Thời Pháp thuộc, ở Nam kỳ nhiều người đều nghe danh Đơn Hùng Tính. Người cho là anh hùng hảo hớn, kẻ nguyền rủa đó là tên cướp tàn bạo, ác ôn. Những người biết chuyện lại liệt anh ta vào hàng “Đại ca” của giới giang hồ. Mà thật vì Đơn Hùng Tính là tay Anh Chị có dưới tay một số đàn em trung thành, chết sống có nhau, cùng nhau đi đánh người cướp của. Khi cần giết, cũng giết người không gớm tay. Lời nói và việc làm của Đơn Hùng Tính luôn luôn đi đôi nên nghe tới tên không ai dám coi thường. Trước khi đánh cướp, Đơn Hùng Tính báo trước ngày giờ để cho gia chủ đề phòng. Khi quân cướp rút lui, chẳng ai dám hó hé tố cáo hoặc truy nã.
Đơn Hùng Tính thường vượt ngục phá khám hoặc được quan trên “tha bổng”. Vì vậy, dư luận cho rằng có nhiều ông hương chức hội tề hoặc cả ông Cò Tây đã bí mật làm tay chưn cho Đơn Hùng Tính vì sợ anh ta, hoặc vì muốn được chia chác chút hoạnh tài.
Đơn Hùng Tính là ai?
Trươc kia, Đơn Hùng Tính hãy còn vô danh tiểu tốt, chưa có biệt danh ấy. Theo nhà văn Sơn Nam, anh ta tên thiệt là Lê văn Tính, quê ở Cao Lãnh, Sa Đéc. Tính mê truyện tàu như truyện Thuyết Đường, trong đó anh mê nhứt nhơn vật Đơn Hùng Tính và tôn thờ thần tượng. Từ đó anh ta nuôi chí lớn và chờ thời.
Ngày nay, có khá nhiều bài báo, rất ít sách (Liêm Châu là nhà biên khảo có viết Tiểu thuyết về Đơn Hùng Tính, Bào Gia Đình giới thiệu) ghi chép về tướng cướp Đơn Hùng Tính nhưng những thông tin ấy đều có nhiều điểm khác nhau. Trong những ấn phẩm viết về Đơn Hùng Tính, có quyển «Truyện Đơn Hùng Tính, tục kêu Ba Tính, của Mạnh Tự, do nhà Xưa Nay in năm 1925» là tương đối mạch lạc và rõ ràng, bộc lộ được Tính vốn là con người thông minh, mưu lược, chịu khó, khổ công luyện tập để thực hiện mộng làm anh hùng, mẫu anh hùng Lương Sơn Bạc. Ở Tính, cá tánh hảo hớn cũng có, mà hung dữ của kẻ cướp cũng không thiếu.
Tính nghe đồn xứ núi Tà Lơn (Campuchia – Cao-miên, Cao-man) là nơi «xuất thế» các bậc siêu phàm, giỏi võ nghệ, giỏi bùa chú, nên lặn lội tới để tìm thầy học đạo. Sau nhiều ngày đi rảo khắp các hang động cheo leo, hiểm trở, Tính gặp một thanh niên. Qua chuyện vãng một hồi, Tính biết người này tên là Phép, từng là thầy giáo nên gọi là Giáo Phép, quê ở miệt Châu Đốc. Lý do đưa anh ta tới đây, Tính không biết mà cũng không cần biết nên không gạn hỏi. Để kiếm vàng bạc ở trong núi mà làm giàu ? Chắc không phải rồi. Lên đây tìm sư học đạo để hậu thân hoặc chờ cơ hội dấy nghiệp lớn ? Có thể lắm.
Nhưng khi gặp Tính, sau một hồi nói chuyện, anh thấy có cảm tình và tin tưởng ở Tính như có một khả năng hơn người hay một hứa hẹn gì đó. Thế là Giáo Phép nói chuyện thêm và tỏ bày với Tính ý riêng thầm kín của mình.
Tính nghe qua lấy làm tâm đắc lắm. Thế là từ đó Giáo Phép bày muu lập kế làm ăn lớn cho Tính và bắt đầu giúp Tính đi kiếm tiều phu, dân nghèo quanh núi nhằm kết bè lập đảng.
Để chinh phục lòng tin của đám «đàn em» mới vừa tuyển mộ, theo mưu chước của Giáo Phép, Tính đã cho đám đàn em thấy tận mắt Tính là người súng mút-cà-tông của Tây bắn không chết mà Tính còn cắn được viên đạn đồng giữa hai hàm răng đưa cho mọi người coi chơi. Nhờ có bùa hộ mạng.
