Cuộc chiến Ukraina-Nga diễn ra mấy ngày qua đã làm cư dân mạng Việt Nam nổ ra những cuộc tranh cãi dữ dội. Trên Facebook người ta thấy những vụ hủy kết bạn (Unfriend) chỉ vì bất đồng ý kiến với nhau xảy ra khắp nơi. Những cuộc tranh cãi xoay quanh 3 vấn đề:
I. Nga tấn công Ukraina như vậy có chính đáng hay không.
II. Thế giới Tự do (cụ thể là Mỹ và NATO) đã bỏ rơi Ukraina vì sợ gấu Nga.
III. Trung quốc sẽ lấy cuộc chiến tranh Ukraina-Nga làm tiền lệ để đánh chiếm Đài Loan và Biển Đông vào một lúc nào đó.
Về vấn đề thứ nhất (Nga đánh Ukraina) với lý do “lịch sử”, hoặc vì Ukraina có ý định xin gia nhập NATO thì rất nhiều người đã đồng ý – dĩ nhiên, trừ đội ngũ Bò Đỏ, Dư luận viên và một số ít người “cuồng Nga” – là không chính đáng. Nói khác đi, đây là một cuộc chiến phi nghĩa mà Nga chính là kẻ đi xâm lược. Tôi xin phép không bàn thêm vấn đề này ở đây.
Tôi chỉ xin nói về 2 đề tài:
1. Thế giới tự do (cụ thể là Mỹ và NATO) có bỏ rơi Ukraina không?
2. Tình hình Ukraina và Đài Loan có giống nhau không?
Về vấn đề thứ nhất, Mỹ và NATO có nhiều lý do để không tham gia cụ thể bằng cách đưa quân chiến đấu trực tiếp đến Ukraina:
- Điều 5 của Hiệp ước Washington năm 1949 (còn gọi là Hiệp ước Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương) của NATO quy định rằng: “bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào vào một hay một số thành viên của liên minh đều được coi là một cuộc tấn công vào toàn bộ liên minh”, và tất cả các thành viên sẽ hỗ trợ những nạn nhân của một cuộc tấn công như vậy “ngay lập tức”. Ukraina không phải là thành viên NATO hoặc EU.
Muốn có lý do chính đáng để đưa quân tới Ukraina, ít nhất phải có Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, hoặc khi nào Putin có lời hăm dọa trực tiếp cho NATO và Mỹ (sau khi chiếm Ukraina sẽ tiến quân vào Ba Lan… chẳng hạn).
Hoặc có lý do cụ thể hơn (như trường hợp trừng phạt Irak vì đã chiếm Koweit, hoặc có lời tố cáo vũ khí hủy diệt hàng loạt của Irak ở lần đánh Irak sau, hoặc Norriega của Panama buôn lậu ma túy, vv…).
Nếu Mỹ hoặc NATO đưa quân trực tiếp chiến đấu thì không có lý do nào có thể biện minh được, chắc chắn sẽ tạo cớ cho Nga mở rộng thêm hoạt động của mình, thậm chí sử dụng vũ khí hạt nhân.
- Mọi người thừa biết Putin đang giăng một cái bẫy để dụ NATO và Mỹ khi dàn quân ở sát biên giới với Ukraina, với một lực lượng và hỏa lực rất hùng hậu. Không nói đến NATO thường hay chia rẽ, các nhà lãnh đạo Mỹ vốn là những “con sói” với kinh nghiệm chiến tranh gần một thế kỷ nay, chắc chắn họ sẽ không dễ dàng rơi vào cái bẫy đó.
- Nhưng thật ra Mỹ và NATO không bỏ rơi Ukraina. Những đòn cấm vận kinh tế của Mỹ và EU mà nặng nhất là loại Nga ra khỏi hệ thống thanh toán SWIFT sẽ làm cho Nga khốn đốn ngay lập tức. Không còn giao thương quốc tế, cuộc sống khó khăn, dân Nga chắc chắn sẽ đứng lên và lúc đó Putin chỉ còn có nước… trốn sang Trung quốc!
