Văn hóa
Quan Âm Tế Độ Diễn Nghĩa Ca (QATĐDNC) là truyện Nôm Phật giáo dài nhứt trong văn học Việt Nam, đồng thời có ý nghĩa về sự tu hành và những duyên nghiệp mà con người gặp phải trong đời sống.
Quyển sách xứng đáng là một quyển Kinh để được đọc hằng ngày một cách từ tốn, chậm rãi và suy nghĩ về những sự kiện trong đó.
Một gia tài chữ nghĩa rất đáng được trân trọng về mặt văn hóa dưới dạng chữ Nôm, may mắn còn sót lại qua hơn thế kỷ binh lửa mà người phiên âm phải tốn rất nhiều công sức mới thực hiện được.
Lời Dẫn Nhập
Người Việt Nam thấm nhuần tư tưởng coi Phật Bà Quan Âm là Đức Phật Mẫu – như người mẹ hiền – có thể nghe tiếng cầu cứu của người dân khổ nạn để hiện tới giúp đỡ. Bà biết được/thấy được (quán/quan 觀) tiếng kêu cứu (âm 音) cho nên người trong thiên hạ, khi ai đó gặp nạn thì liền cầu cứu đức Phật Bà. Ở ngoài đời, ta gặp rất nhiều người nói một cách thành thật và tin tưởng rằng mình thoát chết lần nọ lần kia, là nhờ Phật Bà Quan Âm cứu mạng, nhứt là trong những cuộc vượt thoát bằng hải trình đầy sóng gió và hải tặc những năm 1980.
Nếu lâm vô trường hợp thấy chắc là chết, nhưng có ai đó trong đoàn niệm Phật Quan Âm và cả đoàn thoát chết, thì sự tin tưởng ‘Mẹ Quan Âm’ cứu độ, càng to lớn hơn. Niềm tin đó không có gì sai trái hay mang màu sắc mê tín dị đoan, nó giúp con người ta có châm ngôn theo đuổi trên đời, rằng nếu không sống với thiện tâm hoàn toàn, thì cũng ngăn trở không cho họ nhúng tay vô chuyện làm điều bất thiện. Đó là lý do tại sao sự tích Phật Bà Quan Âm được lưu truyền từ đời nầy sang đời khác ở Việt Nam và các nước lân cận, nhứt là các nước trong vòng văn hóa Trung Hoa.Quan Âm không chỉ là một vị Phật trong số muôn ngàn tên Phật nhớ không hết do người đời đặt ra qua thời gian và chẳng liên quan gì với con người, mà Quan Âm là một vị Phật gần gũi với chúng sinh; chúng sinh có kêu cầu thì Quan Âm liền hiện tới giúp đỡ.
Đọc truyện Tây Du, ai cũng thấy hình ảnh cứu độ giúp đỡ của Phật Bà Quan Âm khi thầy trò Tam Tạng gặp chuyện khó khăn, mà kẻ dầu tài ba cái thế như Tôn Ngộ Không cũng chẳng thể giải quyết. Nhắc tới Phật Bà Quan Âm trong một tác phẩm dân gian, không có tính cách kinh điển như truyện Tây Du, chúng tôi muốn cho thấy rằng tư tưởng coi Phật Bà Quan Âm là vị Phật tế độ chúng sanh đã có từ rất lâu rồi và đã ăn sâu trong nếp nghĩ của quần chúng rồi. Giữ vai trò tế độ nên vị Phật nầy được tin tưởng rằng ban đầu Ngài mang hình hài của một nam nhi, nhưng phải biến hóa thành ra phụ nữ để phù hợp với tính cách nhẹ nhàng, uyển chuyển, từ tâm, chịu thương chịu khó, là những đặc trưng ưu trội của nữ giới. Ai đó trong quá khứ thiệt là sâu sắc khi đưa ra sự chuyển hóa nầy, và sự chuyển hóa đó đã được tin tưởng trong một địa bàn rất rộng về thời gian lẫn không gian. Cho tới ngày nay, chưa thấy ai phản đối sự kiện chuyển hóa nầy, mà chắc chắn rằng ngay từ ban đầu cũng đã không ai phải đối.
Tôi cho rằng sự tích Phật nầy Phật kia chỉ là những sản phẩm của con người qua thời gian. Cũng không ai có thể biết/nhớ hết những danh vị của hằng hà sa số chư Phật mà người đời tưởng tượng ra. Hình ảnh các Đức Phật được người ta tô tượng, thờ cúng, vái lạy chỉ là cái hình tượng, không phải là bản chất của vị Phật mà người đời muốn tạo nên. Phật tức là người đã giác ngộ. Bản chất của sự giác ngộ vốn không có hình tướng, cho nên người đời lại phải kèm theo vị Phật mà họ tạo thành một hành trạng. Thích-ca là biểu hiệu cho tính cách quyết tâm tu cho thành chánh quả, bỏ hết những ràng buộc của đời tại thế vốn dĩ vô thường và phù du. Quan Âm là biểu hiệu của sự nhẫn nhục, chịu đựng, thương người, không những không báo oán, mà còn thương kẻ đã hại mình, thương hết tình... Nhưng để diễn giải thêm những bản chất của vị Phật Quan Âm, người đời thấy một vài truyện về sự tích của bà không đủ, phải có nhiều và tùy theo thời gian, tùy theo địa phương. Chính vì vậy, ta thấy có những sự tích Quan Âm khác nhau ở nhiều nơi, nhiều thời điểm. Ở nhiều nước có hình tượng Quan Âm ngàn mắt ngàn tay, cũng chỉ là cách biểu diễn rằng vị Phật nầy thấy hết chuyện đúng sai của con người trong thế gian và có thể giúp hết những người gặp cảnh khổ.