Quả thật, sau khi chứng kiến tận mắt Tính bị súng bắn mà không chết, đám đàn em không ai mà không sợ và phục sát đất. Tất cả liền xin tự nguyện được làm thuộc hạ. Từ đó, Tính chính thức xưng danh là Đơn Hùng Tính.
Theo nhiều tài liệu ghi lại, nhà chức trách Pháp lúc bấy giờ không thể lần ra dấu vết của Tính sau mỗi vụ cướp vì anh ta biến hóa đại tài, lúc ẩn lúc hiện như ma.
Về sau, Tínhh có vợ, sơn trại dời lên hang ông Thẻ ở núi Cấm thuộc huyện Bảy Núi lúc bấy giờ. Về đây, Đơn Hùng Tínhh tiếp tục luyện tập bùa phép. Cũng theo lời kể của người địa phương biết chuyện, để luyện bùa ở một trình độ cao hơn, Tínhh xin vợ cái bào thai đang mang trong bụng. Vợ đồng ý, Tính liền mổ bụng vợ lấy thai nhi (?). Tảng đá nơi ngày xưa Tính đặt vợ nằm để mổ bụng lấy thai nhi ngày nay hảy còn ở Núi Cấm (?) (theo Thanh Quốc – Chí Nhân, Báo Thanh Niên, VN).
Hằng đêm, Đơn Hùng Tính đem bào thai ra giữa trời để tu luyện cho đến khi nó khô lại thì mang theo người như vật bất ly thân. Từ đó, Đơn Hùng Tính càng ngang dọc, ẩn hiện, biến hóa mà không sợ bị bắt. Lúc bấy giờ, người Pháp treo thưởng cho người tìm ra tung tích của anh với giá rất cao (Theo Thanh Quốc – Chí Nhân, Báo Thanh Niên Văn hóa và Hàn Phong, Báo Gia Đình net).
Đơn Hùng Tính, tục kêu «Ba Tính»
Bạn đọc có thể ngạc nhiên vì thấy ở đây tên «Đơn Hùng Tính», chữ «Tính» viết khác với vần «h» cuối chữ (Trong truyện tàu, Đơn Hùng Tính, không có h).
Đúng vậy nhưng không biết tác giả Mạnh Tự của cuốn «Truyện Đơn Hùng Tính, tục kêu Ba Tính, nhà Xưa Nay in năm 1925, Sài gòn» viết sai chánh tả hay tên của hắn do hắn viết đúng như vậy ? Hoặc đúng theo hồ sơ ở Cảnh sát lúc bấy giờ ?.
Tác giả Mạnh Tự là người cùng thời với Đơn Húng Tính vì sách của ông xuất bản năm 1925.Tính bắt đầu nổi danh ở vùng Biển Hồ trên Cao-Miên năm 1920 «... toàn cả nước Cao-man, mà nhứt là cái vùng mấy tỉnh ở chung quanh Biển Hồ, thì ai nghe tới danh Ba Tính cũng thảy đều khủng khiếp, kinh hoàng, mà lại nễ vì, mến kính nữa. Đã sợ mà có bụng yêu riêng. Tính hay cướp dựt của người, chớ cũng không phải tiểu nhơn thái quá. Tính hay coi truyện tàu nên có ý học đòi theo thái độ của bậc anh hùng thủơ trước ; mà Tính vốn là con người có học thức ít nhiều nên có cái trí xử sự rất khôn ngoan muu chước, biết dùng việc dồi trau...» (Mạnh Tự, Truyện Đơn Hùng Tính).
Theo tác giả thì từ năm 1920 trở về trước, Tính hãy còn trong bóng tối. Vài năm sau, «...danh tánh của Tính càng ngày càng bay xuống các tỉnh Miền Tây Nam kỳ như Châu đốc, Bạc liêu, Sóc trăng, Mỹ tho. Không có tỉnh nào mà thiên hạ không kiêng tên Ba Tính» (sdd). Điều này không như báo ở Việt nam ngày nay đăng là Tính khởi nghiệp ở Châu đốc và bám sào huyệt ở Hang Ông Thẻ trong Núi Cấm. Các nhà báo còn dẫn chứng bằng nhiều đồ vật tìm được trong hang động, cả tiền bạc, cho rằng có thể đó là di vật của Tính và băng đảng.
