Hôm nay,  

Văn Học Nghệ Thuật và Bạo Lực

28/02/202000:00:00(Xem: 3313)
1) Iris Murdoch writing at her Oxford home in 1958
Iris Murdoch ở bàn viết tại nhà Bà ở Oxford

 

Có lẽ ít ai hiểu rõ bạo lực chuyên chính đối xử như thế nào với các thành phần văn nghệ sĩ trong xã hội hơn dân tộc Việt Nam. Có biết bao trí thức văn nghệ sĩ là nạn nhân của cái-gọi-là “văn nghệ vô sản,” “hiện thực xã hội chủ nghĩa,” v.v… Những tên tuổi hay được nhắc đến trong sách vở có lẽ chỉ là phần nổi của tảng băng sơn. Mọi sáng tác đi chệch ra khỏi đường lối chính trị của Đảng Cộng sản đều bị quy kết là đồi trụy, dâm ô, tư sản, phản động…và tác giả phải nhận lãnh những số phận không hay, đời sống khốn đốn, thậm chí tù đầy, giết chóc.

 

Văn học nghệ thuật và bạo lực như nước và dầu, không bao giờ có thể trộn chung, hòa hợp. Nhưng bạo lực không hẳn đến từ nhà tù và súng đạn, ngày nay nó thể hiện dưới nhiều hình thái, bộ mặt khác, mà nếu quan sát tường tận, chúng ta sẽ thấy nghệ thuật có nguy cơ biến dạng thành cái gì không ai nhận diện được nữa và càng lúc càng xa rời thiện chân thiện mỹ, vốn là nền tảng thiết yếu gìn giữ con người vẫn là con người.

 

Hai trong số những bộ óc kỳ vĩ của nhân loại thế kỷ XX vừa qua: nhà văn kiêm triết gia Anh, Iris Murdoch, và nhà văn, nhà thơ, nhà soạn kịch Wole Soyinka, người Nigeria, cả hai đều có những viễn kiến sắc bén, khả dĩ giúp chúng ta có cái nhìn sâu rộng hơn về vấn đề này. Việt Báo hân hạnh gửi đến quý độc giả một vài nhận định khái quát về văn chương nghệ thuật trong bối cảnh đương đại, của hai tác giả lỗi lạc đó qua phần chuyển ngữ và giới thiệu của dịch giả Trịnh Y Thư.

 

*

 

Iris Murdoch: Chữ nghĩa sẽ cứu rỗi chúng ta

 

2019_28_iris_murdoch
Nhà văn kiêm triết gia Anh, Iris Murdoch

 

 

*

 

“Ngày nay, sáng tạo là một thao tác đầy hung hiểm,” nhà văn Albert Camus đã viết như thế vào những năm cuối thập niên 50, khi ông suy nghĩ về vai trò văn nghệ sĩ như một tiếng nói phản kháng. Nhà văn W.H. Auden phía bên kia Đại Tây Dương cũng bảo rằng, “Ở thời đại chúng ta, sáng tạo một tác phẩm nghệ thuật, chính nó đã hàm chứa một ý thức chính trị rồi.” Thực tại không mấy khoan nhượng của văn hóa con người đã gây sốc và làm chao đảo gần như bất kỳ văn nghệ sĩ nào ấp ủ hoài bão sử dụng điểm tựa nghệ thuật của mình như một phương tiện nâng xã hội tiến bộ cao hơn, nhưng đó là sự thật cơ bản của bất cứ thời đại, bất cứ xã hội nào. Nửa thế kỷ sau Camus và Auden, Chinua Achebe, trong một cuộc đối thoại với nhà văn James Baldwin, đã nói rành rọt về bản chất không hay ho của sự việc này như sau:

 

“Kẻ nào bảo bạn, ‘Đừng đem chính trị quá nhiều vào nghệ thuật,’ kẻ đó đã không lương thiện. Nếu xét nét cẩn thận, bạn sẽ thấy họ đồng dạng với những kẻ hoàn toàn vui sướng, thỏa mãn với cái đang là…  Điều họ muốn nói chỉ là, hãy đừng đảo lộn cái hệ thống ấy lên làm gì.”

