Chỉ vài ngày trước khi nhà lãnh đạo Tập Cận Bình đảm bảo quyền lực tương lai của mình, trước ngày khai mạc Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 20, một người đàn ông ở Bắc Kinh đã cải trang thành công nhân xây dựng và treo biểu ngữ dọc theo cây cầu đông đúc giao thông của đường vành đai . Thông điệp trên biểu ngữ rất táo bạo: hãy loại bỏ nhà độc tài Tập Cận Bình.
Các biểu ngữ trên cầu đã bị xé bỏ gần như ngay lập tức. Sự việc hy hữu vào giữa tháng 10 được mạng xã hội gọi là "người trên cầu". Cơ quan kiểm duyệt đã can thiệp và ngay sau đó tất cả các ấn phẩm ở Trung Quốc có chứa từ "cầu" và "Bắc Kinh" đã biến mất.
Mặc dù vậy bức ảnh và hành động của ông đã lan truyền khắp thế giới. Tại các trường đại học ở Hoa Kỳ và Canada, sinh viên Trung Quốc bắt đầu dán áp phích và tổ chức thành các nhóm trên ứng dụng nhắn tin Telegram, theo tin từ báo DN, Thụy điển ngày 15 tháng 11 năm 2022.
Một tấm biển viết tay tại Đại học Colby ở bang Maine của Mỹ đã ca ngợi hành động của người đàn ông Bắc Kinh và nói: "Chúng tôi, người dân Trung Quốc, muốn lan tỏa đi thông điệp này, là thông điệp đã nói lên suy nghĩ của chúng tôi ở những nơi không bị kiểm duyệt."
Hôm nay, các cuộc biểu tình đã đến 350 khuôn viên trường đại học trên khắp thế giới, theo Citizens Daily CN, một nhóm người Trung Quốc lưu vong theo dõi các cuộc biểu tình và tạo điều kiện cho họ bằng các nền tảng trực tuyến.
Người đàn ông trên cầu ở Bắc Kinh được cho là đã bị bắt ngay sau vụ việc.
Các 'thám tử online' đã xác định được rằng ông là một nhà khoa học và theo dõi hồ sơ mạng xã hội của ông, được cho là bao gồm hai tài khoản Twitter. Tài khoản Twitter của nhà khoa học 48 tuổi chứa từ ngữ gần như giống hệt như từ ngữ trên các biểu ngữ.
"Cuộc sống, không có Zero covid - tự do, không đóng cửa - bầu cử, không độc tài." trên tài khoản viết.
Và rằng “nhà độc tài” Tập Cận Bình phải bị lật đổ.
Liệu đó có thực sự là nhà khoa học 48 tuổi đằng sau cuộc biểu tình trên cầu hay không vẫn chưa được xác nhận. Dù anh ta là ai, thì anh cũng được mệnh danh là "Bridge Man" ("Người trên Cầu"), được so sánh với "Tank Man" ("Người chặn Tăng"), người đàn ông Trung Quốc vô danh đứng trước hàng xe tăng trong cuộc biểu tình Thiên An Môn.
Cuộc biểu tình của các sinh viên tại Thiên An Môn lần đó đã trở thành một cuộc thảm sát. Bây giờ sinh viên một lần nữa biểu tình, nhưng lần này bên ngoài Trung Quốc.
Một phụ nữ Trung Quốc 23 tuổi vừa đến London để theo học đại học đã nhìn thấy dòng chữ từ các biểu ngữ ở Bắc Kinh trên Instagram của cô ấy. Cô đã sao chép các lời của biểu ngữ và treo chúng ở trường của mình.
Đây là lần đầu tiên cô tham gia vào bất kỳ loại biểu hiện chính trị nào. Và tuần sau đó, cô đã tham gia cuộc biểu tình đầu tiên của mình, bên ngoài đại sứ quán Trung Quốc, cô nói với Washington Post.
Phong trào phản đối đã lan rộng trên ứng dụng nhắn tin Telegram theo nhiều nhóm khác nhau, cũng như bên ngoài - với các cuộc biểu tình ở London, New York, Los Angeles, Toronto, Sydney.
Những người tham gia biểu tình có thể gặp rủi ro lớn ngay cả khi họ đang ở bên ngoài biên giới Trung Quốc. Các báo cáo lặp đi lặp lại trong những năm gần đây cho thấy sinh viên và công dân Trung Quốc bất đồng chính kiến đang bị chính quyền Trung Quốc theo dõi ở nước ngoài và đối mặt với các mối đe dọa khi họ trở về Trung Quốc.