấn đề “đại đoàn kết dân tộc” là nhu cầu cốt lõi để giữ vững an ninh nội bộ đảng. Vì vậy, từ tháng 3 năm 2003, khóa đảng IX đã ban hành Nghị quyết 23-NQ/TW về “phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Lý do đảng kêu gọi đoàn kết vì cho đến năm 2003 đảng mới thấy: “Khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân chưa thật bền chặt và đang đứng trước những thách thức mới.
Lòng tin vào Đảng, Nhà nước và chế độ của một bộ phận nhân dân chưa vững chắc, phần vì đời sống còn nhiều khó khăn, phần vì bất bình trước những bất công xã hội và tình trạng tham nhũng, quan liêu, lãng phí còn khá phổ biến và nghiêm trọng, kỷ cương phép nước nhiều lúc, nhiều nơi không nghiêm, đạo đức xã hội có mặt xuống cấp, trật tự an toàn xã hội còn phức tạp. Các vụ khiếu kiện đông người vẫn còn nhiều, có lúc, có nơi rất gay gắt.”
Nghị quyết 23-NQ/TW cũng nói: “Hệ thống chính trị ở cơ sở còn yếu kém về nhiều mặt. ở một số nơi, cấp uỷ đảng còn mất đoàn kết; một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, thậm chí thoái hoá, hư hỏng; một số cấp uỷ, cán bộ, đảng viên còn hẹp hòi, định kiến với những người ngoài Đảng, người làm kinh tế tư nhân, chức sắc tôn giáo... làm giảm sút vai trò hạt nhân lãnh đạo và đoàn kết của tổ chức đảng.”
Đi xa hơn, Nghị quyết nhìn nhận: “Sự suy thoái về lối sống và đạo đức, lối sống thực dụng, chạy theo đồng tiền làm xói mòn tình làng, nghĩa xóm. Ý thức công dân, ý thức chấp hành kỷ cương, chính sách, pháp luật của một bộ phận nhân dân còn yếu kém.”
Đó là tình hình đến năm 2003. Vậy bây giờ 20 năm sau, tình hình này có tiến bộ hơn không?
Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng trả lời: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vẫn còn diễn biến phức tạp; tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội.” (Trích Diễn văn tại phiên họp tại Hà Nội của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”, ngày 17/8/2022).
THAM NHŨNG MỌI NƠI, MỌI LÚC
Vì “vẫn còn nghiêm trọng” nên từ năm 2022, đảng phải tổ chức Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN,TC) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Ban Chỉ đạo cấp tỉnh).
Báo Quân đội Nhân dân giải thích: “Việc thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, TC là thực sự cần thiết, phù hợp với thực tiễn hiện nay. Việc làm này thể hiện rõ quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đẩy mạnh hơn nữa đấu tranh PCTN, TC ở mọi cấp, mọi ngành, thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế. Ban chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, TC được thành lập sẽ góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương công tác PCTN, TC, thể hiện tinh thần "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt", khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. (Báo QĐND, ngày 22/08/2022).
Vậy các ban này có nhiệm vụ gì?
Theo báo Thư viện pháp luât thì họ làm những việc như sau:
– Tham mưu, đề xuất ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ xây dựng, ban hành nghị quyết, chỉ thị,… để cụ thể hoá và tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương.
– Chỉ đạo và tổ chức thực hiện hoặc tham mưu, đề xuất ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kết luận, chỉ đạo liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương.
– Chỉ đạo, đôn đốc, điều hoà phối hợp, kiểm tra, giám sát các cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc tỉnh uỷ, thành uỷ trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
– Chỉ đạo các cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc tỉnh uỷ, thành uỷ thông qua hoạt động theo phạm vi trách nhiệm được giao làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tham nhũng, tiêu cực.
– Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc tỉnh uỷ, thành uỷ và cấp uỷ viên, đảng viên có thẩm quyền trong xử lý khiếu nại, tố cáo về hành vi tham nhũng, tiêu cực. (Theo báo điện tử Thư viện Pháp luật).
Đến nay, chưa có báo cáo, dù sơ khởi về kết quả chống tham nhũng, tiêu cực địa phương, nhưng báo QĐNG đã rào trước đón saau rằng: “PCTN, TC là cuộc đấu tranh lâu dài, gian nan, vất vả để chống “giặc nội xâm”. Để giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh này, không được chủ quan, không nóng vội, không được thỏa mãn và né tránh, cầm chừng mà phải thật kiên trì, đấu tranh không ngừng, không nghỉ; vừa phải kiên quyết phát hiện, xử lý tham nhũng, vừa phải kiên trì giáo dục, quản lý, ngăn ngừa, răn đe, không để xảy ra tham nhũng; đồng thời phải cảnh giác, đấu tranh với những âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng đấu tranh PCTN, TC để kích động, chia rẽ, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta.”
