Vào đầu tuần, chính quyền tổng thống Joe Biden đã công bố bức ảnh màu đầu tiên chụp từ Viễn Vọng Kính Không Gian James Webb của NASA, hình ảnh sâu và sắc nét mang tới cái nhìn chi tiết nhất của vũ trụ sơ khai mà con người từng nhìn thấy. Trong khi loài người vẫn đang khai phá định hướng nhân loại trong vũ trụ, cũng chính con người lại không ngừng giết chóc, tàn phá. Địa cầu bị đe dọa, không chỉ tàn phá về mặt môi trường, dịch bệnh, mà thế giới đang bất ổn về mặt chính trị hơn bao giờ, dẫn đến các cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội.
Tại chiến trường Donbass ở miền đông Ukraine, giao tranh vẫn đang trong tình thế gay cấn, khi hai bên không đạt đà tiến đáng kể. Ukraine đang nỗ lực chuẩn bị ứng phó đợt tấn công mới của Nga ở miền đông, sau khi Nga chiếm hoàn toàn tỉnh Lugansk. Lực lượng Nga nhiều tuần qua pháo kích dữ dội vào các khu vực ở Donetsk, một trong hai tỉnh tạo thành vùng Donbass. Trên toàn thế giới, cuộc tấn công Nga-Ukraine đã gây nạn thiếu hụt thực phẩm và nhiên liệu trên toàn cầu. Lần đầu tiên, đồng Euro rớt giá thấp hơn đồng USD trong gần 20 năm. Tại Hoa Kỳ, chỉ số lạm phát lên tới 9,1% trong tháng 6, tỷ lệ cao nhất từng thấy ở Mỹ kể từ tháng 11/1981 trong bối cảnh giá nhiên liệu, tiền thuê nhà và hàng tạp hóa tăng cao.
Hoa Kỳ và Thế Giới
NASA mới đây đã đưa ra danh sách 5 thiên thể được chọn để giới thiệu trong lần đầu ra mắt các hình ảnh chụp được từ kính viễn vọng James Webb. Chúng bao gồm SMACS 0723, một mảnh nhỏ giống như ngọc của vũ trụ xa xôi mà theo NASA là cung cấp “cái nhìn chi tiết nhất về vũ trụ sơ khai cho đến nay.”
Tất cả năm mục tiêu của James Webb đều đã được các khoa học gia biết đến trước đây. Trong số đó có Carina Nebula và Southern Ring Nebula, hai đám mây khí và bụi khổng lồ, hình thành từ các vụ nổ sao và trở thành các lồng ấp tân tinh, mỗi đám mây cách Trái Đất hàng nghìn năm ánh sáng.
Ngoài ra còn có một cụm thiên hà được gọi là Stephan's Quintet, được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1877 và bao gồm một số thiên hà được NASA mô tả là bị nhốt trong một vũ điệu vô tận của vũ trụ, của những vụ va chạm không có hồi kết.
Được phóng Ngày Giáng sinh năm 2021 từ Guiana thuộc Pháp, trên bờ biển đông bắc Nam Mỹ, James Webb hiện đang quay quanh Mặt Trời với khoảng cách 1.6 triệu km tính từ Trái đất. Ở khoảng cách này, James Webb sẽ có vị trí cố định so với Trái Đất và Mặt Trời, với lượng nhiên liệu tối thiểu cần dùng để điều chỉnh đường bay.
Gương chính của Webb rộng hơn 6.5m và được tạo thành từ 18 phân đoạn gương lục giác bằng kim loại berili tráng vàng. James Webb cần duy trì sự ổn định nhất có thể để có được những bức ảnh đẹp nhất.
NASA ước tính Viễn vọng kính James Webb sẽ có tuổi thọ 20 năm. Webb sẽ hoạt động cùng với viễn vọng kính không gian Hubble và Spitzer để giải đáp các thắc mắc về vũ trụ của nhân loại.
Moderna gia tốc hai vắc-xin nhắm vào các biến thể mới
Công ty Moderna ngày 11/7 loan báo đang tăng tốc để đưa ra thị trường hai loại vắc-xin mới nhắm vào biến thể Omicron trong mùa thu năm nay, một loại được thiết kế chống lại biến thể BA.1 và một loại sử dụng để chống lại BA.4 và BA.5.
