Hôm nay,  

Đi Tìm Hạnh Phúc

08/04/202210:38:00(Xem: 2070)

Tùy bút

lac

Lạc, Tranh Thanh Châu.


Bạn sẽ không bao giờ hạnh phúc khi bạn cứ mải mê truy tìm hạnh phúc gồm có những gì. Bạn sẽ không bao giờ có được một đời sống đích thực nếu bạn cứ tiếp tục tra vấn ý nghĩa của chính đời sống ấy. (Albert Camus)

1.

Sống ở đời, hạnh phúc là thứ ai cũng thèm khát. Vì thế, người ta mải mê đi tìm. Tìm hoài, có kẻ thấy, có người không. Kẻ không tìm được hạnh phúc, thất vọng, buồn bã, chán chường. Kẻ tìm thấy được rồi, có khi không hoàn toàn thỏa mãn, hoặc có khi lại vuột tay đánh mất, cũng lại thất vọng, buồn bã, chán chường. Có lẽ, vì vậy mà người ta hay nói: đời là bể khổ. Khổ vì không tìm thấy hạnh phúc, không có hạnh phúc, không giữ được hạnh phúc.

Đau khổ và Hạnh phúc là hai mặt đối nghịch của một kiếp người. Chúng đi song song và chỉ đồng quy (?) khi kiếp người ấy chấm dứt.


Năm cũ qua, năm mới đến. Với chu kỳ thời gian tính bằng năm, mọi người, ai cũng được thêm một tuổi. Chính xác hơn, già thêm một tuổi. Cuộc hành trình đi tìm hạnh phúc chốn trần gian bước thêm một bước về phía trước. Có hy vọng thêm gì không ở một cuộc đuổi bắt cái bóng chập chờn ấy sau những năm tháng mỏi mệt nặng nề trên vai “
đôi vầng nhật nguyệt?” Đường đã ngắn lại. Bạn đồng hành lần lượt bỏ cuộc. Mỗi ngày thức dậy, nghe tin một người bạn nào đó ở xa vừa "lên đường về nơi miên viễn (chiêm bao)". Những buồn phiền ấy chắc chẳng hứa hẹn gì hơn sự xuất hiện của bóng dáng hạnh phúc khi người ta vừa bước thêm một bước mệt mỏi trên con đường đi truy tìm.


Nhưng, có người bảo rằng, không nên tuyệt vọng như thế. Một nhà xã hội học gốc Trung hoa của trường Đại học Chicago đã công bố một công trình nghiên cứu về hạnh phúc và tuổi gìa, đáng được chúng ta chú ý tới, nhất là vào lúc mọi người đang choáng váng cộng thêm 1 vào số tuổi chỉ lớn dần ra mà không bao giờ nhỏ lại của mình. 


Dựa vào những nghiên cứu xã hội học và dữ liệu thống kê  bắt đầu từ năm 1972 cho đến năm 2004, công trình ấy kết luận rằng "tuổi già có người bạn đồng hành tay trong tay là hạnh phúc". Nhà nghiên cứu gốc Trung hoa này cũng dựa vào những dữ liệu thu thập được trong xã hội Mỹ để bác bỏ cái quan niệm lâu đời về người già rằng kèm theo với tuổi già là sự cô đơn, là cảm thức tự khép mình trong bốn bức tường của quá khứ, suy niệm, không hòa nhập với dòng sống xã hội đang từng ngày thay đổi. Bà cho rằng, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, mức sống ngày một nâng cao (1), người già (Mỹ) ngày nay đã trở nên "tích cực về mặt xã hội" hơn trước rất nhiều. Và hệ quả đương nhiên rất khích lệ. Tích cực hòa nhập vào xã hội giúp đẩy lùi những cảm thức tâm lý tiêu cực như chán chường, cô đơn, buồn bã. Mặt khác, với năm tháng người ta kinh qua, nhận thức về đời sống – qua kinh nghiệm – có phần thực tế hơn, và do đó, hình ảnh về đời sống trở nên dễ chịu hơn.(2)


