S.T.T.D. Tưởng Năng Tiến
Gần nửa thế kỷ qua, tôi sống loanh quanh trong lòng Vùng Vịnh (The Bay Area) nơi có những thành phố nổi tiếng được nhiều người biết đến hay tìm đến: Berkeley, Oakland, Palo Alto, San Jose, San Francisco (S.F)… Vùng này khí hậu ôn hoà, việc làm tương đối dễ kiếm, và chả ai bị kỳ thị cả vì không sắc tộc nào được coi là đa số, kể cả đám dân da trắng.
Chỉ có điều hơi rầy rà là Vịnh S.F – cái eo thông ra Thái Bình Dương – được nối bởi một cái cầu treo kỳ vỹ (khánh thành từ năm 1937) khiến lắm kẻ hiếu kỳ, muốn đến ngó qua một chút, và chụp năm ba tấm ảnh để khoe chơi! Chính vì thế nên Golden Gate Bridge đã gây ra lắm chuyện phiền hà, cho không ít cư dân địa phương – nhất là những người tị nạn!
Phiền nhất là cứ đang ngon giấc thì điện thoại reo. Bên kia đầu dây là giọng của ông (hay bà) đồng hương lạ hoắc, hớn hở gọi từ một nơi xa lắc/xa lơ nào đó:
- A lô…
- May quá cứ sợ là bác không có nhà, đang còn ở Miên, bên Miến hay bên Lào gì chứ?
- Xin lỗi...
- Ối Giời! Thế bác quên chúng em rồi à? Mấy năm trước, có lần bác đã ghé qua nhà và uống rượu với chồng em đến tận sáng luôn đấy. Nhớ không?
Có mấy đêm mà tôi không ngồi tì tì cho đến khi gần sáng, kể cả khi chỉ uống mình ên. Đã thế, tôi lại còn có thói hay đi giang hồ (vặt) nên làm sao nhớ được hết những ân nhân đã rộng lòng cho mình ăn nhờ ở đậu – đôi ngày. Ân tình này làm sao mà quên được nên tôi liền vội vàng và vồn vã, dù vẫn “chưa nhớ” tên họ của người đối thoại:
- Dạ... nhớ, nhớ quá đi chứ!
- Chả là thế này nhá. Gia đình em sắp ghé S.F, đã đặt khách sạn rồi đấy nhưng xe cộ thì không có mà đường xá cũng chưa quen nên nếu rỗi thì xin bác cho chúng em đi thăm thú đôi nơi nhá?
Thiên hạ ai mà chả biết tôi là một thằng rách việc, thất nghiệp dài dài, có chuyện mẹ gì làm đâu mà không rảnh (quanh năm) nên vô phương thoái thác :
- Vâng ạ!
Tôi “ạ̣/vâng” rất nhẹ và rất khẽ, nghe cứ như một tiếng thở dài (cố nén) nên không mấy ai đủ tinh tế để nhận ra cái nỗi khổ tâm của một người di tản (buồn) sống trong Vùng Vịnh. Khỏi hỏi thì cũng biết nơi khách tự phương xa muốn đến “tham quan” là Golden Gate Bridge (Kim Môn Kiều) chớ còn đâu nữa.
Bất kể khí hậu/ thời tiết (mưa gió bão bùng, sấm chớp, giông tố) ra sao, không sớm thì muộn, thế nào người bạn viễn phương cũng thỏ thẻ ngỏ lời:
- Bác bấm cho mấy bô hình nhá.
- Giời ơi! Sương mù dầy đặc thế này mà...
- Kệ! Mù thế chứ mù hơn nữa cũng mặc, chả lẽ đã đến được tận đây mà lại không chụp cái ảnh nào thì nói ai tin!
Tôi chết được chứ chả bỡn đâu, Giời ạ (*)! Sau hàng trăm lần chết đi (sống lại) như thế, tôi đâm ra có ác cảm với cái cầu treo, rồi ghét lây luôn cả Cựu Kim Sơn – dù biết rằng bao nhiêu triệu người đã để lại trái tim nơi thành phố mù sương và dễ thương này:
I left my heart in San Francisco
High on a hill, it calls to me
To be where little cable cars climb halfway to the stars
The morning fog may chill the air, I don't care
My love waits there in San Francisco …
Tôi chả có mối tình lớn/nhỏ nào ở S.F cả nên dù đã nghe bản nhạc (cả trăm lần) rồi nhưng không thấy chút “effect” hay cảm xúc nào ráo trọi. Thay vì mê mệt giọng ca bạc triệu (I left my heart in San Francisco ..) của Tony Bennett hay Frank Sinatra, tôi lại chỉ mết (và kết) tiế́ng hát của Thái Thanh thôi:
Làng tôi không xa kinh kỳ sáng chói
Có những cánh đồng cát dài
Có lũy tre già tả tơi
Ruộng khô có những ông già rách vai
Cuốc đất bên đàn trẻ gầy
Có người bừa thay trâu cầy
Bình minh khi sương rơi mờ trên rẫy
Thấp thoáng bóng người bên ngòi
Tát nước với giọt mồ hôi
Chiều rơi thoi thóp trên vài luống khoai
Hiu hắt tiếng bà mẹ cười
Vui vì nồi cơm ngô đầy... (Phạm Duy - Quê Nghèo)
Theo nhà phê bình văn học Đặng Tiến, tác phẩm này được viết tại Quảng Bình (Q.B) vào năm 1948. Tuy khá lâu sau tôi mới cất tiếng khóc chào đời nhưng Quê Nghèo qua giọng ca như ru của mẹ, dường như đã in mãi hình ảnh của những buổi chiều rơi thoi thóp, những ông già rách vai cuốc đất bên đàn trẻ gầy (cùng với tiếng thở dài của o nghèo giữa đêm khuya thanh vắng) vào trí óc của đứa bé thơ, từ thuở nằm nôi.
