Hôm nay,  

Thêm một lần tiễn người đi

24/07/202220:57:00(Xem: 2827)

Tạp bút

Death-quotes1

 

Thế là thêm một lần nữa tiễn người đi, người ấy dù khác chủng tộc màu da, khác tập quán văn hóa, khác quan điểm nhân sinh… Nhưng người ấy vẫn là môt con người, có đầy đủ lục căn, thất tình lục dục;  một hữu tình chúng sanh có Phật tánh và đầy đủ cơ hội để phát triển.

 

Cuối tuần rồi tôi lại đi đến nhà quàn để đưa tiễn con gái của một người bạn Mỹ người da đen làm chung bao nhiêu năm nay. Cô ấy làm hai việc, làm nhiều giờ và quá căng thẳng nên bị đột quỵ, sau khi đưa vào nhà thương thì hôn mê sống đời thực vật hơn một năm trời, nay gia đình quyết định rút ống trợ sinh để cô ta được ra đi. Việc kéo dài hay chấm dứt đời sống thực vật cũng là một vấn đề tranh cãi bao lâu nay, cả bên chống và bên thuận vận dụng hết lý lẽ, luật pháp, đạo đức… để cố chứng minh là mình đúng, cuộc tranh cãi bất phân và các tiểu bang cũng tùy nghi.

 

Tôi đã nhiều lần đi dự tang lễ của người Mỹ bản địa, lần này cũng không ngoại lệ. Cái cảm giác đầu tiên cảm nhận được là không khí trang nghiêm, thanh tịnh, lặng yên. Những người tham dự tang lễ đều ăn mặc chỉnh tề, đa phần quần áo đen hoặc màu sậm. Phụ nữ thì trang điểm rất kỹ, đeo đầy đủ đồ trang sức cứ như đi dự hội. Quan niệm người Âu-Mỹ là thế, phải chỉn chu trang phục mới là tôn trọng người quá cố.

 

Vẫn như thông lệ, trước hết vị linh mục đọc một bài kinh, sau đó hát thánh ca, nhạc hòa tấu không lời, một vài thân nhân và bạn bè phát biểu cảm tưởng hoặc kể kỷ niệm với người chết. Không khí trầm lắng, lặng lẽ nhưng nhiều cảm xúc, vài người sụt sùi nức nở nhẹ. Trong số những người phát biểu, nếu gặp người dí dỏm và duyên dáng thì cũng tạo được những tràng cười thoải mái, những tràng vỗ tay râm ran. Nói chung không khí đám tang nhẹ nhàng chứ không quá sầu thảm hay đau khổ như những đám tang Việt, Tàu… Thât khó mà tưởng tượng được, nếu trong đám tang Việt hay Tàu mà mọi người cười thoải mái như đám tang người Âu-Mỹ. Tất cả mọi công đoạn của buổi tang lễ ăn khớp nhịp nhàng với nhau và nhanh, gọn, lẹ… không quá hai giờ đồng hồ!

 

Tôi nhiều lần định viết chút gì đó về cảm nhận của mình về hai phương thức tang lễ Việt  và Mỹ nói riêng, tang lễ của phương đông với phương tây nói chung. Nay dự tang lễ về, cảm xúc còn nên viết liền một mạch cũng không quá hai tiếng luôn.

 

