Hôm nay,  

Ngày giỗ đầu của anh

06/08/202211:24:00(Xem: 2721)

Tùy bút

DinhCuong_BongMay
Bóng mây, tranh Đinh Cường.

 

Một người cháu cho tôi hay: “Lúc 2 giờ sáng nay, thứ 7 ngày 7 tháng 8-2021, Cậu Ba (anh tôi) thức dậy nhờ ‘người nuôi bịnh tại gia’ dìu đi tiểu. Xong, Cậu Ba vô giường nằm. Sau đó lúc 5 giờ sáng người làm vô giường xem thì thấy Cậu Ba ngừng thở. Vậy Cậu Ba ra đi khoảng từ 3 đến 5 giờ sáng. Chiều tối hôm thứ Bảy, xác Cậu Ba được liệm. Và 3 giờ chiều mai, Chủ Nhật, ngày 8 tháng 8-2021 tức là ngày Mùng 1 tháng 7 âm lịch sẽ chôn Cậu Ba tại Nha Trang. Mộ Cậu Ba nằm sát bên mộ Mợ Ba”.

 

Mặc dầu anh tôi qua đời không liên quan gì đến dịch bịnh Covid-19. Anh thọ đến 92 tuổi, anh qua đời vì biến chứng của tuổi già, sức khỏe yếu, trí tuệ bị hao mòn. Theo lời người cháu: “Ở Việt Nam hôm nay Nhà Nước đang thực hiện giãn cách. Ở Ninh Thuận cũng như Khánh Hòa đang thực hiện chế độ giãn cách theo đúng chỉ thị 16 của chính phủ về phòng chống Covid-19, nên mọi người không được đi đâu hết. Chị Biếc, con gái lớn, của Cậu mợ Ba ở Đà Nẵng, anh Đỉnh con trai út của Câu Mợ Ba đang ở Saigòn đều không thể về Nha Trang được, dù rất muốn về để tang. Gia đình cháu và các anh chị con Dì Tư ở Phan Rang cũng rất muốn ra Nha Trang  viếng Cậu Ba cũng không thể nào đi được. Việc mai táng Cậu Ba trong vòng 48 tiếng đồng hồ là theo yêu cầu của chỉ thị 16, của nhà nước phòng chống dịch bịnh Covid-19”. Mọi phúng điếu đều bị từ chối vì chính quyền cũng đang phòng chống tham nhũng.

 

Cách đây hơn 10 năm, hai vợ chồng tôi về thăm anh tôi ở Nha Trang. Lúc ấy anh chừng vừa ngoài 80 trông anh yếu hẳn đi, tóc anh bac phơ trông xác xơ. Xót cho anh, tôi nói:

– Sau gần mười năm bị vùi dập trong lao tù cải tạo, bây giờ sức khỏe anh yếu lắm rồi.

 

Anh tôi liền cười và cướp lời tôi:

 

– Đi tù cải tạo là tai trời ách nước. Người miền Nam, bên này vĩ tuyến 17 mà không đi tù cải tạo sau ngày 30-4-75 kẻ đó không phải là người miền Nam. Không phải bị ngược đãi hay bị vùi dập gì đâu, người anh gầy tóc anh bạc vì anh giống má từ hồi còn trẻ.

 

Nói xong anh cười phá lên hình như để khỏa lấp nỗi lòng trắc ẩn của anh suốt gần 10 năm trong lao tù cải tạo. Những lúc đó anh em tôi nói chuyện với nhau rất nhiều nhưng anh tôi tuyệt nhiên không nhắc nhở gì đến những năm anh sống trong lao tù cải tạo. Chị dâu tôi, vợ của anh, có vẻ ấm ức, muốn anh tôi nói rõ cho hai vợ chồng tôi nghe những chịu đựng gian khổ của anh trong lao tù cải tạo. Anh tôi nhìn chi dâu tôi, anh mỉm cười:

 

– Không ai có thể chia sẻ trọn vẹn sự chịu đựng đau đớn của người khác được. Và cũng không ai có thể nói hết được sự đau đớn của riêng mình. Họa chăng chỉ có thuyền mới hiểu được biển, chỉ có biển mới hiểu được thuyền, nhưng thuyền và biển đều câm nín cả. Đạo khả đạo phi thường đạo. Nói xong, một lần nữa anh tôi lại cười phá lên. 

