Hôm nay,  
CTA_United Educators_Display_300x250_Vietnamese - Nguoi Viet

Cuối năm đi thăm Little Saigon

05/01/202223:15:00(Xem: 2558)

 

BuiVanPhu_20211231_CuoiNamDiThamLittleSaigon_H01_CoffeeFactory
H01: Quán Coffee Factory một sáng thứ Sáu (Ảnh: Bùi Văn Phú)

 

Cuối năm vợ chồng tôi từ vùng Vịnh San Francisco bay xuống Quận Cam, thủ đô của người Việt tại Hoa Kỳ, thăm bạn sau ba năm không có dịp gặp và đi lòng vòng Little Saigon xem có gì lạ.

 

Đến Coffee Factory, điểm hẹn của văn nghệ sĩ và giới truyền thông trong vùng, gặp hai bạn học thời cấp 1 và cấp 2. Nhờ Facebook mà những năm gần đây nối kết được với nhau, liên lạc được với Đinh Văn Nhan cách đây vài năm và hè năm ngoái đã cùng nhau ăn phở, uống cà phê ở khu Grand Century, San Jose. Sáng nay gặp lại Hoàng Xuân Hùng là sau nửa thế kỷ từ khi chúng tôi rời trường Thánh Tâm. Cả ba muốn gặp lại Mai Bình Minh mà không liên lạc được.

 

Chúng tôi là dân giáo xứ Nghĩa Hoà thuộc khu vực Ngã ba Ông Tạ mà nhà báo Cù Mai Công, hiện công tác tại báo Tuổi Trẻ, trong năm qua có loạt bài về vùng đất này và đã phát hành tập sách đầu tiên “Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó!” [Nxb Trẻ, 2021] về lịch sử địa chí và nhân vật. Tập hai đang chờ kiểm duyệt vì có những chuyện “nhạy cảm”.

 

Không hiểu viết về một vùng đất đã vươn lên từ vườn nhài, vườn cao su, từ bến xe ngựa thồ thành khu buôn bán sầm uất thì có gì “nhạy cảm”? Nơi mà nay theo đà phát triển đô thị cũng sẽ có trạm tàu điện, để thấy Ngã ba Ông Tạ có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển thành phố từ bao đời nay.

 

BuiVanPhu_20211231_CuoiNamDiThamLittleSaigon_H02_PhoHolic

 H02: PhởHolic đông khách vào sáng thứ Bẩy (Ảnh: Bùi Văn Phú)



Thời thơ ấu tôi học trường tiểu học Nghĩa Hoà. Lên cấp hai học Thánh Tâm, bây giờ là trung học cơ sở Tân Bình, rồi học cấp ba ở Nguyễn Bá Tòng.

 

Ngày đó bạn Nhan là đứa học trò phá phách quá nên bị đuổi học, đổi trường liên tục, hết Thánh Tâm qua Văn Đức lại vào Thánh Giuse, Thánh Tôma trước khi vào lính. Cuối tháng 4/1975 căn cứ ở Long Khánh thất thủ, bạn chạy về được Vũng Tầu và xuống tầu hải quân ra đi.

 

Chúng tôi nhắc đến hai văn sĩ học trò của trường Thánh Tâm là Phạm Văn Thông, bút hiệu Mai Thông và Bùi Thị Nhiên bút hiệu Thuỳ Dương, không có liên hệ gì với tôi. Cô nữ sinh ngày ngày mặc áo dài trắng, tay xách cặp, khuôn mặt xinh xinh, giáng đi khoan thai, nói năng chậm rãi từng làm lao xao bọn nam sinh. Nhiên hiện định cư tại Úc và vẫn nói thong thả như ngày nào. Cô vẫn “nói một câu từ bình minh đến hoàng hôn cũng chưa xong”, một bạn đùa vui kể như thế.

 

Mai Thông nhập ngũ và chết khi trực thăng rớt trong những ngày quê hương còn chiến tranh.

