Hôm nay,  
CTA_United Educators_Display_300x250_Vietnamese - Nguoi Viet

Cơn gió bụi

06/11/202210:12:00(Xem: 2605)
Truyện ngắn

Nông_dân_Việt_Nam


Mùa thu, mùa Vu Lan còn níu kéo, mùa còn tưởng nhớ tới mẹ, tới cha. Tôi tưởng nhớ tới dì tôi, dì đây là mẹ kế, người bước sau một bước sau mẹ tôi vào gia đình bên nội tôi.

 

Cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu sao dì tôi lại thành thân với cha tôi một đoạn đường và ngược lại. Nếu nói theo xưa, họ có duyên nợ vợ chồng chăng? Chớ thật ra hai người đó là hai mẫu người hoàn toàn trái ngược nhau từ hình dáng lẫn tính tình. Cha tôi, da trắng, dáng thư sinh, học thức, có nhiều tư tưởng sắc bén, ông nghiêm khắc pha lẫn lãng mạn. Cha tôi ham làm việc về trí óc nhưng có lúc cũng cần cù và khéo tay. Ông có lần đẽo và bào cho tôi một đôi guốc mộc bé bé xinh xinh lúc còn ở quê. Đôi guốc mà tôi nhớ mãi là tôi ôm trên tay nhiều hơn là để luồn vào chân. Ông nóng tính nhưng cũng suy nghĩ nhiều, không vội vã. Còn dì tôi vóc dáng không phục phịch nhưng khá lớn con và chắc nịch, cái chắc của một trong muôn vàn người đàn bà ở quê, chăm chỉ ruộng vườn, tham công tiếc việc. Dì tôi đó, da hơi sậm màu, răng đen nhánh với nụ cười tươi, người phúc hậu đầy vẻ chân phương và ít thấy ốm đau, hầu như không bao giờ.

 

Tôi chỉ nhớ lơ mơ là lúc mẹ tôi mất đi, một khoảng thời gian là ông bà nội làm đám cưới giết tới hai con heo và một con bò, rìng rang cưới xin đón dì tôi về thế chỗ mẹ tôi. Nhà nội tôi ngày mùa, nhà đông công thợ gặt hái, cần phải có người quán xuyến và cần một người kế mẫu cho tôi. Khi tôi bắt đầu có trí nhớ, khi tôi thấy thằng cu em do dì sinh ra đã ở bên tôi, hai chị em cùng lớn lên, chơi cùng nhau, tìm cào cào, châu chấu, đuổi bướm hái hoa suốt quãng đời thơ ấu bên nhau. Dĩ nhiên là cũng có lúc cãi nhau, rồi lại chơi lại vui vẻ.

 

Có những ngày chị em tôi đi cất vó tép, có ngày cùng hè nhau chạy băng ngang cánh đồng vi vút đuổi theo tiếng sáo diều lên cao. Những buỗi chiều mùa hạ ở thôn quê thật êm ả với đầy những sợi mây hồng vương trong gió. Có những chiều đông rét mướt, hai chúng tôi ngồi co ro trên thềm gạch, đợi dì về cho ăn cơm tối. Dì tôi đi làm đồng, dì khéo léo hay tát vũng đìa mang về những con tôm vàng đầy bụng trứng, có ngày là những con cá rô béo ngậy. Hai chúng tôi nhìn hau háu những con tôm con cá nướng vàng chảy mỡ và cong lên trên gắp lửa rơm. Mùi cá chín thơm pha lẫn mùi cơm gạo mới bốc hơi ngọt lịm. Dì đợi hai chị em tôi ăn xong, người vét nồi ăn cơm cháy với chút đồ ăn còn lại hay với chút muối mè và rau dền luộc đỏ cạch. Dì tôi chỉ thích ăn như vậy.

 

Quê tôi, ngày đó, đồng chua nước mặn, Thái Bình, gần biển ở vùng Bắc Việt xa xôi lắm. Ngày đó, ruộng vườn khít khao và giăng ngang dọc như mắc cửi, những năm 1950-1954, thời chưa cộng sản và nông dân tự do làm ruộng vườn riêng tư, của ai nấy lo làm, dù đôi khi nghe có chiến tranh Việt-Pháp rình rập ở xa xa.

 

Dì bước vô đại gia đình, ngồi thế chỗ mẹ tôi, người canh tác ruộng đất của nhà chồng, ngoài ra người còn làm thêm phần ruộng đất bên ngoại đã chia cho mẹ tôi lúc trước. Dĩ nhiên bà có quyền ấy vì bà nghiễm nhiên nuôi tôi với tấm tình âu yếm nồng nàn, không phân biệt con đẻ con chồng. Cha tôi thì không phải là một nông dân thuần túy. Ông còn bao nhiêu mộng ước, chí lớn chí nhỏ canh cánh bên lòng. Cha tôi ngày còn trẻ tuổi, đất nước ở giai đoạn giằng co giữa Việt Minh, quốc gia kháng chiến và chính quyền Pháp thuộc, cha tôi tự cho mình một trách nhiệm với quê hương, nên ông đi đi về về Thanh Hóa, Đống Năm, Quỳnh Côi, Phỉ Dực, Yên Bái… tôi có hỏi ông, ông bảo là ông đi có việc. Hồi đấy, chúng tôi còn quá nhỏ để hiểu biết những việc riêng tư của cha, chỉ thấy đơn giản là ông ít ở nhà, chỉ có mặt vào những ngày kỵ giỗ, ngày tết… rồi ông lại vội ra đi với cái túi sách vắt vai và một cây đàn banjo đeo bên sườn.