Các công ty sản xuất vắc-xin bao gồm Moderna và đối thủ Pfizer đang phát triển các loại vắc-xin cải tiến để nhắm vào các biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron đang lây lan nhanh chóng, vốn đang hoành hành tại Mỹ trong những tuần gần đây.
Nhắm vào hai biến thể khác nhau - biến thể nguyên thuỷ từ năm 2020 và biến thể Omicron mới hơn, Moderna cho biết dữ liệu lâm sàng mới cho vắc-xin mRNA-1273.214, được thiết kế để nhắm mục tiêu vào biến thể BA.1, cho thấy đáp ứng của kháng thể trung hòa chống lại BA.4 và BA.5 cao hơn đáng kể so với mũi vắc-xin tăng cường hiện nay. Loại thuốc thứ hai của công ty, mũi vắc-xin mRNA 1273.222, dựa trên chủng BA.4/5 và đang được phát triển thích ứng với khuyến nghị gần đây của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ FDA.
Nhà phân tích Michael Yee của Jefferies cho biết mặc dù dữ liệu mới của liều tăng cường nhắm mục tiêu vào biến thể phụ BA.1 cho thấy độ bền và phản ứng kháng thể tốt hơn, nhưng biến thể Omicron ban đầu đã thay đổi tại Mỹ và FDA có khả năng sẽ phê duyệt liều vắc-xin tăng cường BA.4/5.
Uỷ ban điều tra cáo buộc ông Trump kích động vụ bạo loạn ở Quốc hội Mỹ
Các nhà lập pháp Hoa Kỳ hôm 12/7 đã cáo buộc tổng thống Donald Trump là người xúi giục đám đông những người ủng hộ ông tấn công Điện Capitol ngày 6/1/2021, trong một nỗ lực cuối cùng nhằm bám giữ quyền lực.
Ủy ban Hạ viện cũng đưa ra bằng chứng cho thấy các trợ lý và những kẻ kích động bên ngoài biết trước khi cuộc bạo động xảy ra rằng ông Trump sẽ thúc giục hàng nghìn người ủng hộ ông tiến về Điện Capitol ngày hôm đó.
Uỷ ban điều tra bao gồm bảy đảng viên Dân chủ và hai đảng viên Cộng hòa sử dụng các phiên điều trần để đưa ra các bằng chứng cho thấy những nỗ lực của ông Trump nhằm lật ngược thất bại của ông trong cuộc bầu cử năm 2020 là hành vi bất hợp pháp, bất thường.
Trong lời khai được ghi lại qua video trình chiếu tại phiên điều trần hôm 12/7, các nhân chứng mô tả một cuộc họp ồn ào kéo dài sáu giờ vào đêm khuya ngày 18/12/2020, trong đó ông Trump không đếm xỉa đến các nhân viên Bạch Ốc, những người thúc giục ông chấp nhận kết quả chính thức của cuộc bầu cử tháng 11/2020.
Các thành viên của ủy ban nói rằng ông Trump đã kích động bạo loạn thông qua việc từ chối thừa nhận ông đã thua cuộc bầu cử và thông qua các bình luận như đăng tải của ông trên Twitter ngày 19/12/2020, ngay sau cuộc họp ở Nhà Trắng, nhằm kêu gọi những người ủng hộ đổ về thủ đô Washington cho một "cuộc biểu tình lớn." Ông Trump viết: "Hãy tới đó, sẽ điên cuồng."
Dân Biểu gốc Việt Stephanie Murphy nói: "Một phần khác trong chiến lược của tổng thống liên quan đến một số thành viên của Quốc hội, những người đã khuếch đại những khẳng định vô căn cứ của ông rằng cuộc bầu cử đã bị đánh cắp. Trong những tuần sau cuộc bầu cử, Bạch Ốc phối hợp chặt chẽ với các đồng minh của Tổng thống Trump tại Quốc hội để phổ biến những tuyên bố sai lầm của ông ấy và khuyến khích công chúng đấu tranh với kết quả vào ngày 6 tháng 1. Chúng tôi biết rằng tổng thống đã gặp gỡ các thành viên khác nhau để thảo luận về ngày 6/1/2021 trước khi lưỡng viện họp chung."
