Hôm nay,  

Giới Thiệu Tuyển Tập Truyện Ngắn Thế Giới

22/10/202100:00:00(Xem: 2892)
Bìa
Tuyển Tập Truyện Ngắn Thế Giới Cuốn Một

Giới Thiệu

Tuyển Tập

Truyện Ngắn Thế Giới

200 trang. 20 truyện nhiều sắc tộc

Ngu Yên Dịch và Thực Hiện

 
Nếu tiểu thuyết là một cuốn phim, truyện ngắn là những đoạn video, truyện chớp là những hình chụp độc đáo. Cả ba thể loại đều mang đến ưu điểm bày tỏ những điều hay, những mẩu đẹp của nhân loại.

Thử nghĩ, nếu bạn đọc 50 truyện thế giới, rồi 100 truyện, rồi 1000 truyện, chắc chắn sự nhận xét và định giá của bạn về văn học, văn chương toàn cầu và Việt Nam sẽ sâu sắc, thuyết phục hơn. Những hiểu biết của bạn về các sắc tộc sẽ dày và rộng, nhưng trên hết là sự cảm thông những khác biệt, những tốt xấu của con người và của chính bản thân. Sự cảm thông cần thiết hơn cả bác ái, từ bi.

Những bạn đọc nào đeo đuổi sáng tác sẽ tự mình cảm thấy sự phát triển ngấm ngầm hoặc vô thức về mặt kỹ thuật , nghệ thuật sáng tạo. Người viết sẽ trải nghiệm những lề lối diễn tả khác nhau qua ý và tứ văn của mỗi sắc tộc; cách sắp xếp văn phạm và cấu trúc của truyện theo truyền thống văn học riêng của từng địa phương. Có dịp so sánh nhiều phong thái viết giữa những tác giả dày học thuật về văn học và những tác giả viết bằng tài hoa đặc biệt. Ngoài ra, người viết còn thu thập những cách lý luận, giải thích và cảm nhận đối tượng khác nhau của nhiều tác giả. Nhà văn Nobel Wiiliam Faulkner  khẳng định, một nhà văn chỉ có thể giỏi hơn nhờ tự học hỏi từ những lầm lỗi của mình và đọc những nhà văn đi trước, những nhà văn cùng thời, để vượt qua họ. (Phỏng vấn trong tạp chí Paris Review, số 12. The Art of Fiction.)

Đọc và tải xuống miễn phí:

Tuyển Tập Truyện Ngắn Thế Giới Cuốn Một
 
Truyện Ngắn Ý: War
Luigi Pirandello, Nobel Prize 1934
Chiến Tranh

Những hành khách rời thành phố Rome bằng chuyến tàu lửa tốc hành ban đêm phải dừng lại nhà ga nhỏ Fabriano, chờ rạng sáng, mới tiếp tục hành trình trên chiếc tàu “nội địa” kiểu xưa, để tham gia vào phòng tuyến chính vùng Sulmona.

Lúc bình minh, trong một chiếc xe ngựa hạng nhì ngột ngạt và đầy khói, năm người đã ngủ qua đêm, một phụ nữ đẫy đà mặt rầu rĩ, được đưa lên tàu như cái bọc không hình dạng. Phía sau bà, người chồng nhỏ bé, gầy gò, thở phì phò, rên rỉ, mặt trắng bệch, mắt nhỏ nhưng sáng, trông có vẻ e dè, bất an. Ngồi vào chỗ cuối cùng, ông lịch sự cảm ơn những hành khách đã giúp đỡ vợ ông và đã nhường chỗ cho bà, rồi quay sang bà vợ đang cố kéo cổ áo khoác xuống, ông nhã nhặn hỏi:

- “Em có sao không?”

Thay vì trả lời, người phụ nữ kéo cổ áo lên tận mắt, che đi khuôn mặt. Người chồng lầm bầm với nụ cười buồn:

- “Thế giới thật tồi bại.”

Ông cảm tưởng phải có trách nhiệm giải thích cùng các người đồng hành về bà vợ đáng thương bởi chiến tranh đã cướp đi đứa con trai duy nhất ở tuổi hai mươi. Anh ta là lẽ sống suốt đời của hai ông bà. Thậm chí, họ đã rời bỏ ngôi nhà ở Sulmona để theo con lên Rome nơi anh ta theo học đại học, sau đó, cho phép anh tình nguyện tham gia chiến tranh với sự bảo đảm, ít nhất trong sáu tháng đầu tiên, không bị đưa ra mặt trận. Bây giờ, đột nhiên, nhận được điện báo, anh ấy sẽ phải đi trong thời gian ba ngày. Yêu cầu họ đến tiễn con lên đường.