Báo đảng nói vậy mà không biết rằng lý do chưa chống nổi tham nhũng vì đảng muốn chống một mình. Các tổ chức đảng chưa phanh phui được vụ tham nhũng nào. Phần lớn các vụ tham nhũng đất đai của cán bộ là do tố cáo của dân được báo chí tiếp tay. Có tới 70% các vụ khiếu kiện liên quan đền đất đai, vì vậy Luật đất đai “sửa đổi” sẽ được Quốc hội thông qua trong năm nay (2023).
ĐOÀN KẾT HAY CHIA RẼ?
Bước sang lĩnh vực đoàn kết với người Việt Nam ở nước ngoài, đảng CSVN đã không thành công vì sau 19 năm ra đời của Nghị quyết 36 (NQ-36) “Về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài”, ban hành ngày 26/3/2004, mọi chuyện vẫn giậm chân tại chỗ. Vì vậy, Bộ Chính trị phải ra thêm Kết luận 12-KL/TW ngày 12/8/2021 “về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.”
Tuy nhiên, cách gọi và xưng hô giữa “kẻ thắng” và “người thua” mang tính kỳ thị và khinh thường vẫn tồn tại trong xã hội và trong một bộ phận báo chí đảng.
Bằng chứng như khi Bộ sách Lịch sử mới của Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã chính thức dùng tên “Chính quyền Việt Nam Cộng hòa và quân đội Việt Nam cộng hòa thay cho khái niệm ngụy quân -ngụy quyền” (theo VOV.VN, ngày 30/08/2017) thì trong bài viết “Không thể “đánh bùn sang ao”, phủ nhận lịch sử” trong Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng của báo Quân đội Nhân dân,ngày 15/07/2021, tác giả Lữ Ngàn đã đổi trắng thay đen với lập luận: “Theo từ điển tiếng Việt: “Ngụy” là từ chỉ sự vật, sự việc mang tính giả tạo, bất hợp pháp, không chính thống, không được công nhận. Như vậy, “ngụy quân”, “ngụy quyền” là để chỉ đội quân, chính quyền không hợp pháp, không chính thống, không được công nhận. Ngụy quyền Sài Gòn trước năm 1975 là chính quyền tay sai do Mỹ dựng lên. Họ lập ra đội quân công cụ bạo lực của chính quyền tay sai ấy để thực hiện mưu đồ xâm lược nước ta, biến miền Nam nước ta thành thuộc địa.”
Sự thật ai cũng biết, Việt Nam Cộng hòa là một thực thể chính trị hợp pháp được nhiều nước trên thế giới công nhận. Và VNCH chưa bao giờ là “thuộc địa” của Hoa Kỳ như xuyên tạc của CSVN.
Vì vậy, càng không chính xác khi bài báo ngụy biện rằng: “Đằng sau những luận điểm ngụy tạo, đòi bỏ cách gọi “ngụy quân”, “ngụy quyền”, thực chất là kiểu đánh tráo khái niệm, pha loãng, xét lại, phủ nhận lịch sử, biến cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc vĩ đại của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thành cuộc “nội chiến”, “huynh đệ tương tàn”".
Nhưng nếu miền Bắc không xua quân xâm lược miền Nam thì làm gì có cuộc chiến huynh đệ tương tàn suốt 20 năm (1955-1975) giữa người Việt với nhau; làm gì có trên 5,000 thường dân đã bị thảm sát ở Huế trong cuộc tấn công Mậu Thân 1968 của quân Cộng sản?
Những bài học lịch sử vẫn còn nguyên vẹn, dù báo chí Nhà nước và một số Sử gia của đảng đã miệt mài xuyên tạc, và chối bỏ trách nhiệm đã xua quân đánh chiếm Việt Nam Cộng Hòa.
Vì vậy, bao nhiêu lâu sự thật vẫn còn bị những kẻ “kiêu ngạo Cộng sản” phủ nhận thì lòng người Nam, kẻ Bắc vẫn chưa thể có hòa bình để đoàn kết dân tộc.
– Phạm Trần
(02/023)