
Các mối quan tâm về năng lượng vẫn đang là mối lo ngại hàng đầu ở Châu Âu. Cùng thời điểm các bộ trưởng năng lượng của EU nhóm họp tại Praha để thảo luận về cuộc khủng hoảng năng lượng vào thứ Tư ngày 12 tháng 10 năm 2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhân cơ hội này để gây sức ép lên châu Âu, theo tin từ Đài Truyền hình SVT, Thụy điển.
“Nga đã sẵn sàng bắt đầu cung cấp khí đốt. Quả bóng nằm trong sân của EU và nếu họ muốn, họ có thể bật vòi nước,” Tổng thống Vladimir Putin cho biết trong một bài phát biểu ở Moscow hôm thứ Tư.
Việc Nga đề nghị nối lại nguồn cung cấp khí đốt cho Đức thông qua đường ống Nord Stream còn lại đặt ra nhiều câu hỏi. Làm thế nào người ta có thể thực sự giải thích đề nghị này?
Ba trong số bốn đường dây dẫn gas đã bị hư hỏng liên quan đến vụ nổ vào ngày 26 tháng 9. Đây là đường ống cuối cùng, còn nguyên vẹn của Nord Stream 2 mà Putin hiện nói rằng đã sẵn sàng tiếp tục giao hàng.
Putin cũng đề cập đến có thể chọn giao hàng qua Thổ Nhĩ Kỳ.
“Chúng tôi có thể chuyển khối lượng khí đốt từ đáy Biển Baltic đến khu vực Biển Đen và biến nó thành đường ống dẫn chính của chúng tôi đến châu Âu, với điều kiện là các đối tác của chúng tôi muốn và có khả năng về mặt tài chính.” Putin nói.
Nhưng Đức đã ngay lập tức từ chối lời đề nghị.
“Bất kể khả năng đường ống dẫn khí đốt đã có thể bị phá hoại hay không, chúng tôi đã thấy rằng Nga không còn là nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy nữa.” Bà Christiane Hoffmann, phát ngôn viên của chính phủ Đức, cho biết.
Thực chất lời đề nghị về khí đốt mới của Nga là gì?
Phóng viên của Đài Truyền hình Thụy điển đã phân tích những lý do như sau:
Putin một phần muốn thể hiện sức mạnh và hành động bằng cách nói như vậy, nhưng đồng thời đó cũng là thông điệp đến Châu Âu và các nước mà ông ta hy vọng sẽ chùn bước trước những trừng phạt với Nga và về khí đốt của Nga.
Điều mà Putin đang thật sự muốn nói là hãy xem đây nè, tôi đang có khí đốt và dầu rẻ đây. Các bạn thì cần, tôi thì có, hãy để tôi mở vòi.
Và Thổ Nhĩ Kỳ xuất hiện trong bức tranh như thế nào?
Putin cũng nói có thể dẫn sang Thổ Nhĩ Kỳ để chuyển sang Châu Âu, điều này sẽ khiến các nước nằm phía Nam của Châu Âu quan tâm, những nước đang cần năng lượng cũng như những nước mà Putin hy vọng có thể có thái độ thân thiện hơn với Nga và khí đốt của Nga.