 

Dì tôi an phận ở quê nhà, làm việc và nuôi con. Nói cho văn vẻ là bà phải ghé cả hai vai gánh vác giang sơn nhà chồng. Cả ngày bà lăn lộn ngoài đồng ruộng, cầy bừa và trông coi công thợ mùa gặt hái, cắt rạ, đếm công. Bà thấy hạnh phúc vô biên trong công việc. Chỉ rất thỉnh thoảng, trời làm mưa dầm gió bấc, phải tạm ngưng công việc ở ngoài, người ở nhà xay thóc để có gạo ăn hằng ngày. Những ngày hạnh phúc đó, dì tôi vừa dần, vừa sàng gạo vừa dạy chị em tôi hát những câu vè rất phổ thông:

 

Bà ơi cho cháu một xu

Cháu mua bánh gù cháu gởi về Nam

Ba cháu đi làm chè tàu thuốc lá

Mẹ cháu ở nhà, khổ quá bà ơi…

 

Dì chỉ biết hát loanh quanh vài câu thế thôi. Hoặc:

 

Con cò lặn lội bờ ao

Gánh gạo nuôi chồng nước mắt nỉ non

Người về nuôi cái cùng con

Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng

 

Rồi bà dừng ở giữa những câu đó, mang gạo đã trắng đi cất. Bà không thể văn nghệ hơn một chút nữa! Ngay cả với cha tôi, dì cũng chân phương mộc mạc, bà không thích đưa đẩy hay săn đón dù cha tôi thuộc mẫu người lãng mạn và tình cảm.

 

Rõ ràng là dì tôi không phải người lý tưởng như cha tôi mong muốn. Mỗi lần cha tôi ghé về nhà, bà cũng mau mắn lo cơm nước cho ông, rồi úp lồng bàn bê khay cơm để lên phản, sau đó bà vội chụp nón lên đầu ra đồng ngay. Cha tôi quay qua quay lại không thấy bà đâu, ngồi ăn một mình, rồi lấy túi đàn ra, người nhẹ tay khéo léo lần từng cung bậc rồi khẽ khẽ hát theo:

 

Tung cánh chim tìm về tổ ấm

Nơi sống bao ngày giờ đầm ấm

 

Cũng có lần ông cố ý dạy chị em tôi hợp ca với ông, được chốc lát, hai đứa tôi nhố nhăng quá làm ông chán, ông lại ca một mình: “Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi…” Nhạc của Đặng Thế Phong và Bùi Công Kỳ buồn đứt ruột. Cha tôi cũng say mê bản “Đêm Đông”, ông đờn ca nhiều lần mà mãi sau này, lớn lên sống xa cha, mỗi lần nghe ca sĩ Bạch Yến hát lại, tôi vẫn luôn bồi hồi nhớ về quãng đời thơ ấu xa xưa. Tôi có thể nghe rất nhiều lần bài ca ấy mà không hề chán, lần nào nghe, tôi cũng có cảm giác nghẹn ngào như là trong lần đầu tiên. Tôi cũng không quên một điệp khúc “Hải Phòng nơi chân trời xa, Hải Phòng bao êm đềm qua” nghe hoài, riết, tôi nghĩ chắc là bố tôi đã có một đồng chí, một người yêu nào… ở Hải Phòng!

 

Cũng nhiều lần bố tôi đã phải phạt tôi và cu em quỳ gối vì ông tập cho tụi tôi ca bài “Tiếng hát sông Lô”, ông cố gắng hết sức mà không xong vì tiếng đàn làm chúng tôi không tập trung được, thì chúng tôi cũng đồng ca mà ca như chế nhạo bài nhạc.

 

Như tôi đã kể, dì tôi có thằng cu, nó kém tôi hai tuổi, dì tôi cảm nhận đó là điều may mắn trời cho. Cha tôi quý em tôi vì nó giống ông lắm. Còn tôi, ông thương không kém vì lẽ tôi mồ côi mẹ sớm. Dì thì thấy chị em tôi ríu rít bên nhau, bà coi tôi như một đứa con gái của bà, bà săn sóc vỗ về, tắm gội cho tôi luôn. Tôi thấm tình thương của dì qua những ân cần đó. Rồi càng lớn lên, tôi càng thương dì hơn vì bản tính dịu hiền, nhẫn nhịn và đơn giản của bà.

 

Dì tôi mỗi lần đi chợ phiên là hay dắt theo hai đứa con cho đi chơi luôn. Chợ phiên một tuần lễ mới họp một lần, chợ rất đông, chợ Giành, chợ Hồi, chợ Diêm Điền, Quang Lang, Hổ Đội, Bao Hàm… ở chợ nào dì cũng đãi chúng tôi ăn thỏa thuê những món quà đặc biệt: nem rán, thịt quay với xôi, bún sáo măng… món nào cũng béo ngậy và thơm điếc mũi mà tôi thấy không ở đâu, sau này, còn tìm được những hương vị, những cảm giác dạt dào ấy.

