Cuộc sơ cử đầu tiên trên toàn quốc ở New Hampshire thường được coi là “then chốt” cho cuộc tranh cử Tổng Thống vào tháng 11 năm nay. Kết quả ngày thứ ba vừa qua cho thấy đảng Cộng Hòa có một sự bất ngờ là ngựa về ngược: McCain đã thắng Bush với một đa số áp đảo 49% so với 31%. Thật ra cũng không phải bất ngờ lắm với những người theo dõi cuộc đấu trong đảng Cộng Hòa. Từ 4 tuần qua McCain đã vọt lên và đuổi sát nút Bush, trong khi Bush tuy tiếp tục thu được nhiều tiền tranh cử nhưng đã phạm vào một số lỗi lầm thông thường nhất, chẳng hạn như hay nói nhịu, nói sai về ngôn từ trước quần chúng và nặng nhất có thể là một lập trường bảo thủ hơi cực đoan một chút. Những nhóm cực đoan trong đảng đã dồn tiền cho Bush, chính việc này làm Bush lâm thế kẹt vì không thể có một lập trường mềm dịu trong những đề tài gây tranh cãi từ lâu như việc cấm phá thai.
Đảng Cộng Hòa còn nhiều cuộc sơ cử nữa cho đến ngày đảng họp đại hội để bầu ra một ứng viên tranh cử Tổng Thống. Cuộc sơ cử ở New Hampshire được coi là cuộc thử thách đầu tiên theo truyền thống vẫn được coi là then chốt, người nào thắng ở đây thường trở thành người của đảng chọn, Cộng Hòa hay Dân Chủ cũng vậy. Nhưng cũng không nên quên có vài trường hợp trong lịch sử, có những nhân vật tuy đã thắng ở New Hampshire rút cuộc cũng bị thua trong đại hội đảng. Người ta có thể nhìn những cuộc sơ cử kế tiếp của đảng Cộng Hòa trong tháng này hay tháng tới thì thấy rõ hơn. Ngay trong lúc này, người ta đã thấy một vài nét chính yếu trong cuộc chạy đua đến Bạch Cung ở cả hai đảng. Tiền tuy rất cần nhưng không phải là tất cả, quan trọng nhất là chủ trương chính sách, thứ hai là vấn đề con người và bối cảnh quá khứ của họ. Ông George W. Bush là con một vị Tổng Thống và ông cũng có hai nhiệm kỳ làm Thống đốc tiểu bang Texas, nhưng trong thời trẻ ông cũng có một vài vấn đề gây ra một số những dị nghị. Còn McCain có một quá khứ rất đẹp, ông đã là một tù binh ở Việt Nam và những chứng liệu cho thấy ông là người quả cảm, bất khuất trước những thủ đoạn hành hạ tra khảo của kẻ thù. Nhưng người ta cũng phải nhìn nhận một người anh hùng trong chiến đấu không nghiễm nhiên sẽ là một ông Tổng Thống giỏi. McCain còn cần nhiều đức tính khác nữa để có thể ra lãnh ấn nguyên soái của đảng Cộng Hòa với hy vọng đi dến chiến thắng.
Về đảng Dân Chủ, trong cuộc sơ cử ở New Hampshire Phó Tổng Thống Al Gore đã thắng Thượng nghị sĩ Bill Bradley bằng một đa số gần gụi là 52% so với 47%. Điều này cũng không có gì lạ, Gore đã ở vào một tư thế yếu kém ngày từ cuối năm ngoái đầu mùa tranh cử. Ông yếu về tiền quyên tranh cử, dù đứng đầu trong đảng nhưng vẫn kém xa địch thủ Bush trong đảng Cộng Hòa. Phương pháp tranh cử của Gore yếu, nhưng từ hai tháng nay ông đã thay đổi hẳn nên có vẻ hấp dẫn. Gore có những thành tích quá khứ đáng kể và cũng gần đây nhất để khó xóa nhòa trong trí nhớ của người dân. Ông đã làm Phó Tổng Thống hai nhiệm kỳ và được nhìn nhận là một trong những ông Phó tốt nhất của Bạch Cung. Bên cạnh Clinton, ông giữ một vai trò thật khôn ngoan nhưng cũng là người tích cực giúp Clinton trong một số những vấn đề lớn, ông góp phần vào việc thu gọn chính phủ liên bang để bớt chi phí, ông đưa ra chủ đề bảo vệ môi sinh nay đã được coi như một sách lược quan trọng để phát triển, và nhất là ông đặt nặng vấn đề kỹ thuật cao, thúc đẩy giáo dục, đưa điện toán vào những lớp tiểu học. Ông cũng là người đầu tiên đưa ra từ ngữ “siêu sa lộ thông tin điện tử” để lưu ý đến tầm quan trọng của Internet.
Ông Bradley được ít người biết đến, nhưng ông tranh cử rất hăng say, tiếp xúc với cử tri rất giỏi và có tài thâu hút người nghe. Ngay từ đầu, người ta vẫn tin là người ra tranh cử Tổng Thống của đảng Dân Chủ sẽ là ông Phó Gore chớ không ai khác, nhưng theo truyền thống, đảng nào cũng phải có nhiều người ra tranh trong các vòng sơ cử địa phương để bắt mạch cử tri. Lúc đầu thấy thế yếu kém của Gore, Bradley được khích lệ. Ông mở ra những trận đánh lớn, nhưng trong cuộc họp đảng khu vực ở Iowa, Bradley lại thua thê thảm, nên ông càng lồng lên và đổi thế đánh bằng cách tấn công những chuyện cá nhân của Gore.
Đây cũng là điều không thể tránh vì Bradley không thể đi ra ngoài luồng sách lược chính của đảng Dân Chủ, nên chỉ còn cách bới móc chuyện cá nhân của người cùng đảng. Thế nhưng đó cũng là chuyện sai lầm tai hại. Bởi vì những cuộc tấn công về đời tư hay cá nhân chỉ quật ngược lại. Các lãnh tụ đảng Dân Chủ ủng hộ Gore như Thượng nghị sĩ Tom Daschle, lãnh đạo thiểu số Dân Chủ tại Thượng viên và Dân biểu Richard Gephardt, lãnh đạo thiểu số Dân Chủ tại Hạ Viên đã đưa ra tuyên ngôn chung yêu cầu Bradley “từ bỏ lối tấn công tiêu cực nhằm vào cá nhân”.
Nói chung hai đảng đều có những bất đồng không thể tránh trong những dịp vận động tranh cử. Nhưng tôi nghĩ sau khi có chuyện ngựa về ngược ở New Hampshire, sự rạn nứt trong đảng Cộng Hòa trầm trọng hơn nhiều. Một đảng thiếu sự đoàn kết không thể nào thắng.