Cuộc đụng độ giữa Ukraine và Nga tưởng chừng như là vấn đề giữa hai quốc gia trước đây đã từng nằm trong Liên Bang Sô-viết, bỗng dưng trở thành điểm bùng nổ khi NATO ngỏ ý muốn kết nạp Ukraine tức mở rộng biên cương tới sát nách Nga. Cùng lúc Mỹ loan báo có thể sẽ triển khai hệ thống hỏa tiễn tại đây mà Ô. Putin nói rằng chỉ cần từ 4-5 phút là đã bắn vào thủ dô Moskva. Trước tình thế đó Ô. Putin đã phản ứng.
Ngày 26/11/2021, Nga tập trung gần 100,000 quân và chiến cụ tại gần biên giới Ukraine khiến Hoa Kỳ và Âu Châu lo ngại về một cuộc xâm lăng giống như Crimea năm 2014. Các nhà phân tích cho rằng nếu Nga có làm thế là vì không muốn mất Ukraine hoặc Ukraine gia nhập NATO. Vào ngày 7/12/2021, trong cuộc đối thoại kéo dài hai tiếng đồng hồ qua hệ thống truyền hình, Ô. Biden đã cảnh báo Ô. Putin là Hoa Kỳ và đồng minh Âu Châu sẽ phản ứng rất mạnh nếu sự tập trung quân của Nga ở biên giới Ukraine nhằm mục đích xâm lăng. Sau đó khối G-7 nói rằng Âu Châu sẽ ban hành lệnh cấm vận về kinh tế và tài chính khủng khiếp nếu Nga tấn công Ukraine. Còn Ô. Putin nói rằng việc Ukraine liên minh với NATO là mối đe dọa về an ninh cho Nga và việc Ukraine gia nhập NATO hay cho NATO triển khai hỏa tiễn tại đây là điều không thể chấp nhận được.
Vào ngày 15/12/2021, Ô. Putin và Ô. Tập Cân Bình đã có cuộc hội thoại qua màn hình để đối phó với những lời lẽ gây hấn của Mỹ và NATO. Trong dịp này Ô. Putin đã ca ngợi mối bang giao Nga-Hoa như là một mẫu mực. Còn Ô. Tập Cận Bình đã cáo buộc “Những thế lực quốc tế đã gây rối với Nga và Trung Hoa nhân danh dân chủ, nhân quyền và chà đạp thô bạo lên luật pháp quốc tế.”
Vào ngày 15/12/2021, bộ ngoại giao Nga đã trao cho Thứ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Karen Donfried bản đề nghị về bảo đảm an ninh cho Nga trong dịp Bà Donfried viếng thăm Moskva.
Ngày 10/1/2022, vòng đầu đàm phán về cuộc khủng hoảng an ninh liên quan tới Ukraine giữa hai thứ trưởng ngoại giao Nga và Hoa Kỳ tại Geneve kéo dài hơn 7 tiếng đồng hồ nhưng chưa đi đến kết quả nào. Sau cuộc đàm phán, đại diện Hoa Kỳ đi Brussells để tham khảo với đồng minh.
Vào ngày 11/1/2022, tờ New York Times loan tin Nga đưa trực thăng vũ trang tới biên giới Ukraine và diễn tập xe tăng bắn đạn thật như một dấu hiệu có thể tấn công Ukraine.
Theo NBC News ngày 13/1/2022, thứ trưởng ngoại giao Nga nói rằng không có lý do để tiến hành cuộc đàm phán thêm với Hoa Kỳ và NATO vì họ không thỏa mãn yêu cầu của Nga là trở về nguyên trạng về an ninh của Âu Châu năm 1997. Cùng ngày The Insider cho biết Ô. Putin sẽ cắt đứt bang giao với Hoa Kỳ nếu Hoa Kỳ cấm vận Nga vì cuộc khủng hoảng Ukraine.
Ngày 14/1/2022, ngoại trưởng Nga Lavrov nói rằng Nga không thể chờ đợi mãi và yêu cầu NATO phải trả lời bằng văn bản vào tuần tới tức ngày 21/1/2022. Trong khi đó các trang tin của chính phủ Ukraine đã bị tin tặc tấn công làm tê liệt, dấu hiệu mà Ukraine cho rằng Nga chuẩn bị mở cuộc tấn công.
Ngày 18/1/2022, Politico cho biết Nga triển khai quân và hai tiểu đoàn phòng không S- 400 tới Belarus có biên giới với Ukraine về phía bắc nói là thao diễn khiến cho cuộc khủng hoảng lại trầm trọng thêm. Cùng lúc Tổng Thống Joe Biden cảnh báo rằng cuộc tấn công của Nga vào Ukraine có thể nổ ra bất cứ lúc nào.