 

Dì tôi vốn không biết chữ, mù tịt, không cả a cũng không cả b, nhưng bà có tài đếm tiền không bao giờ lầm lẫn. Chú Thi, là con nuôi ông bà, chú là người tá điền trung thành và là một phụ tá đắc lực bên cạnh dì mà chú cũng không biết đếm tiền nhanh và giữ tiền chắc chắn như dì. Đấy là dì không biết chữ đấy.

 

Có một lần địa phương khởi xướng phong trào chống nạn mù chữ. Họ kiếm chuyện đặt bảng hỏi chữ ở cổng chợ Giành. Ai đọc thông quốc ngữ thì đi vô ra chợ tự nhiên, ai không đọc nổi chữ thì phải quay về, khỏi vô chợ, hoặc cứ muốn vào thì phải chui qua lỗ chó chui. Dì tôi chịu thua, người lúng túng lùi xa bảng hỏi chữ, không mua bán gì nữa, đi về vậy!

 

Nhưng khi thấy mặt mũi chị em tôi thất vọng, bà dứt khoát quay lại lẹ làng chui để vào chợ. Tội nghiệp dì lúng túng, mặt hơi đỏ, kéo lê cái thúng đi chợ, lách, bò lọt qua lỗ hổng hẹp! Gần như phải bò. Hai đứa tôi vội vã chui theo, bám sát gấu váy dì y hệt hai con chó con níu vú mẹ. Vừa chui qua rào dì tôi cắp thúng đi vội vã, chị em tôi lẽo đẽo vừa chạy theo vừa nhìn quanh nhớn nhác sợ, mà sợ cái gì thì không biết! Chỉ biết hôm đó dì còn nặng túi tiền nhưng bà lơ là không có ý đãi tụi tôi ăn quà vồn vã y mọi lần. Kéo áo nhắc bà, bà nói lẹ ăn gì ăn đi, ăn mau còn về.

 

Hồi đấy, xa xưa, quê tôi Thụy Anh, nằm giữa vùng ảnh hưởng của Pháp và Việt Minh, gọi là vùng tề. Nhưng thật ra, ban đêm Việt Minh về kêu dân đi họp và đóng thuế cho mặt trận. Cũng có nhiều người theo họ vì lý tưởng quốc gia, sau nhận rõ Việt Minh tàn ác và duy vật cộng sản, nên rất nhiều người đi kháng chiến ban đầu đã bỏ Việt Minh, họ trốn về các thành phố như Kiến An, Hà Nội, Hải Phòng… gọi là dinh tê. Người dân vùng quê chịu một cổ hai tròng, ban đêm Việt Minh áp bức, ban ngày chính quyền Pháp bảo hộ lấy cớ truy quét Việt Minh, tổ chức cai trị làng xã, thị uy, đặt lý trưởng, thứ chỉ, tiên chỉ của mỗi đơn vị dân cư để, kiểm soát.

 

Dân Việt Nam ở quê thời bấy giờ khó ngủ yên, ban ngày không được làm việc sinh hoạt bình thường. Rất nhiều lần, súng đạn hai bên giao tranh làm người dân phải rủ nhau đi tản cư lánh nạn, ít ngày tạm yên tiếng súng, người người lại rủ nhau lục tục kéo về làm ruộng rẫy để mưu sinh.

 

Giữa tình cảnh bất an đó, chú Thi tôi có lần khuyên dì, dì là chủ nhỏ trong nhà nhưng làm việc nhiều, dì có thể quyết định nhiều việc không thua ông hay bà và cả bố tôi, chú nhiều lần đề nghị:

 

– Hay là chị ơi, chị thưa với ông bà mình bán đi một ít vườn ruộng, bán đi ít nhiều lẫm lúa, mình mang tiền đó sang Kiến Sương, Tiền Hải lập một ngôi hàng xén buôn bán có lẽ hay hơn làm ruộng ở đây.

 

Dì lắc đầu phản đối:

 

– Tôi không biết buôn bán.

 

– Chị đếm tiền, giữ tiền giỏi, ông bà không tin tưởng ai bằng chị.

 

– Giữ tiền nhiều không hẳn là buôn bán giỏi, tôi yêu ruộng vườn, tôi thích sống ở làng quê.

 

– Ở quê, chị không thấy khổ sao? Thì đó, cả hai ông, ông Việt Minh và ông Tây có để yên cho chị cầy, bừa, cấy, hái không? Chị không thấy à… cái lần chạy loạn vừa rồi nhà ta đã xuýt chết hụt mấy lần.

 

– Tôi thấy, sợ lắm, mà thôi ráng chờ đi, ờ thì những thằng việt minh thì kiếm cách giết chết mấy thằng tây thực dân, rồi mấy thằng tây lại giết chết mấy thằng việt minh. Thứ đồ chết tử chết tiệt ! Thôi cứ chờ cho hai đứa nó giết lẫn nhau, cho đến khi cả hai đứa đó cùng chết hết, chết cả đi là yên chuyện… nhưng chị chờ đến bao giờ chúng nó mới chết tiệt… chúng nó có dàn trận đánh nhau lớn đâu mà chết hết đi cho mình sống yên.