Theo sách của Mạnh Tự thì không thấy nói Tính dùng bùa chú mà Tính chỉ dùng mưu chước mà thoát thân khỏi những cuộc vây bắt của làng xã, cò bót lúc bấy giờ.
Điều đáng luu ý nữa ngoài tên hiệu, tên thật của Tính là «Nguyễn văn Hảo», không phải Lê văn Tính như nhà văn Sơn Nam viết.
Trong truyện của tác giả Mạnh Tự, không thấy nói Nguyễn văn Hảo lấy tên Đơn Hùng Tính ở đâu, tử lúc nào. Ông chỉ nói vì ái mộ nhơn vật Đơn Hùng Tính trong truyện tàu mà anh ấy cho xâm mình tên Đơn Hùng Tính và từ đó tên Đơn Hùng Tính vang dội qua những vụ «ăn hàng» của anh. Còn tên «Ba Tính» như mọi người quen gọi vì anh thứ Ba ghép lại thành Ba Tính. Đó cũng là cách gọi tên quen thuộc của dân Nam kỳ.
Trong những truyện viết về Đơn Hùng Tính của báo ở Việt nam ngày nay, người đọc không thấy các tác giả kể lại những hoạt động của Đơn Hùng Tính hay cách anh ta trốn tránh nhà cầm quyền Pháp truy lùng để thấy cài tài trí cá nhơn của anh ta. Trái lại trong «Truyện Đơn Hùng Tính của Mạnh Tự», tác giả mô tả con người Đơn Hùng Tính qua những hành động của hắn : «Cuốn truyện nhỏ của Ba Tính này lại rất bao hàm rộng rãi dữ lắm, vì nó làm những việc chỉ đáng biết, nó nói những lời chỉ đáng ghi, nó bày những cách chỉ đáng biên, nó dụng những mưu chỉ đáng chép, thì tôi đều có thuật vô đây rất rõ ràng thứ tự».
Ngay đầu năm 1920, sau một vụ ăn cướp, Tính bị nhà cầm quyền Cao miên bắt và giam giữ chờ ngày đưa ra Tòa xét xử. Một hôm, Tính đánh tên cai gác khám bể mặt, sứt trán, nên bị đưa ra Tòa Tiểu hình ở Nam vang xét xử. Tính kháng cáo. Nhà cầm quyền Cao miên phải dẫn độ Tính về Sài gòn để đưa ra Tòa trên xét xử lại.
Thế là Tính bị đưa xuống tàu. Dĩ nhiên anh bị còng, có lính canh giữ. Lúc tàu đang chạy giữa sông Cửu long, trời đã khá khuya, Tính kêu đau bụng cần đi cầu và xin anh lính mở còng, dẩn Tính vào cầu tiêu. Anh lính đành phải làm theo yêu cầu của Tính, nhưng cẩn thận, xiềng một chơn của Tính vào sợi giây lòi tói khá nặng.
Vào cầu tiêu, Tính yêu cầu anh lính tới gần hơn cho anh không bị vướn sợi giây lòi tói. Khi nghe bước đi của anh lính tới gần cửa, Tính bèn tung mạnh cánh cửa cầu tiêu làm cho anh lính té nhào bất tỉnh. Lập tức, Tính nhảy xuống sông, cổ chơn vẫn còn sợi lòi tói. Khi anh lính tỉnh dậy và báo động thì Tính đã lội vào tới bờ.
Chuyện xảy ra làm cho tên tuổi của Đơn Hùng Tính vang dội chẳng những ở Nam vang, vùng Biển hồ, mà còn về tới xứ Nam kỳ Lục tỉnh.
Tính đi đám cưới
Nhà trai vừa rước dâu về nghe tin có ông Tính. Ghe của ông đang đậu gần nhà. Ông chủ nhà nghe nói, bủn rủn tay chơn. Sau và phút suy nghĩ, bèn quyết định, sai người bưng khay trầu rượu xuống ghe ông Tính mời ông lên.
Tính và tên Phó đảng bước lên bờ, tới đám cưới, quần áo chỉnh tề. Vào tới nhà, ông chủ nhà đem khay trầu rượu để sẵn, kêu con trai và con dâu ra trình diện. Ông rót rượu ra 2 ly, chấp tay thưa:
-Gia đình tôi làm ăn lam lũ lâu nay, nay để dành được chút ít mua sắm nữ trang cưới vợ cho con trai. Nay nghe ông tới, tôi xin mời ông ly rượu rồi sau đó, tùy ông định liệu cho chúng tôi nhờ.