 

Nhắc đến các bạn đã hy sinh vì nước chúng tôi nhớ Ngô Đắc Doanh cùng học trường cụ giáo Đồng, Nguyễn Đức Tuyển trưởng lớp ở Thánh Tâm. Tuyển là một sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng hoà tử trận khi bị Việt Cộng phục kích.

 

Đất Ngã ba Ông Tạ đã có nhiều người con hy sinh vì nước và cũng là quê hương của nhiều văn nghệ sĩ, nhà báo mà Cù Mai Công đã nhắc đến tiểu sử trong các bài viết của anh: nhà văn MC Nguyễn Ngọc Ngạn, Hoàng Hải Thuỷ, Nguyễn Đình Toàn; nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, Hùng Lân, Văn Giảng, Ngọc Chánh, Vũ Xuân Hùng; ca sĩ Giang Tử, Duy Khánh v.v… là những người của thế hệ trước.

Ngày nay có Tóc Tiên là lớp trẻ, tự tin yêu đời, nổi danh trong và ngoài nước.

 

Về truyền thông báo chí, ngoài Cù Mai Công là Cỏ Cú một thời trên Mực Tím còn có Nguyễn Hồng Lam, Trương Bảo Châu. Ra hải ngoại có Nguyễn Vy Tuý, cựu học sinh Thánh Giuse Nghĩa Hoà, làm chủ bút nhiều tờ báo phát hành bên Úc.

 

Bạn Hoàng Xuân Hùng nhớ chúng tôi có học chung với ca sĩ Vũ Khanh mà tôi thì không. Thực ra một lớp thời đó có đến 60 học sinh nên thường thân quen với bạn cùng bàn hay ngồi gần, nhớ trưởng lớp hay bạn nào có gì đặc biệt chứ không sao nhớ hết được.

 

Hùng còn nhớ là khu Ông Tạ trước năm 1975 có văn phòng của các luật sư Vũ Minh Trân, Nguyễn Văn Chức, Nguyễn Hữu Thống là những chính trị gia có tiếng. Vùng đất này cũng có nhiều tướng tá của Quân lực Việt Nam Cộng hoà vì thế mà trở thành “nhạy cảm” qua con mắt ban tuyên giáo.

 

Quán cà-phê Coffee Factory đông khách vào một sáng thứ Sáu. Thấy nhà báo Nguyễn Tú A cùng thân hữu ở một bàn bên cạnh. Nghe cô phục vụ người gốc Mỹ Latinh nói tiếng Việt khi có ai gọi đồ ăn thức uống cho tôi cảm nhận ở đây có sự giao thoa giữa hai nền văn hoá, có hoà đồng giữa hai sắc dân.

 

Bánh mì thịt ở đây giòn, ngon và cà phê thơm, rất đáng thưởng thức cho một bữa điểm tâm.

 

BuiVanPhu_20211231_CuoiNamDiThamLittleSaigon_H03_TamBienYummy
H03: Quán bán đồ nhậu Tam Biên và quán bánh bao Yummy trên đường Bolsa, Little Saigon (Ảnh: Bùi Văn Phú)



Truyền thông Việt ngữ ở đây với các tờ Người Việt, Việt Báo, Viễn Đông là lâu đời. Truyền thanh truyền hình có SBTN, Little Saigon TV, Saigon TV. Các sinh hoạt văn nghệ giải trí cũng nhiều, với Saigon Performing Arts Center ở Fountain Valley. Trung tâm Thuý Nga nay dọn về đường Moran đã lên chương trình với nhiều sô diễn cho mùa xuân 2022.

 

Giới nghệ sĩ cũng tập trung sống quanh Quận Cam. Ca, kịch sĩ từ trong nước qua Mỹ định cư cũng chọn nơi đây để tái lập cuộc sống mới.

 

Mỗi lần về Quận Cam chúng tôi đều ghé thăm hai bạn thân là Võ Quang Thịnh, nhà gần nhà thờ cha Lý trên đường Mai Khôi và Nguyễn Công Bình ở xứ Tân Chí Linh. Vợ của Thịnh và nhà tôi cùng học Marie Curie.