Tôi hoàn toàn chia sẻ với Carl Jung về ý niệm vô thức cộng thông (collective unconcious) hay còn gọi là vô thức tập thể. Tôi cũng thành thực tin rằng nỗi bi thương và sự khốn khó của Q.B đã ẩn sẵn trong tiềm thức và máu huyết của mình (ngay khi còn trong bụng mẹ) nên trái tim tôi đã để ở Q.B lúc mới lọt lòng – dù chưa bao giờ có cơ may được đặt chân đến mảnh đất gầy này.
Mãi đến gần giữa đời, tôi mới lò dò tới S.F. Thành phố này, nói nào ngay, cũng là nơi đáng sống và đáng yêu (nhất là những sáng mù sương, chả khác chi Đà Lạt sương mù cả) nhưng tôi chả có duyên nợ gì với nó cả vì đã lỡ để tim mình ở một nơi xa xôi khác mất rồi!
Q.B không chỉ nổi tiếng vì nghèo mà còn được biết đến như là một vùng đất của lắm huyền thoại nữa, theo như tin tức của giới truyền thông thuộc nhà nước hiện hành:
- Quảng Bình niềm tin chiến thắng
- Những nữ anh hùng trên đất lửa Quảng Bình
- Bến phà Xuân Sơn Quảng Bình - nơi ghi dấu lịch sử oai hùng
- Đường Trường Sơn ở Quảng Bình
- Khánh thành khu tưởng niệm tri ân TNXP hy sinh trong chống Mỹ tại Quảng Bình
- Quảng Bình hai giỏi: chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi
Tuy chuyện chi cũng sẵn sàng “hy sinh,” và cũng đều “giỏi” tuốt nhưng cuộc sống của người dân Q.B chưa bao giờ được an bình và no đủ cả – vào bất cứ thời nào :
- Tầu cá Quảng Bình bị Trung Quốc bắt giữ
- Nhiều nhà dân ở xã Đức Hóa (huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) ngập sâu trong lũ
- Quảng Bình: Gạo cứu đói được cấp cho... chủ tiệm vàng
- Quảng Bình: Thu phí cao, dân địa phương bức xúc vây trạm thu phí
- Dùng tiền mua chứng chỉ giả, nhiều cán bộ ở Quảng Bình bị điều tra
- Quảng Bình: Khởi tố 20 vụ án tham nhũng
- Mở rộng điều tra sai phạm ở dự án nghìn tỷ vệ sinh môi trường Quảng Bình
- Quảng Bình: Khởi tố Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ tham ô tài sản
- Quảng Bình: Quảng trường 120 tỷ đồng chưa bàn giao đã xuất hiện hư hỏng
- Quảng Bình: Rơi nước mắt trước cảnh học sinh bơi qua sông đến trường
- Quảng Bình: Trâu, bò ra đồng ăn cỏ phải đóng phí
Tin tức và hình ảnh mới nhất về Q.B vừa được ghi lại bởi FB Thận Nhiên, vào hôm 21 tháng 9 năm 2022, sau một chuyến thăm quê:
Từ làng của nhà ngoại, đi chừng 3 cây số là đến nhà của đại tướng Võ Nguyên Giáp, cách đó cũng không xa, là nhà của tổng thống Ngô Đình Diệm. Tôi đến viếng nhà ông Giáp, nhưng thấy tôi cầm máy ảnh thì người bảo vệ làm khó, tôi trở ra, không vào. Chừng vài trăm mét, tôi gặp một người đàn bà lặn hụp mò ốc dưới ao… Sao sau bao nhiêu xương máu đổ xuống nơi này mà tương lai vẫn nằm ở phía sau lưng?
Tôi cũng đã từng nhìn thấy “tương lai nằm ở phía sau lưng” của người mình tại Biển Hồ, bên nước láng giềng Cam Bốt. Khí hậu biến đổi, cùng vô số những con đập ở thượng nguồn trên sông Mê Kông, đã khiến cho Tonle Sap Lake đang dần cạn nước. Cá tôm cũng mất dần theo nên đám dân Việt, trôi sông lạc chợ ở nơi đây, cũng đang phải xoay ra bắt ốc để sống qua ngày.
Họ sống thêm được bao lâu nữa thì chỉ có Trời mới biết. Và chắc ngay cả đến Trời cũng không thể trả lời câu hỏi (thượng dẫn) của nhà văn Thận Nhiên: Sao sau bao nhiêu xương máu đổ xuống nơi này mà người dân Q.B vẫn phải lặn hụp mò ốc (dưới ao) cứ như thể là họ vẫn còn đang sống trong cảnh tối tăm, giữa Đêm Trường Trung Cổ vậy?
– Tưởng Năng Tiến
(*) “Tôi chết được chứ chả bỡn đâu, Giời ạ!” Tôi không nhớ rõ là mình đã “lượm” được cái câu này ở đâu nữa. Có lẽ trong cuốn Bắt Trẻ Đồng Xanh. Nguyên tác The Catcher in the Rye (J.D Salinger) bản tiếng Việt của Phùng Khánh, Thanh Hiên xuất bản vào năm 1967.