Tang lễ người Mỹ rất thanh tịnh, nhẹ nhàng, rất tự nhiên khác xa với cách thức rườm rà và rình rang, thậm chí ầm ĩ, inh ỏi của đám tang Việt. Vẫn biết rằng tang chế cũng như các lễ nghi do con người chế ra, chịu ảnh hưởng của tập quán văn hóa, truyền thống bản địa… Sở dĩ đám tang Việt như thế là do cái căn bản tập quán văn minh tiểu nông, văn hóa làng xã và một phần du nhập hình thức kiểu Tàu ( tiểu biểu như sách dạy tang lễ “ Thọ mai gia lễ”). Đám tang Viêt áo xống rườm rà, kèn trống ầm ĩ, cả giàn bát âm và sau này thêm giàn kèn tây, con cái nằm ngang cản quan tài hoặc nằm dọc để khiêng quan tài bước qua, chống gậy đi giật lùi, rồi những hình thức khóc mướn kể thuê, rồi còn cái chuyện xem phong thủy, xem cuộc đất, coi ngày giờ…  Không khí tang lễ Việt buồn thảm và mang nặng hành xử cảm tính, hình thức. Còn vấn đề mộ bia cũng rất đáng để nói, sống thì nghèo khổ nhà tranh vách đất nhưng chết cũng cố xây ngôi mộ “hoành tráng”. Cái tâm lý “Con gà ghét nhau tiếng gáy” rất phổ biến, mộ sau phải to hơn mộ trước, và thế là cả nước có những ngôi mộ bạc tỷ, chục tỷ, những nghĩa địa cứ như một thành phố lầu đài. Trong khi ấy người Âu-Mỹ sau khi chết chỉ thiêu hoặc chôn, đa phần khỏa bằng mặt đất, trồng cỏ xanh tươi, cắm một tấm bia đơn sơ với vài dòng chữ ghi tên họ, ngày tháng thế thôi! Khi đã chết rồi, xây mộ to mả lớn chỉ là để khoe mẽ làm màu của người sống, việc ấy chẳng có ý nghĩa chi cả. Người Âu-Mỹ vậy mà “hiểu đạo” hơn, rất đơn giản, thực chất, xem việc sanh tử là tự nhiên.

 

Cũng như mọi lần dự tang lễ người Mỹ, lần này cũng thế, sau mọi nghi thức thì một vị linh mục da đen bước ra diễn thuyết. Ông ấy có chất giọng trầm, khỏe và hùng biện rất hay: “Chúa đã gọi cô ấy về, cô ấy xứng đáng hưởng và sống trong nhan thánh chúa. Cái thân xác của cô ấy nằm trong quan tài chỉ là cát bụi và nó đang trở về với cát bụi. Còn linh hồn cô ấy thì vĩnh hằng nơi nước chúa. Cửa thiên đàng rộng mở và các thánh tông đồ chờ đón những linh hồn của những người khi sống đặt niềm tin ở chúa (điều này ngầm hiểu là những ai không tin chúa thì sẽ không được lên thiên đàng). Mạng sống con người rất ngắn ngủi và nhanh chóng. Chúa cho chúng ta sự sống và chúng ta không thể biết khi nào chúa gọi về…”

 

Vị linh mục diễn thuyết hay, hùng hồn không chỉ bằng lời mà còn bằng cả ngôn ngữ cơ thể. Trông biểu cảm và rất thuyết phục, ông dứt lời thì những tràng pháo tay rất giòn vang dội. Trong mười lăm phút diễn thuyết, thỉnh thoảng thêm chút pha trò dí dỏm làm cho người dự tang lễ cười ồ lên, trong những phút giây ấy dường như quên đi sự chết chóc đau khổ. Cái câu “Thân xác này trở về cát bụi” thường thấy nói đến trong thiên chúa. Nhạc vàng thời trước cũng có ca khúc viết: “… Mai này trở về cát bụi giàu khó như nhau… Người nhớ cho ta là cát bụi, ta là cát bụi xin người nhớ cho”. Thật đúng như thế, thân thể con người và cả con vật chỉ là vô số những tế bào hợp thành. Nhà Phật gọi là tứ đại, khi đủ duyên thì hợp lại sanh ra, khi hết duyên tan rã tan hoại. Cái gọi là linh hồn vĩnh viễn như đức tin thiên chúa thì nhà Phật không cho là vậy. Cái gọi là linh hồn và vĩnh viễn thì rơi vào chấp thường, còn vô thần như cộng sản cho chết là hết thì lại rơi vào chấp đoạn. Phật giáo quan niệm con người ngoài phần thân vật chất (sắc) còn có phần tâm (danh). Khi hết duyên thì thân thể tan hoại (chết) nhưng phần tâm (danh, thần thức) sẽ tùy theo cái nghiệp thiện ác trong quá khứ mà sẽ thọ cái thân mới tương ứng, có thể là nhân, phi nhân hoặc súc sanh…