 

Thịnh học Mai Khôi, Thánh Tâm, Nhân Chủ. Bình học Tân Bình, Thánh Tôma, Thánh Giuse, Lê Bảo Tịnh. Hai bạn là những học sinh giỏi, thi tú tài 1 đậu ưu nên được nhận vào trường Petrus Ký học lớp 12 niên khoá 1972. Khu Ông Tạ năm đó còn có Đinh Văn Vinh cũng vào học lớp 12 ở Petrus Ký.

 

Thi tú tài 2 Thịnh và Bình đều đậu cao, hạng bình. Bình được học bổng du học Mỹ năm 1973. Thịnh học hoá học tại Đại học Minh Đức, còn tôi đậu hạng thứ và vào học luật, Đại học Sài Gòn.

 

Người Ông Tạ đi du học Mỹ từ những năm cuối thập niên 1960 có Vũ Quang Việt, nhà gần nhà thờ Nghĩa Hoà. Sau này anh là chuyên gia thống kê cho Liên Hiệp Quốc.

 

Ngày 30/4/1975 tôi rời Việt Nam. Đến Mỹ, tốt nghiệp Đại học Berkeley. Bình tốt nghiệp Đại học Texas A&M.

 

Ở quê nhà Đại học Minh Đức đóng cửa, Thịnh thi đậu vào đại học Bách Khoa Phú Thọ, khoa hoá, rồi cũng vượt biển, đến Mỹ và tốt nghiệp U.C. Irvine.

 

Xuống Quận Cam tôi cũng gặp lại một số bạn học từ Đại học Berkeley. Một anh du học trước 1975, làm việc cho các nghị sĩ dân biểu Mỹ trước khi về nước làm việc trong hai mươi năm qua. Anh kể dư luận trong nước, từ lãnh đạo xuống đến chị bán hàng ngoài chợ, hầu như ai cũng ủng hộ Tổng thống Donald Trump là điều khó hiểu.



BuiVanPhu_20211231_CuoiNamDiThamLittleSaigon_H04_TrungTamThuyNga

H04: Trung tâm Thuý Nga đã lên chương trình cho nhiều sô diễn vào mùa Xuân 2022 (Ảnh: Bùi Văn Phú)

 

Ngay trung tâm Little Saigon có một văn phòng bác sĩ, là cựu sinh viên Đại học U.C. Berkeley, hết lòng ủng hộ Tổng thống Joe Biden, ngay nơi có truyền thống chính trị theo Đảng Cộng hoà. Ngược lại trên vùng San Jose là khu vực đa số Dân chủ có một luật sư, cũng là cựu sinh viên Berkeley, lại ủng hộ Đảng Cộng hoà hết mức. Tôi biết cả hai vì thường theo dõi các tranh luận trên diễn đàn của cựu sinh viên Berkeley. Đó là sự tuyệt vời của nước Mỹ.

 

Cũng như có người Việt ở đây ủng hộ chế độ cộng sản Hà Nội vẫn sống ngay trong lòng thủ đô của người Việt tị nạn. Họ qua định cư, mua nhà, mở cơ sở thương mại buôn bán.

 

Hôm đi ăn sáng ở PhởHolic, nghe mấy cháu hầu bàn nói giọng như xướng ngôn viên đọc tin trên đài VTV-1. Tiệm đông khách cả trong và ngoài vào sáng thứ Bẩy cuối tuần. Phở ở đây tương đối rẻ, 12 đôla một tô, không ngon lắm vì ăn xong là khô miệng và khát nước. Có tô xí quách là hấp dẫn.

 

Chuyến đi này tôi gặp hai phụ nữ. Chị Kim Sơn rời bến Bạch Đằng trên con tầu Đông Hải vào sáng ngày 30/4/75. Con tầu mà khi tôi ở ngoài khơi Singapore thì được chuyển từ tầu Saigon II không có máy qua tầu Đông Hải để đi Subic Bay, Philippines. Chúng tôi chia sẻ với nhau về trải nghiệm những ngày cùng sống với 2000 người trên hải trình di tản khỏi Việt Nam.