 

Đến buổi ăn trưa tôi có cảm tưởng anh chị tôi thết đãi vợ chồng tôi, vì bữa ăn tại gia đình nhưng thịnh soạn. Chị dâu tôi nấu cơm gà Phan Rang thơm lừng, có mắm gừng, có bia Heineken. Hình như đọc được ý nghĩ của tôi, anh tôi bảo:

 

– Dù sao, có chú thím về anh chị cũng phải. Nhưng thật sự bữa ăn của vợ chồng tôi được cải thiện rất nhiều trong mấy năm qua, kể từ ngày các con vượt biên qua được Mỹ, ăn nên làm ra, tụi nó gửi tiền về... Đoạn, anh nhìn vợ tôi anh hỏi:

 

– Sau hơn 20 năm ở Mỹ, hôm nay lần đầu tiên thím ăn cơm trưa, chắc thím có cảm giác lạ lắm phải không? Thú thật với thím tôi cũng vậy, hồi năm 62 trở về nhà sau hơn một năm ở Mỹ, tôi ngạc nhiên hết sức khi thấy mình ngồi lại ăn cơm trưa với vợ con với gia đình chẳng khác nào người Mỹ ăn dinner vậy.

 

Câu chuyên anh tôi vừa nói làm tôi nhớ lại anh là một sỹ quan của không lực của quân đội VNCH, đã có hai lần sống ở Mỹ: 1961 và 1970. Ấy thế mà năm 1975 anh nhất định không đi. Anh yêu nước biết là dường nào!

 

Chị dâu tôi bảo:

 

–  Cầm đũa, mời hai em ăn đi ông, quá 12 giờ trưa rồi.

 

–  À mời chú thím. Mời bà... Anh tôi bảo.

 

Vì thương anh tôi, chị dâu tôi muốn vợ chồng tôi, nhất là tôi (được anh chị tôi nuôi từ hồi nhỏ cho đến ngày tôi ra trường làm bác sĩ) phải chia sẻ những gian khổ của anh trong hơn 20 năm sống dưới chế độ quản lý hà khắc của Chuyên Chính Vô Sản, chị dâu tôi nói trong giọng ngậm ngùi và cả nước mắt nữa:

 

– Khi ông ấy được lệnh tha, về với gia đình. Ở trong trại tù ông ăn đói, ốm nhom, gió xô cũng ngã. Bữa cơm đầu tiên mẹ con tôi nấu cơm gà cho ông ấy. Tay ông cầm đũa gắp miếng thịt gà mà cứ run run, ông đưa vào miệng ngậm, một hồi lâu mà nước mắt ông giàn giụa, ông ậm ực: “Gần mười năm”!

 

Anh tôi đưa tay vuốt lưng chị dâu tôi vỗ về:

 

– Thôi bà, đó là quá khứ. Quá khứ của nhầm lẫn. Chú thím cũng như nhà tôi, nên quên cái thời đó để mà vui sống. Bây giờ là thời mở cửa, thời cởi trói, đổi mới. Thời nào chúng ta sống theo thời đó cho nó ổn. Đâu chỉ có những người tù cải tạo như chúng tôi mới sống đói khát thiếu thốn. Việt Minh họ cũng vậy. Tháng 10-1955 bộ đội Việt Minh về tiếp thu Hà Nội, trong một bữa tiệc khoản đãi, cụ Phan Khôi cầm đũa chỉ vào miếng thịt gà nói một câu cay đắng; “Chín năm nay tau mới thấy mặt mày”.

