Hôm nay,  

Ngày giỗ đầu của anh

06/08/202211:24:00(Xem: 2726)

Tùy bút

DinhCuong_BongMay
Bóng mây, tranh Đinh Cường.

 

Một người cháu cho tôi hay: “Lúc 2 giờ sáng nay, thứ 7 ngày 7 tháng 8-2021, Cậu Ba (anh tôi) thức dậy nhờ ‘người nuôi bịnh tại gia’ dìu đi tiểu. Xong, Cậu Ba vô giường nằm. Sau đó lúc 5 giờ sáng người làm vô giường xem thì thấy Cậu Ba ngừng thở. Vậy Cậu Ba ra đi khoảng từ 3 đến 5 giờ sáng. Chiều tối hôm thứ Bảy, xác Cậu Ba được liệm. Và 3 giờ chiều mai, Chủ Nhật, ngày 8 tháng 8-2021 tức là ngày Mùng 1 tháng 7 âm lịch sẽ chôn Cậu Ba tại Nha Trang. Mộ Cậu Ba nằm sát bên mộ Mợ Ba”.

 

Mặc dầu anh tôi qua đời không liên quan gì đến dịch bịnh Covid-19. Anh thọ đến 92 tuổi, anh qua đời vì biến chứng của tuổi già, sức khỏe yếu, trí tuệ bị hao mòn. Theo lời người cháu: “Ở Việt Nam hôm nay Nhà Nước đang thực hiện giãn cách. Ở Ninh Thuận cũng như Khánh Hòa đang thực hiện chế độ giãn cách theo đúng chỉ thị 16 của chính phủ về phòng chống Covid-19, nên mọi người không được đi đâu hết. Chị Biếc, con gái lớn, của Cậu mợ Ba ở Đà Nẵng, anh Đỉnh con trai út của Câu Mợ Ba đang ở Saigòn đều không thể về Nha Trang được, dù rất muốn về để tang. Gia đình cháu và các anh chị con Dì Tư ở Phan Rang cũng rất muốn ra Nha Trang  viếng Cậu Ba cũng không thể nào đi được. Việc mai táng Cậu Ba trong vòng 48 tiếng đồng hồ là theo yêu cầu của chỉ thị 16, của nhà nước phòng chống dịch bịnh Covid-19”. Mọi phúng điếu đều bị từ chối vì chính quyền cũng đang phòng chống tham nhũng.

 

Cách đây hơn 10 năm, hai vợ chồng tôi về thăm anh tôi ở Nha Trang. Lúc ấy anh chừng vừa ngoài 80 trông anh yếu hẳn đi, tóc anh bac phơ trông xác xơ. Xót cho anh, tôi nói:

– Sau gần mười năm bị vùi dập trong lao tù cải tạo, bây giờ sức khỏe anh yếu lắm rồi.

 

Anh tôi liền cười và cướp lời tôi:

 

– Đi tù cải tạo là tai trời ách nước. Người miền Nam, bên này vĩ tuyến 17 mà không đi tù cải tạo sau ngày 30-4-75 kẻ đó không phải là người miền Nam. Không phải bị ngược đãi hay bị vùi dập gì đâu, người anh gầy tóc anh bạc vì anh giống má từ hồi còn trẻ.

 

Nói xong anh cười phá lên hình như để khỏa lấp nỗi lòng trắc ẩn của anh suốt gần 10 năm trong lao tù cải tạo. Những lúc đó anh em tôi nói chuyện với nhau rất nhiều nhưng anh tôi tuyệt nhiên không nhắc nhở gì đến những năm anh sống trong lao tù cải tạo. Chị dâu tôi, vợ của anh, có vẻ ấm ức, muốn anh tôi nói rõ cho hai vợ chồng tôi nghe những chịu đựng gian khổ của anh trong lao tù cải tạo. Anh tôi nhìn chi dâu tôi, anh mỉm cười:

 

– Không ai có thể chia sẻ trọn vẹn sự chịu đựng đau đớn của người khác được. Và cũng không ai có thể nói hết được sự đau đớn của riêng mình. Họa chăng chỉ có thuyền mới hiểu được biển, chỉ có biển mới hiểu được thuyền, nhưng thuyền và biển đều câm nín cả. Đạo khả đạo phi thường đạo. Nói xong, một lần nữa anh tôi lại cười phá lên. 