 

Thì chị thấy những lần đi chạy loạn tản cư đó đó, cái thằng bỏ mẹ việt minh lâu lâu rình cắn trộm thằng tây một cái, thằng tây điên lên nổi khùng bắn loạn xạ, đốt nhà chúng ta… chẳng thấy chết thằng V.M. nào cả, chỉ thấy chúng ta chạy trốn tan tác rồi khói lửa mịt mờ…

 

Đúng là vậy, khi đồn bót tây bắn ô bi, đại bác lên các làng việt Nam thì việt minh đã vắt chân lên cổ cao chạy xa bay rồi, chỉ có dân là hoảng sợ chạy loạn…

 

Chạy loạn hình như là chạy lung tung, vô hướng… chạy loạn là cái nghiệp dân của Việt Nam. Mới đầu cứ gọi là tản cư, đi giạt từ vùng nọ qua vùng kia… chỗ nào yên bình hơn là tới, ít ngày sau lại trở về, có những lần chạy kịp là may thoát chết, có những lần chạy không xong là có người bị bắt, bị bắn chết, trong làng lại có vài đám ma, lại buồn thiu ủ giột ít ngày…

 

Tôi cũng không hiểu sao, nhờ vào phép lạ nào mà chúng tôi còn sống đến ngày nay. Dì tôi cứ nói là có ông bà linh thiêng, trời phật cao xa che chở, chớ lần nào có giặc tới càn là chúng tôi cũng chạy sau hết mọi người vì dì tôi là người tham công tiếc việc nghe đồn có Tây lên, mà người còn thu vén áo quần, cho gà ăn, cho rơm vô chuồng trâu bò, cài then các kho lúa, v.v… Khi ba người chúng tôi thoát ra khỏi làng, đã nghe loáng thoáng tiếng súng “cắc bọp” gần sau lưng, dì đi sau mọi người, mà cứ thấp thoáng nghe ngóng tình hình tạm êm êm là lò dò về trước, dì sợ nào ruộng quá khô phải gia công tát nước, mạ non quá cao mất nhiều ngày cấy. Vậy mà bà nói là bà không sợ cả Việt Minh lẫn Tây, bà chỉ sợ con trâu cái là vốn liếng của bà lỡ có bề nào mà bị chúng nó ngứa tay bắn lầm thì nguy!

 

Cứ thế, giặc giã, loạn ly, ruộng vườn giằng co theo năm năm tháng tháng. Cho đến một ngày nào đó ông bà tôi quá già yếu ra đi. Các cô tôi lần lượt về nhà chồng.

 

Năm 1950 cha tôi không lang thang nữa mà về quê sống. Ông cũng biết đi bó rạ, biết cuốn và cắt phơi thuốc lào, thuốc lá, gia đình tôi cũng có ít ngày hạnh phúc. Nhưng rồi cảnh ruồng bố bất an ở làng quê cứ tiếp diễn làm cha tôi chán nản. Sau tết nguyên đán 1951, người bỏ đi tay không lặng lẽ qua Nam An, Cổ Cát, tìm đường ra Hải Phòng.

 

Tội nghiệp dì tôi luyến tiếc những ngày hạnh phúc vụt qua, người mở hầu bao lấy ra vài hào lẻ thuê người viết thư nhắn nhủ chồng:

 

“Em mong anh đi chín về mười…” đấy những lời thư kế mẫu tôi thiêng liêng là thế, mà mãi sau này tôi mới hiểu nó thật vô nghĩa với cha tôi. Ông cho là cải lương ông không thích nghe, vì ông đã tìm thấy ở Hải Phòng nơi chân trời xa một hình bóng khác!

 

“Đàn ông họ tệ bạc quá!” Dì tôi khóc. Điều này tôi đồng ý với dì, tôi cũng khóc. Hình như tôi khóc nhiều hơn cả dì, vì dì là người đàn bà nhà quê, không có ý vượt qua lũy tre xanh của làng đi học i tờ thì làm sao dám ra thành phố tìm chồng, mà tìm làm gì khi người ta không còn yêu thương mình nữa? Thư đi hoài mà không có hồi âm riết rồi dì tôi chán và cam phận. Thỉnh thoảng dì la rầy tụi tôi bằng những lời vu vơ nho nhỏ.

 

Năm 1952, cha tôi cho người về đón tôi ra tỉnh sống với người. Những ngày đầu tiên ở phố phường tôi rất khổ sở vì cảnh sống ràng buộc. Tôi khóc bao nhiêu ngày, ấm ức, tôi nhớ em tôi, nhớ kế mẫu, nhớ quê nhà, nhớ từ con đường đi lối về chợ, nhớ cánh đồng ngoài nội. Tôi từng khóc lóc xin trở về sống với dì và em. Cha tôi bảo: Không được, con đã lớn, con phải ở gần bố để còn đi học. Tôi năn nỉ ông mang cu em ra đây cùng đi học, mặt cha tôi đỏ bừng, người xuống giọng nhỏ nhẹ như xin lỗi: Bố cũng muốn như vậy lắm, mà không được mang nó đi, rồi dì con sẽ thương nhớ nó mà chết mòn mỏi. Tôi bệu bạo nói, cha mang dì theo luôn. Ông chỉ thở dài.