Người vợ mặc chiếc áo khoác lớn đang vặn vẹo, uốn éo, có lúc gầm gừ như con thú hoang, cảm tưởng chắc chắn, tất cả những lời giải thích sẽ không gây ra một chút thương cảm nào từ những người khách đồng hành tử tế, rất có thể cùng chung cảnh ngộ như bà. Một người trong bọn họ đã chú ý lắng nghe, lên tiếng:

- “Ông bà nên cảm ơn Chúa vì đến bây giờ đứa con mới đi ra tuyến đầu. Con của tôi đã phải đến đó từ ngày đầu tiên của cuộc chiến. Nó đã bị thương hai lần và đã phải ra lại trận tuyến.”

- “Còn tôi thì sao? Hai con trai và ba cháu trai đang ở ngoài mặt trận,” một hành khách khác xen vào.

Người chồng bạo dạn: -“Nhưng trong trường hợp chúng tôi, nó là đứa con duy nhất.”

- “Có khác biệt gì chăng? Ông có thể chiều chuộng đứa con duy nhất bằng cách quan tâm quá đáng, nhưng không thể thương yêu nó hơn tất cả những đứa con khác, nếu ông có nhiều con. Tình cha con không giống như bánh mì, có thể bẻ ra nhiều mảnh rồi chia đều cho con cái. Người cha dành hết tình thương cho mỗi đứa con, không đối xử phân biệt, dù là một hay mười. Vì vậy, bây giờ tôi buồn khổ vì hai thằng con, không có nghĩa tôi buồn khổ một nửa cho mỗi đứa, mà là gấp đôi.”

- “Đúng, đúng như vậy.” người chồng xấu hổ trả lời, “nhưng giả sử (dĩ nhiên, chúng ta đều hy vọng trường hợp này không bao giờ xảy ra,) một người cha có hai đứa con, nếu lỡ mất đi một đứa, vẫn còn đứa kia để an ủi … trong khi …”

- “Vâng,” Người kia trả lời, giọng bắt đầu cộc cằn, “đứa con còn lại để an ủi cha, nhưng cùng một lúc, người cha phải cố gắng sống sót vì đứa con này. Trong khi, trường hợp một đứa con, nếu nó chết, người cha có thể chết theo, thế là chấm dứt tình trạng khốn khổ. Hoàn cảnh nào kém hơn? Ông có thấy trường hợp tôi tệ hại hơn trường hợp của ông?”

- “Vô lý,” Một người khác ngắt lời. Ông này mập mạp, mặt hồng, hai mắt đỏ ngầu trên nền da mặt xám xanh, đang thở hổn hển. Từ đôi mắt lồi có vẻ như muốn phọt ra sức sống không thể kiểm soát, mà cơ thể suy yếu của ông khó có thể kiềm chế. “Vô lý,” ông lập lại, để tay lên miệng, cố gắng che hai răng cửa đã rụng. “Vô lý, Có phải chúng ta sinh con ra vì lợi ích riêng của chúng tay hay sao?” 

Các hành khách khác nhìn ông ta đang đau khổ. Người có thằng con đã ra mặt trận từ ngày chiến tranh khởi đầu, thở dài: - “Ông nói đúng. Con cái không thuộc vào chúng ta. Chúng thuộc về đất nước …”

- “Tầm bậy,” Ông khách mập đáp trả. “Có phải chúng ta nghĩ đến đất nước khi chúng ta sinh ra con cái? Con chúng ta sinh ra vì  … ừ, vì chúng phải sinh ra. Khi bước vào đời, chúng sẽ mang theo cuộc sống của chính chúng ta. Đó là sự thật. Chúng ta thuộc về con cái, nhưng chúng không bao giờ thuộc về chúng ta. Khi con trai đến hai mươi tuổi, sẽ giống như chúng ta lúc cùng lứa tuổi với họ. Tuy có cha mẹ, nhưng chúng ta còn rất nhiều thứ khác … con gái, thuốc lá, ảo tưởng, những liên hệ khác nữa … và chắc chắn là quê hương. Dĩ nhiên, ở tuổi hai mươi, chúng ta sẽ đáp lời khi nghe tiếng gọi non sông, mặc dù, cha mẹ ngăn cản. Bây giờ, ở lứa tuổi này, tình yêu tổ quốc tuy vẫn rất lớn, nhưng mạnh mẽ hơn là tình yêu dành cho con cháu. Có ai trong chúng ta ở đây không sẵn sàng thay thế vị trí con trai mình nếu có thể không?” Cả một vòng tròn im lặng, mọi người gật gù tán thành.  

