Điểm sách
Bob Adams và Tuyết trong ngày cưới.
(Bộ sưu tập của William Lee Adams).
Wild Dances, cuốn hồi ký bi hài, lôi cuốn qua từng trang sách của William Lee Adams, kết hợp một cách tài tình hai chủ đề tưởng chừng như rất khác nhau: câu chuyện đầy thương cảm về tuổi mới lớn của một thanh niên Việt lai Mỹ và “cuộc hành trình đồng tính ly kỳ” của anh trên đường trở thành tiếng nói thẩm quyền của Eurovision.
Tựa đề của cuốn hồi ký cho thấy khuynh hướng “bật hết” của Adams, và cũng là tựa bài hát thắng giải cuộc thi Eurovision 2004 do ca sĩ người Ukraine Ruslana trình bày. Adams phụ trách trang mạng wiwibloggs và băng tần YouTube thường xuyên theo sát Eurovision. Bằng cách khéo léo đan kết với nhau các nguồn lực ngỡ như không có thật lẫn các mâu thuẫn vốn đã tạo nên câu chuyện đời của mình, Adams đã khẳng định khái niệm uyển chuyển về nguồn gốc, vượt qua cả không gian lẫn thời gian.
Là một nhà báo thường trú ở Luân Đôn, tốt nghiệp cao học về tâm lý thực nghiệm và lịch sử & chính trị Đông Nam Á, Adams luôn viết về những vấn đề mà anh hằng tâm đắc. Cuộc phỏng vấn năm 2008 của anh dành cho khôi nguyên giải Nobel Doris Lessing trên tạp chí Time đã như phản ảnh một cách kỳ lạ những chấn thương tâm lý sau chiến tranh Việt Nam mà song thân anh trải qua. Bối cảnh thuộc địa Anh của Rhodesia (ngày nay là Zimbabwe) trong thập niên 1920, nơi Doris Lessing lớn lên, có vẻ khá tương tự với vùng ngoại ô Atlanta, bảo thủ và kỳ thị đồng tính, nơi gia đình của Adams sinh sống trong thập niên 1980. Chẳng khác gì vùng đất thù nghịch ở Nam Phi, bằng một cách nào đó, đã giúp Lessing thoát khỏi “di sản khiếp đảm” của cha mẹ bà, bầu không khí đàn áp ở miền Nam cũng đã khiến Adams không còn sợ hãi, không chùn bước trước số phận mà mình đã chọn lựa.
Trong câu chuyện kể không nhiều chi tiết nhưng được xem là “chính thức”, Bob, thân phụ của Adams là lính cứu thương trong Không Lực Hoa Kỳ. Ông gặp Tuyết, một goá phụ có đứa con trai nhỏ tên John ở Sài Gòn, trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Sau khi Bob rời Việt Nam để về lại Atlanta, Tuyết đến đoàn tụ cùng ông ở đó vào năm 1973, để lại đứa con cho gia đình ở Việt Nam chăm sóc. Một thời gian sau, hai người kết hôn với nhau, rồi ba đứa con lần lượt ra đời. Adams là con út.
Bob Adams và Tuyết trong ngày cưới.
(Bộ sưu tập của William Lee Adams).
Trong thập niên 1980, Bob bảo lãnh một số người trong gia đình của Tuyết rời Việt Nam đi định cư ở vùng ngoại ô Atlanta. Tuy nhiên, một chuyện đau lòng đã xảy ra. John, đứa con đến sau Tuyết 10 năm, đã lâm trọng bệnh trong thời gian còn ở Việt Nam và bị bại liệt, với bộ óc phát triển chỉ bằng một đứa bé lên ba.