- Vũ khí đang ùn ùn đổ vào Ukraina từ Anh, Mỹ, Pháp, Đan Mạch… mà một trong những trường hợp đặc biệt nhất là từ Đức, đã gởi cho Ukraina những loại vũ khí tối tân nhất.
Đây là một sự thay đổi chính sách quan trọng của Đức. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết Berlin sẽ cung cấp cho Ukraine 1.000 vũ khí chống tăng và 500 tên lửa đất đối không Stinger. Ông Scholz viết trên Twitter: "Việc Nga xâm lược Ukraine đánh dấu một bước ngoặt. Chúng tôi có nhiệm vụ cố gắng hết sức để hỗ trợ Ukraine tự bảo vệ mình trước đội quân xâm lược của ông Putin".
Bên cạnh đó, Berlin cũng chấp thuận việc chuyển giao 400 khẩu súng chống tăng RPG từ Hà Lan cho Ukraine và chấp thuận yêu cầu của Estonia chuyển giao các loại pháo cũ thời Cộng hoà Dân chủ Đức trước đây cho Ukraine. Phần Lan đã mua loại pháo này vào những năm 90 sau khi bức tường Berlin sụp đổ và sau đó bán lại cho Estonia.
- Và đây mới là cao kế: Tổng thống Ukraina vừa thành lập “Quân đoàn quốc tế bảo vệ Ukraina” và kêu gọi người nước ngoài tham gia. Mới nhất, nữ Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen tuyên bố sẵn sàng chấp thuận cho người Đan Mạch gia nhập quân đoàn này của Ukraina: “Đó là quyền lựa chọn của mỗi người. Điều này áp dụng cho tất cả những công dân Ukraine sống ở Đan Mạch, cũng như những người khác nếu họ nghĩ rằng mình có thể tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột”, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen phát biểu trong cuộc họp báo hôm 27/2: “Về cơ bản, không gì có thể ngăn cản một người muốn tham gia chiến đấu theo phe Ukraine”, bà Frederiksen nói thêm.
Trước đó, nữ Thủ tướng đã tham gia một cuộc biểu tình phản đối chiến dịch quân sự của Mátxcơva trước Đại sứ quán Nga ở Copenhagen. Tại đây, bà Frederiksen nói với đám đông rằng “tất cả các bạn và toàn bộ châu Âu đang bị Nga đe doạ”.
Tuyên bố mới nhất của Thủ tướng Đan Mạch được đưa ra sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố thành lập Quân đoàn Phòng thủ Quốc tế để người nước ngoài có thể gia nhập và cùng quân đội Ukraine chiến đấu chống lại lực lượng của Nga.
Như thế, rồi đây, nước ngoài có thể gởi quân đến giúp Ukraina với danh nghĩa quân tình nguyện.
- Điều quan trọng nhất: đất nước và chính phủ Ukraina đã thể hiện sự đoàn kết cao độ khi kháng cự hiệu quả trước sự tấn công của Nga. Ý định đánh nhanh, chiếm Ukraina trong vòng 48 giờ đã hoàn toàn phá sản. Cuộc chiến đã bước qua ngày thứ 5 mà chưa thấy dấu hiệu khả quan nào cho Nga.
- Ukraina cho tới nay chưa hề tỏ ra sợ hãi, mệt mỏi, hoang mang… Họ vẫn kiên cường chống đỡ rất hiệu quả. Tổng thống Zelensky vẫn xuất hiện đều đặn để khích lệ người dân. Quân đội Ukraina vẫn đối kháng mạnh mẽ, ngược lại hoàn toàn với lời kêu gọi “nổi loạn”, lật đổ chính quyền… của Nga.
- 5 ngày vừa qua còn cho thấy sự yếu kém của Nga, đặc biệt là các binh chủng đặc nhiệm và truyền thống. Quân đội Nga không mạnh như mọi người tưởng. So sánh với những vụ Mỹ đánh Irak, Afghanistan, tiêu diệt Bin Laden, bắt sống Norriega… thì mới thấy Nga còn thua xa.