Ông ta tiếp tục: -“Rồi tại sao chúng ta không chịu xem xét cảm xúc con chúng ta khi chúng vào lứa tuổi hai mươi? Chẳng phải chuyện tự nhiên vào tuổi đó họ nên xem tình quê hương lớn hơn tình thương dành cho cha mẹ? Dĩ nhiên, tôi đang nói đến những chàng trai tử tế. Chẳng phải là điều tự nhiên, vỉ sau cùng, họ nhìn chúng ta như những cậu bé già, không thể hoạt động mạnh nữa, phải ở nhà? Nếu đất nước phải tồn tại, nếu quốc gia là một nhu cầu tự nhiên, cần thiết như bánh mì, mà mỗi chúng ta phải ăn để khỏi chết đói, thì ai đó phải ra tay bảo vệ nó. Những đứa con trai khoảng tuổi hai mươi ra đi, chúng không muốn rơi nước mắt, vì nếu chúng chết, chúng sẽ chết trong hạnh phúc. Dĩ nhiên tôi đang nói đến những chàng trai tử tế. Như vậy, nếu một người chết trẻ, được hạnh phúc, không gặp những mặt xấu xa của đời, sự chán nản của sống, sự nhỏ nhen, cay đắng khi vỡ mộng … chúng ta còn đòi hỏi gì hơn cho các chàng trai ấy? Mọi người nên ngừng than khóc, mọi người nên cười, như tôi … hay ít ra nên cảm ơn Chúa, như tôi, vì con trai tôi, trước khi chết, gửi tôi một tin nhắn, nói rằng, con rất hài lòng dù sắp chết, vì sẽ kết thúc cuộc sống của con theo một cách tốt đẹp nhất mà con có thể ước nguyện. Đó là vì sao, như các người đã thấy, tôi không mặc áo tang …”

Ông ta lắc chiếc áo khoác màu nâu nhạt để mọi người thấy rõ. Đôi môi xám xịt lộ lỗ hổng răng rụng đang run rẩy, đôi mắt ngấn nước, không cử động. Sau đó, ông chấm dứt bằng một tiếng cười chói tai mà có lẽ đang là tiếng khóc đau đớn. Mọi người tỏ vẻ đồng ý: -“Rất đúng, nói rất đúng…”

Người phụ nữ ngồi thu mình trong một góc dưới áo khoác, lắng nghe, trong ba tháng qua, đã cố gắng tìm ra trong lời nói của chồng và bạn bè, những gì để an ủi mình trong lúc hết sức buồn bã. Điều gì có thể cho bà thấy được, một người mẹ nên cam chịu thế nào khi tiễn con trai đi, dù không đến nổi chết, nhưng có thể gặp nhiều nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, bà chưa tìm thấy một lời nói nào trong số rất nhiều những gì đã bày tỏ … Nỗi đau buồn càng sâu đậm hơn khi thấy không ai có thể chia sẻ tình cảm với mình.

Nhưng bây giờ, những lời nói của vị hành khách này làm bà kinh ngạc, gần như choáng váng. Chợt nhận ra, không phải những người khác sai lầm, không thể hiểu được bà, mà chính bản thân bà không thể vươn lên cùng tầm cao của những cha mẹ sẵn sàng cam chịu, không than khóc, không chỉ tiễn con đi, mà ngay cả khi biết con chết.

Bà ngẩng đầu, chồm mình ra từ góc ngồi, để hết sức chú ý lắng nghe những chi tiết mà người đàn ông mập đang nói với bạn đồng hành về lúc đứa con trai của ông đã ngã xuống như một anh hùng, cho Vua và đất nước, vui sướng không có gì hối tiếc. Có vẻ như bà đang lạc vào một thế giới chưa bao giờ dám mơ đến. Một thế giới cho đến giờ vẫn chưa biết. Bà rất vui khi nghe mọi người ca ngợi người cha dũng cảm, đã can đảm kể lại cái chết của con mình.

Rồi tiếp theo, bỗng dưng, bà không còn nghe được những gì đã  nói và hầu như tỉnh dậy từ một giấc mơ. bà quay sang hỏi ông mập: -“Vậy ra … con trai ông chết thật sao?”