Adams rất thương John; cậu bé trở thành người bảo vệ đắc lực cho người anh xấu số của mình. Có thể nói, Wild Dances cũng là biểu tượng cho “cội nguồn sáng tạo” của tác giả, do tựa hồi ký này đã gợi lại những điệu múa ngộ nghĩnh—dựa vào một số ca khúc làm nền cho các chương trình hài kịch trên truyền hình thời đó—được chính Adams dàn dựng lúc 8 tuổi, để mua vui cho người anh tật nguyền và cả cho người mẹ đang bị khủng hoảng. Bà thường nóng giận và hung dữ, vì phải chịu cảnh cô lập về văn hoá, suốt ngày phải chăm sóc cho John không ngừng nghỉ. Thêm vào đó, sự im lặng của cha mẹ Adams khi “luôn chôn kín nhiều ký ức đến nỗi [anh] thường tự hỏi chẳng hiểu cha mẹ mình có đang sống một cách đúng nghĩa hay không,” đối nghịch với sự hung bạo và nổi loạn của các anh chị không được chăm sóc của Adams, tất cả đã biến cuộc sống gia đình thành chốn địa ngục trần gian. Mặc dầu được mọi người trong gia đình Tuyết luôn ca tụng là một ân nhân, Bob làm công việc y tá của mình trong bệnh viện đầu tắt mặt tối, hiếm khi có thì giờ cho gia đình.
Trong nhiều trường hợp, tính cách nghệ sĩ bẩm sinh của Adams được thể hiện như một chiến thuật công kích, làm tăng khả năng tự vệ của anh. Phương pháp có vẻ nghịch lý này đã giúp anh khá hữu hiệu ngay từ thời niên thiếu. Sớm nhận thức được rằng “sống mạnh dạn và chân thật [như một người đồng tính] có thể lôi kéo thêm nhiều người về phía mình hơn là đứng co rúm bên lề,” Adams đã công khai thách thức những kẻ hiếp đáp anh trong thời trung học, đã “ném thức ăn vào [anh] như thể [anh] là một con vật.” Anh viết: “Tôi quay đít về phía chúng nó, ngoáy ngoáy cái đuôi của mình, rồi hỏi chúng xem như vậy có đã mắt chưa. Thường thường, rốt cục chúng mới là những đứa cảm thấy xấu hổ.”
Trong bài viết “What Drag Taught Me About My Own Power As A Child” (“Trang Phục Như Phụ Nữ Đã Dạy Tôi Điều Gì về Quyền Lực Bản Thân Thời Niên Thiếu”) cho tạp chí Elle, tác giả William Lee Adams sớm nhận thức được sự tự tin khi sống mạnh dạn và chân thật với bản sắc đồng tính. (Bộ sưu tập của Wiliam Lee Adams)
Khuynh hướng thiên bẩm tìm đến những gì “lập dị mà vui” của Adams cũng đã hướng dẫn anh trên đường sự nghiệp. Rời bỏ chức vụ phóng viên của mình với tạp chí Time khi cảm thấy thái độ khinh thị vô căn cứ của người chủ bút về những vấn đề “khác thường,” cuối cùng Adams đã tìm thấy chính mình tại Eurovision.
Chẳng khó khăn gì để thấy được vì sao Eurovision—do Liên Đoàn Truyền Thanh Âu Châu thành lập trong thời Chiến Tranh Lạnh để cổ xuý thiện chí quốc tế—thật đồng điệu với Adams. Tuy có hào nhoáng một cách quá đáng, Eurovision đã khẳng định sự hiện diện của LGBTQ và tạo điều kiện cho mọi khuynh hướng có diễn đàn phổ quát – cho dù ồn ào và hỗn loạn — để truyền bá và kháng cự, bất kể sự cấm đoán trên hình thức của Eurovision đối với những bài hát mang thông điệp chính trị. Các tiêu chuẩn để hội đủ điều kiện về bản sắc dân tộc và địa lý được áp dụng phóng khoáng nhằm hỗ trợ các quốc gia không đông dân và/hoặc là ít được biết đến—do đó một nghệ sĩ không thường trú cũng có thể được mời trình diễn với bất kỳ điều kiện đáp ứng nào từ một nước tham dự. Người dự thi có thể trình diễn bằng tiếng Anh hay bằng bất cứ thứ ngôn ngữ nào, hiện hữu hay tự tạo.