 

Tôi cứ việc khóc và nhịn cơm. Cha tôi khuyên can đôi ba lần không xong rồi bỏ mặc. Người phải đi làm việc. Khóc riết mặt mũi sưng vù rồi tôi cũng phải ngừng. Đói quá rồi tôi cũng phải ăn. Thế là hết, hết những buổi chiều vàng quê hương, hết chị hết em.

 

Tôi khắc khoải nhớ kế mẫu tôi và tôi cũng mất kế mẫu tôi từ đó. Trong giấc ngủ thị thành, tôi còn mơ thấy nụ cười đen nhánh của bà và tấm váy sồi theo gió đong đưa soàn soạt, như ở bên tôi.

 

Cũng trong những giấc ngủ thị thành tôi mơ tưởng mãi về một nơi xa xa, nơi có cây sung sai trái, nơi có cây khế nở đầy từng chùm hoa tím rung rinh. Tôi có lần còn nằm ngủ và thấy rõ ràng hai đứa ngồi chơi ở bờ ao, nghịch bèo rồi lộn nhào xuống nước, mặt nước có những vòng tròn với bóng hai con bọ ngựa tan loãng xa lần lần rồi mất tăm.

 

Thời gian qua mau không ngờ. Năm 1955 cha và tôi di cư vào Nam và không còn liên lạc tí gì với quê nhà. Chúng tôi sống ở Sài Gòn, cha tôi xây dựng lại cơ ngơi, người có vợ khác và tôi có thêm nhiều em sau đó. Tôi lớn lên, đi học, đi làm việc, rồi tôi cũng có một gia đình riêng, hình ảnh quê hương ngày thơ ấu lùi xa dần và mất hút trong ký ức. Đôi lúc nhớ về người kế mẫu thân thương, tôi kể cho chồng tôi nghe về bà, tôi còn đoan chắc là bà đã nhớ tôi nhiều lắm, tội nghiệp… Chồng tôi phán rằng: Nếu em ở lại quê với dì, em đã được mặt váy sồi, đội khăn mỏ quạ và đi gánh lúa hiên ngang bằng đòn càn…

 

Tôi lặng người hồi tưởng và chiêm ngưỡng trong lòng một giây, một bóng dáng nhạt nhòa thân thương ngày bé.

 

Ngày 30/04/1975 Sài Gòn, cả miền Nam rơi vào tay cộng sản Bắc Việt. Một số người ở miền Bắc và có cả người ở quê tôi, lần mò vào Nam kiếm thân nhân. Dân đi tập kết cũng về tấp nập. Một số người buôn bán thấy cộng sản chưa kịp ra tay siết họng, nên họ đi đi về về buôn hàng từ Nam ra Bắc.

 

Nửa năm sau ngày mất miền Nam, tôi còn ở lại đó đã được gặp em tôi. Chuyện gia đình thiêng liêng là thế mà cả hai chị em ngần ngại một điều gì, ít khi nói tới. Chúng tôi mừng rỡ được gặp lại nhau và chỉ nói toàn chuyện vu vơ, ngoài lề cuộc sống. Mãi sau em tôi kể rằng sau hiệp định Genève, chia đôi đất nước thì cuộc sống ở Bắc hoàn toàn thay đổi, từ ngoài xã hội tới trong gia đình. Gia đình em, dì và em tôi không còn trú ngụ được trong những gian nhà khang trang của ông bà nội nữa, may mà được cho ở trong chuồng trâu, cạnh nhà bếp, đàn trâu thì vào hợp tác xã. Còn cây nhãn lồng cạnh chuồng trâu còn sai trái không? Mỗi mùa nhãn có còn có chim khuyên đến nhiều không? Tôi thoát hỏi em.

 

– Chị rõ lẩn thẩn. Mọi thứ đã khác xưa rồi. Cây nhãn đó em chặt nó lâu rồi. Em đốn nó vào một đêm mưa bão. Tại vì mình không được quyền có nó nữa thì mình để nó làm gì. Kỷ niệm có ăn được đâu, em phá bỏ cây nhãn mẹ em thì tiếc ngẩn ngơ và mọi người cứ tin là gió lớn nó phải gẫy đổ. Còn chỗ vườn có cây kiểng mà ông nội mình trồng những cây vạn niên thanh thì chúng đã lãnh đủ một trái bom, chỗ đó giờ là một cái ao. Mẹ em vào làm nông cho một hợp tác xã làng, đó là nhờ chú Thi cậy cục xin cho. Nhà em neo người, có hai mẹ con, nên chưa phải đói lắm, chớ có năm thiên hạ xung quanh đói nằm ngồi la liệt.

 

Tôi tròn xoe mắt thán phục và em tôi cứ tiếp tục giải thích:

 

– Mẹ em vốn thiệt thà, mà rồi hợp tác xã nhà nước khắt khe quá, nên bà ấy phải vụng trộm lấy lén từng nắm gạo giấu trong quần áo lót. Nhưng nếu chú Thi đong đếm mà cho lén thì bà từ chối vì sợ. Ngày ngày khi được một nắm, khi được hai nắm gạo mà nuôi em.

 

– Rồi làm sao mà nấu nướng mà ăn?