 

Cái xác người phụ nữ (con gái người bạn) nằm trong quan tài được trang điểm đẹp và khéo, cứ như người nằm ngủ. Cái xác vô tri chẳng còn biết gì, thật ra đã vô tri hơn một năm trời rồi, vì cô ấy sống đời sống thực vật, sống bằng trợ thở dưỡng khí và trợ dưỡng vật thực. Cái xác vô tri thì chôn hay thiêu cũng như nhau, chẳng qua là đạo lý và nhân văn của con người. Chúng ta thử nhìn xem thực tế một tí, trận dịch Coronavirut vừa qua, vô số người chết, người ta chỉ có thể chôn vùi trong hố tập thể hoặc thiêu tập thể chứ đâu thể nào làm tang lễ cho từng các xác chết. Hoặc hiện tại có hàng ngàn nạn nhân người Ukraine chết vì bom đạn của quân xâm lược Nga, cũng đành chôn trong hố chôn tập thể, hoặc vùi lấp sơ sài.  Một khi đã qua đời, cái thân xác vô tri mà còn dùng những cái quan tài quý giá, những ngôi mộ đồ sộ thì chẳng có ý nghĩa gì cả, thậm chí rất vô lý và vô minh. Thế gian này có nhiều gã độc tài tàn bạo, sống thì gây họa cho người và vật, chết đi còn gây tốn kém công qũy, thuế dân. Những cái xác xấu xa được đem đi ướp như cá mắm rồi trưng chình ình ra đấy cho thiên hạ xem chơi. Việc ướp xác là của những thế kỷ mông muội xa xưa, nào ngờ thế kỷ hai mươi vẫn còn chuyện ướp xác, cứ tưởng ướp xác là tôn quý là thương người chết chăng? Thật sự ra là làm trò cười cho thiên hạ, dân gian vậy mà chí lý: “Thương nhau như thế bằng mười hại nhau”. Thay vì để cho cái xác trở về cát bụi, đằng này ướp xác để trưng, liệu cái hồn kẻ chết ấy có siêu thoát được chăng? Thật lá quá đỗi vô minh! Có thể ướp xác không phải là ý nguyện của người chết mà là do bọn nha trảo làm với dụng ý “Thờ Bụt ăn oản”.

 

Thêm một lần đi dự tang lễ, dù là tang lễ người Mỹ hay người Việt, trong tôi đều có cái cảm xúc buồn man mác, buồn về thân phận con người, hiểu thêm chút lẽ vô thường. Đời sống ngắn ngủi và mong manh, sự sống ở giữa hai làn hơi thở, một khi hơi thở không vào ra nữa thì dừng lại, bỏ lại hết dù đó là công cao cái thế, gia sản điền trang, gia can sự nghiệp, thân bằng quyến thuộc… Thật đúng với cái câu: “Nhất đán vô thường vạn sự hưu”.

 

Thế gian và đời sống của con người rất mong manh, rất vô thường, thay đổi liên tục, sanh diệt liên lỉ, sanh ra là đã có cái chết, chết lại là mầm mống sanh. Tuy nhiên con người ta một khi chết đi thì sự tái sanh phần nhiều đều đọa, số thăng rất ít ỏi, bởi thế mà thế gian đầy rẫy những người bất hạnh khổ đau, bệnh tật, đói kém… Điều đó cũng cho thấy chúng ta làm việc thiện lành ít mà làm việc ác thì nhiều. Sanh tử luân hồi vô tận, thế gian thành- trụ-hoại-không vô chừng, đó là phần thô có thể thấy, còn phần vi tế hơn như phần đoạn sanh tử và biến dịch sanh tử thì rất khó để nhận ra. Chết không phải là hết, đó chỉ là một giai đoạn chuyển tiếp.