"Lịch trình riêng của tổng thống Trump vào ngày 21/12/2020 cho thấy một cuộc họp riêng với các thành viên đảng Cộng hòa của Quốc hội", Murphy nói. "Chúng tôi biết Phó Tổng thống Pence, chánh văn phòng Mark Meadows và Rudy Giuliani cũng tham dự cuộc họp."
Sau đó, bà bắt đầu nêu tên các đảng viên Cộng hòa hiện đang phục vụ trong Quốc hội: "Tại thời điểm này, bạn có thể nhớ lại lời khai trong phiên điều trần trước đó của chúng tôi bởi Richard Donoghue, người nói rằng Tổng thống Trump đã yêu cầu Bộ Tư pháp 'hãy nói rằng cuộc bầu cử đã hỏng rồi và để phần còn lại cho tôi và các dân cử Đảng Cộng hòa", Murphy nói. "Theo nhật ký khách thăm Bạch Ốc do ủy ban thu được, các thành viên Quốc hội có mặt tại Bạch Ốc vào ngày 21/12/2021 bao gồm các Dân biểu Brian Babin (R-TX), Andy Biggs (R-AZ), Matt Gaetz (R-FL), Louie Gohmert (R-TX), Paul Gosar (R-AZ), Andy Harris (R-MD), Jody Hice (R-GA), Jim Jordan (R-OH) và Scott Perry (R-PA). Và bà Marjorie Taylor Greene (R-GA) - Dân biểu đắc cử cũng có mặt ở đó.”
Trong đoạn kết, dân biểu Stephanie Murphy đã nói về nguồn gốc di dân từ Việt Nam của bà và lý do bà tham dự Ủy ban Điều tra 6/1 như sau:
"Trong những buổi điều trần đầu tiên chủ tịch Thompson cho hay thành viên của Uỷ Ban sẽ không dành nhiều thì giờ nói về cá nhân mình. Thay vào đó, chúng tôi sẽ để cho các chứng cứ đóng vai chính. Và ông nói rất đúng. Đây không phải lúc để chúng ta luận bàn về bản thân mà là lúc chúng ta cần bảo vệ đất nước yêu quý của mình hòng bảo toàn những giá trị cốt lõi của một nước Mỹ vĩ đại -- tuân thủ pháp quyền, bầu cử tự do, bàn giao quyền lực một cách ôn hoà từ người lãnh đạo trước đến kẻ kế nhiệm...
Tuy nhiên xin cho phép tôi có đôi lời về mình và tại sao tôi hãnh diện được phục vụ trong Uỷ Ban này. Tôi là thành viên duy nhất của Uỷ Ban đã không có diễm phúc sinh ra tại Mỹ. Tôi sinh ra ở Việt Nam. Sau chiến tranh gia đình tôi phải trốn khỏi chế độ cộng sản, được vớt bởi Hải Quân Hoa Kỳ và cho phép định cư ở Mỹ. Tinh thần ái quốc của tôi bắt nguồn từ sự biết ơn tấm lòng độ lượng và bao dung của người Mỹ. Tôi yêu đất nước này vô cùng.
Ngày sáu tháng Giêng, hơn bốn thập kỷ sau ngày gia đình tôi phải chạy trốn một chế độ chính trị phi nhân đầy bạo lực, tôi đã có mặt tại Điện Quốc Hội và phải chạy trốn đồng bào của mình. Đám đông hung hãn ấy đã bị tổng thống cùng một số người có quyền lực lường gạt, nói dối rằng lá phiếu của họ đã bị đánh cắp -- mặc dù không ai có thể trưng ra bằng chứng. Nhiều người còn dùng đến vũ lực hòng lật đổ kết quả một cuộc bầu cử tự do và hợp pháp.
Mục đích chính của Uỷ Ban này là dùng sự thật để phản biện hư cấu; tái dựng sự kiện một cách chính xác để người dân Mỹ được biết; cung cấp sử liệu cho tương lai; nói lên sự thật -- chuyện gì đã xảy ra, tại sao nó xảy ra; đề nghị những thay đổi cần thiết để nó không xảy ra lần nữa; và bảo vệ nền dân chủ của chúng ta. Đối với tôi yêu nước là như thế, không thể nào khác hơn. Tôi xin cảm ơn ngài chủ tịch."
Khoảng 800 người đã bị buộc tội tham gia vào cuộc bạo động ở Điện Capitol, với khoảng 250 người cho đến nay đã thú tội.
