
KARACHI – Hồi tháng 4, một phụ nữ trẻ đánh bom liều chết đã khiến 3 giáo viên người Trung Quốc và tài xế người địa phương thiệt mạng ở Karachi. Việc nhắm mục tiêu vào công dân Trung Quốc là nhằm phá hoại mối quan hệ giữa Islamabad và Bắc Kinh, theo Reuters đưa tin ngày Chủ Nhật, 30 tháng 10 năm 2022.
Vụ đánh bom đe dọa một phần chính trong sáng kiến Vành Đai Và Con Đường (Belt and Road) của Bắc Kinh, một mạng lưới cơ sở hạ tầng gồm đường bộ, đường sắt, đường ống và cảng trị giá 65 tỷ đô la ở Pakistan, kết nối Trung Quốc với Biển Ả Rập và giúp Islamabad mở rộng và hiện đại hóa nền kinh tế của mình.
Những người ly khai từ tỉnh Balochistan của Pakistan đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ việc. Trong một clip đăng trên mạng xã hội, phe ly khai cảnh báo Trung Quốc nên rút khỏi Pakistan nếu không họ sẽ phải đối mặt với những cuộc tàn sát lớn hơn nữa.
Đã nhiều tháng kể từ khi vụ tấn công xảy ra, các nhà chức trách Pakistan vẫn vô cùng lo lắng. Bộ Nội Vụ cho biết trong một tuyên bố: “Các cuộc tấn công nhằm vào các công dân Trung Quốc và các dự án ở Pakistan là mối lo ngại lớn của chính phủ,” đồng thời cho biết chính phủ đang tích cực truy lùng những thành phần nguy hiểm đó.
Baloch National Army (BLA), nhóm phát hành đoạn clip, là một phần của lực lượng nổi dậy thường nhắm vào lực lượng an ninh Pakistan hàng thập niên qua.
Nhưng trong những năm gần đây BLA đã tấn công các công dân Trung Quốc, bởi vì, theo họ, Bắc Kinh đã phớt lờ cảnh báo không tham gia các giao dịch và thỏa thuận liên quan đến Balochistan.
Trung Quốc tham gia vào các dự án khai thác và cơ sở hạ tầng lớn ở tỉnh giàu tài nguyên, bao gồm cảng nước sâu Gwadar, tất cả đều là một phần của Hành Lang Kinh Tế Trung Quốc-Pakistan (China-Pakistan Economic Corridor – CPEC).
Ở đầu clip, một tay súng đeo mặt nạ nói về Trung Quốc, bằng tiếng Anh, rằng: “Hỡi Chủ tịch Trung Quốc… ông vẫn còn thời gian để rút khỏi Balochistan, nếu không, các người sẽ bị đưa đá ra khỏi Balochistan theo cách sẽ ám ảnh các người suốt đời.”
Ngay sau đó, giáo viên Shari Hayat Baloch, 30 tuổi, được quay trong cảnh đang đi dạo trong công viên với con trai và con gái nhỏ của mình và nói chuyện với camera. Mỉm cười và bình tĩnh, người phụ nữ trẻ nói cảm ơn các chiến binh ly khai Baloch đã cho cô “cơ hội” trở thành nữ đánh bom liều chết đầu tiên của phong trào.
MỐI QUAN TÂM Ở BẮC KINH
Bộ Nội Vụ cho biết, một nhóm viên chức Trung Quốc đã tới Pakistan để hỗ trợ điều tra, dấu hiệu cho thấy thái độ nghiêm túc của Bắc Kinh đối với vụ tấn công. Các viên chức Trung Quốc đã hỗ trợ lực lượng chống khủng bố của Pakistan trong các lĩnh vực như tăng cường cảnh quay CCTV và truy xuất dữ liệu từ điện thoại di động.
Nhóm đã rời đi vào cuối tháng 8 sau khi dành gần hai tháng để rà soát hàng chục ngàn tệp dữ liệu. Các manh mối tìm được đã giúp các nhà chức trách Pakistan truy ra nghi phạm chính trong vụ tấn công trường đại học, người này đã bị bắt vào tháng 7.
Trước đó, Trung Quốc lên án vụ tấn công và yêu cầu Pakistan trừng phạt thủ phạm, bảo vệ công dân Trung Quốc và không được phép để những vụ việc như vậy tái diễn.
CON ĐƯỜNG TỰ SÁT
Hayat – một giáo viên khoa học có bằng thạc sĩ về Động vật học – đang dự định ghi danh học bằng thạc sĩ thứ hai vào thời điểm cô ôm bom trong ba lô đón đường một chiếc xe chở ba giáo viên người Trung Quốc.
Cô là thành viên của Tổ Chức Sinh Viên Baloch Azad (Baloch Students Organization – BSO) khi còn là sinh viên. BSO Azad vẫn còn hoạt động ngầm. Chồng của Hayat, Habitan Baloch, là một nhân vật hàng đầu trong BSO Azad vào thời điểm họ kết hôn.
Cha của Hayat, Mohammed Hayat, một công chức đã nghỉ hưu, cho biết: “Trong gia đình chúng tôi, mọi người đều nói về kháng chiến, đó là một điều bình thường. Tôi không thể ngờ rằng con gái mình có thể có khuynh hướng cực đoan như vậy.”
Sau vụ đánh bom, các cơ quan thực thi pháp luật Pakistan đã bắt giữ ít nhất 7 sinh viên Baloch trên khắp đất nước do bị tình nghi có liên quan.
Từ lâu, Pakistan đã đổ lỗi cho kẻ thù cũ là Ấn Độ ủng hộ cuộc nổi dậy ở Balochistan. Ấn Độ, quốc gia từng gây chiến với cả Pakistan và Trung Quốc, phủ nhận cáo buộc.