 

Tôi đi dự tang lễ của một người Mỹ da đen, nhìn cái xác vô tri mà cảm thương ngậm ngùi một kiếp người, rồi lại cảm thán biết bao khi nghĩ đến những người sống thì làm bao nhiêu chuyện tày trời, tham lam, sân hận. Người quyền thế lớn thì gây họa cho cả cộng đồng, một quốc gia, một dân tộc hay họa cho nhiều quốc gia, nhiều dân tộc. Người quyền thế kém hơn thì làm hại một một phận dân chúng, một phần quốc độ. Người tầm thường thì làm hại một vài người, một gia đình… Ba chữ tham-sân-si gồm thâu tất cả những gì họ làm. Còn chữ vô minh thì hầu như ứng với mọi người chúng ta. Giá mà mọi người đều ý thức được cái chết hiện hữu trong cái sanh, cái xác thân này sẽ có lúc bất động vô tri, cái thân xác cát bụi sẽ hoại nhưng hậu quả đã làm của cái xác khi còn sống thì còn dài lâu bất tận.

 

-- Tiểu Lục Thần Phong

(Ất Lăng thành, 07/22)

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nay ăn nhờ ở đậu nơi đất nước người, lấy chi mà “những điều trông thấy” kiểu như ngày xưa ấy. Nhưng thấy ý kiến của “bà hàng xóm” là một giải pháp khả dĩ, tôi nghĩ phải làm sao cho ra một bài viết vui vui thích hợp với xã hội đang sống. Trăn trở mãi rồi cũng eureka. Tôi đặt cái khung cho những bài mà tôi gọi là “phiếm”. Thứ nhất, đề tài bám vào những chuyện thời sự, nhất là những chuyện có liên quan nhiều tới cộng đồng người Việt sinh sống rải rác khắp nơi trên thế giới. Thứ hai, phải viết với lối văn vui vui, tếu tếu nhưng vẫn giữ chừng mực. Thứ ba, phải có hơi hướm văn chương bằng cách dùng những giai thoại hoặc/và những chuyện thực nhưng vui khi tiếp xúc với các bạn văn.
“Sự thật bắt đầu bằng tưởng tượng.” Không phải là câu nói cao siêu rỗng, mà phải nghiền ngẫm rất lâu trong hệ lụy thăng trầm mới có thể cảm nhận. Đó là lý do người ta thường đố: sự thật ở đâu? Không ai thấy rõ sự thật nên nó trở thành phương tiện cho tôn giáo, mục đích cho khoa học, triết học, và giấc mơ cho văn chương nghệ thuật. Cũng là một thứ bình phong, mồi nhử, cạm bẫy trong đời sống thường nhật cho những người bình thường dễ tin.
Đêm 7/3/2025, trong khán phòng của Bowers Museum, một tiếng nói đậm chất “đài phát thanh” vang lên, dẫn dắt hàng trăm khán giả bên dưới bước vào đêm nhạc Mừng Sinh Nhật Khánh Ly 80 Tuổi. Một tháng sau, cũng tại Bowers Musem, người MC này bước lên sân khấu dẫn dắt những buổi hội luận về báo chí, văn học tại Hội Chợ Sách “Viet Book Fest” lần thứ 3 do Hội Văn Học và Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA) tổ chức. Cô cũng là Giám Đốc Điều Hành, người lèo lái con tàu VAALA 34 năm nay.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam, đại học UC Irvine tổ chức ba sự kiện văn hóa trong ba ngày 7,8,9 tháng 5 năm 2025. Mở đầu là hội thảo “Những Câu Chuyện Từ Việt Nam Tới Hoa Kỳ - 50 Năm Lịch Sử Và Cộng Đồng”; kế đến là buổi hoà nhạc The Odyssey—From Vietnam To America của nghệ sỹ đoạt giải Emmy Vân Ánh Võ; kết thúc là buổi chiếu phim New wave của đạo diễn Elizabeth Ai. Trong ba sự kiện này, buổi hòa nhạc The Odyssey đòi hỏi sự chuẩn bị công phu, kéo dài từ nhiều tháng trước. Trên sân khấu, Vân Ánh đã nhiều lần cảm ơn những tấm lòng hảo tâm đã giúp cô đem được buổi trình diễn đến với Quận Cam, thủ phủ của người Việt tị nạn ở Mỹ.