Tính hỏi cậu đàn em Tính sao? - Tùy đại ca !
Tính cầm ly rượu uống cạn. Thò tay vào túi lấy ra tờ giấy 100 đồng bạc Đông dương để vào khay:
-Vì đi lở đường, anh em tui chỉ có chút ít cho 2 cháu mua rượu và pháo mừng đám cưới. Nói xong hai người từ giã, xuống ghe chèo đi mất.
Tính đánh chủ bè gỗ
Ông Hoàng vân Cao, thuờng gọi Hai Cao, là thương gia buôn bán gỗ. Cả Nam-vang ai cũng biết tiếng. Năm 1924, việc làm ăn của ông đang hồi cực phát. Một hôm, vào lối 6 giờ chiều, bè gỗ của ông đi trên Vủng-xà-năng (Kompong Chnang) về Nam-vang bị Tính cùng với 2 bộ hạ chèo ghe lường cập vào. Trên bè, ngoài Hai Cao còn cả 60 bạn, tức người làm công. Hai Cao đang ăn cơm.Tính cho biết muốn mua gỗ.
Cơm nước xong, Hai Cao mời Tính đi coi gỗ. Tính nghiêm mặt hỏi:
-Chú có phải Hoàng vân Cao không?
-Phải!
Tính liền nói lớn «Có lịnh quan trên bắt chú can tội sát nhơn». Tính móc còng ra còng tay Hai Cao.
Một tên thủ hạ bên ghe lường cầm súng nhảy qua vừa nói lớn «Vì lịnh Tòa sai anh em tao tới đây bắt Hai Cao về tội sát nhơn. Hai Cao có tội thì bị bắt, ai vô tội cứ ở yên. Đứa nào lộn xộn, tao băn chết».
Tính kêu «Cai dẫn can phạm qua ghe», rồi nói với đám bạn vừa sợ, vừa nhìn hai người «Tuy Tòa dạy bắt, chớ ưng oan chưa rõ, sau về tra hỏi sẽ hay. Bây có lòng lo cho chủ, hãy đi về báo tin cho ở nhà biết để qua Tòa Nam-vang hỏi việc thì rõ».
Dặn xong, Tính cho chèo ghe đi mất.
Tòa án nghe tin bèn cho lính đi lùng theo.
Tính cho bịt miệng, bịt mắt Hai Cao, cho ghe chèo về phía Ba-nam, dẫn Hai Cao vô rừng giữa Ba-nam và Lào-den (Preyveng) mới mở ra.
-Mi biết ta là ai không ? Là ông Tính, Đơn Hùng Tính, đây.
Hai Cao biến sắc. Tính nói thêm «Mi là thằng nhà giàu rất vô ích. Đã vô ích cho mi mà lại còn vô ích cho đời nữa. Vô ích cho mi vì mi có dám ăn xài chi đâu, ăn mắm ăn muối, mặc vải mặc bô, thì cái giàu của mi có ích lợi gì cho mi đâu. Còn vô ích cho đời vì mi thấy ai nghèo, ai đói, mi cũng mặc kệ, gặp điều nghĩa điều nhơn, mi cũng không nhìn. Mi cứ lo thâu liễm, thâu liễm, chớ mi nào có biết làm phước mà bố thí cho ai đồng nào đâu, hay làm phải mà giúp giùm cho ai đâu».
«Nay cái mạng của mi cũng đã cùn rồi, gặp tay ông, thôi mi hãy sửa soạn mà chết cho rồi. Cái miếng rừng này sau sẽ thành nắm mồ hoang của mi đó».
Hai Cao van lạy, khẩn cầu. Ban đầu, Tính tỏ ra không quan tâm, nhứt định xử Hai Cao làm gương cho những tên giàu có khác.
Sau một lúc, Tính bảo hãy đem nộp 10 000 đồng thế mạng để Tính làm việc nghĩa. Hai Cao chấp nhận. Tính bảo hãy viết thơ về nhà đưa tiền cho người cầm thơ. Trong vòng 6 giờ phải xong. Nếu trì hưỡn thì sẽ …
Hai Cao viết thơ kể rõ nội vụ, đưa cả chìa khóa tủ sắt, bóp-phơi gởi về làm tin. Người cầm thơ là Nguyễn văn Nam, anh ruột của Tính.