 

Người phụ nữ thứ hai là Bùi Quỳnh Hoa, con gái của Trung tá Chính uỷ Bùi Văn Tùng, người đã nhận sự đầu hàng của Tướng Dương Văn Minh trưa ngày 30/4/75 và chồng chị từng là du học sinh ở Nga và sinh sống lâu năm ở Ukraine. Sau năm 1975 gia đình chị cũng có một thời sống quanh vùng Ông Tạ mà nhà báo Cù Mai Công đã nhắc đến trong bài viết của anh. Đi ăn tối với anh chị ở quán Brodard Chateau, rất đông khách trẻ và khách ngoại quốc. Ở đây có gỏi vịt ngon, còn chả cá Thăng Long rất thất vọng.

 

Chúng tôi cũng gặp lại Luật sư Nguyễn Bính Châu của đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh mà gia đình tôi có dịp đón tiếp cách đây 20 năm khi anh qua San Francisco tu nghiệp. Anh là bậc đàn anh của tôi ở trường Nguyễn Bá Tòng và Đại học Luật Sài Gòn. Anh chị và gia đình cũng đã qua Mỹ định cư mấy năm nay.

 

BuiVanPhu_20211231_CuoiNamDiThamLittleSaigon_H05_DenThoTranHungDao
Cựu Thiếu tá Cảnh sát Phan Tấn Ngưu, hiện là Phó Chủ tịch Ngoại vụ Hội đồng Quản trị Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo (Ảnh: Bùi Văn Phú)



Vùng đất Ông Tạ ngày nay vẫn phát triển, người Ông Tạ vẫn còn đó với con cháu. Nhưng cũng như hàng triệu dân Việt khác từ sau năm 1975 nhiều người đã bỏ nước ra đi, có người mất tích, mất mạng trên biển vì không thể sống với cộng sản. Từ đó hình thành thủ đô của người Việt tại Mỹ như hôm nay.

 

Bolsa Avenue, với quãng đường chính chạy qua Little Saigon mang tên Đại lộ Trần Hưng Đạo. Trên đường có tượng đài Trần Hưng Đạo và đền thờ Đức Thánh Trần. Hôm tôi ghé thấy ông Phan Tấn Ngưu và ông Du Miên ở đó, họ là hai người trong hội đồng quản trị. Được biết đền thờ đang có chương trình gây guỹ xây dựng ở một địa điểm mới.

 

Cách vài khu phố có trụ sở của Museum of Republic of Vietnam, nơi lưu giữ những di vật của Việt Nam Cộng hoà. Một buổi sáng ghé thăm thì bảo tàng còn đóng cửa. Đây là bảo tàng thứ hai về Việt Nam Cộng hoà ở California, sau San Jose nơi có Bảo tàng Thuyền nhân - Việt Nam Cộng hoà do cựu Đại tá Vũ Văn Lộc sáng lập cách đây cũng 20 năm.

 

Về các dự án bảo tàng, Quận Cam còn có Vietnamese Heritage Museum (VHM) do anh Châu Thụy khởi xướng và đã thu thập được nhiều di vật, đã tiếp chuyện, phỏng vấn nhiều người theo hình thức lịch sử truyền khẩu. Dịp này tôi đã chia sẻ kinh nghiệm định cư, hội nhập và làm việc thiện nguyện và tặng VHM một tờ nhật báo Tiền Tuyến, một số di vật như báo Tự Do, báo của khối ESL, các thư mời tham dư sinh hoạt trong trại và 300 tấm hình về trại Galang, Indonesia.

 

Đã gần 50 năm từ ngày có người Việt tị nạn đến Mỹ định cư, đây là lúc cần có một bảo tàng đúng chuẩn mực về người Mỹ gốc Việt, như các cộng đồng người gốc Do Thái, người Nhật đã có.

