Tháng trước, chính quyền Biden đã công bố ý định loại bỏ vũ khí mạnh nhất của Hoa Kỳ khỏi kho vũ khí hạt nhân quốc gia. Vậy điều gì sẽ xảy ra khi những quả bom nguyên tử ‘lão niên’ được ‘nghỉ hưu’?
Quả bom có tên là B83. Nó là một quả bom khinh khí (H-bomb: hydrogen bomb), chào đời vào năm 1983 – thời điểm mà Tổng thống Reagan lên án Nga là “một đế chế tàn ác.” Chính phủ đã sản xuất 660 loại vũ khí chết người, được chuyển giao bằng máy bay ném bom. B83 dài 12 feet, có các vây và có sức nổ lớn hơn khoảng 80 lần so với quả bom thả ở Hiroshima. Nhiệm vụ của B83 là để phá hủy các địa điểm quân sự kiên cố và boongke chỉ huy, bao gồm cả của Moscow.
Bây giờ số phận của B83 sẽ đi về đâu? Số lượng B83 còn lại bao nhiêu trái là một bí mật quốc gia. Số phận sắp xảy ra với chúng thì không có gì phải che giấu. Nhiều người có thể sẽ nghĩ rằng việc loại bỏ vũ khí hạt nhân có nghĩa là làm cho nó biến mất khỏi bề mặt Trái Đất. Nhưng sự thật không phải vậy.
Thông thường, các loại vũ khí hạt nhân bị loại bỏ khỏi kho vũ khí của Hoa Kỳ sẽ không bị mang đi nấu chảy, nghiền thành bột, nghiền nát, hay chôn lấp… Thay vào đó, chúng sẽ bị ‘phanh thây,’ tức là tháo rời từng bộ phận và chi tiết nhỏ nhất, bao gồm cả lõi plutonium chết người. Các bộ phận này được cất giữ trong mê cung boong-ke và nhà kho trên khắp đất nước. Bất kỳ cơ sở riêng lẻ nào trong mê cung khổng lồ này đều có thể xem như một siêu cửa hàng phụ tùng đồ cũ, để từ đây chế tạo ra các loại vũ khí mới.
Hans M. Kristensen, giám đốc Dự án Nuclear Information Project at the Federation of American Scientists, một nhóm nghiên cứu tư nhân ở Washington, cho biết: “Nó giống như một Safeway khổng lồ. Quý vị đi vào, mang theo mã vạch và lấy những thứ mình cần.”
Một loại vũ khí mà các quyết sách gia về hạt nhân muốn chế tạo từ các bộ phận và thiết kế tái chế là W93 – được quảng cáo là đầu đạn mới đầu tiên cho kho vũ khí hạt nhân của quốc gia kể từ thời Chiến Tranh Lạnh. Chính quyền Biden đã công bố chương trình phát triển loại vũ khí này vào tháng 3 và ước tính nó sẽ tiêu tốn tới 15.5 tỷ đô la. W93 sẽ nằm trên đỉnh các tàu ngầm hải quân bắt vào khoảng năm 2034. Mặc dù được gọi là mới, nhưng kế hoạch chính thức của chính phủ có nói rõ rằng vũ khí này sẽ “được dựa trên các bộ phận hạt nhân đã thử nghiệm trước đó,” chứ không phải các bộ phận mới toanh.
Việc tái chế không ảnh hưởng trực tiếp đến quy mô tổng thể của kho vũ khí hạt nhân của quốc gia, vì các bộ phận chất nổ có thể tái sử dụng thường được dùng để chế tạo vũ khí thay thế chứ không phải vũ khí hoàn toàn mới. Đó là trường hợp của W93, nó sẽ thay thế hoặc bổ sung các đầu đạn cũ dành cho tàu ngầm.
Dù vậy, việc tái chế càng chọc cho những người ủng hộ kiểm soát vũ khí tức giận hơn. Từ lâu, họ đã lập luận rằng các quốc gia khác coi việc lưu trữ các bộ phận vũ khí nổ là một dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ muốn chế tạo hàng loạt đầu đạn mới. Và rằng điều đó có thể thúc đẩy các cuộc chạy đua vũ trang và phổ biến vũ khí hạt nhân.
Frank N. von Hippel, một chuyên gia về vật lý hạt nhân, từng cố vấn cho Tổng thống Clinton và hiện đang giảng dạy tại Trường Princeton, cho biết: “Loại bỏ chúng là tốt. Nó báo hiệu rằng chúng ta không ôm mộng tái xây dựng lại kho vũ khí của mình.”