Trong quyển sách nầy chúng tôi chỉ chú ý đến mặt văn học của tác phẩm văn chương sự tích Phật Bà Quan Âm mà bản Nôm đưa ra. Ý nghĩa thâm sâu của câu chuyện, ý nghĩa Phật giáo của vị Phật nầy chúng tôi không dám lạm bàn, ngoài những nhận xét chung về hình tượng và bản chất ngắn gọn nói trên.
Ở Việt Nam có hai chuyện về sự tích Đức Phật Bà Quan Âm:
1/ Truyện Quan Âm Thị Kính là chuyện nàng Thị Kính bị hàm oan vì toan giết chồng, sau lại giả trai đi tu làm tiểu Kính Tâm, lại tiếp tục bị hàm oan là có dan díu thể xác với ả Thị Mầu. Cả hai lần nàng Thị Kính đều không buồn biện bạch, chỉ sống với sự nhẫn nhục và tình thương. Nhẫn nhục chịu đựng và tình thương với những người quá thế tục đã hàm oan cho bà. Câu chuyện trên phổ biến truyền miệng trong dân gian và được người đời từ đó phóng bút thành tuồng, thành kịch, thành bài ca... Về bản văn Nôm đầu tiên thì có bản Quan Âm Diễn Ca toàn truyện của nhóm Phật Trấn khắc in ở nửa sau thế kỷ 19, được nhà văn Huỳnh Tịnh Của phiên âm ra quốc ngữ khoảng đầu thế kỷ 20. Nhà Phật học thế giá Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha cũng có phiên âm ra Quốc ngữ cuốn nầy với những lời bàn về chuyện tu hành rất có giá trị theo cái nhìn của một người am tường Phật giáo.
2/ Truyện Quan Âm Diệu Thiện: Việt Nam đầu thế kỷ 20 (1908), hai tín nữ Nguyễn Từ Nguyên và Hoàng Diệu Trúc ở Gia Định phát tâm cổ động đồng đạo góp phần kim tài khắc in bản Nôm Quan Âm Tế Độ Diễn Nghĩa Ca dầy 186 trang gồm 7228 câu ‒ bản Nôm lục bát dài nhứt trong lịch sử văn học Phật giáo Việt Nam – tiếc là theo thói quen thời đó, người ta không đề tên tác giả/dịch giả của tập thơ Phật giáo quí giá nầy. Qua thời gian, bản Quan Âm Tế Độ chỉ một lần được phiên âm ra quốc ngữ do ông Nguyễn Văn Kinh, nhà in Nguyễn Văn Viết, 1925 rồi thôi, không thấy bản quốc ngữ nào khác. Chúng tôi cho xuất bản lần nầy mục tiêu là giới thiệu bản QN của mình, có chú giải một số từ ngữ cần thiết để người đọc dễ thấu hiểu bản văn vốn được viết trước đây hơn một thế kỷ. Cũng để bảo toàn phần nào gia tài văn hóa chữ Nôm, chúng tôi cũng cho in lại toàn văn bản Nôm (BN), như vậy người muốn nghiên cứu bản văn nầy sẽ có điều kiện hơn để kiểm nghiệm bản phiên âm mới.
Nhìn chung về nội dung, Quan Âm Tế Độ Diễn Nghĩa Ca (QATĐDNC) nói về chuyện Đức Phật Bà Quan Âm, nhưng là một phiên bản (version) khác với phiên bản Quan Âm Diễn Nghĩa vốn lưu hành rộng rãi ở nước ta.
Có vị Tôn Giả Từ Hàng trên thượng giới thấy dưới thế gian con người tạo nên nhiều tội lỗi và gánh chịu nhiều bi thương nên nhứt tâm xuống trần cứu độ chúng sanh. Ngài muốn hóa thân thành phụ nữ với ý nguyện dễ dàng giúp phụ nữ trần gian. Do đó Từ Hàng Tôn Giả xuống trần với nhân thân là Công chúa Diệu Thiện ở nước Cao Ly. Tuy không nhớ tiền thân nhưng công chúa đã có căn tu từ khi còn trẻ. Bà từ chối việc vua cha lo chuyện nhơn duyên cho mình và quyết tâm tu hành. Vua cha tức giận nên cấm đoán, đày ải với mục đích làm thui chột ý nguyện tu hành của con gái mình.