 

Sau ba năm mới có dịp trở lại đây, chạy quanh các đường Bolsa, Brookhurst của hai thành phố Westminster và Garden Grove tôi quan sát thấy, sau những giới hạn vì dịch Covid, sinh hoạt của cộng đồng người Việt vẫn sinh động và phát triển. Tuy có những khu thương mại mới xây, cửa hàng đang chuyển sở hữu sang “tụi Việt Cộng”, như một bạn cho biết và quan ngại một ngày nào đó cờ đỏ sao vàng lại chiếm Little Saigon.

 

Tôi không bi quan lắm, vì làm ăn ở đây mà trương cờ đỏ lên là tự sát, phá sản. Ca sĩ không dại gì hát “Như có bác Hồ” hay biểu diễn đàn t’rưng “Vót chông” vì sẽ bị tẩy chay, biểu tình phản đối. Người cộng sản không làm chuyện đó, có chăng họ quậy phá cộng đồng cho nát, không còn đoàn kết để có sức mạnh chính trị trong chính trường Hoa Kỳ.

 

Thật sự bản chất độc tài của Hà Nội không thể che dấu được dư luận Mỹ và thế giới khi nhà nước bắt giam hàng trăm tù nhân lương, xử án nhiều năm tù dành cho Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng, Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Phương, Đỗ Nam Trung, Nguyễn Thị Tâm, Nguyễn Tường Thụy… và khi mà Việt Nam chưa có tự do phát biểu, tự do báo chí, tự do hội họp hay lập hội. Khi mà Việt Nam ngày nay vẫn còn là “một quốc gia có một rừng luật mà chuyên sài luật rừng.”

 

Quận Cam là nơi có Vietnam Human Rights Network hôm 12/12 vừa qua đã tổ chức lễ trao Giải Nhân quyền 2021 cho năm người trong nước đã có những hoạt động vì quyền làm người mà đang bị giam tù là Cấn Thị Thêu và hai con là Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư và Nguyễn Văn Túc, Đinh Thị Thu Thuỷ.

 

Vì thế mà sau gần nửa thế kỷ cộng sản cai trị toàn cõi Việt Nam, người dân vẫn tìm mọi cách ra đi và nước Mỹ sẵn sàng chào đón những ai có cơ hội đến đây sinh sống, lập nghiệp.

 

Như mỗi lần thăm Little Saigon, trước khi rời vợ chồng tôi ghé mua các món ăn ưa thích mang về. Lòng dồi ở Tam Biên, bánh bao ở Yummy ngay bên cạnh, ghé chỗ quen mua chả, cá ướp sẵn, mua áo dài. Lần này tất cả hơn 50 cân Anh, gửi hành lý máy bay. Mang về ăn nhậu đón Giáng Sinh và Năm Mới và làm quà cho người thân.

 

Thân kính chúc bạn đọc Năm Mới 2022 sức khoẻ, vui vẻ và nhiều may mắn.

 