Thế còn những thuộc tính không thể tránh khỏi của tuổi già, như đau ốm, bệnh tật, đau đớn vì sự mất mát của những người thân (chồng, vợ, bạn bè qua đời) thì sao? Theo các nhà nghiên cứu, các thuộc tính ấy vẫn tồn tại, nhưng ở mức độ dễ chấp nhận hơn, vì người già ngày nay đã biết chuẩn bị tâm tư đón nhận những bất hạnh không thể tránh khỏi ấy, và sự tích cực về mặt xã hội đã giúp họ từ bỏ thái độ chỉ ngồi một chỗ gậm nhấm những nỗi buồn, tự hờn trách mình về những thất bại. Thêm nữa, ngược hẳn lại với những ngày còn trẻ họ mong đợi quá nhiều từ đời sống, nên sự thất vọng chán chường thường tỷ lệ thuận với sự mong đợi ấy, bây giờ, bằng con mắt thực tế, họ không mong đợi nhiều lắm ở những gì cuộc sống mang lại. Kết quả, đời sống dường như có vẻ dễ chịu hơn. 


2.

Thế nhưng, hạnh phúc là gì? Làm sao để sống có hạnh phúc, cả khi người ta còn trẻ, chứ không phải đợi về già rồi mới được sống hạnh phúc?


Trên con đường đi truy tìm hạnh phúc cho chính bản thân mình, tôi đã "đau khổ" bị lọt vào mê cung của vô vàn định nghĩa khác hẳn nhau, của vô vàn phương cách sống hạnh phúc theo những quan niệm khác hẳn nhau, từ tôn giáo cho đến triết học, khoa học, từ phương Tây cho đến phương Đông, từ phức tạp cho đến giản dị, từ bậc cao nhân trí thức cho đến người ít học đơn sơ.


Đi tìm hạnh phúc, có nghĩa là "tưởng" rằng hạnh phúc phải ở một chỗ nào đó, thí dụ như: chùa chiền, nhà thờ, chợ búa, chỗ đông người, chỗ vắng người hay thậm chí trong sách vở, kinh kệ, xưa cũng như nay. Thế là tôi bị lạc đường. Lại thêm một nỗi đau khổ vì lạc đường. Có người bảo tôi hạnh phúc nằm ngay trong lòng mình. Hãy mở lòng ra thì sẽ thấy.
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt. Tôi nghe lời, mở thử lòng mình. Hạnh phúc vẫn biệt vô âm tín giữa mớ bòng bong trăm sự rối bời. Hay là lại tôi "suốt đời đau khổ" nên lòng tôi không có chỗ chứa cho hạnh phúc. Hay là tôi đã không nhận ra nó, khi nó thực sự hiện hữu trong lòng mình. 


Nói đi thì phải nói lại. Trong suốt cuộc đời 60 năm của tôi, cũng có nhiều lúc, nhiều khoảnh khắc, tôi cảm thấy mình thật hạnh phúc, nhất là những khi gia đình quây quần xum họp, khi những tiếng cười con trẻ cứ vang vang khắp nhà. Nhưng hạnh phúc ấy (nếu quả thật đó là hạnh phúc) không kéo dài. Xum họp rồi lại chia ly. Tôi không giữ được hạnh phúc (nếu quả thật tôi đã tìm thấy nó cho đời mình). 


Hạnh phúc không có một hình dáng. Điều ấy tôi có thể khẳng định. Nên, có lẽ, tìm sẽ không thấy. Vậy, hạnh phúc có thể là một cảm giác tâm linh, người ta chỉ cảm được cho riêng mình mà thôi. Và, có lẽ, chính vì thế mà cảm giác "
cảm thấy hạnh phúc" chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian, đến rồi lại đi. Tuy nhiên, để "cảm thấy hạnh phúc", và giữ được nó trong lòng mình dài lâu, tôi đọc được đâu đó có nhà tu hành bảo rằng phải giữ cho lòng thanh tịnh, phải diệt khổ, phải khoan dung, từ bi, phải có trí tuệ để không lầm đường lạc lối. Nhưng tôi là một người sống giữa đời sống, không thể tránh khỏi vương mang hệ lụy của đời, sở học không đủ cao để khỏi rơi vào tăm tối u mê, làm sao tôi đạt được tới mức "thân tâm thường an lạc" ấy để hưởng hạnh phúc. Chẳng lẽ số phận con người (như tôi) phải chịu đau khổ suốt đời vì không bao giờ thỏa mãn được những đòi hỏi quá cao xa ấy chăng?