 

Chị dâu tôi xem chừng vẫn còn ấm ức, chị nói:

 

– Ngày 24-3-1975 cả gia đình vợ chồng con cái đã lên ngồi trên chiếc DC-10 trong căn cứ Phi Long, Nha Trang, sắp sửa cất cánh. Ông nhất định kéo xuống hết và ông bảo với các con ở lại với đất nước, Viêt Nam dù sao đi nữa vẫn là quê hương, vẫn là thiên đàng. Sau ngày 30-4-75 ông khăn gói trình diện đi tù cải tạo. Ông còn nhớ không ông? Sau câu nói ấy mặt chị tôi sa sầm nước mắt. Anh tôi nhìn chị tôi yên lặng không nói được một lời. Lặng thinh một hồi anh tôi bảo:

 

– Có hai em về thăm... sau hơn 20 năm xa cách. Còn chuyện đó cũng đã gần 30 năm rồi. Tôi xin bà hiểu cho ai cũng có một lần vấp ngã.

 

Tôi nhớ hôm đó là ngày 21 tháng Chạp, vợ chồng tôi quyết đinh ở lại với anh chị những ngày cuối năm. Anh em tôi mang mùng mền ngủ với nhau trong một phòng riêng. Những câu chuyện trao đổi lúc tàn canh, những bạn bè của anh từ chối diện H.O. không đi Mỹ, ở lại với quê hương, họ chết dần, chết mòn trong cảnh cơ hàn, bịnh tật. Anh tôi nói “Anh cảm thấy cô đơn... may mà còn có chị của chú bên cạnh anh khuya sớm. Ngày mà anh nhớ nhất trong đời là ngày đươc chị của chú thăm nuôi trong lao tù cải tạo.”

Từ ngày chị dâu tôi qua đời cách đây ba năm, tinh thần anh tôi suy sụp thấy rõ. Các con của anh ở Mỹ muốn đưa anh sang Mỹ, anh vẫn từ chối. Anh quyết tâm ở lại với chị đến hơi thở cuối cùng. Và anh tôi đã được toại nguyện được mai táng bên cạnh mộ phần của chi dâu tôi.

 