- Mỹ và NATO chủ trương không trực diện đánh nhau với Nga, nhưng hết sức giúp đỡ cho Ukraina để bước vào một cuộc chiến lâu dài với Nga. Nhiều người tiên đoán rằng chỉ cần cầm cự được chừng một vài tuần là Nga (hoặc cá nhân Putin) sẽ “tiêu tùng”.
Về vấn đề thứ hai, Ukraina và Đài Loan có điểm gì tương đồng? Điểm nào khác biệt?
- Hoàn toàn khác nhau. Trong khi Ukraina chưa có ràng buộc gì với EU và NATO thì Đài Loan được bảo vệ công khai bởi Luật Quan Hệ Đài Loan được Quốc hội Hoa kỳ ban hành năm 1979. Nghĩa là nếu bị tấn công, chính phủ Mỹ có bổn phận phải bảo vệ Đài Loan.
- Điều quan trọng thứ 2 là Đài Loan có một “đồng minh” hùng mạnh ở sát sườn là Nhật Bản, nước đã từng tuyên bố sẽ trợ giúp nếu Đài Loan bị Trung quốc tấn công. Trước đây Nhật Bản không có quân đội chính quy mà chỉ có “lực lượng phòng vệ”, nhưng khả năng chiến trận của người Nhật thì Trung quốc là người hiểu rõ hơn ai hết qua cuộc Thế chiến thứ 2. Đến ngày 9/1/2007 Bộ Quốc Phòng Nhật Bản được thành lập. “Tổ chức của Bộ Quốc phòng Nhật Bản được quy định tại Bộ Luật Xây dựng Quốc phòng năm 1954 của Quốc hội Nhật Bản và Pháp lệnh Tổ chức Quốc phòng năm 1954 và được quy định cụ thể chi tiết hơn tại Luật Phòng vệ cho các tổ chức của Quốc phòng ngày 9/6/1954, Luật thi hành Pháp lệnh của Lực lượng Phòng vệ và Luật Quy định thực thi đối với Lực lượng Phòng vệ do Thủ tướng Nhật Bản ký ban hành” (wikipedia)
- Trung quốc và Mỹ hiện nay có quá nhiều lợi ích đan xen nên khó lòng xảy ra chuyện Trung quốc tấn công Đài Loan lúc này. Mỹ mà cấm vận Trung quốc trong lúc này thì sẽ gây khó cho Tập Cận Bình trong việc duy trì và kéo dài nhiệm kỳ của ông ta. Trung quốc là một đất nước đông dân và phức tạp, những thế lực đấu đá nhau trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung quốc luôn tiềm tàng và chỉ chờ cơ hội bùng phát.
Sự mềm mỏng vừa qua của Trung quốc là một bằng chứng rõ nét: ủng hộ Nga một cách vừa phải, lời lẽ nhẹ nhàng, mong muốn hai bên kiềm chế, không lên án bất kỳ nước nào…
- Điểm tương đồng, và cũng là thế mạnh của Đài Loan chính là lòng dân. Nếu những ngày vừa qua người ta thấy dân Ukraina bình tĩnh và đoàn kết như thế nào để chống lại quân Nga thì người dân Đài Loan cũng đồng lòng như thế trong việc chống lại ý đồ thống nhất với Trung Quốc, không sợ Trung quốc.
- Điểm tương đồng thứ hai là cả 2 nước Ukraina đều có những vị Tổng thống hết lòng vì dân vì nước. Trên thế giới chỉ có 2 tổng thống đã mặc quân phục ra trận địa để khích lệ tinh thần binh sỹ, đó là bà Thái Anh Văn (Đài Loan) và ông Volodymir Zelensky (Ukraina).
Với tất cả những gì đã thấy trong 5 ngày qua, chúng ta sẽ dễ dàng đoán trước kết quả cuộc chiến Ukraina/Nga hiện nay, và cả Trung quốc/Đài Loan nếu xảy ra trong tương lai.
Độc tài luôn luôn sẽ có kết thúc thảm hại.
Đất nước nào mà người dân đoàn kết, đất nước đó sẽ bất khả chiến bại.
Và sẽ trường tồn.
Anh Chi-Tâm Thức Việt TTV