Thế là, cuộc truy tìm hạnh phúc của tôi trở về khởi điểm với hai bàn tay trắng. Vừa đúng lúc để nghe những nhà khoa học danh giá bảo rằng từ nay trở đi (tức lúc bước vào năm mới với số tuổi nặng thêm một tuổi), tôi sẽ được "tay trong tay với nàng tiên hạnh phúc" sánh vai nhau bước trên con đường dẫn đến hoàng hôn đời mình, với những lý lẽ, nghe ra "khá thuyết phục".(3)


3.

http://files.chungta.com/Image.ashx/image=pjpeg/b868a8e308fa479fbcbb11a001264ff2-Hanh-phuc-3.jpg/Hanh-phuc-3.jpg


Thế rồi, như một sự ngẫu nhiên huyền hoặc, tôi xem được trong thế giới ảo (mạng Internet) một bức thư họa khá độc đáo. Trên cái nền thiên nhiên của cây cối, sông núi, trăng nước là hàng thư pháp viết thật đẹp hàng chữ:
Hạnh Phúc là có việc gì đó để Làm, người nào đó để Yêu, và có điều gì đó để Hy Vọng.(4)


Nội dung hàng chữ không có gì sâu sắc lắm. Rất giản dị, dễ hiểu.


Tôi soi bóng mình đằng sau hàng thư pháp. Hình như tôi cũng có một việc (thú vị) để làm. Công việc ấy đôi khi hành hạ tôi như hành hạ kẻ thù nhưng tôi không cảm thấy đau đớn (thú đau thương chăng?) Tôi cũng có hơn một người để yêu, cho đến hết đời. Điều này tôi có thể quả quyết mà không sợ mang tiếng "đại ngôn". Vì đó là gia đình tôi. Tôi cũng có một điều để hy vọng. Cái hy vọng ấy là thế hệ tương lai sẽ sáng sủa hơn thế hệ của tôi.


Nhìn kỹ lại, cái bóng ở đằng sau bức thư pháp, không phải chỉ là tôi, mà là của nhiều người lố nhố, khuôn mặt cùng mang những nét như nhau, cái nét của con người, cái nét của một kiếp nhân sinh trăm năm ngắn ngủi. 


Phải chăng đó là định nghĩa dễ hiểu, dễ đạt được nhất của hạnh phúc, mà ai cũng có thể thấy được, thực hiện được, kể cả những người trẻ tuổi, những người già, những người nghèo khó, những kẻ đau khổ?


Chú thích:


(1) Gỉa thuyết này có thể được củng cố với sự ra đời của Internet (thế giới nối mạng) và các loại máy computer mà giá cả phải chăng nên được nhiều người (già) ưa chuộng, và nhất là chiếc điện thọai thông minh mà hầu như ai cũng có. Ngày nay, không cần phải bước chân ra khỏi cửa nhà, người ta vẫn có những "họat động giao lưu xã hội" một cách tích cực. Hình thức nhóm thư điện tử (Mailgroups) – và mới nhất là mạng Facebook - là hai hình thức phổ biến nhất trong nhóm người (già) gốc Việt sống ở Mỹ (và các nước khác). Một người có thể cùng một lúc sinh họat trong nhóm những người bạn học cũ (trường cũ thầy xưa), nhóm cựu quân nhân xuất thân cùng trường đào tạo, hoặc cùng đơn vị phục vụ, hoặc cùng một trại cải tạo những người thuộc chế độ cũ, nhóm những người đồng hương, nhóm những người cùng hội (cao niên), v.v. Ngần ấy mối quan hệ xã hội đủ khiến một người (già), tuy không phải đi làm kiếm tiền, không bận rộn chăm sóc gia đình, vẫn không còn thì giờ ngồi không nghĩ ngợi vẩn vơ nữa. Thậm chí, có người còn cho rằng đây là những năm tháng tuyệt vời của đời mình. Không lo lắng hiểm nguy của lằn tên mũi đạn, không lo lắng bữa ăn cho gia đình, không sợ con cái lêu lổng hư hỏng, v.v.