Mọi người chăm bẳm nhìn bà. Ông ấy cũng quay lại, định thần đôi mắt lớn trợn trừng, dễ sợ, long lanh nước, nhìn thẳng vào mặt bà. Trong một khoảng thời gian ngắn, ông cố gắng trả lời, nhưng nghẹn giọng. Ông nhìn rồi nhìn bà, gần như chỉ khi đó, trước câu hỏi ngớ ngẩn vô duyên, khiến ông chợt nhận ra, con trai của mình đã thực sự chết, ra đi mãi mãi … mãi mãi .. Gương mật ông co rúm, méo mó, đáng sợ, rồi ông vội vàng giựt cái khăn trong túi, trong khi mọi người kinh ngạc, ông vỡ ra tiếng khóc bi thảm, đau đớn, không thể cầm lòng.
 
Lugi Pirendello. (1897-1936)
nha van y
Lugi Pirendello
Nhà văn Ý, viết tiểu thuyết, kịch, thơ, truyện ngắn, tiểu luận.

Những vở kịch đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp văn chương của ông.

Lãnh giải Nobel văn chương 1934. “… sức mạnh gần như ma thuật của ông để biến phân tích tâm lý trở thành sân khấu tuyệt phẩm…”

Ông thuộc vào thành phần quốc gia cực đoan, ủng hộ chủ nghĩa Phát xít, đã hiến tặng huân chương vàng Nobel trong phong trào Oro alla Patria, 1935.
Sinh trưởng trong gia đình thượng lưu ở Chaos, Ý. Tốt nghiệp đại học University of Palermo về Luật Pháp. Tiếp tục học vấn ở University of Rome. Chuyển sang Bonn, tốt nghiệp tiến sĩ Romance Philology.
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Văn học luôn được xây dựng trên tác giả, tác phẩm và độc giả, với những cơ chế tất yếu là báo, tạp chí văn học, nhà xuất bản, mạng lưới văn chương, và phê bình. Gần đây thêm vào các phương tiện thông tin xã hội. Trên hết là quyền lực xã hội nơi dòng văn học đang chảy, bao gồm chính trị, tôn giáo. Giá trị của một giai đoạn văn học được đánh giá bằng những thành phần nêu trên về sáng tạo và thẩm mỹ qua những cơ chế như tâm lý, ký hiệu, cấu trúc, xã hội, lịch sử… Việc này đòi hỏi những nghiên cứu mở rộng, đào sâu theo thời gian tương xứng.
Có lần tôi đứng trước một căn phòng đầy học sinh trung học và kể một câu chuyện về thời điểm chiến tranh Việt Nam chấm dứt, về việc tôi đã bỏ chạy sang Mỹ khi còn nhỏ, và trải nghiệm đó vẫn ám ảnh và truyền cảm hứng cho tôi như thế nào, thì một cô gái trẻ giơ tay hỏi tôi: “Ông có thể cho tôi biết tại sao cha tôi không bao giờ kể cho tôi nghe về cuộc chiến đó không? Cha tôi uống rượu rất nhiều, nhưng lại ít nói.” Giọng nói cô run rẩy. Cô gái bảo cha cô là một người lính miền Nam Việt Nam, ông đã chứng kiến nhiều cảnh đổ máu nhưng nỗi buồn của ông phần nhiều là trong nội tâm, hoặc nếu đôi khi thể hiện ra ngoài thì bằng những cơn thịnh nộ.
Chiến tranh là một nỗi đau dằn vặt của nhân loại vì không ai muốn nó xảy ra, nhưng chiến tranh vẫn cứ xảy đến như một điều kiện cần thiết biện minh cho sự tồn tại của thế giới con người. Ngày Ba mươi tháng 4 năm 1975 là một cột mốc đánh dấu một biến cố chính trị trong lịch sử chính trị thế giới, ngày cuộc chiến tranh Việt Nam (1954-1975) chấm dứt.
“Cơn mưa di tản trở về giữa quá khứ và hiện tại, giữa người chết và người sống. Đó là lăng kính mà mọi thứ đã được chắt lọc qua. Những năm tháng trở nên trong suốt như nước. Những gì chúng ta thấy là những hình dạng mờ nhạt đang trôi về nguồn. Tất cả những viễn cảnh và cách diễn giải của chúng ta khi chúng ta quay trở về là đường nét chuyển động của người khác. Để tồn tại, chúng ta đã di tản qua thời gian, và để nói, chúng ta học ngôn ngữ của mưa.”