Đào Như

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Mỗi 30 tháng 4 là mỗi năm xa hơn ngày đó, 1975, thêm một bước nữa xa hơn, đi vào dĩ vãng. Hầu hết những người trực tiếp tham gia vào cuộc chiến trước 75, nay đã vắng mặt. Non nửa thế kỷ rồi còn gì. Khi không còn ai nữa, không hiểu những thế hệ trẻ tha hương sẽ nhớ gì? Một thoáng hơi cay? Có khi nào bạn đọc ngồi một mình chợt hát lên bài quốc ca, rồi đứng dậy, nghiêm chỉnh chào bức tường, thằng cháu nhỏ thấy được, cười hí hí. Ông ngoại mát rồi. Trí tưởng tượng của người thật kỳ diệu. Rượu cũng kỳ diệu không kém. Nửa chai vơi đi, lơ mơ chiến sĩ trở về thời đó. Lạ lùng thay, quá khứ dù kinh hoàng, khốn khổ cách mấy, khi nhớ lại, có gì đó đã đổi thay, dường như một cảm giác đẹp phủ lên như tấm màn mỏng, che phía sau một thiếu phụ trẻ đang khóc chồng. Cô có mái tóc màu nâu đậm, kiểu Sylvie Vartan, rủ xuống che nửa mặt. Nhưng thôi, đừng khóc nữa. Chỉ làm đất trời thêm chán nản. Để tôi hát cho em nghe, ngày đó, chúng tôi, những người lính rất trẻ.
Ngày 30 tháng 4 năm nay, 2024, đánh dấu 49 năm ngày Sài Gòn thất thủ vào tay cộng sản Bắc Việt (30 tháng 4 năm 1975). Biến cố này đã mở ra một tương lai đen tối cho dân tộc Việt Nam mà một trong những hệ lụy thảm khốc nhất là hàng triệu đồng bào đã bỏ nước ra đi tìm tự do, trong đó có khoảng hơn 400,000 người chết thảm giữa lòng biển cả. Cuộc chiến tranh Việt Nam kéo dài trong 20 năm đã khiến cho hơn 950,000 bộ đội và thường dân miền Bắc chết và khoảng 600,000 lính cộng sản bị thương. Trong khi đó, có khoảng hơn 700,000 thường dân và binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa thiệt mạng, cùng với 1,170,000 lính VNCH bị thương. Phía Hoa Kỳ có 58,281 binh sĩ tử thương và 303,644 lính bị thương. Đó là chưa kể số thương vong của binh sĩ các nước tham chiến ở hai miền Nam-Bắc, theo www.en.wikipedia.org.
Thế giới đang bùng nổ nhiều cuộc chiến tranh, và đang ngún lửa ở nhiều nơi khác: Trung Đông, Ukraine, Miến Điện, Đài Loan, Biển Đông… Một thời Việt Nam cũng đã trải qua nhiều cuộc binh lửa. Khi đọc kỹ Tam tạng Kinh điển, chúng ta cũng sẽ thấy có những cuộc chiến. Bản thân Đức Phật khi mới lớn cũng học kỹ thuật kiếm cung. Trong nhiều kiếp quá khứ, Đức Phật, khi còn ở cương vị Bồ Tát, cũng đã từng ra trận. Nhiều hình ảnh ẩn dụ trong kinh điển cũng cho thấy dấu tích chiến tranh: ngựa chiến, voi chiến, áo giáp, mũi tên… Và rồi tận cùng, Đức Phật nói trong Kinh SN45.7 rằng chiến thắng vinh quang nhất chính là nhiếp phục tham, sân, si – nơi đó chính là Niết Bàn. Đó là mặt trận lớn nhất, gian nan nhất.
Vào ngày 6 tháng 12, 2023, nhà thơ, nhà văn, giáo sư văn học và nhà hoạt động xã hội được yêu mến người Palestine Refaat Alareer đã thiệt mạng trong một cuộc không kích từ Israel cùng với người anh, em gái và bốn đứa con của họ. Trong tuần để tang kể từ đó, những lời tri ân dành cho cuộc đời, sự nghiệp viết lách và các hoạt động nghệ thuật tích cực của Alareer đã tràn ngập khắp nơi trên thế giới. Nhiều lời tri ân được đăng cùng với bài thơ cuối cùng “Nếu tôi phải chết” được ông đăng trên Twitter của mình vào ngày 1 tháng 11 năm 2023. Cho đến nay, bài thơ chia tay như một điềm báo đau lòng của Alareer hiện đã được dịch sang hơn 40 thứ tiếng; được đọc trên các sân khấu thế giới và được viết trên các bức tường sân ga tàu điện; được in trên các biểu ngữ, bảng hiệu, cờ và diều, được giương cao trong các cuộc biểu tình đòi ngưng bắn trên khắp thế giới.