Một tay cầm micro, tay kia cố gắng lật trang sách để giữ nó cố định, Thái Nguyễn chỉ vào hình ảnh cô tài tử Hollywood gốc Việt đang tiếp nhận những ‘hào quang ánh sáng’ của báo chí điện ảnh Mỹ, trong tà áo dài màu xanh lá cây đậm, giới thiệu về sách thiếu nhi Mai’s áo dài: “Đây là lần đầu tiên áo dài Việt Nam hiện diện trên thảm đỏ Oscar!”
Từ đó, nàng được mang tên Nữ Hoàng Chân Đất (hay Nữ Hoàng Sân Cỏ)(*). Những bước chân trần tìm về dấu vết tình yêu nguyên thủy. Những bước chân đi khâu vá lại vết thương của một thời máu xương điên loạn.
“Nếu không có tiếng hát Khánh Ly thì chúng ta có những gì, còn gì?” Nếu chỉ được chọn một câu để nói về người ca sĩ đã cống hiến gần cả cuộc đời cho âm nhạc, thì tôi xin chọn câu nói trên của MC Lê Đình Ysa trong “Đêm mừng Khánh Ly 80 tuổi” được nhóm bạn trẻ Nina Hòa Bình Lê, Ann Phong, Lê Đình Ysa, Nguyễn Lập Hậu & Jimmy Nhựt Hà... tổ chức vào tối thứ Sáu 7/3/2025 tại quận Cam, Nam California.
Người ta thường gói ghém một cuộc đời trong dăm ba trang giấy để gọi là hồi ký. Người ta cũng thường dùng thước đo của 10 năm, 20 năm, 30 năm… để hoài niệm một điều gì đó, cho dù là hạnh phúc hay mất mát. Nhưng không dễ gì để tái hiện cả một cuộc đời dài 80 năm, trong đó có lịch sử, có tình yêu, có nhân quả, có triết lý sống, có ân tình, có nghệ thuật, có tài năng… chỉ trong một đêm. Vậy mà, Đêm-Khánh-Ly-80-Tuổi, đã làm được điều đó.
Bước vào phòng triển lãm, ba bức tranh đầu tiên bên tay phải đập vào mắt người thưởng ngoạn là ba tác phẩm của họa sĩ Ann Phong: “I Told You, The Earth Is Warming Up”; “Looking Back, Looking Forward”; “If We Don’t Care For Nature, It Will Disappear.” Chọn ba tác phẩm này cho cuộc triển lãm, họa sĩ giải thích: “Các tác phẩm nghệ thuật của tôi phản ánh mối quan hệ giữa người với người; trách nhiệm mà chúng ta phải có đối với trái đất nơi chúng ta đang sống. Thật đau lòng khi chứng kiến ​​thiên nhiên bị tàn phá bởi lòng tham và sự thiếu hiểu biết của con người. Có vẻ như khi chúng ta càng làm cho cuộc sống của mình trở nên tiện nghi, thì chúng ta càng tạo ra nhiều ô nhiễm hơn; càng làm cạn kiệt tài nguyên của trái đất một cách bất cẩn hơn…”
Quý bạn yêu nhạc muốn ủng hộ đêm nhạc Mắt Nâu với những tình khúc của Hoàng Tử Bé - Jayden Nguyễn tại Coffee Factory (15582 Brookhurst St, Westminster, CA 92683) vào ngày Lễ Tình Nhân, Thứ Sáu, 14 tháng 2, xin vui lòng nhắn tin đến 714-592-8941 để đặt vé.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.