© 2022 Buivanphu

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Một ngày cuối tháng tám, vợ chồng tôi chở anh chị đi chơi, ăn uống; đang ăn bỗng dưng anh nhìn xa xăm, nói vu vơ như không cần người nghe: - Tôi cần một phương pháp trợ tử! Tôi giật mình lo lắng đưa mắt nhìn chị, nước mắt đong đầy trong hốc mắt, chị nhẹ nhàng tâm sự: - Ai cũng phải đến ngày đó thôi! Anh đã chịu đựng đau đớn mỗi lần lọc thận về, ăn uống không được ngon miệng nữa, ngủ nửa đêm thức giấc vì nóng hay lạnh quá, không được uống quá nhiều nước cho dù có khát cách mấy vì thận đã không làm việc nổi. Anh lại thương chị mỗi khi thấy chị cực giúp anh làm vệ sinh cá nhân. Con cái ở xa, chúng có cuộc sống riêng, đâu thể lúc nào cũng kề cận lo cho cha mẹ mãi được, khi cần chúng có thể đến giúp có hạn mà thôi…
Tuy không còn ở đó nhưng hắn vẫn thường nhớ những chiếc lá vàng trên cây khế nhẹ rơi, giàn hoa giấy rực rỡ cười với nắng trước mưa chiều. Cái máy hát cũ kỹ với băng đĩa nhão vừa hợp với nhạc sến, “tình chỉ đẹp khi còn dang dở…” Hắn gởi gió cho mây ngày bay một đoạn đời hư thực huyền ảo như lời nhạc rả rích từ cái máy hát lớn tuổi hơn hắn lúc bấy giờ khi những toan tính về tương lai chưa có đáp số thì bài toán một với một đã không bao giờ là hai từ khi em lấy chồng.
Chiếc Airbus A380 của hãng hàng không Emirates từ từ đáp nhẹ nhàng xuống phi trường quốc tế Tokyo Narita. Airbus A380 là loại máy bay khổng lồ, có thể chứa trên 500 hành khách, chỗ ngồi rộng rãi, thoải mái và bay rất êm...
Tuy Hòa, nơi tôi sống quãng đời thơ ấu, là một thành phố nhỏ hiền hòa nằm sát bờ biển, giống như nàng “Mỹ Nhân Ngư” phơi tấm thân kiều diễm trên bãi cát trắng tinh. Nàng dựa đầu trên núi Chóp Chài, đôi mắt mơ màng nhìn ra biển Đông, nghe gió thổi vi vu qua những bãi thùy dương dày đặc trên bãi biển Đại Lãnh, đầu đội vương miện hình Tháp...
Hôm nay, tôi lại có dịp ghé vào “cõi riêng” của tôi để lau dọn, quét bụi. Nhìn thùng sách nằm nơi góc phòng, tôi nhớ anh Quang, không dám mở thùng sách ra, rồi chẳng hiểu sao, lại tha thẩn ngồi xuống ngắm nghía những cuốn albums và tủ sách của riêng mình. Tôi nhẹ nhàng lấy ra từng cuốn sách, xem tựa đề, để tâm hồn lại lang thang trôi về quá khứ.
Có nhiều người tự hỏi là tại sao sang đến xứ tự do tạm dung này lại có những chuyện buồn như thế xảy ra cho người đàn ông, thay vì chỉ thường thấy xảy ra cho người đàn bà khi chúng ta còn ở quê nhà. Chắc rất nhiều người trong chúng ta, nhất là phái nam, đều hiểu rõ có nhiều nguyên nhân rất sâu xa, tế nhị, phức tạp, không tiện nêu ra ở đây, nhưng câu chuyện tình buồn được kể lại sau đây là một trong những trường hợp điển hình
…Khi anh tới cổng viện dưỡng lão, trời đã chạng vạng tối, chỉ còn bà mẹ anh và bà thư ký ngồi co ro trên ghế đá… họ đợi anh, bà thư ký vội báo cho anh hay là anh hãy canh giữ, nuôi bà cụ khoảng một tháng, chờ tình hình dịch bệnh tăng giảm ra sao, rồi thành phố sẽ quyết định và nhà già sẽ liên lạc với anh ngay sau đó. Bà thư ký đi khỏi, anh quay lại ngó mẹ và đau lòng thấy bà cụ co dúm như một mớ giẻ rách khô… anh đỡ mẹ ra xe, và nhỏ nhẹ khuyên trấn an: - Mẹ cứ về ở với con ít lâu, coi tình hình ra sao?