 

Iris Murdoch (1919-1999) là một triết gia hiếm hoi với ngòi bút của thi sĩ, một trong những khối óc sắc bén nhất của nhân loại thế kỷ vừa qua. Bà tìm hiểu vai trò của nghệ thuật như một kháng lực nhằm chống lại chính trị chuyên chế, áp bức bạo tàn của nhà nước [1].

 

Hai thập niên sau khi nhà nước Cộng sản Xô Viết ép buộc nhà thơ Boris Pasternak phải từ chối, không nhận giải thưởng Nobel Văn chương, Murdoch đã viết như sau:

 

Các nền chính trị chuyên chế đều sợ hãi nghệ thuật bởi chuyên chính thì muốn kỳ bí hóa sự vật trong khi nghệ thuật lại có xu hướng làm sáng tỏ. Nghệ sĩ chân chính là kẻ biết đưa ra ánh sáng sự thật, nếu không có hắn tách bạch thì những ý tưởng kia sẽ mãi mãi nằm trong bóng tối mù mờ, hắn cũng chú tâm vào những sự kiện mà sau đó không ai có thể lãng quên hay bỏ qua. Chuyên chính xử tội nghệ sĩ bằng cách bóp nghẹt tiếng nói của hắn, hay tìm cách bôi nhọ và hạ giá hắn xuống, hay mua chuộc hắn. Xưa cũng như nay đây là cái gì đã và đang xảy ra.”

 

Cùng quan điểm với Baldwin, “xã hội thì muốn bình ổn, nhưng nghệ sĩ thì phải biết, và hắn phải cảnh báo cho chúng ta biết, rằng không có gì bình ổn dưới bầu trời này,” bà Murdoch nói thêm:

 

Suốt chiều dài lịch sử, cứ ít lâu chúng ta lại thấy nghệ sĩ có xu hướng biến thành nhà cách mạng hoặc ít nhất hắn là một khí cụ thúc đẩy sự thay đổi, đến mức hắn nghiêng nhiều hơn về một nhà tư tưởng nhạy bén và độc lập, với một công việc nằm ngoài cương tỏa của thiết chế xã hội.”

 

Nhân nhắc lại chuyện người ta đem e.e. cummings ra lăng mạ sau khi ông nhà thơ làm cách mạng bằng cách rũ bỏ truyền thống để thổi khí hậu cách tân vào văn học Mỹ, Murdoch vạch ra cho chúng ta thấy rằng nghệ thuật là chất xúc tác thúc đẩy cách mạng văn hóa và ý thức hệ bằng cách tự lột xác chính hình thức nghệ thuật:

 

Một trong những động lực thúc đẩy nghệ thuật thay đổi luôn luôn là cảm quan về sự thật của chính nhà nghệ sĩ. Nghệ sĩ là kẻ phản kháng lại chính truyền thống của hắn, hắn cảm thấy nghệ thuật truyền thống kiểu cách, cứng nhắc và tha hóa… Bởi quá to lớn nên nó chỉ còn một nửa sự thật.”

 

Ngoài sự can thiệp thô bạo của chính trị và ý thức hệ vào nghệ thuật, Murdoch còn nhắc nhở chúng ta rằng máy móc kỹ thuật hiện đại cũng là “kẻ thù của nghệ thuật.” Phản ứng lại khí hậu chính trị của một thực tại ảo, với một liều lượng thông tin khủng khiếp tuôn ra ào ạt, bà viết như sau:

 

Một xã hội nghiêng nặng về kỹ thuật, tuy không hoàn toàn có chủ ý xấu, đã gây xáo trộn cho nghệ thuật sáng tạo bởi nó tấn chiếm vai trò của nghệ sĩ và biến đổi quan điểm nghệ thuật bằng cách không ngừng sản xuất ra những món vật không phải nghệ thuật, mà chỉ đôi khi mô phỏng nghệ thuật. Máy móc kỹ thuật đánh cắp công chúng của nghệ sĩ bằng cách phát minh ra những hình thức không hẳn là  nghệ thuật nhằm mục đích giải trí, tiêu khiển hầu thu hút sự chú ý của công chúng, nó là một đường lối cạnh tranh thi đua nắm bắt thế giới.”