Công chúa chấp nhận những khổ cực do vua cha tạo ra cho mình nhưng vẫn một lòng cương quyết tu hành. Qua bao giai đoạn kỳ khu, bà thành chánh quả và từ bi hiếu thảo giúp vua cha thoát khỏi những khổ nạn do ông tự tạo từ bấy lâu nay.
Đạo Phật qua mấy ngàn năm, trải dài trên một không gian rộng lớn nên có nhiều kiến giải sâu rộng, nhiều lý thuyết được đưa ra để hiểu đạo và thực hành đạo kể ra không thể hết.
Đối với QATĐDNC, chúng tôi cho rằng hai chuyện hiểu đạo và thực hành đạo chỉ rút lại trong hành trạng của Công Chúa Diệu Thiện:
a. Buông bỏ.
b. Từ bi.
c. Tuân theo duyên nghiệp của mình.
Buông bỏ sự giàu sang và buông bỏ cả thân xác mình, không quí trọng nó, không chạy theo bảo vệ nó để rồi sa lầy vô những sai lầm là bấu víu vô trần thế, xác thân và đời thường mà không hưởng được những thanh thoát của đời đạo hạnh. Một bản kinh ngắn Hán/Nôm in ở Tây Ninh do Hòa thượng Thích Từ Phong, chùa Giác Hải diễn nghĩa có bài văn ngắn rất đáng chú ý:
Triều nhà Tống Đức Nhân Tôn Hoàng Đế, ngự đề bài phú khen ngôi tăng bửu: Luận trong thế gian nầy, người thiệt sang đó, cho bằng buông bỏ hết việc đời đi tu. Bằng đặng làm ông thầy tu rồi, có vị nhân thiên cúng dường. Đặng làm hàng đệ tử Đức Như Lai, đặng làm bà con với tiên thánh, ra vào chốn cửa vang. Việc hành tàng trong bửu điện, con bạch lộc kia ngậm hoa dâng, con viên hầu nọ hiến quả tử. Mùa Xuân nghe tiếng chim kêu...
Hành vi buông bỏ của Diệu Thiện là chấp nhận khổ đau cực nhọc, dầu bao nhiêu cũng được, để có thể theo đường tu hành, đúng với ý niệm sắc không vô thường thị thường.
Từ bi của Diệu Thiện rõ ràng nhứt là bà hi sinh những phần quan trọng của thân thể mình để cứu giúp vua cha khi ông nầy gánh nạn vì những hành vi xấu của mình trước đó ‒ cứu giúp vua cha đây không hẳn là chữ hiếu, mà là chữ nhân dự phần quan trọng trong đó.
Tuân theo duyên nghiệp, ở đây là ý nguyện bỗng nhiên đến với lòng mình, một ý nguyện quyết tu mà người đi tu Diệu Thiện mơ hồ thấy đó là cái nhân duyên khiến mình dấn thân vô con đường tu hành.
Truyện QATĐDNC còn cho ta rút ra những nguyên lý của đạo Phật: Nhân quả ‒ kẻ làm ác thì sa địa ngục bị hành tội. Đó cũng là cái quả nghiệp của mỗi người, cái duyên đã được tạo lâu rồi, có thể là vài ba kiếp trước, có thể là những năm trước bây giờ là lúc hưởng/nhận quả tốt/xấu thôi.
Luân Hồi ‒ đầu thai tái sanh để hưởng phước hay bị họa do những điều cá nhơn nào đó làm trong kiếp trước.
Chúng tôi rút ra những gì thấy được của mình khi đọc tới lui QATĐDNC, có thể bạn đọc thấy khác chút ít hay khác hẳn mà hay hơn không biết chừng, đó là tùy theo tuệ trí và cơ duyên của mỗi người.
Tiện đây xin trích lại vài dòng một bài kệ đưa ra của người 100 năm trước, ông Nguyễn Văn Kinh mà tôi nghĩ rằng tới giờ vẫn còn giá trị cho số đông người vẫn lăng xăng trong cuộc thế:
Cuộc đời sang trọng nghĩ rồi không,
Bát Nhã noi theo rửa bụi hồng.
Họa phước khắp tràng nào phải hỏi.
Tu hành cho đặng mới nên công.
Chữ tu hành ở đây hiểu thoáng chút thì thấy rằng không cần thí phát quy y,
(1) chỉ cần hiểu lẽ vô thường để dễ dàng buông bỏ,
(2) áp dụng lòng từ bi với mọi người mọi loài để tạo tánh thiện và hành thiện,
(3) tâm niệm nguyên lý nhơn quả để không xung động trách phiền và chấp nhận duyên nghiệp mà mình cảm thấy nó dẫn dắt đời mình để an vui, thanh thoát, tự tại.
– Nguyễn Văn Sâm
(Sơ thảo Rằm tháng Giêng năm Canh Dần 2022, sửa lại những ngày sau đó.)