Chỉ 5 tiếng sau, Nguyễn văn Nam trở lại với đủ số tiền. Tính cho mở trói, chỉ đường Hai Cao đi ra Ba-nam để đón tàu về Nam-vang. Tính không quên móc túi lấy ít tiền đưa cho Hai Cao làm lộ phí.
Thiên hạ thấy Hai Cao về đón hỏi chuyện. Ai nghe xong cũng le lưởi sợ hãi. Tên tuổi Đơn Hùng Tính thêm một lần nữa làm rúng động từ Nam-vang về tới Sài-gòn.
Lầm mục tiêu
Nhưng trong những vụ ăn hàng, Tính cũng gặp gia chủ không phải nhà giàu lớn, đang có sẵn tiền muôn bạc vạn như tin tức Tính nhận được. Hoặc Tính đánh lầm mục tiêu. Nhưng cách Tính xử lý những trường hợp này cũng không đến nổi tệ lắm.
Một hôm Tính đánh tàu của chủ Tằng Pạ mà tưởng đánh tàu của Tằng Khạo Chéam, bắt trói tất cả. Vì tàu của Tằng Khạo Chéam đã chở lính đi lùng bắt băng đảng của Tính. Tính chạy thoát nhưng vợ là Thị Bạch bị bắt. Khi biết ra đánh lầm mục tiêu, Tính cho cởi trói mọi người và nói «Đơn Hùng Tính không lẽ ra tay mà không có gì sao? Vậy tôi lấy chút ít tượng trưng mà thôi. Bà con đi bình an». Thế là tới hộp tiền có hơn 2000 đồng, Tính lấy 600 đút túi, rút qua ghe mình chèo đi.
Theo Tính thì ông chủ tàu kia là người giàu mà gian ác, không giúp đỡ người nghèo, lường công bạn (công nhơn ghe) còn Tằng Pạ là người tốt, thường cúng chùa, bố thí, giúp người nghèo khó, …
Làng xã, cò bót thường truy lùng bắt Tính nhưng đều thất bại. Một phần nhờ Tính biết đối xử tử tế với người nghèo khó mà không ai nở chỉ điểm Tính cho chánh quyền. Tính còn lanh lợi ứng biến mà thoát nạn trong đường tơ kẻ tóc rất ngoạn mục.
Một hôm cò bót được tin Tính đi trên một chuyến tàu, liền cho lính đứng chận ngay cầu tàu tìm bắt Tính.
Ba ông sãi chậm rãi bước xuống tàu. Bổng ông sãi thứ tư cũng bước xuống tàu, tới nói chuyện với chú lính bằng tiếng Miên. Tàu chạy. Qua bến bên kia, Tính lên bờ, viết vội mấy chữ, nhờ một em nhỏ sắp lên tàu cầm giấy đưa cho chú lính còn đứng bên ấy. Nhận giấy, mở ra coi «Ông sãi nói chuyện với anh lúc này là Ba Tính đó».
Một lần khác, được tin Tính có mặt ở Biển hồ, quan trên liền ra lịnh cho lính ở các nơi gần chổ Tính đang có mặt bao vây kín, phải chận bắt cho kỳ được Tính. Bổng có một người mặc áo Thầy đội, đeo mề đai, mang súng, quần áo bùn lầy, mặt mày lem luốc, trong rừng lội ra, kêu mấy người lính đang bao vây và nói «Nè, lính bên Gò sặt đã rượt Ba Tính từ sáng sớm mai tới giờ, gần bắt được, kế nó vô rừng. Vậy mấy đứa bây phải cẩn thận kẻo để nó chạy mất. Canh giữ cho kỹ. Tao còn đi dặn tóp khác.
Nói rồi bỏ đi. Thế là Tính ung dung thoát nạn.
Sanh nghề tử nghiệp
Lâu nay làng xã, cò bót không bắt được Tính nên chánh phủ ở Nam vang treo giải thưởng 4000 đồng cho ai bắt được Tính đem nộp hoặc điềm chỉ bắt được Tính. Khi giải thưởng công bố, dân chúng nghĩ chánh quyền chịu thua Tính và càng tin Tính có thần thông nay đây mai đó, nên không ai biết đâu mà lần.
Mấy tháng qua mà giải thưởng vẫn còn nguyên. Bổng chánh quyền được tin Tính nay có nhiều tiền và vàng bạc nên muốn về các tỉnh Bạc liêu, Mỹ tho tìm nhà thiệt giàu mà đánh một vố cho đáng công, rồi gom tài sản, tìm đường qua Xiêm, đổi tên họ, sống cuộc đời no đủ suốt đời.