 

Đến buổi ăn trưa tôi có cảm tưởng anh chị tôi thết đãi vợ chồng tôi, vì bữa ăn tại gia đình nhưng thịnh soạn. Chị dâu tôi nấu cơm gà Phan Rang thơm lừng, có mắm gừng, có bia Heineken. Hình như đọc được ý nghĩ của tôi, anh tôi bảo:

 

– Dù sao, có chú thím về anh chị cũng phải. Nhưng thật sự bữa ăn của vợ chồng tôi được cải thiện rất nhiều trong mấy năm qua, kể từ ngày các con vượt biên qua được Mỹ, ăn nên làm ra, tụi nó gửi tiền về... Đoạn, anh nhìn vợ tôi anh hỏi:

 

– Sau hơn 20 năm ở Mỹ, hôm nay lần đầu tiên thím ăn cơm trưa, chắc thím có cảm giác lạ lắm phải không? Thú thật với thím tôi cũng vậy, hồi năm 62 trở về nhà sau hơn một năm ở Mỹ, tôi ngạc nhiên hết sức khi thấy mình ngồi lại ăn cơm trưa với vợ con với gia đình chẳng khác nào người Mỹ ăn dinner vậy.

 

Câu chuyên anh tôi vừa nói làm tôi nhớ lại anh là một sỹ quan của không lực của quân đội VNCH, đã có hai lần sống ở Mỹ: 1961 và 1970. Ấy thế mà năm 1975 anh nhất định không đi. Anh yêu nước biết là dường nào!

 

Chị dâu tôi bảo:

 

–  Cầm đũa, mời hai em ăn đi ông, quá 12 giờ trưa rồi.

 

–  À mời chú thím. Mời bà... Anh tôi bảo.

 

Vì thương anh tôi, chị dâu tôi muốn vợ chồng tôi, nhất là tôi (được anh chị tôi nuôi từ hồi nhỏ cho đến ngày tôi ra trường làm bác sĩ) phải chia sẻ những gian khổ của anh trong hơn 20 năm sống dưới chế độ quản lý hà khắc của Chuyên Chính Vô Sản, chị dâu tôi nói trong giọng ngậm ngùi và cả nước mắt nữa:

 

– Khi ông ấy được lệnh tha, về với gia đình. Ở trong trại tù ông ăn đói, ốm nhom, gió xô cũng ngã. Bữa cơm đầu tiên mẹ con tôi nấu cơm gà cho ông ấy. Tay ông cầm đũa gắp miếng thịt gà mà cứ run run, ông đưa vào miệng ngậm, một hồi lâu mà nước mắt ông giàn giụa, ông ậm ực: “Gần mười năm”!

 

Anh tôi đưa tay vuốt lưng chị dâu tôi vỗ về:

 

– Thôi bà, đó là quá khứ. Quá khứ của nhầm lẫn. Chú thím cũng như nhà tôi, nên quên cái thời đó để mà vui sống. Bây giờ là thời mở cửa, thời cởi trói, đổi mới. Thời nào chúng ta sống theo thời đó cho nó ổn. Đâu chỉ có những người tù cải tạo như chúng tôi mới sống đói khát thiếu thốn. Việt Minh họ cũng vậy. Tháng 10-1955 bộ đội Việt Minh về tiếp thu Hà Nội, trong một bữa tiệc khoản đãi, cụ Phan Khôi cầm đũa chỉ vào miếng thịt gà nói một câu cay đắng; “Chín năm nay tau mới thấy mặt mày”.

 

Chị dâu tôi xem chừng vẫn còn ấm ức, chị nói:

 

– Ngày 24-3-1975 cả gia đình vợ chồng con cái đã lên ngồi trên chiếc DC-10 trong căn cứ Phi Long, Nha Trang, sắp sửa cất cánh. Ông nhất định kéo xuống hết và ông bảo với các con ở lại với đất nước, Viêt Nam dù sao đi nữa vẫn là quê hương, vẫn là thiên đàng. Sau ngày 30-4-75 ông khăn gói trình diện đi tù cải tạo. Ông còn nhớ không ông? Sau câu nói ấy mặt chị tôi sa sầm nước mắt. Anh tôi nhìn chị tôi yên lặng không nói được một lời. Lặng thinh một hồi anh tôi bảo:

 

– Có hai em về thăm... sau hơn 20 năm xa cách. Còn chuyện đó cũng đã gần 30 năm rồi. Tôi xin bà hiểu cho ai cũng có một lần vấp ngã.