 

Nói cách khác, máy móc kỹ thuật càng tinh xảo nghệ thuật càng bị lu mờ, nhà nghệ sĩ chân chính càng mất chỗ đứng.

 

Nghệ thuật hay là nghệ thuật có khả năng phô diễn và diễn ngôn trọng tâm của thực tại, của ý thức bằng một phương thức chuẩn xác hơn cả khoa học và triết học.

 

Về nghệ thuật chữ nghĩa, Murdoch viết:

 

Chữ nghĩa là nền tảng cơ bản cho hữu thể đạo lý con người chúng ta, bởi chữ nghĩa là cái gì đẹp đẽ, tinh tế và chi tiết nhất. Nó cũng là biểu tượng thông dụng và thông hiểu phổ quát nhất, chúng ta sử dụng nó để biểu hiện chính chúng ta. Sau khi là sinh vật biết nói, chúng ta mới trở thành sinh vật tinh thần. Sự khác biệt là ở chữ nghĩa. Chữ nghĩa chính là tinh thần.”

 

Murdoch tin tưởng nhiệt tình vào giá trị đích thực của chữ nghĩa, bà bảo chữ nghĩa là nơi chúng ta sống như một con người và như một đại biểu cho đạo lý và tinh thần. Thậm chí, đi xa hơn thế, bà nghĩ nhân loại chỉ có một nền văn hóa mà thôi, một nền văn hóa với chữ nghĩa làm cơ bản.

 

Cả nghệ thuật lẫn triết học đều luôn luôn tìm cách tái tạo bằng cách quay trở lại những phạm trù sâu thẳm, hiển nhiên, và rất đỗi bình thường về hiện hữu con người, để từ đó một diễn ngôn mới, một minh triết mới, một suy nghiệm mới ra đời. Hãy cầu mong khoảng đất này ở lại với chúng ta thật lâu dài, nó là mảnh đất của tự do và nghệ thuật. Một nghệ sĩ lớn, giống như một vị thánh, là người khiến tinh thần chúng ta dịu xuống bằng sự minh đạt giản dị của hắn, hắn nói cùng một giọng với Homer, với Shakespeare, với Phúc Âm. Đây là ngôn ngữ loài người, mà mỗi lần đặt bút viết, như một nghệ sĩ hay chỉ đơn thuần là kẻ viết chữ về bất kỳ điều gì, chúng ta nên cố gắng hết sức mình sao cho xứng đáng.”

 

Một lời khuyên chí thành của một người sống suốt đời vì chữ nghĩa và nghệ thuật: Iris Murdoch.

 

 

 


 

Wole Soyinka: Cái mặt nạ đang biến đổi của sự khiếp sợ

portrait-photograph-of-wole-soyinka
Nhà văn, nhà thơ, nhà soạn kịch Nigeria, Wole Soyinka, sinh 1934, Nobel Văn chương 1986.

 

 

*

 

Tôi tự đặt mình vào thời điểm cuối thập niên 70, lúc đó, tại Học viện Nghệ thuật Đương đại London, tôi có bài thuyết giảng nhan đề “Những Thời tiết của Nghệ thuật.” Trong phần dẫn nhập, tôi thú nhận như sau:

 

Dĩ nhiên, tôi có chủ ý riêng khi đặt nhan đế ấy. Tôi muốn kích hoạt những phạm trù liên tưởng khác như ‘thời tiết của khiếp sợ,’ ‘thời tiết của khủng bố’ trong tư duy mà không cần phải vận dụng đến cố gắng ý thức đáng kể nào.”