Wild Dances có mặt ở các tiệm sách vào ngày 9 tháng Năm, cùng ngày với buổi khai mạc của Eurovision ở Liverpool, nhân dịp Vương Quốc Anh được chọn là nước chủ nhà của cuộc tranh tài, đại diện cho Ukraine đang bị chiến tranh tàn phá, là quốc gia đã đoạt giải trong cuộc thi vào năm 2022. Các nghệ sĩ tạo hình sẽ triển lãm những tác phẩm nghệ thuật và các ca sĩ sẽ trình bày những bài hát ca ngợi tinh thần bất khuất của Ukraine. Tương tự, Wild Dances cũng đề cao ý niệm an trú và hoà bình như một nỗ lực hoàn cầu đầy thử thách nhưng xứng đáng để thực hiện.
Đối với Adams và gia đình anh—những người vẫn đang sống với hậu quả của cuộc chiến xa xưa—ký ức và quên lãng, quá khứ và hiện tại, tình thương và thù hận, lỗi lầm và trách nhiệm, tất cả đều là những sự việc mang tính hai mặt và biến thiên. Ước vọng không ngừng của Adams để hoá giải những nghịch lý đó khiến tôi nhớ đến tác phẩm Wild Nights của Emily Dickinson—một bài thơ hết sức thấm thía về tâm trạng hân hoan và nhẹ nhõm khi đến được bờ bến an toàn, khi được hoà làm một với người yêu dấu: “Giá như em ở cùng người/Đêm Hoang Dại sẽ/chín muồi kiêu sa/Phù du – ngọn gió la đà/Khi Thuyền Lòng đã về nhà ấm êm/Giã từ phương hướng kiếm tìm/Giã từ luôn những màn đêm hiểm nghèo/… Ồ – trông biển rộng hút heo/Đêm nay em ngỡ thả neo bên người!”**
Đối với Adams và gia đình anh—những người vẫn đang sống với hậu quả của cuộc chiến xa xưa—ký ức và quên lãng, quá khứ và hiện tại, tình thương và thù hận, lỗi lầm và trách nhiệm, tất cả đều là những sự việc mang tính hai mặt và biến thiên. Ước vọng không ngừng của Adams để hoá giải những nghịch lý đó khiến tôi nhớ đến tác phẩm Wild Nights của Emily Dickinson—một bài thơ hết sức thấm thía về tâm trạng hân hoan và nhẹ nhõm khi đến được bờ bến an toàn, khi được hoà làm một với người yêu dấu: “Giá như em ở cùng người/Đêm Hoang Dại sẽ/chín muồi kiêu sa/Phù du – ngọn gió la đà/Khi Thuyền Lòng đã về nhà ấm êm/Giã từ phương hướng kiếm tìm/Giã từ luôn những màn đêm hiểm nghèo/… Ồ – trông biển rộng hút heo/Đêm nay em ngỡ thả neo bên người!”**
– Đinh Từ Bích Thúy
Trần C. Trí chuyển ngữ
______________________________________________________________
Trần C. Trí chuyển ngữ
______________________________________________________________
**Nguyên văn tiếng Anh: Were I with thee / Wild Nights should be / Our luxury / Futile – the winds / To a Heart in port / Done with the Compass / Done with the Chart! / … Ah – the Sea! Might I but moor – tonight/ In thee!
-------
This resource is supported in whole or in part by funding provided by the State of California, administered by the California State Library in partnership with the California Department of Social Services and the California Commission on Asian and Pacific Islander American Affairs as part of the Stop the Hate program. To report a hate incident or hate crime and get support, go to CA vs Hate.
-------
This resource is supported in whole or in part by funding provided by the State of California, administered by the California State Library in partnership with the California Department of Social Services and the California Commission on Asian and Pacific Islander American Affairs as part of the Stop the Hate program. To report a hate incident or hate crime and get support, go to CA vs Hate.
Gửi ý kiến của bạn