 

Thì chiều chiều, chạng vạng tối tối, đợi thật trễ khi nhà trên họ đi họp hành, mẹ ngâm gạo từ chiều trong cái nồi nhỏ cho gạo nở ra là tắt đèn, nấu vụng, buông mùng, mẹ và em ăn cơm trong mùng, trong bóng tối và phải ăn ít ít. Lần nào em cũng được ăn trước, mẹ ăn sau mẹ nắm và vắt cơm nho nhỏ, ăn chậm rãi như nhai trầu. Mẹ ăn và luôn nhớ tới chị, mẹ bảo mẹ đang ăn cái phần ăn nhỏ bé của chị.

 

Em tôi mô tả cảnh sống cơ hàn với nét mặt bình thản, nó đã quen rồi và cũng chẳng cần quan tâm gì tới nỗi xúc động nơi tôi.

 

– Thế không bao giờ nhà nước bán gạo cho dân sao?

 

– Có, nhưng rất thỉnh thoảng, người ta ăn khoai mì, khoai lang nhiều rất nhiều hơn gạo lúa, thế nên ở Bắc Kỳ người ta không cần tới cái rá vo gạo nữa!

 

Nó cứ kể lể lung tung, tôi phải ngắt lời:

 

– Mẹ còn khỏe không?

 

– Mẹ em trời thương, ít khi đau yếu. Cách nay chừng mười năm, vì bị mất đôi bông tai vàng, lại bị quy vào tội ăn cắp, bà tức uất lên, đau dài dài cả năm ròng.

 

– Mẹ khá nhỉ, lại còn có cả bông tai vàng ư?

 

– Ôi, chị nói vậy tại không hiểu chuyện thôi, ăn còn không đủ, làm sao mua vàng, vàng đây là đôi bông tai của bà nội từ xưa. Khi bà mất bà mang theo, sau này, người ta quy hoạch hợp tác xã, đuỗi nghĩa địa. Mẹ em sang cát cho bà rời đi nơi khác. Trong lúc mày mò tìm, người kiếm lại được vàng của bà nội. Mẹ em kín đáo lắm, chẳng ai biết. Mãi 20 năm sau, lo chuyện cưới vợ cho em, mẹ mang hai chỉ vàng vào tận Nam Định bán chui lấy tiền lo cho em, lần ấy, mẹ mừng lắm vì đã mấy lần mẹ đi hỏi vợ cho em rất khó khăn. Lần đi bán vàng mẹ tin là bà nội phù hộ, mà lại thất bại, vì bị công an tra hỏi tiền và vàng ở đâu ra? Mẹ khai thiệt và bị quy tội là lấy vàng của cải của nhà nước, bà phải nộp trả cho nhà nước và đi tù vì tội ăn cắp của công! Còn em, chị hỏi em làm nghề gì hả? Em làm thợ mộc, thợ bào lẻ tẻ để kiếm ăn, em là con nhà Việt gian, có bố đi Nam, em không được vào hợp tác xã nào cả, em cũng không được vào quân đội hay một ngành nghề gì.

 

Nhìn em và nghe chuyện nó kể tới đó, tôi thoáng thấy nó mất hết vẻ tin anh của một người, một con người. Nó mất thần khí, buồn buồn, cái buồn hiu của một con người bị gạt hoàn toàn ra ngoài lề xã hội dù là một xã hội bần hàn rách nát.

 

Đợi cho em uống hết ly nước ngọt tôi đổi đề tài:

 

– Mẹ giờ già rồi, mẹ có nhắn gì không ?

 

– À, mẹ em nói nếu vô đây mà gặp được chị, nói nếu chị có tiền thì mua cho mẹ ba mét vải. Phòng khi mẹ đi theo ông bà, có mà liệm.

 

– Vải mà làm gì… còn sống, lo ăn mà sống.

 

– Ở các thành phố, đô thị, người ta có chút tiền không biết sao, chứ ở trong quê nghèo, mỗi hộ chỉ có một cái chiếu cói. Liệm xác chôn xong lại rút chiếu về, để đến lượt người khác. Mẹ em không muốn thế, mẹ nói khi xưa có làm mõ cho làng cũng còn được chôn cất tử tế, ngày nay thời cộng sản, mới làm vậy, mẹ nói mẹ có tội gì đâu mà khi chết phải chôn trần.

 

– Ờ, ờ, chị sẽ mua vải cho mẹ.

 

– Chị này, mẹ em lạ lùng lắm, bà ấy cứ tưởng là bà ấy còn giầu có lắm. Đêm về, khó ngủ, mẹ lại nhắc với em nói với chị nếu có dịp nào còn gặp lại, là nhà mình còn ba chục mẫu đất bên Đầm Dơi, mười sào ruộng tốt ở giữa làng có bằng khoán ruộng chiêm, ruộng mùa bên Ghồ Rơi còn đủ cả. Lạ là không bao giờ mẹ thấy được cái nghèo khó, đói khát cả bao nhiêu năm trời.

 

– Thế em gặp cha, thì cha, à mẹ có nhắn gì với cha không?

 

– Mẹ em không nhắn gởi gì với ông… Có gì mà nói nữa? Chẳng hiểu sao ngày xưa họ lại lấy nhau.

 

– Thì ông bà mình muốn thế, duyên nợ vợ chồng của họ ngắn ngủi quá.