(2) Công trình khảo cứu của giáo sư Yang Yang thuộc viện đại học Chicago dựa vào những cuộc khảo sát từ năm 1972 đến năm 2004 ở khắp nơi trên nước Mỹ. Có khoảng 1,500 cho đến gần 3,000 người đã được phỏng vấn trực tiếp, gồm những nhóm người khác nhau dựa trên phái tính, chủng tộc và tuổi tác. Qua lăng kính của quan niệm xem "
sự hiểu biết về hạnh phúc của con người là cốt lõi để đo lường phẩm chất của đời sống. Qua đó, người ta có thể lượng giá được sự thành tựu của một xã hội trong việc thỏa mãn những nhu cầu của thành viên trong xã hội đó", công trình đã đi đến kết luận khả quan,  rằng "người Mỹ càng già càng trở nên hạnh phúc hơn". Về chi tiết, cuộc nghiên cứu cho thấy người Mỹ gốc Phi châu ít hạnh phúc hơn người Mỹ trắng, đàn ông ít hạnh phúc hơn đàn bà, nhóm người thuộc thế hệ Babyboomers (sinh từ năm 1946 cho đến 1964) ít hạnh phúc hơn những thế hệ khác. (Nguồn: University of Chicago). 

Một nghiên cứu khác từ trung tâm nghiên cứu của Mayo Clinic cũng cho thấy kết quả tương tự. Theo đó, số người ở độ tuổi 60 và 70 cảm thấy thỏa mãn với đời sống giống như những người ở độ tuổi trẻ hơn. Nguyên nhân là do người lớn tuổi trở nên độ lượng hơn, dễ chấp nhận hơn những bất như ý, biết tỏ lòng biết ơn những gì do đời sống mang lại. Mặt khác, cũng theo nghiên cứu này, người có hạnh phúc thường sống lâu hơn, nên đã ảnh hưởng đến số liệu thu thập được trong khi tiến hành nghiên cứu. (Nguồn: Mayo Clinic).


(3) Vào thời điểm xem lại bài viết này lần cuối cùng trước khi cho vào tập tản văn có tên chung “Cõi Người”, một biến cố lớn trong đời tác giả đã xẩy đến. Đó là sự ra đi của người bạn đời mà khi viết bài “Đi tìm hạnh phúc”, tác giả đã mặc nhiên tin tưởng rằng mình sẽ ra khỏi đời này trước để tự mãn nguyện với ảo tưởng mình sẽ "tay trong tay với nàng tiên hạnh phúc" cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đời. Thực tế đã giáng một đòn trí mạng vào cân não của tác giả, gây cảm tưởng hụt hẫng, khiến việc bàn luận về việc đi tìm hạnh phúc với tác giả đã có vẻ như lâm vào ngõ cụt. Dẫu sao, bài viết đã viết xong, tác giả ngậm ngùi gởi đến độc giả chỉ để đánh dấu một đoạn đời hạnh phúc đã qua, không bao giờ trở lại (03/2022). 


(4) Đây là bản dịch tiếng Việt một câu danh ngôn định nghĩa về hạnh phúc của nhà văn người Tô Cách Lan Allan K. Chalmers (1759-1834):
The three grand essentials of happiness are: something to do, someone to love, and something to hope for. Tôi đã cố gắng tìm danh tính vị tác giả bức thư pháp, nhưng vẫn chưa thành công.


T.Vấn

(Trích Cõi người, sắp xuất bản)








Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Vào ngày 6 tháng 12, 2023, nhà thơ, nhà văn, giáo sư văn học và nhà hoạt động xã hội được yêu mến người Palestine Refaat Alareer đã thiệt mạng trong một cuộc không kích từ Israel cùng với người anh, em gái và bốn đứa con của họ. Trong tuần để tang kể từ đó, những lời tri ân dành cho cuộc đời, sự nghiệp viết lách và các hoạt động nghệ thuật tích cực của Alareer đã tràn ngập khắp nơi trên thế giới. Nhiều lời tri ân được đăng cùng với bài thơ cuối cùng “Nếu tôi phải chết” được ông đăng trên Twitter của mình vào ngày 1 tháng 11 năm 2023. Cho đến nay, bài thơ chia tay như một điềm báo đau lòng của Alareer hiện đã được dịch sang hơn 40 thứ tiếng; được đọc trên các sân khấu thế giới và được viết trên các bức tường sân ga tàu điện; được in trên các biểu ngữ, bảng hiệu, cờ và diều, được giương cao trong các cuộc biểu tình đòi ngưng bắn trên khắp thế giới.
Nhà xuất bản của Ocean Vương trên Marketplace cũng như Ocean Vương trên Instagram của mình đã thông báo về cuốn tiểu thuyết mới sẽ được xuất bản vào tháng 6 năm 2025, Emperor of Gladness. “Emperor of Gladness” là cuốn tiểu thuyết thứ hai của Ocean Vương, “kể về một năm trong cuộc đời của một thanh niên ương ngạnh ở New England, người tình cờ trở thành người chăm sóc cho một góa phụ 82 tuổi bị mất trí nhớ, tạo nên câu chuyện về tình bạn. sự mất mát và mức độ chúng ta sẵn sàng mạo hiểm để đòi hỏi một trong những ân huệ quý giá nhất của cuộc đời: cơ hội thứ hai.”
Tuyển tập “9 Khuôn Mặt: 9 Phong Khí Văn Chương” của Bùi Vĩnh Phúc là những trang sách phê bình văn học độc đáo, nơi đây 9 người cầm bút nổi tiếng của Miền Nam – Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan, Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Xuân Hoàng, Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Tô Thùy Yên – được chiếu rọi trên trang giấy rất mực trân trọng, công phu, phức tạp, và nổi bật là kiểu phê bình văn học rất mực thơ mộng của họ Bùi.
Nhận được tin buồn nhà thơ Phan Xuân Sinh sau một cơn bạo bệnh, nhập viện vì bệnh tim mạch, hôn mê sau 10 ngày vô phương cứu chữa đã qua đời tại Texas ngày 28/2/2024. Thọ 76 tuổi...
Từ hồi trẻ, tôi đã có thói quen là những ngày giáp Tết thì bắt đầu chọn một vài bài nhạc xuân để nghe; và trong những ngày đầu năm thì sẽ đọc một cuốn sách. Thói quen “khai sách đầu xuân” có thêm một chi tiết khi tuổi quá độ “ngũ thập nhi tri thiên mệnh”: đọc một cuốn sách có chủ đề về Phật Giáo. Trong năm Giáp Thìn này, tôi chọn cuốn “Từ Mặc Chiếu Đến Như Huyễn” của một tác giả cũng tuổi con rồng: cư sĩ Nguyên Giác, cũng là nhà báo Phan Tấn Hải. Giới thiệu “tác giả, tác phẩm” dài dòng như vậy, nhưng đối với tôi, người viết đơn giản chỉ là anh Hải, một người anh thân thiết, đã từng có một thời ngồi gõ bàn phím chung trong tòa soạn Việt Báo ở phố Moran. Đọc sách của anh Hải, tôi cũng không dám “điểm sách” hay “phê bình sách”, vì có thể sẽ bị anh phán rằng “… viết như cậu thì chỉ… làm phí cây rừng thôi!” Bài viết này chỉ ghi lại một vài niềm hứng khởi khi được tặng sách, khi đọc qua cuốn sách mà cái tựa cũng đã chạm sâu thẳm vào những điều bản thân đang chiêm nghiệm.