Nhà xuất bản của Ocean Vương trên Marketplace cũng như Ocean Vương trên Instagram của mình đã thông báo về cuốn tiểu thuyết mới sẽ được xuất bản vào tháng 6 năm 2025, Emperor of Gladness. “Emperor of Gladness” là cuốn tiểu thuyết thứ hai của Ocean Vương, “kể về một năm trong cuộc đời của một thanh niên ương ngạnh ở New England, người tình cờ trở thành người chăm sóc cho một góa phụ 82 tuổi bị mất trí nhớ, tạo nên câu chuyện về tình bạn. sự mất mát và mức độ chúng ta sẵn sàng mạo hiểm để đòi hỏi một trong những ân huệ quý giá nhất của cuộc đời: cơ hội thứ hai.”
Tuyển tập “9 Khuôn Mặt: 9 Phong Khí Văn Chương” của Bùi Vĩnh Phúc là những trang sách phê bình văn học độc đáo, nơi đây 9 người cầm bút nổi tiếng của Miền Nam – Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan, Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Xuân Hoàng, Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Tô Thùy Yên – được chiếu rọi trên trang giấy rất mực trân trọng, công phu, phức tạp, và nổi bật là kiểu phê bình văn học rất mực thơ mộng của họ Bùi.
Nhận được tin buồn nhà thơ Phan Xuân Sinh sau một cơn bạo bệnh, nhập viện vì bệnh tim mạch, hôn mê sau 10 ngày vô phương cứu chữa đã qua đời tại Texas ngày 28/2/2024. Thọ 76 tuổi...
Từ hồi trẻ, tôi đã có thói quen là những ngày giáp Tết thì bắt đầu chọn một vài bài nhạc xuân để nghe; và trong những ngày đầu năm thì sẽ đọc một cuốn sách. Thói quen “khai sách đầu xuân” có thêm một chi tiết khi tuổi quá độ “ngũ thập nhi tri thiên mệnh”: đọc một cuốn sách có chủ đề về Phật Giáo. Trong năm Giáp Thìn này, tôi chọn cuốn “Từ Mặc Chiếu Đến Như Huyễn” của một tác giả cũng tuổi con rồng: cư sĩ Nguyên Giác, cũng là nhà báo Phan Tấn Hải. Giới thiệu “tác giả, tác phẩm” dài dòng như vậy, nhưng đối với tôi, người viết đơn giản chỉ là anh Hải, một người anh thân thiết, đã từng có một thời ngồi gõ bàn phím chung trong tòa soạn Việt Báo ở phố Moran. Đọc sách của anh Hải, tôi cũng không dám “điểm sách” hay “phê bình sách”, vì có thể sẽ bị anh phán rằng “… viết như cậu thì chỉ… làm phí cây rừng thôi!” Bài viết này chỉ ghi lại một vài niềm hứng khởi khi được tặng sách, khi đọc qua cuốn sách mà cái tựa cũng đã chạm sâu thẳm vào những điều bản thân đang chiêm nghiệm.
Chúng ta thường được nghe nói, rằng mọi người đều bình đẳng trước Thượng Đế. Tuy nhiên, Thượng đế thì không ai thấy, nhưng có một thứ còn đáng sợ hơn nhân vật cổ sử đó (nếu thật sự là có Thượng Đế): đó là những trận mưa bom. Người dân Ukraine và Palestine ý thức rất rõ, vì đó là chuyện hằng ngày của họ: mọi người đều bình đẳng khi đứng dưới mưa bom. Già, trẻ, nam, nữ, trí thức, nông dân, nhà thơ, họa sĩ… đều bình đẳng: khi bom rơi trúng là chết. Cuộc chiến giữa người Palestine muốn giữ đất và người Israel từ nơi xa tới nhận phần đất mới do quốc tế trao tặng từ đất Palestine đã kéo dài nhiều thập niên. Bây giờ căng thẳng mới nhất là ở Gaza, cuộc chiến đang tiếp diễn giữa nhóm Hamas, thành phần chủ trương bạo lực của dân Palestine, và quân Israel. Trong những người chết vì bom Israel, có những người hiền lành nhất, đó là trẻ em và phụ nữ.
Thông thường khi nghe hai chữ “cô đơn” chúng ta liên tưởng đến trạng thái tinh thần yếm thế, tâm tư buồn bã, ngày tháng chán chường, thậm chí, cuộc đời trống rỗng. Có lẽ, vì ý nghĩa từ điển của từ vựng này; có lẽ, vì ảnh hưởng văn chương nghệ thuật; có lẽ vì chúng ta đã từ lâu tin như thế, mà không bao giờ đặt một nghi vấn nào. Đây là định nghĩa của “cô đơn” qua Bách thư toàn khoa Wikipedia: “Cô đơn là một trạng thái cảm xúc phức tạp và thường gây khó chịu, đáp ứng lại với sự cách ly xã hội. Cô đơn thường bao gồm cảm giác lo lắng về sự thiếu kết hợp hay thiếu giao tiếp với những cá nhân khác, cả ở hiện tại cũng như trong tương lai. Như vậy, người ta có thể cảm thấy cô đơn ngay cả khi xung quanh có nhiều người. Nguyên nhân của sự cô đơn rất đa dạng, bao gồm các vấn đề về xã hội, tâm thần, tình cảm và các yếu tố thể chất.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.