Nhưng phe diều hâu coi các bộ phận được trữ lại là rất quan trọng để phòng ngừa rủi ro xảy ra các vụ xung đột hạt nhân. Cuối cùng, họ chỉ ra kho vũ khí hạt nhân ngày càng tăng của Trung Quốc như một cái gai đang lớn dần, có thể buộc Hoa Kỳ phải tái vũ trang vũ khí nguyên tử.
Ngoài cuộc tranh luận về vũ khí, những người chỉ trích tái chế nguyên tử cảnh báo rằng khu lưu trữ các bộ phận hạt nhân không khác gì một mầm tai họa chực chờ bung ra. Lịch sử không hề thiếu các vụ tai nạn, mất an toàn và lỗi an ninh có thể dẫn đến thảm họa hạt nhân.
Robert Alvarez, một chuyên gia hạt nhân, từ năm 1993 đến 1999 dưới thời chính quyền Clinton, là cố vấn chính sách cho Bộ Năng Lượng, cho biết: “Nguy hiểm thật. Và càng nguy hiểm hơn là số lượng trong kho đã tăng lên.”
Ông Alvarez và những người khác nói rằng lõi plutonium của những quả bom hydro bị loại bỏ là một bài toán đau đầu. Nó có kích thước gần bằng trái bưởi, thường được gọi là Lõi Quỹ (The Demon Core). Hoa Kỳ hiện có ít nhất 20,000 cái như vậy nằm trong các kho. Chúng được giữ tại nhà máy hạt nhân Pantex ở Texas. Một lượng nhỏ xíu plutonium cũng có thể gây chết người, và điều đó làm việc giữ an toàn cho nó phức tạp đáng kể.
Nếu được tái chế, các lõi từ bom B83 sẽ được đưa vào các boong-ke trữ plutonium tại Pantex, vốn đã quá đông đúc và chen chúc. Ông Alvarez cho biết những trận mưa xối xả vào năm 2010 và 2017 đã làm ngập một khu vực lớn lưu trữ plutonium tại Pantex. Quá trình sửa chữa ngốn hàng trăm triệu đô la.
Chính quyền của Clinton, Bush và Obama đều đã lên kế hoạch – với chi phí lên tới hàng tỷ đô la – để loại bỏ lượng dự trữ plutonium dư thừa, vốn đã tăng nhanh sau Chiến Tranh Lạnh. Nhưng cho đến nay chẳng có kế hoạch nào thành công.
Kế hoạch tái chế B83 có thể trở nên vô ích nếu các dân cử Cộng Hòa ở Capitol Hill ‘có lối đi riêng.’ Đầu năm nay, họ chỉ trích kế hoạch mới của chính quyền Biden nhằm loại bỏ quả bom cực mạnh được cho là cần thiết để nhắm tới các mục tiêu sâu và khó.
Nhưng ông Kristensen của liên đoàn khoa học nói rằng Đảng Cộng Hòa khó có thể thành công trong việc cứu B83 khỏi bị ‘phanh thây’ ngay cả khi chiếm lại được Hạ Viện, vốn sẽ mang lại cho họ quyền lực trong việc xác định các ưu tiên và ngân sách quân sự. Bốn thập niên sau khi được đưa vào kho vũ khí của Hoa Kỳ, nhiều khả năng B83 sẽ bắt đầu được đưa ‘sang thế giới bên kia’ trong các nhà kho lưu trữ.
Ngũ Giác Đài đã không còn mặn mà với loại vũ khí cũ này. Các viên chức nói rằng cố gắng kéo dài tuổi thọ của nó sẽ rất tốn kém, và trong mọi trường hợp sẽ khiến cho các máy bay ném bom gặp nguy hiểm vì chúng phải bay rất gần các mục tiêu để thả.
Các vũ khí mới hơn sử dụng hướng dẫn vệ tinh, vì vậy máy bay ném bom có thể thả vũ khí từ xa. Ví dụ, B61 model 12 có bộ não máy tính và bốn vây cơ động, cho phép nó tập trung vào các mục tiêu bị chôn vùi sâu. Được triển khai ở Châu Âu vào cuối năm nay, nó được chỉ định là sự thay thế cho B83. Và dĩ nhiên, các bộ phận nổ của nó là từ ‘kho đồ cũ’ mà ra.