Ông Trump và những người ủng hộ ông – bao gồm nhiều đảng viên Cộng hòa trong Quốc hội – cáo buộc ủy ban điều tra 6/1 là một cuộc “săn phù thủy” mang tính chính trị, trong khi những người ủng hộ ủy ban này nói rằng đó là một cuộc điều tra cần thiết về một mối đe dọa bạo lực chống lại nền dân chủ.
Ukraine 'cần tới 100 giàn hỏa tiễn HIMARS' để chặn bước tiến của quân Nga
Kyiv lần đầu công bố hỏa tiễn HIMARS do Hoa Kỳ cung cấp bắn tan một kho đạn Nga ở Nova Kakhovka, tỉnh Kherson tạo niềm phấn khởi cho quân đội Ukraine.
(Tin BBC) - Tuy phía Nga nói mục tiêu bị trúng hỏa tiễn chỉ là một kho phân hóa học, và có tới 80 'người dân bị thiệt mạng', giới chức quân sự Phương Tây tin rằng một mục tiêu quân sự của Nga bị hỏa tiễn HIMARS bắn trúng.
Theo phóng viên BBC Sarah Rainsford thì sức công phá của hỏa tiễn HIMARS lớn tới mức cửa sổ nhà ở cách đó 2km đều vỡ tung. Ukraine nói một số lính Nga đã bị giết, theo tin tức hôm 13/07.
Đây cũng là một phần của chiến dịch 'chọi pháo' mà Ukraine mong muốn sẽ chặn được sức tiến công chậm mà chắc của Nga.
Thậm chí, có ý kiến cho rằng việc dùng các loại hỏa tiễn tầm trung và tầm xa theo tiêu chuẩn NATO sẽ giúp Ukraine ít ra là chặn bước tiến quân của Nga, bằng cách bắn phá các kho đạn, bộ chỉ huy quân sự Nga nằm sau chiến tuyến trải dài từ phía Nam qua Donbas lên gần Kharkiv.
Cho đến nay, quân Nga áp dụng chiến thuật 'pháo kích' rồi bao vây và công phá các cứ điểm phòng thủ của Ukraine ở Donbas và đạt được một số thành tích. Tuy thế, Nga gặp vấn đề tiếp liệu, độ chính xác của pháo binh và tính bền vững của chiến thuật này. Việc bắn hàng nghìn trái đạn pháo một ngày có thể nhanh chóng tiêu hao kho vũ khí.
Cân bằng lại số lượng vũ khí oanh tạc
Với Ukraine, việc phòng thủ giữ đất đi kèm với nỗ lực tái chiếm, phản công diện hẹp trên thực địa là cách duy nhất chống lại cuộc chiến lâu dài của Nga.
Để làm được điều này, Ukraine cần vũ khí NATO, vì các loại pháo tầm trung và tầm ngắn của Ukraine vẫn còn nhưng đạn đang cạn.
Theo các quy định từ thời Liên Xô, chỉ có hai nước Nga và Belarus sản xuất một loạt các loại đạn pháo, còn Ukraine chỉ có giàn phóng, và pháo mà không tự làm đạn. Vì thế ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Volodymyr Zelenskyi nói từ tháng 6/2022 rằng Ukraine cần ít nhất 300 giàn phóng hỏa tiễn có độ chính xác cao, và 500 xe tăng hiện đại.
Cần nhắc lại rằng xe tăng Ukraine cũng phải có đạn pháo mới ra trận được và cỡ nòng pháo khác chuẩn NATO và Liên Xô cũ khiến cho Ukraine hết đạn là ngừng hoạt động cả thiết giáp và pháo binh.
Chính phủ Mỹ công bố ngoài 800 triệu USD viện trợ quân sự khẩn cấp cho Ukraine, còn cung cấp tới 12 giàn HIMARS vào giữa tháng 7. Nhưng ông Michael Vickers, cựu quan chức cao cấp của Ngũ Giác Đài về chiến lược chống nổi dậy, nói với các đài báo Mỹ từ hôm 01/07 rằng Ukraine cần ít nhất 60 giàn HIMARS, và tốt nhất là 100 giàn, theo New York Times.
