
HOA KỲ – NASA tuyên bố đã thành công trong sứ mệnh DART, cho một tàu vũ trụ đâm vào và làm chệch hướng một tiểu hành tinh, đánh dấu lần đầu tiên nhân loại có khả năng thay đổi quỹ đạo của một thiên thể, theo Reuters đưa tin ngày Thứ Ba, 11 tháng 10 năm 2022.
Sứ mệnh DART là bằng chứng cho sự thành công của một khái niệm trị giá 330 triệu đô la, được phát triển trong bảy năm, và cũng là cuộc thử nghiệm đầu tiên trên thế giới về một hệ thống phòng hành tinh, được thiết kế để ngăn chặn nguy cơ một vụ va chạm thiên thạch gây ra ngày tận thế cho Trái Đất.
Kết quả quan sát bằng kính thiên văn được công bố tại một cuộc họp báo của NASA ở Washington, xác nhận chuyến bay thử nghiệm vào ngày 26 tháng 9 đã đạt được mục tiêu chính: thay đổi hướng của một tiểu hành tinh thông qua lực động học tuyệt đối.
Các kết quả đo đạc thiên văn trong hai tuần qua cho thấy tiểu hành tinh mục tiêu đã bị đẩy tới gần hơn một chút với tiểu hành tinh mẹ mà nó đang quay quanh, và chu kỳ quỹ đạo của nó cũng đã rút ngắn 32 phút. Giám đốc NASA Bill Nelson nói với các phóng viên: “Đây là thời khắc quan trọng đối với nhân loại và hệ thống phòng hành tinh. Nghe như trong phim, nhưng đây là đời thực, không phải là Hollywood.”
Tàu vũ trụ trong sứ mệnh DART (Double Asteroid Redirection Test – Thử Nghiệm Chuyển Hướng Tiểu Hành Tinh Đôi) đã được cho va chạm vào Dimorphos, “Mặt Trăng” của tiểu hành tinh Didymos, cách Trái Đất gần 11 triệu km, vào ngày 26 tháng 9 năm 2022. Vụ va chạm đã thành công chuyển hướng Dimorphos vào một quỹ đạo nhỏ hơn, nhanh hơn xung quanh Didymos.
Vụ va chạm đã được theo dõi trong thời gian thực từ Johns Hopkins University Applied Physics Laboratory (APL) ở Laurel, Maryland, nơi tàu vũ trụ được thiết kế và chế tạo cho NASA.
Dimorphos là một tiểu hành tinh hình quả trứng, có kích thước gần bằng một sân vận động bóng đá, đang quay xung quanh một tiểu hành tinh mẹ lớn hơn nó khoảng 5 lần, có tên Didymos, với chu kỳ quỹ đạo ban đầu là 11 tiếng 55 phút.
Tàu vũ trụ trong thử nghiệm có kích thước bằng một chiếc tủ lạnh, bay với vận tốc khoảng 14,000 dặm/ giờ (22,531 km/h) trước khi lao vào Dimorphos. So sánh các phép đo trước và sau va chạm của cặp Dimorphos-Didymos cho thấy chu kỳ quỹ đạo đã được rút ngắn xuống còn 11 giờ 23 phút.
Lori Glaze, giám đốc bộ phận khoa học hành tinh của NASA, cho biết kết quả “đã chứng minh rằng chúng ta có khả năng làm chệch hướng một tiểu hành tinh tiềm ẩn nguy cơ với kích thước tương tự,” nếu phát hiện ra nó đủ sớm để kịp ứng phó. “Mấu chốt là phát hiện sớm.”
Một tiểu hành tinh có kích thước cỡ như Dimorphos, mặc dù không có khả năng gây ra mối đe dọa cho toàn bộ Trái Đất, nhưng vẫn dư sức san bằng một thành phố lớn nếu xảy ra va chạm trực diện.
Cả Dimorphos và Didymos đều rất nhỏ nếu so với tiểu hành tinh Chicxulub đã ‘tông’ vào Trái Đất khoảng 66 triệu năm trước, gây ra trận đại hồng thủy xóa sổ khoảng 3/4 loài động thực vật, bao gồm cả khủng long.
Dimorphos là một trong những vật thể thiên văn nhỏ nhất được đặt tên và là một trong 27,500 tiểu hành tinh với mọi kích cỡ ở gần Trái Đất mà NASA đang theo dõi. Dù không có cái nào trong số đó được biết là có thể gây ra mối nguy hiểm cho nhân loại, nhưng NASA ước tính rằng vẫn còn rất nhiều tiểu hành tinh khác chưa được phát hiện, đang ‘lởn vởn’ trong vùng lân cận gần Trái Đất.