 

Rồi chị em tôi cùng im lặng, không đứa nào muốn nói gì nữa. Chúng tôi cũng thắm buồn, cái buồn của một cảnh gia đình ngang trái, của một vận nước ngả nghiêng, rối bời, và của hết cả những cuộc đời dang dở. Trong cái bóng tối mờ mờ của một ngày sắp tàn, tiếng muỗi vo ve, chúng tôi ngồi yên lặng nhín nhau, thoáng trong ánh mắt giao nhau như bùng lên những kỷ niệm xa xăm vụt hiện về vụt tắt.

 

– À, có một điều này, chị nhắc em mới nhớ ra.

 

– Điều gì?

– Thì mẹ em nhắn với ba là cái mền sakymen tháng rồi của cô Cả Đậu mang giùm từ Nam ra Bắc, nói là ba mua biếu mẹ. Nhưng mẹ nói đó không phải là quà ba cho mẹ đâu, mà là ba trừ nợ, vì gần nửa thế kỷ trước, có lần ba từ nhà quê ra đi, ba đã mang theo cái chăn dạ của mẹ. Mẹ bảo cái chăn đó của mẹ ấm lắm. Em chưa nói, em sợ làm phiền lòng mọi người trong nhà.

 

– Tôi đồng ý với em, thôi bỏ qua đi, đừng khơi lại chuyện cũ buồn lòng mà chẳng lợi ích gì cho ai.

 

Mà dì tôi là như thế đó, một người chân phương, giản dị, nhưng chắc chắn, chắc chắn cả với vết thương lòng thầm kín của bà. Bao nhiêu năm khói lửa chiến tranh, bom rơi đạn nổ, thương hải biến vi tang điền, lại bị xã hội cộng sản hà khắc đầy ải, dì tôi vẫn cố bám lấy quê chồng, với một lòng thủy chung nguyên vẹn.

 

Bà không quên được kỷ vật cũ, tấm chăn dạ ấm, đó là biểu hiện của hạnh phúc vợ chồng, một tấm tình thân ái nồng nàn của một quãng đời ngắn ngủi mà chồng bà đã lấy mất mang đi.

 