Nhà cầm quyền báo tin về các tỉnh ở Nam kỳ dặn hãy lập kế hoạch chận bắt Tính. Dù sao ở Nam kỳ cũng dễ tìm bắt Tính hơn ở Nam-vang và Biển hồ.
Bổng một hôm, ông Quận Giang thành được người mách một bộ tốt cũ của Tính là Trần văn Vạng, bị Tính đuổi nên về nhà ở với cha mẹ. Ông Quận liền cho kêu Vạng trình diện và sau đó, đưa qua cho Sếp Mật thám Mỹ tho, ông Rivéra, tra hỏi. Ông Rivéra bèn phối hợp với ông Mossi, Sếp Mật thám Vĩng long, trong kế hoặch tìm bắt Tính.
Lính mã tà và mật thám được rải mỏng khắp chợ Mỹ tho từ hôm 16/7/1924 nhưng vẫn chưa tìm thấy dấu vết gì của Tính. Qua ngày 19/7, sáng chủ nhựt, hai mật thám đi rảo chợ Mỹ tho với Vạng trong lúc nhiều toán khác đi lùng bờ sông, cầu tàu...Bổng Vạng kéo một mật thám nói nhỏ «Kìa hai người trong tiệm vừa ra đàng kia là tay chơn ruột của Tính đó».
Nghi có vẻ như bị lộ, hai tên đó vội bỏ đi mau về bến tàu. Hai mật thám cũng bám theo sát. Vừa thấy một tên nhảy xuống ghe, nhổ sào, viên mật thám la lớn, móc súng bắn báo động. Tên này bị bắt. Tên nọ thoát chạy, nhảy đại lên một chiếc tàu vừa nhổ neo nhưng cũng bị viên mật thám thứ hai bắt được.
Hai người này, một là Nguyễn văn Nam, tục danh là Chí, anh ruột của Tính, người kia là Huyên, bộ hạ thân Tính. Trên ghe của họ có một cậu trẻ chừng 15 tuổi, một người đàn bà và 2 đứa nhỏ. Cả ba là vợ con của Nam. Cậu nhỏ 15 tuổi là nội ứng do mật thám gài từ mấy tháng nay, có tin về Tính, mà còn không bắt được Tính.
Tra hỏi Nam và Huyên để biết Tính đang ở đâu nhưng cả hai đều không nói. Thằng nhỏ liền chỉ Tính đang neo ghe ở bên kia sông, về phía tỉnh Bến tre. Thế là, mật thám và mã tà liền tủa ra để vây bắt Tính.
Bọn Tính thường đi bằng hai chiếc ghe cui (ghe ngắn, mũi lái bằng nhau, loại chở đồ), mui dài, giống nhau, còn kéo theo chiếc ghe lườn nhẹ chèo để phòng khi xáp trận.
Tính thấy sao nay đi chợ lâu quá, không biết có chuyện gì hay không ? Bổng thấy dạng chiếc ghe đi chợ đang chèo về. Tính lấy ống dòm nhìn cho kỹ. Thấy co vẻ đúng nó, mà sao người chèo như không phải ? Còn chừng 300 m thì chiếc ghe ấy như chậm lại để chiếc ghe khác lước qua và chận ngang ghe của Tính. Biết có chuyện rồi. Tính vội nhảy qua ghe lườn, lấy súng, nạp đạn vào. Vừa lúc đó, mã tả núp trong ghe cũng vừa xuất hiện. Họ không dám bắt sống Tính vì sợ bị thiệt hại nặng.
Hai bên bắn nhau. Tính rú lên «Chết tao rồi !». Và Tính quị xuống lườn ghe, đúng chổ trước kia bị mã tà bắn lủng một lổ. Tính đẻo một thanh gỗ vừa cái lổ thủng, lây một miếng vàng lá quấn thanh gỗ, đóng bít lổ thủng. Tính làm như vậy vì thương chiếc ghe đã theo sát Tính từ mấy năm nay.
Lính qua chiếc ghe lườn của Tính, lục soát, chỉ thấy có 2 thùng vàng, nữ trang, ước chừng 10 kí-lô. Tiền mặt không có bao nhiêu.
Tính chết! Không biết người đời phán xét Tính là anh hùng hảo hớn hay chỉ là tướng cướp bình thường?
Nguyễn thị Cỏ May