Chúng ta thường được nghe nói, rằng mọi người đều bình đẳng trước Thượng Đế. Tuy nhiên, Thượng đế thì không ai thấy, nhưng có một thứ còn đáng sợ hơn nhân vật cổ sử đó (nếu thật sự là có Thượng Đế): đó là những trận mưa bom. Người dân Ukraine và Palestine ý thức rất rõ, vì đó là chuyện hằng ngày của họ: mọi người đều bình đẳng khi đứng dưới mưa bom. Già, trẻ, nam, nữ, trí thức, nông dân, nhà thơ, họa sĩ… đều bình đẳng: khi bom rơi trúng là chết. Cuộc chiến giữa người Palestine muốn giữ đất và người Israel từ nơi xa tới nhận phần đất mới do quốc tế trao tặng từ đất Palestine đã kéo dài nhiều thập niên. Bây giờ căng thẳng mới nhất là ở Gaza, cuộc chiến đang tiếp diễn giữa nhóm Hamas, thành phần chủ trương bạo lực của dân Palestine, và quân Israel. Trong những người chết vì bom Israel, có những người hiền lành nhất, đó là trẻ em và phụ nữ.
Thông thường khi nghe hai chữ “cô đơn” chúng ta liên tưởng đến trạng thái tinh thần yếm thế, tâm tư buồn bã, ngày tháng chán chường, thậm chí, cuộc đời trống rỗng. Có lẽ, vì ý nghĩa từ điển của từ vựng này; có lẽ, vì ảnh hưởng văn chương nghệ thuật; có lẽ vì chúng ta đã từ lâu tin như thế, mà không bao giờ đặt một nghi vấn nào. Đây là định nghĩa của “cô đơn” qua Bách thư toàn khoa Wikipedia: “Cô đơn là một trạng thái cảm xúc phức tạp và thường gây khó chịu, đáp ứng lại với sự cách ly xã hội. Cô đơn thường bao gồm cảm giác lo lắng về sự thiếu kết hợp hay thiếu giao tiếp với những cá nhân khác, cả ở hiện tại cũng như trong tương lai. Như vậy, người ta có thể cảm thấy cô đơn ngay cả khi xung quanh có nhiều người. Nguyên nhân của sự cô đơn rất đa dạng, bao gồm các vấn đề về xã hội, tâm thần, tình cảm và các yếu tố thể chất.
Vào những ngày cuối năm 2023, khi mà người Mỹ bắt đầu chuẩn bị cho những bữa tiệc Giáng Sinh, năm mới, bàn tán chuyện mua sắm, thì chiến sự giữa Isarel và Hamas chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Trên vùng đất thánh của cả ba tôn giáo lớn, những kiếp người lầm than chỉ mong có một ngày hòa bình, một ngày không bom đạn. Cũng vào những ngày cuối năm 2023, người Mỹ bắt đầu nhìn thấy một viễn cảnh Ukraine bị bỏ rơi, phải chấp nhận đổi đất lấy hòa bình. Nhiều người Việt cho rằng Ukraine sắp là một Việt Nam Cộng Hòa khác, một đồng minh bị Mỹ bỏ rơi, nhưng sau một thời gian có thể nhanh hơn nhiều.
Vào ngày 6 Tháng 12, giới truyền thông Mỹ đồng loạt đưa tin Taylor Swift, nữ ca nhạc sĩ đầy tài năng, được tạp chí Time vinh danh là “Nhân Vật Của Năm 2023” (Person of The Year). Đây là lần đầu tiên một ca nhạc sĩ được bình chọn danh hiệu giá trị này, càng nhấn mạnh thêm sự thành công và sức ảnh hưởng của cô gái hát nhạc pop-đồng quê. Trước đây, nhiều nhân vật được Time chọn từ năm 1927 là các tổng thống Hoa Kỳ, những nhà hoạt động chính trị lỗi lạc.
Bốn câu thơ này được bố tôi (nhà văn Doãn Quốc Sỹ) ghi lại như một giai thoại văn học, làm lời tựa cho tác phẩm Mình Lại Soi Mình. Bố tôi kể rằng khoảng năm 1984, phong trào vượt biên đang rầm rộ. Một người bạn mới gặp đó, mà hôm sau đã vượt biên rồi! Vào một ngày đẹp trời, bố tôi đạp xe từ Sài Gòn qua Làng Báo Chí bên kia cầu xa lộ để thăm chú Nguyễn Đình Toàn. Đến giữa cầu thì thấy chú đang đạp xe theo chiều ngược lại, cũng định đến thăm mình ở căn nhà hẻm Thành Thái. Hai người bạn gặp nhau giữa cầu. Có lẽ chú Toàn đã nhìn những cánh đồng lúa bên Thủ Thiêm, tức cảnh sinh tình, ngẫu hứng làm ra bốn câu thơ này.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.