Ngày 21/1/2022: Sau cuộc họp với ngoại trưởng Nga Lavrov, ngoại trưởng Hoa Kỳ Tony Blinken nói rằng Hoa Kỳ sẽ trả lời yêu cầu về an ninh của Nga bằng văn bản giữa lúc tình hình vô cùng căng thẳng. Cùng lúc AP cho biết Tổng Thống Maduro của Venezuela đã có cuộc điện đàm với Tổng Thống Putin vể việc hợp tác với tin đồn Nga có thể sẽ triển khai hỏa tiễn tại Venezuela và Cuba và Mỹ ra lệnh di tản gia đình của nhân viên tòa đại sứ ra khỏi Ukraine vào ngày 31/1/2022. Chính quyền Anh cho biết Nga đang chuẩn bị dựng lên một chính quyền thân Nga tại Ukraine một khi chính quyền Kiev bị lật đổ và rút một nửa nhân viên tòa đại sứ ra khỏi Kiev.
Ngày 22/1/2022, đợt đầu tiên của viện trợ vũ khí trị giá 200 triệu Mỹ Kim của Hoa Kỳ cho Ukraine đã tới Thủ Đô Kiev.
Ngày 24/1/2022: Khối NATO cho biết họ chuyển quân, chiến cụ, tàu chiến và phi cơ chiến đấu tới Lỗ Ma Ni, Ba Lan có biên giới với Ukraine và một số nước vùng Baltic.
Từ những diễn biến trên, nếu cuộc đàm phán thất bại, con đường duy nhất của Nga là chấp nhận thương đau, tấn công rồi chiếm lĩnh một phần lãnh thổ của Ukraine để đối lấy cam kết của Hoa Kỳ và NATO là không mở rộng biên cương về phía đông khiến an ninh của Nga lâm nguy.
Theo tôi, giải pháp “trung lập hóa” Ukraine và Gruzia (Georgia) là bảo đảm tương đối bền vững nhất cho Âu Châu và Nga. Vào ngày 17/1/2022, trên tờ USA Today có bài viết của Michael O'Hanlon đề nghị rằng, “Quan niệm mới về tương lai an ninh của Đông Âu có thể là quy chế trung lập thường trực cho Ukraine, Georgia, Moldova, Azerbajian và có thể thêm một số quốc gia khác.” Theo The Week ngày 24/1/2022, tư lệnh Hải Quân Đức- Chuẩn Đô Đốc Kay-Achim Schönbach nói rằng “NATO cần tôn trọng đòi hỏi của Putin” và ông này phải từ chức, hoàn toàn vì chính trị chứ không phải nhận định ngay thẳng của một nhà tướng, Nhà tướng nhận định sức mạnh trên chiến trường, còn chính trị gia ở trong phòng lạnh, nhận định và hành động có khi vì quyền lợi của chính mình hay đảng của mình. Hôm nay 24/1/2022 AP đã có bài báo nói rằng có lẽ phải trở lại kiểu mẫu của Hội Nghị Yalta 1945 thiết lập một vùng trái độn để bảo đảm an ninh vĩnh viễn cho Nga và Tây Phương bằng cách chấp nhận Trung và Đông Âu là vùng ảnh hưởng của Nga (Cũng như Nam Mỹ là Sân Sau của Mỹ).
Thế nhưng cái khó của Hoa Kỳ và Âu Châu lúc này là: Nếu chấp nhận giải pháp “trung lập hóa” Ukraine và Gruzia có nghĩa là “đầu hàng” và sẽ bị thành phần ái quốc cực đoan lên án. Theo tôi nghĩ, cuộc đàm phán sẽ thất bại vì hai bên đều không thể lùi.
Nếu nổ ra cuộc chiến ở Ukraine, Hoa Kỳ và Âu Châu không thể bỏ rơi Ukraine. Thế là Hoa Kỳ lại lún sâu vào cuộc chiến còn lớn hơn cuộc chiến A Phú Hãn mà phần thắng chỉ là một nước Ukraine bất ổn và không phải là quyền lợi sinh tử của Hoa Kỳ. Đây sẽ là cơ hội bằng vàng cho Hoa Lục có thể tấn công Đài Loan.