Có nhiều người sợ hãi khi nghĩ đến cái chết, nhưng thật ra nếu nghĩ thường xuyên đến cái chết là một việc hết sức tích cực và giúp cho người già rất nhiều. Mỗi khi nghĩ đến cái chết giúp cho ta thức tỉnh và sống trở lại giây phút hiện tại và quán chiếu xem mình phải làm gì trước khi nhắm mắt lìa đời. Nghĩ đến cái chết giúp ta dừng lại, xem xét những việc mình đang làm, những gì mình ước mong thực hiện và những tham vọng về tiền tài, chức phận, vật chất để được hưởng thụ. Khi tuổi về già chúng ta không nên tránh né nghĩ đến cái chết, mà nên nghĩ đến nó thường xuyên và nhất là nên chuẩn bị cho cái chết. Khi chuẩn bị cho cái chết ta sẽ suy nghĩ chín chắn hơn những gì nên và không nên làm trước khi qua đời và mình sẽ tự giúp tránh những việc vô ích, không có ích cho ai và mất thì giờ, để dành cho những việc quan trọng hơn, có ích lợi
Xâu chuỗi ngọc. Những viên đá quý. Tôi lại mỉm cười. Quý hay không quý tôi cũng không biết. Tôi không biết gì về vàng bạc, nữ trang. Tôi chỉ biết là tôi thích những tia màu phản chiếu lấp lánh phát ra từ những hạt đá nhỏ trong xâu chuỗi. Những tia màu như những câu chào hỏi rộn ràng. Cũng có thể xâu chuỗi làm bằng những hạt đá giả bằng nhựa. Bởi chúng rất nhẹ. Người đàn bà làm tôi xiêu lòng. Tôi sẽ mua tặng người yêu như lời bà ta nhắc nhở, dù tôi không chắc là đến ngày tháng này tôi đã có người yêu hay chưa. Tiểu Quyên là người nữ duy nhất trong thế giới tôi. Nhưng Tiểu Quyên với tôi là hai người bạn, hay đúng hơn là hai chú cháu.
Chiếc xe đò rẽ vào ngả ba Lộ Tẻ, chạy chậm lại rồi ngừng hẳn. Trên xe một số người nhốn nháo, ló đầu ra cửa sổ xem có chuyện gì. Anh phụ xe nhảy xuống vội vàng chạy về phía trước. Đã hơn 2 giờ chiều, trong xe hầm nóng và trở nên ồn ào. Vài phút sau, anh phụ xe trở lại và báo tuyến đường về Rạch Giá đã đóng vì nước lũ về ngập một số đoạn đường dài phía trước. Tất cả bà con phải xuống xe, hoặc tìm nhà nghỉ tạm chờ nước rút, hoặc bao đò máy về Rạch Giá. Đó là một buổi chiều giữa mùa nước nổi, tôi theo dòng người bước xuống xe, trời hanh nắng và đứng gió. Đường xá, đò ghe tôi không biết rành, chắc là phải tìm nhà xin trọ, chờ nước rút.
Rứa là tui được hưởng hai cái bánh nhỏ thanh tao dòn rụm, bột họ pha răng mà mê rứa không biết, kèm mấy lát vả, lát khế, rau sống chấm nước tương pha chế ngon ơi là ngon. Tỉnh táo bao tử rồi hắn chở tui đi vòng thành phố Huế, qua khu Thương Bạc, ủa bữa ni răng mà người đông rứa, bớt vẻ yên tĩnh như ngày xưa, tiệm quán cũng mọc lên khó còn đất trống. Vừa đi hắn vừa kể nỗi gian khổ lúc trẻ, nay thì hậu vận quá tốt, con có địa vị thành công, chồng cưng yêu nhiều hơn lúc tuổi xế chiều, mà nhìn kỹ hắn tươi đẹp mặn mà ghê, chắc hạnh phúc gia đình biến sắc thêm xinh hè. Đi nửa ngày hắn thả tui về nhà” tau bận chút chuyện, sẽ gặp mi sau nữa nghe. Tui cám ơn hắn, gần 50 năm tuy xa mà hắn vẫn nhớ, vẫn đầy tình bạn thân thiết như hồi mô.
Sàigòn cũng như Phan Rang không có 4 mùa, nhất là mùa Thu. Nhưng Sàigòn cũng như Phan Rang đều có những đêm trăng Thu mờ ảo đẹp và buồn giống như mắt của em.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.