 

Tôi nhớ hôm đó là ngày 21 tháng Chạp, vợ chồng tôi quyết đinh ở lại với anh chị những ngày cuối năm. Anh em tôi mang mùng mền ngủ với nhau trong một phòng riêng. Những câu chuyện trao đổi lúc tàn canh, những bạn bè của anh từ chối diện H.O. không đi Mỹ, ở lại với quê hương, họ chết dần, chết mòn trong cảnh cơ hàn, bịnh tật. Anh tôi nói “Anh cảm thấy cô đơn... may mà còn có chị của chú bên cạnh anh khuya sớm. Ngày mà anh nhớ nhất trong đời là ngày đươc chị của chú thăm nuôi trong lao tù cải tạo.”

Từ ngày chị dâu tôi qua đời cách đây ba năm, tinh thần anh tôi suy sụp thấy rõ. Các con của anh ở Mỹ muốn đưa anh sang Mỹ, anh vẫn từ chối. Anh quyết tâm ở lại với chị đến hơi thở cuối cùng. Và anh tôi đã được toại nguyện được mai táng bên cạnh mộ phần của chi dâu tôi.

 

Đào Như

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hồi ở trại tỵ nạn Thailand, tôi có lúc đã quay cuồng “chạy sô” đi học 4 thứ tiếng.
Thơ của hai thi sĩ Thy An & Lê Minh Hiền
Nhận được bài thơ của người bạn Phạm Xuân Tích, tôi thấy bài thơ của ông bạn khá độc đáo và lý thú, tôi mạo muội viết lại sao y bản chính – cả hai bản tiếng Pháp và bản dịch tiếng Việt cũng của ông ấy, để hầu các vị đọc cho vui...
Mấy hôm nay có những cơn mưa kèm theo gió mạnh buổi chiều kéo dài đến khuya, báo hiệu sắp hết mùa Hè. Tôi lại nhớ tuổi trẻ của mình những năm đầu “lập nghiệp” vào mùa tựu trường...
Nói về "giàu nghèo" là nói về một vấn đề rất tế nhị bởi vì nó đụng đến đồng tiền. Mà đồng tiền luôn luôn có hai mặt: mặt tốt và mặt xấu. Nhưng đó là điều cần phải làm vì mấy ai có thể nói mình biết quản lý tốt đồng tiền...
Tôi trôi tuổi ấu thơ, từ quê hương cùng khổ, rau dưa khoai sắn / Tôi trôi từ chợ quán rường, cái đình làng, ngôi trường tiểu học, áo lấm lem màu mực tím mẹ mới mua, cùng cây viết lá tre, trang giấy tự túc, vàng khè, không trông rõ chữ...
Buổi sáng, đánh răng rửa mặt xong chị Bông bước ra ngoài vườn sau và cất tiếng hát mở đầu một bản nhạc tình Bolero “Hôm ấy anh đi, mình với mình vừa quen…” Thấy anh Bông đang lúi cúi bên mấy thùng recycle và thùng rác chị Bông hớn hở chạy đến gần...
Buổi sáng vào hãng, sau khi chào hỏi và cụng ngực với những người làm chung. Mình bị tay đốc công gọi vào văn phòng giũa: “Tại sao mầy không coi ngó tụi nó, tuần rồi mấy lô hàng bị sai, ông chủ đang giận dữ”...
Thời buổi công nghệ tiến triển như hiện nay, lợi ích cũng có mà lợi hại cũng kèm theo y như combo không thể thiếu. Ai dùng facebook, yahoo đều biết lúc này chuyện kẻ gian (mà chúng ta gọi là hackers) xâm nhập tài khoản của chúng ta, rồi giả mạo là chủ nhân, liên lạc chỗ này chỗ kia trong friend list để xin xỏ, lừa lọc tiền bạc, rồi dính chùm nhau mắc lừa, hackers lại tung hoành đi phá hoại tiếp những người khác...
Xưa, có nhà văn nhận xét về người Việt là “ Gì cũng cười!” Cười mọi lúc, mọi nơi. Nghèo giàu, sướng khổ, vinh nhục gì cũng cười? Song có lẽ cũng đã... “ xưa rồi Diễm”, ngày nay lại có thêm nhận xét: Người mình... gì cũng chửi? Chửi mọi lúc, mọi nơi, trên tầng cây số...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.