Bạn tắt hết điện thoại, truyền hình, bạn gập lại các quyển sách đang đọc. Bạn ngồi một mình trong căn phòng nhỏ, khóa kín cửa, hay bạn ngồi trên một tảng đá trong rừng, hay bạn ngồi giữa chợ, điều ấy không quan trọng. Bạn không cần phải thực hành bất kì một lễ nghi tôn giáo, yoga hay thiền nào cả.
Một trong những thành tựu quan trọng đáng tự hào của cộng đồng người Việt là sự thành công của những cây bút người Mỹ gốc Việt, kể câu chuyện Việt góp phần vào nền văn học lưu vong Việt Nam cũng như góp mặt vào dòng văn học chính Hoa Kỳ. Bài giới thiệu sách này thuộc loạt bài giới thiệu các tác giả, tác phẩm thuộc dòng văn học thế hệ thứ nhất-thứ hai, trong thời điểm 50 Năm Nhìn Lại, từ biến cố tháng Tư, 1975.
Bạn có thích đọc thơ không? Người ta nói, mỗi người Việt là mỗi nhà thơ. Nhà thơ sao lại không đọc thơ? À, như vậy, bạn có đọc thơ. Dĩ nhiên bạn thích đọc thơ hay. Nhưng làm thế nào để biết bài thơ hay? Có bài thơ được nhiều người khen hay quá trời, sao bạn lại nghĩ là dở. Hoặc bạn hí hửng khoe bài thơ hay vừa đọc được, người bạn đọc xong, lắc đầu. Sao vậy? Thơ hay không bảo đảm người đọc đồng ý với nhau. Hãy hỏi bạn Trí Thông Minh Nhân Tạo (A.I.), trông cậy anh ta biết nhiều, hiểu rộng, có thể cho đôi lời vắn tắt.
Tôi có một thói quen xấu khi đọc sách – luôn bắt đầu bằng cách mở trang cuối và đọc hàng cuối rồi gấp sách lại xem đầu óc mình nghĩ gì. Hôm nay, mở cuốn “Stories from the Edge of The Sea”, cuốn sách dày 216 trang với 14 truyện ngắn của tác giả người Mỹ gốc Việt Andrew Lâm, tôi lẩm nhẩm: “Hãy đứng đến giây phút cuối cùng, và bạn sẽ không bao giờ, không bao giờ phải đứng một mình.“* “Giây phút cuối cùng”? Không hiểu sao hình ảnh Việt Nam những ngày cuối tháng Tư, 1975 hiện về. Dẫu chỉ là một đứa bé con 6 tuổi vào thời điểm này, nhưng lớn lên và sống với những hệ lụy lịch sử kéo dài từ cái ngày định mệnh đó, ngay trên mảnh đất quê hương bị đánh mất, những mảng đời, những câu chuyện, những ám ảnh, những mất mát luôn là những gì mà chính tôi, bạn bè tôi, gia đình tôi, quê hương, dân tộc tôi, vẫn gồng mình hứng chịu… dẫu nửa thế kỷ đã trôi qua. Tôi hiểu mình sẽ bắt đầu đọc cuốn sách này bằng một sự “khó ở” trong lòng của một độc giả người Việt sống xa quê hương, trong tâm trạng u uẩn
Cô lớn lên như một đứa con gái tomboy, đánh gậy bóng chày giỏi hơn thằng em trai mình, có thể đá văng cặp kính ra khỏi mặt một thằng con trai, và vì thế cô không gần với mẹ lắm. Cô chẳng thấy mẹ mình có gì đáng yêu kính. Bà là người với một thân hình đẫy đà, có tật ngồi lê đôi mách, luôn tay luôn chân công việc nhà cửa, lại nợ nần cờ bạc, chẳng bao giờ thích hoạt động ngoài trời, vì quá quan tâm đến những chuyện trong gia đình nên bà chẳng hề đi đâu thăm thú thế giới, đại dương này nọ, ví dụ, bầu trời xanh chẳng có gì cho bà quan tâm, thấy thú vị.
Hôm nay 17 tháng 3, 2025, dân chúng Canada tạm biệt Justin Trudeau. Tôi yêu mến thủ tướng và tự hào về ông. Trudeau nói: Dân chủ không phải được ban cho, tự do không phải được ban cho, Canada cũng không phải được ban cho. Bạn phải giành lấy chúng bằng tất cả lòng can đảm, sự hy sinh và công việc cần mẫn mỗi ngày.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.