M142 High Mobility Artillery Rocket Systems (HIMARS) là giàn phóng hỏa tiễn cơ động cao, đặt trên xe bánh hơi, và chỉ cần ba người lính điều khiển đưa số liệu vào hệ thống định vị mục tiêu là ống phóng có thể đẩy đi tên lửa 90 kg, bay xa tới 70 km.
Hỏa tiễn nhận tọa độ GPS và tự bay tới mục tiêu với độ chính xác 10 mét, gây thương vong cao cho quân địch.
Đạn của HIMARS sẽ tác dụng hiệu quả cao hơn khi bắn thẳng vào các đơn vị pháo binh của Nga.
Báo chí Nga thừa nhận HIMARS bắn ra hỏa tiễn có sức công phá tương đương bom ném từ máy bay hướng mà hệ thống phòng không Nga không thể nào bắn chặn.
Vẫn các giàn hỏa tiễn này, nếu thay đạn có thể bắn xa tới trên 300km, nhưng Hoa Kỳ không cung cấp cho Ukraine loại đó, để hạn chế chiến sự trên đất Ukraine, gồm cả vùng Donbas.
Một loại đầu đạn khác của hỏa tiễn dùng giàn ống phóng này là bom chùm, mang tới 644 trái bom nhỏ, khi tới mục tiêu sẽ nổ tung, rải bom trong bán kính rộng, giết chết nhiều người. Thế nhưng loại này của Mỹ đã bị cấm sản xuất vì quá dã man, theo Hiệp Ước Ottawa.
Ngoài HIMARS, Ukraine cũng mong muốn nhận của Anh và Đức các loại pháo tầm xa khác, có năng lực đối chọi 'bình đẳng' với các loại pháo, hỏa tiễn Uragan và Grad của Nga.
Úc, Canada và Mỹ thì đã chuyển hơn 100 khẩu pháo lớn (howitzer) M777 và 300 nghìn trái đạn 155mm cho Ukraine.
Pháo M777 tương đương với pháo Giatsint-B của Nga và có tầm tác xạ xa hơn D-30 của Nga.
Cuộc chiến Ukraine, như thủ tướng Hà Lan Mark Rutte vừa nói sau chuyến thăm Kyiv, sẽ là "cuộc chiến dài lâu".
Ông Vickers thì lấy kinh nghiệm từ chiến trường Afghanistan kháng chiến chống Liên Xô để cho rằng chiến tranh Nga-Ukraine có thể kéo dài thêm 5 năm nữa.
Sau các đợt tấn công bằng thiết giáp rồi xung kích để lấn đất Ukraine, Nga chuyển sang một hình thức tác chiến khác.
Các cuộc đấu pháo, hỏa tiễn ở vùng đồng bằng phía Đông Ukraine đang là bước tiếp theo của cuộc chiến.
Á Châu và Việt Nam
Hoa Kỳ cảnh báo Trung Quốc về việc vi phạm phán quyết của tòa về Biển Đông
Theo bản tin của RFA, ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Blinken vào ngày 12/7, lặp lại kêu gọi Trung Quốc tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế La Haye về đường đứt khúc chín đoạn phi pháp mà Bắc Kinh tự vạch ra ở Biển Đông.
AP loan tin dẫn thông cáo của Ngoại trưởng Hoa Kỳ được Đại sứ quán Mỹ tại Manila phát đi ngày 12/7. Nội dung thông cáo nêu rõ kêu gọi của ông Antony Blinken rằng “Chúng tôi lặp lại kêu gọi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) chấp hành nghĩa vụ theo luật quốc tế và ngưng hành vi khiêu khích”.
Ngoại trưởng Mỹ còn tái khẳng định nếu xảy ra một cuộc tấn công vào các lực lượng vũ trang, tàu thuyền, máy bay công vụ của Philippines tại Biển Đông, mọi cam kết trong Hiệp Định Quốc Phòng Tương Hỗ Hoa Kỳ- Philippines sẽ được thực hiện.
Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo vào ngày thứ ba 12/7 cũng lên tiếng nói rằng phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye là một trụ cột trong chính sách và hành động của chính quyền mới Manila đối với Biển Đông. Philippines bác bỏ mọi nỗ lực phá bỏ phán quyết không tranh cãi đó của Tòa.
Ngày 12/7 là dịp đúng sáu năm Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế tại La Haye ra phán quyết bác bỏ đường đứt khúc 9 đoạn của Bắc Kinh theo đơn kiện của Manila vào năm 2013.
