HOA KỲ – Đức đã tuyên bố sẽ ngừng chứng nhận đường ống khí đốt Nord Stream 2 của Nga sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận nền độc lập của hai khu vực ly khai ở Ukraine.
Việc đình chỉ Nord Stream 2 có nhiều phức tạp, buộc các nhà lãnh đạo thế giới phải cân nhắc nhu cầu năng lượng trước những căng thẳng quốc tế. Đường ống được thiết lập để chuyển khí đốt tự nhiên từ Nga sang Đức.
Vào thời điểm Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố ngừng hoạt động, việc xây dựng Nord Stream 2 đã hoàn thành, đang chờ chứng nhận cuối cùng trước khi có thể bắt đầu đi vào hoạt động.
Theo tin TheHill ngày Thứ Tư, 23 tháng 2 năm 2022, tóm tắt 5 điểm quan trọng về đường ống Nord Stream 2:
Mọi bước đi đều gây tranh cãi
Năm ngoái, chính quyền Biden đã quyết định không trừng phạt đối với những người liên quan đến việc xây dựng Nord Stream 2, vì nó có liên quan tới các công ty Đức. Quyết định này ngay lập tức gây ra phản ứng dữ dội từ các thành viên Quốc hội, cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa.
Mỹ đã tiếp bước theo lời đe dọa trừng phạt
Tổng thống Biden đã lên tiếng đe dọa Nord Stream 2 hai tuần trước, tuyên bố Nord Stream 2 sẽ bị đóng cửa nếu Putin xâm lược Ukraine.
“Nếu Nga tiến hành cuộc xâm lược, xe tăng hoặc quân Nga mà vượt qua biên giới Ukraine một lần nữa, thì sẽ không còn Nord Stream 2. Chúng tôi sẽ kết liễu nó,” Biden nói. “Tôi hứa là chúng tôi sẽ làm vậy.”
Thứ Tư, 23 tháng 2 năm 2022, Tổng thống Biden công bố các lệnh trừng phạt đối với Nord Stream 2 AG, công ty xây dựng đường ống, và cả vị giám đốc điều hành của công ty.
Những tác động lớn nhất có thể là về bản chất chính trị
Các chuyên gia đã nói rằng việc đình chỉ Nord Stream 2 có thể dẫn đến một cuộc xung đột, mà cả hai bên sử dụng chung nguồn cung cấp và vận chuyển năng lượng, trong cuộc chiến địa lý chính trị (geopolitical) rộng hơn.
Ở châu Âu, “có ý kiến cho rằng Nga ... luôn là một nhà cung cấp đáng tin cậy, và họ sẽ không sử dụng năng lượng như một công cụ chính trị. Niềm tin này đã bị lung lay trong ít nhất nửa năm qua,” Liana Fix, một thành viên của German Marshall Fund cho biết.
“Và từ đây, cuộc tranh luận về an ninh năng lượng ở châu Âu đã có một bước hoàn toàn mới.” Katja Yafimava, nhà nghiên cứu Energy Studies Gas Research Program tại Oxford Institute cho biết rằng việc đình chỉ Nord Stream 2 cũng có những ảnh hưởng chính trị lớn đối với Đức. Nó “cho thấy sự thay đổi quan điểm của chính phủ Đức trước đây trong việc tách biệt Nord Stream 2 ra khỏi chính trị,” bà nói.
Hoa Kỳ cũng “phải công nhận rằng chúng tôi mua một lượng dầu nhất định từ Nga, khoảng 20,000 thùng mỗi ngày”, cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Azerbaijan Richard Morningstar, giám đốc sáng lập kiêm Chủ tịch Global Energy Center tại Atlantic Council cho biết. “Vì vậy, nếu dầu bị cắt giảm, tôi nghĩ rằng điều đó sẽ có tác động lên lạm phát, dù rằng chúng ta có thể tìm một nguồn khác.”
Vẫn chưa rõ việc ngừng hoạt động Nord Stream 2 sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nguồn cung cấp và giá cả khí đốt
Nếu được đi vào hoạt động, Nord Stream 2 có khả năng vận chuyển 151 triệu mét khối khí đốt tự nhiên hóa lỏng mỗi ngày. Tuy nhiên, châu Âu, giống như phần lớn thế giới, đang ở giữa cuộc khủng hoảng năng lượng trong những tháng gần đây. Dmitri Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, cho rằng giá khí đốt của châu Âu sẽ tăng cao đột đột. Ông đăng tweet rằng: “Chào mừng quý vị tới một thế giới hoàn toán mới, nơi người dân châu Âu sẽ sớm phải trả 2,000 Euro cho 1,000 mét khối khí đốt!”
Nga cung cấp khoảng 40% lượng khí đốt nhập cảng cho Liên minh Châu Âu. Tính đến Thứ Tư, 23 tháng 2 năm 2022, giá khí đốt của Châu Âu đã tăng khoảng 20% so với 2 ngày trước. Phần lớn nguồn cung cấp còn lại đến từ Algeria và Na Uy, mặc dù Tổng Thống Biden cho biết sẽ làm việc để đảm bảo khí đốt tiếp tục chảy sang châu Âu từ các đồng minh khác, bao gồm Qatar và Australia…
Tương lai năng lượng của châu Âu và Hoa Kỳ có thể có những thay đổi lớn.
Những người ủng hộ loại bỏ cacbon, bao gồm đặc phái viên về khí hậu của Hoa Kỳ John Kerry, đã nói rằng khí đốt tự nhiên sẽ là cầu nối để chuyển đổi sang năng lượng tái tạo hoàn toàn, thay vì được dùng để thay thế cho nhiên liệu hóa thạch.
Ông cho biết: “Tất cả những điều đang xảy ra ở Ukraine ... thực sự cho thấy khí đốt sẽ trở nên quan trọng.”
Tuy nhiên, Teresa Eder nói, một thành viên của chương trình liên kết với Global Europe Program của Trung tâm Wilson, cho biết: “Ở Đức, cảm nhận của tôi là mọi người đều đang thúc đẩy nhu cầu chuyển đổi năng lượng, và coi đây là một cơ hội để từ bỏ khí đốt chuyển sang năng lượng tái tạo, không sớm thì muộn. Rõ ràng sẽ rất khó khăn, nhưng đó là quá trình bền vững duy nhất về lâu dài. Đặc biệt là hiện nay, khi giá khí đốt đang tăng cao, người ta càng có nhiều động lực hơn để không xài nhiên liệu hóa thạch nữa mà chuyển qua các dạng năng lượng mặt trời và gió."
Đức đã ngừng hoạt động nhiều nhà máy điện hạt nhân trong những tháng gần đây. Tháng 12 năm ngoái, Đức tuyên bố sẽ đóng cửa 3 trong số 6 lò phản ứng hạt nhân còn lại. Cả 6 nhà máy chiếm khoảng 12% sản lượng điện trong cả nước.