Hiện nay cả Hoa Kỳ, Nga và NATO đều lâm vào tình thế khó khăn. Tình hình căng thẳng ngày hôm nay giống như cuộc khủng hoảng hỏa tiễn nguyên tử năm 1962 giữa Mỹ và Liên Bang Sô-viết khi Liên-sô triển khai hỏa tiễn nguyên tử tại Cuba. Cuối cùng cuộc khủng hoảng đã được giải quyết bằng cách Mỹ rút hỏa tiễn nguyên tử tại Thổ Nhĩ Kỳ và Liên-Sô cũng rút hỏa tiễn tại Cuba. Thế nhưng tình hình chính trị ngày hôm nay khác hẳn với bầu không khí chính trị năm 1962. Hiện nay Tổng Thống Joe Biden bị lâm vào thế kẹt vì mới “tháo chạy” khỏi A Phú Hãn và tinh thần bài Nga đang hừng hực tại Hoa Kỳ nhất là trong giới lập pháp. Hơn thế nữa, Tổng Thống Kennedy có uy thế lãnh đạo vững vàng hơn Ô. Joe Biden và không bị Đảng Cộng Hòa chống đối dữ dội như ngày hôm nay. Ô. Joe Biden không đủ khả năng dẫn dắt dư luận Mỹ. Tâm lý chung của người dân Thời Chiến Tranh Lạnh là muốn hòa dịu với khối Cộng Sản để tránh một cuộc chiến nguyên tử thảm khốc. Còn tâm lý người dân ngày nay là không sợ một cuộc chiến nguyên tử và muốn dồn ép Nga vì người Mỹ tin rằng Mỹ là siêu cường về vũ khí sẽ đánh thắng bất kỳ cuộc chiến nào. Giới lập pháp Hoa Kỳ tin rằng cứ dồn ép Nga để Nga phải quỳ gối và không tin Nga dám đụng tới sợi lông chân Hoa Kỳ.
Cuộc khủng hoảng Ukraine - mà việc tìm ra một giải pháp để tránh một cuộc chiến thảm khốc hủy diệt nhân loại theo như nhận định của cựu Ngoại Trưởng Henry Kissinger – lại bị dẫn dắt hay trói tay bởi chính trị hơn là an ninh chiến lược. Nếu nổ ra cuộc chiến tại Ukraine, chắc chắn Nga sẽ phải chịu hậu quả khủng khiếp về kinh tế. Thế nhưng vị thế lãnh đạo của Hoa Kỳ sẽ bị lung lay vì Mỹ không thể tham chiến tại Ukraine mà chỉ đứng nhìn Ukraine bị chia cắt rồi trở nên vô cùng hỗn loạn, và không biết sẽ đi về đâu. Đài Fox News có bài bình luận rằng Hoa Kỳ không nên hy sinh vì Ukraine vì đó không phải là quyền lợi sinh tử của Hoa Kỳ và liên minh với một đất nước bất ổn định không đem lại an ninh thêm cho Mỹ.
Nói tóm lại, nếu nổ ra Đệ III Thế Chiến là vì tình hình chính trị của nước Mỹ chứ không phải sức mạnh quân sự của nước Mỹ suy yếu.
Tình hình vô cùng hiểm nguy. Nếu cuộc đàm phán đổ vỡ và chắc chắn nó sẽ đổ vỡ, Nga sẽ tấn công Ukraine và một thảm họa đang chờ đón thế giới. Vào ngày 12/1/2022, Tổng Thư Ký NATO Stoltenberg nói rằng NATO đang chuẩn bị nguy cơ có xung đột vũ trang tại Âu Châu nếu giải pháp ngoại giao thất bại và Nga sẽ tiến hành một cuộc xâm lăng thứ hai tại Ukraine.
Nếu Mỹ và Âu Châu ban hành lệnh cấm vận nghiệt ngã lên Nga, một cuộc chiến nguyên tử giữa Nga với Mỹ và Âu Châu khó tránh khỏi vì Nga không còn con đường nào khác để bảo vệ sự sống còn của mình. Đôi khi hai bên phải đổ máu, phải đánh nhau lỗ đầu vài chục triệu người chết mới có thể đi tới một thỏa hiệp hợp lý.
Trước một nguy cơ, giới trí thức thì cẩn trọng suy nghĩ lợi-hại. Chính trị gia thì mị dân bằng cách kích động lòng yêu nước cực đoan để kiếm phiếu. Còn người dân thì như bầy cừu dễ bị sỏ mũi. Khi lãnh đạo tức tổng thống không sáng suốt, không đủ khả năng lèo lái quốc dân thì đất nước lâm nguy. Ngày xưa Đệ II Thế Chiến chỉ ở Âu Châu, ngày nay với vũ khí nguyên tử và hỏa tiễn liên lục địa, bom nguyên tử sẽ nổ ngay trên đất Hoa Kỳ, Nga và khắp Âu Châu.
Thế Chiến II xảy ra dưới thời tổng thống Dân Chủ Roosevelt với 55 triệu người chết bằng vũ khí cổ điển và Đức Quốc Xã chưa có vũ khí nguyên tử. Và không thể tưởng tượng được, Đệ III Thế Chiến với Nga có 8000 đầu đạn hạt nhân, Mỹ có 7000 đầu đạn hạt nhân, Trung Hoa có 350… có thể lại là Ô. Joe Biden cũng là một đảng viên Dân Chủ. Phải chăng đó là định mệnh?
– Đào Văn Bình
(California, 24/1/2022)