Phía Trung Quốc bác bỏ phán quyết của Tòa và không chịu tuân thủ.
Trung Quốc, Đài Loan và bốn nước trong khu vực gồm Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam đều có tuyên bố chủ quyền chồng lấn tại Biển Đông. Đây là một tuyến đường hàng hải quan trọng trên thế giới và cũng là nơi chứa trữ lượng tài nguyên thiên nhiên dầu khí cũng như hải sản dồi dào.
Trung Quốc tự vạch ra đường đứt khúc chín đoạn để tuyên bố chủ quyền đền 80% vùng biển này; nhưng bị Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế phán quyết đường đó không có giá trị cả về pháp lý và lịch sử.
Bắt giữ chín người trong đường dây đưa lậu người Việt vào châu Âu
Một tổ chức tội phạm đưa lậu người Việt vào châu Âu vừa bị triệt phá sau nỗ lực hợp tác điều tra chung do năm nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) thực hiện.
Bản tin BBC - Với sự hỗ trợ của Trung tâm Chống buôn lậu người di cư châu Âu (EMSC) thuộc Europol, chín người được cho là thuộc băng nhóm xuyên quốc gia này đã bị bắt giữ, theo báo cáo của SchengenVisaInfo.com.
Theo Europol, một số phương tiện và tiền mặt ngân phiếu trị giá vài trăm nghìn bảng Anh cũng bị thu giữ. Hôm thứ Năm, ngày 7/7, cảnh sát cũng đã bắt giữ 39 người ở năm quốc gia châu Âu trong một hoạt động xuyên biên giới rộng lớn, triệt phá một trong những mạng lưới tội phạm hoạt động mạnh nhất trong đường dây buôn lậu người di cư từ EU đến Anh qua eo biển Manche.
Hoạt động này là kết quả của sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan hành pháp và tư pháp từ Bỉ, Pháp, Đức, Hà Lan và Vương quốc Anh.
Theo Europol, ba đối tượng 'đầu sỏ' đã bị bắt trong chiến dịch này, hơn 50 cuộc khám xét đã được thực hiện ở mỗi quốc gia.
Đối với 39 vụ bắt giữ, chín người bị bắt ở Pháp, 18 người ở Đức, sáu người ở Hà Lan và sáu người ở Anh.
Chỉ mới đây, trong một chiến dịch chung khác cũng do Europol hỗ trợ, khoảng 226 giấy tờ giả mạo đã bị phát hiện. Trong những ngày diễn ra chiến dịch, hơn 130 vụ bắt giữ đã được thực hiện, xác định danh tính khoảng 60 nghi phạm mới và hơn 100 cuộc điều tra mới đã được bắt đầu.
Khoảng 11,130 trẻ vị thành niên đã được kiểm tra bởi các cơ quan thực thi pháp luật, những người này vẫn là nhóm người dễ bị buôn bán và bóc lột nhất. Hơn nữa, trong thời gian diễn ra chiến dịch, các nhân viên thực thi pháp luật đã khám xét khoảng 13,500 địa điểm, 193,020 phương tiện, 970,440 người và 101,790 tài liệu.
Thu nhập đầu người Việt Nam đứng thứ 7 Đông Nam Á, 130 trên thế giới
(Tin VOA) - Thu nhập quốc dân (GNI) trên đầu người của Việt Nam đứng thứ 7 trong số 11 nước Đông Nam Á và thứ 130 trên 195 nước được Ngân hàng Thế giới thống kê, xếp hạng, theo số liệu vừa được ngân hàng này cập nhật vào đầu tháng 7.
Bộ Chỉ Số Phát Griển Thế Giới (WDI) được Ngân Hàng Thế Giới cập nhật hôm 1/7 cho thấy GNI đầu người của Việt Nam vào năm 2021 là 3,560 đô la. Chỉ so với các nước trong cùng khu vực, con số của Việt Nam chỉ bằng gần 1 phần 18 của Singapore, 64,010 đô la. GNI đầu người của đảo quốc có quy mô một thành phố này đạt vị trí cao nhất Đông Nam Á và đứng thứ 10 thế giới.
Lần lượt đứng thứ hai và thứ ba ở Đông Nam Á là Brunei và Malaysia với các con số tương ứng là 31,510 và 10,930 đô la, cao hơn Việt Nam gấp khoảng 9 lần và 3 lần. Hai nước kể trên lần lượt đứng thứ 33 và 70 trên thế giới.