Chúc Thanh

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
1)Tưởng niệm MC Phạm Phú Nam 2)Nhớ về cuộc di cư 1954. 3)Chiếu Phim Sài gòn trước 75 4)Chào đón minh tinh Kiều Chinh đến San Jose. Chiều ngày thứ bẩy 27 tháng 7 năm 2024 vừa qua chúng tôi đã có dịp nhân danh Viet Museum kịp thời trả những món nợ cho lịch sử. Số là anh chị em chúng tôi vẫn còn nhớ về chuyến di cư 1 triệu người từ Bắc vào Nam 70 năm xưa.
Anh Cao Huy Thuần vừa qua đời lúc 23giờ 26 ngày 7-7-1924 tại Paris. Được tin anh qua đời tôi không khỏi ngậm ngùi, nhớ lại những kỷ niệm cùng anh suốt gần 60 năm, từ Việt Nam đến Paris. Anh sinh tại Huế, học Đại Học Luật Khoa Sài Gòn (1955-1960) và dạy đại học Huế (1962-1964). Năm 1964 anh sang Pháp du học. Năm 1969 anh bảo vệ Luận án Tiến sĩ Quốc Gia tại Đại Học Paris, và giảng dạy tại Viện Đại Học Picardie cho đến khi về hưu.
Khi lần đầu tiên gặp một họa sĩ, tôi thường có khuynh hướng tìm vài nét tương đồng để liên tưởng đến một họa sĩ nổi tiếng nào đó thuộc những thế hệ trước. Với Nguyễn Trọng Khôi, tôi cũng làm như vậy nhưng trừ vài nét chung chung như được đào tạo ở trường ốc hay năng khiếu, tôi không tìm được gì đậc biệt. Nguyễn Trọng Khôi (NTK) không giống một họa sĩ nào khác.
Hồ Hữu Thủ cùng với Nguyễn Lâm, Nguyễn Trung của Hội Họa sĩ Trẻ trước 1975 còn sót lại ở Sài Gòn, họ vẫn sung sức lao động nghệ thuật và tranh của họ vẫn thuộc loại đẳng cấp để sưu tập. Họ thuộc về một thế hệ vàng của nghệ thuật tạo hình Việt Nam. Bất kể ở Mỹ như Trịnh Cung, Nguyên Khai, Đinh Cường… hay còn lại trong nước, còn sống hay đã chết, tranh của nhóm Hội Họa sĩ Trẻ vẫn có những giá trị mang dấu ấn lịch sử. Cho dù tranh của họ rất ít tính thời sự, nhưng cái đẹp được tìm thấy trong tác phẩm của họ lại rất biểu trưng cho tính thời đại mà họ sống. Đó là cái đẹp phía sau của chết chóc, của chiến tranh. Cái đẹp của hòa bình, của sự chan hòa trong vũ trụ. Cái mà con người ngưỡng vọng như ý nghĩa nhân sinh.
Westminster, CA – Học Khu Westminster hân hoan tổ chức mừng lễ tốt nghiệp của các học sinh đầu tiên trong chương trình Song Ngữ Tiếng Việt (VDLI) tiên phong của học khu. Đây là khóa học sinh đầu tiên ra trường và các em sẽ được ghi nhận tại buổi lễ tốt nghiệp đặc biệt được tổ chức vào thứ Ba, ngày 28 tháng Năm, lúc 6:00 giờ chiều tại phòng Gymnasium của Trường Trung Cấp Warner (14171 Newland St, Westminster, CA 92683).
Tháng Năm là tháng vinh danh những đóng góp của người Mỹ gốc Á Châu và các đảo Thái Bình Dương cho đất nước Hoa Kỳ mà trong đó tất nhiên có người Mỹ gốc Việt. Những đóng góp của người Mỹ gốc Á Châu và các đảo Thái Bình Dương cho Hoa Kỳ bao gồm rất nhiều lãnh vực, từ kinh tế, chính trị đến văn học nghệ thuật, v.v… Nhưng nơi đây chỉ xin đề cập một cách khái quát những đóng góp trong lãnh vực văn học của người Mỹ gốc Việt. Bài viết này cũng tự giới hạn phạm vi chỉ để nói đến các tác phẩm văn học viết bằng tiếng Anh của người Mỹ gốc Việt như là những đóng góp nổi bật vào dòng chính văn học của nước Mỹ. Điều này không hề là sự phủ nhận đối với những đóng góp không kém phần quan trọng trong lãnh vực văn học của Hoa Kỳ qua hàng trăm tác phẩm văn học được viết bằng tiếng Việt trong suốt gần năm mươi năm qua.
Vì hình ảnh ảm đạm, buồn sầu, như tiếng kêu đòi tắt nghẹn. Tôi, tác giả, đi giữa lòng thủ đô Hà Nội mà không thấy gì cả, không thấy phố không thấy nhà, chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ. Cờ đỏ là quốc kỳ. Mưa sa làm cho những lá quốc kỳ sũng nước, bèo nhèo, nhếch nhác, úng rữa. Một hình ảnh thảm hại. Hình ảnh thảm hại là dự phóng cho tương lai thảm hại. Và thất bại. Lạ một điều, người ta chỉ trích dẫn năm dòng thơ này, tổng cộng 14 chữ, mà không ai trích dẫn cả bài thơ, và hẳn là hơn 90% những người biết năm dòng này thì không từng biết, chưa bao giờ đọc, cả bài thơ, và tin rằng đó là những lời tâm huyết của nhà thơ Trần Dần nói về thời cuộc mà ông nhận thức được vào thời điểm 1955.
Viet Book Fest cho thấy thế hệ trẻ gốc Việt nay đã vượt qua được những ràng buộc cơm áo gạo tiền của thế hệ đi trước, để cộng đồng Việt nay có thể vươn lên với giấc mơ văn học nghệ thuật trên đất nước Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
Hư vỡ là đặc tính bất biến của cuộc đời, của tất cả những gì có mặt trong vũ trụ này. Nghĩa là những gì hợp lại, thì sẽ tan; những gì sinh ra, rồi sẽ biến mất. Không có gì kiên cố, bất biến trên đời. Đức Phật đã chỉ ra sự thật đó, và biến những thái độ sống không vui thành sự kham nhẫn mỹ học: cái đẹp chính là vô thường. Bởi vì vô thường, nên có hoa mùa xuân nở, có những dòng suối chảy từ tuyết tan mùa hè, có những trận lá mùa thu lìa cành, và có những trận mưa tuyết mùa đông vương vào gót giày. Bởi vì sống hoan hỷ với hư vỡ là tự hoàn thiện chính mình, hòa hài làm bạn với hư vỡ là sống với sự thật, và cảm nhận toàn thân tâm trong hư vỡ từng khoảnh khắc là hòa lẫn vào cái đẹp của vũ trụ. Và sống với chân, thiện, mỹ như thế tất nhiên sẽ đón nhận được cái chết bình an.
Mỗi 30 tháng 4 là mỗi năm xa hơn ngày đó, 1975, thêm một bước nữa xa hơn, đi vào dĩ vãng. Hầu hết những người trực tiếp tham gia vào cuộc chiến trước 75, nay đã vắng mặt. Non nửa thế kỷ rồi còn gì. Khi không còn ai nữa, không hiểu những thế hệ trẻ tha hương sẽ nhớ gì? Một thoáng hơi cay? Có khi nào bạn đọc ngồi một mình chợt hát lên bài quốc ca, rồi đứng dậy, nghiêm chỉnh chào bức tường, thằng cháu nhỏ thấy được, cười hí hí. Ông ngoại mát rồi. Trí tưởng tượng của người thật kỳ diệu. Rượu cũng kỳ diệu không kém. Nửa chai vơi đi, lơ mơ chiến sĩ trở về thời đó. Lạ lùng thay, quá khứ dù kinh hoàng, khốn khổ cách mấy, khi nhớ lại, có gì đó đã đổi thay, dường như một cảm giác đẹp phủ lên như tấm màn mỏng, che phía sau một thiếu phụ trẻ đang khóc chồng. Cô có mái tóc màu nâu đậm, kiểu Sylvie Vartan, rủ xuống che nửa mặt. Nhưng thôi, đừng khóc nữa. Chỉ làm đất trời thêm chán nản. Để tôi hát cho em nghe, ngày đó, chúng tôi, những người lính rất trẻ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.