Ba nước khác thuộc khối ASEAN đứng trên Việt Nam là Thái Lan, với 7,260 đô la/người, đứng thứ 88 trên thế giới; Indonesia, 4,140 đô la, vị trí 119; và Philippines, 3,640 đô la, vị trí 128.
Các nước cùng khu vực có GNI đầu người thấp hơn Việt Nam là Lào, Timor Leste, Campuchia và Myanmar.
Một số cường quốc gắn liền với khu vực châu Á-Thái Bình Dương có thứ hạng như sau: Mỹ đứng thứ 7 trên thế giới, Nhật Bản, 28; Hàn Quốc, 32; Trung Quốc, 68 và Nga, 69.
Nếu tính theo sức mua tương đương (PPP), thứ bậc về GNI đầu người của Việt Nam được cải thiện một chút, bộ chỉ số của Ngân hàng Thế giới cho hay. Với cách tính này, Việt Nam giữ vị trí 115 trên thế giới và đứng thứ 6 trong khu vực, lần lượt thấp hơn các nước Singapore, Brunei, Malaysia, Thái Lan và Indonesia.
Trong khi đó, quy đổi theo PPP, GNI đầu người của Singapore là hơn 102,000 đô la, đứng số 1 thế giới, cao gấp hơn 9 lần con số 11,040 đô la/người của Việt Nam.
Mặc dù chưa lọt vào nửa trên trong nhóm các nước Đông Nam Á, song số liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy các chỉ số của Việt Nam đã tiến thêm được 2 bậc trên bình diện toàn cầu, trong khi các nước ASEAN - chỉ trừ Singapore - đều tụt vài bậc.
Bộ chỉ số WDI của Ngân hàng Thế giới tập hợp các chỉ số phát triển quan trọng, lấy thông tin từ các nguồn quốc tế được công nhận chính thức, và nó thể hiện dữ liệu cập nhật nhất và chính xác nhất có thể có được về tình hình phát triển toàn cầu.
Các số liệu mới cập nhật cho thấy GNI đầu người của Việt Nam, theo cách tính thông thường, đạt mức cao hơn một chút so với ngưỡng thu nhập trung bình thấp của thế giới (2,485 đô la), nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với ngưỡng thu nhập trung bình cao (10,363 đô la).
Điều này cũng vẫn đúng ngay cả khi tính theo PPP. Ngưỡng thu nhập trung bình thấp của thế giới theo PPP là 7,910 đô la, còn ngưỡng thu nhập trung bình cao là 19,962 đô la.
So sánh với toàn vùng Đông Á-Thái Bình Dương, GNI đầu người của Việt Nam chưa bằng 1 phần 3 mức trung bình của khu vực là 12,740 đô la, theo cách tính thông thường; và bằng gần một nửa của mức 20,195 đô la, theo quy đổi PPP.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam trong năm 2021 là hơn 362.6 tỷ đô la, đứng thứ 39 trong số 207 nền kinh tế, vẫn theo Ngân hàng Thế giới. Nếu tính theo PPP, GDP Việt Nam đứng thứ 25 trong số 195 nước và vùng lãnh thổ.
Gần thời điểm Ngân hàng Thế giới cập nhật thông tin về GDP và GNI, tạp chí CEOWORLD có trụ sở chính ở New York, Mỹ, đưa ra bảng xếp hạng về chất lượng sống trên thế giới, theo đó, Việt Nam đứng thứ 62 trên bình diện toàn cầu và đứng thứ 7 trong khối ASEAN.
Bảng xếp hạng mang tên “Những nước tốt nhất thế giới về chất lượng cuộc sống, 2021”, được công bố hôm 20/6, cho thấy trong số các nước Đông Nam Á, Singapore đứng đầu, tiếp theo là Thái Lan, Philippines, Malaysia, Brunei, và Indonesia.
Mặc dù còn thấp so với đa số các nước láng giềng, song với vị trí 62, chất lượng sống của Việt Nam có thứ hạng cao hơn 103 nước khác, bao gồm Myanmar, Campuchia, và Timor Leste ở Đông Nam Á. Bảng xếp hạng của CEOWORLD không nêu tên Lào.
Gửi ý kiến của bạn