Suốt bài giảng, những biến tấu của nhan đề loạt bài hiện tại xuất hiện chí ít năm sáu lần. Khởi điểm của tôi, khu vực quan tâm chính của tôi vào lúc đó, là vận mệnh của nghệ thuật – và nhà nghệ sĩ – dưới ách thống trị của các chế độ đang bành trướng cai trị đất nước mình bằng cách nhồi nhét nỗi sợ sệt, khiếp hãi vào lòng con người, đặc biệt nhất là trên lục địa châu Phi – nói theo ngôn ngữ đời thường, nó là nỗi khiếp sợ khi nghe “tiếng đập cửa lúc nửa đêm.” Bắt bớ vô tội vạ. Mất tích. Tra tấn như một thông lệ chứ không phải ngoại lệ. Thậm chí, có những trò man trá sống chết mặc bay nhằm sửa đổi hình luật tố tụng, qua đó, kẻ phản kháng chính trị trong nước thấy mình như lọt vào cảnh huống không lối thoát, một ác mộng như trong tiểu thuyết Kafka, không kết cục, không đoạn cuối ngoại trừ đoạn cuối sợi dây thòng lọng đang chờ đợi mình. Kẻ bị kết tội có thể không hay biết tí gì về tội trạng của mình. Nhiều thập niên sau bài thuyết giảng, thế giới cay đắng nuốt vào bản án treo cổ của nhà tranh đấu Nigeria Ken Saro-Wiwa và tám đồng bạn của ông sau vụ xử đầy bất công và phi lý – phần nhiều bởi ông là nhà văn, nhưng cũng bởi lý tưởng của ông, lý tưởng bảo vệ sinh thái, vốn đã trở thành đề tài thế giới đang quan tâm.

Vào thời điểm tôi đưa ra bài thuyết giảng, Nigeria, cứ sở chính trị cận kề nhất của tôi, đang rúng động bởi bản án tử hình ba thanh niên bị xử theo luật hồi tố – nói cách khác, tội của ba người trẻ tuổi, tội buôn bán ma túy, theo sắc luật ban hành lúc đó không phải là đại phạm mang án tử hình. Hành vi sát nhân coi thường công luận đó có một mục tiêu – gieo nỗi khiếp sợ vào lòng người dân bằng cách cố ý bóp nghẹt những nguyên tắc cơ bản nhất của công lý. Và cứ thế, cứ thế tình trạng đó tiếp diễn. Biến cố này ở Nigeria vắt ra từ con người tôi hai vở kịch – Tai họa của nhà Hyacinth viết cho radio và Tình yêu từ Zia viết cho sân khấu – biến cảnh đó đã không ngớt rạch nát tâm thức tái tạo trong tôi. Tôi không phải là kẻ duy nhất. Cả nước bị chấn thương trầm trọng. Pháp trường xử tội bọn cướp của, bình thường có không khí hội hè, kẻ mỉa mai gọi là sô Bờ Biển Quán Rượu, nghe nói hôm đó bỗng khoác bộ mặt nghiêm trọng bất thường. Không ai trong đám đông dự kiến được chuyện gì sẽ xảy ra, họ tự thuyết phục để tin vào lời đồn đại chủ ý của tập đoàn độc tài quân phiệt chỉ là màn dàn dựng trò chơi đố với mục đích hù dọa mấy tên lỏi buôn bán ma túy và vào phút chót họ sẽ tuyên bố đình hoãn vụ xử bắn. Thay vì đồng thanh lớn tiếng nhạo báng bọn tử tội lúc chúng bị điệu ra pháp trường, đám đông chuẩn bị hoan hô lúc lệnh đình hoãn được công bố. Nhưng khi những nghi thức như lễ rửa tội, lấy khăn bịt mắt và những thủ tục khác vẫn đều đặn tiếp diễn thì đám đông bấy giờ mới bất ngửa ra và hiểu rằng bản án vẫn đang được răm rắp thi hành mà không hề có sự ân hận nuối tiếc nào. Từ đám đông liên tiếp vọng ra những tiếng kêu thất thần thất thanh như “Ồ, không thể như thế được.” Vụ xử bắn kết thúc, pháp trường bỗng im phăng phắc, đám đông không thể nào tin nổi những gì họ vừa chứng kiến; thế rồi từ từ họ tản mát ra về, trong lòng bị sốc nặng và nản chí vô cùng. Tập đoàn độc tài không tiên liệu được phản ứng của đám đông. Không lâu sau đó, có lệnh bãi bỏ xử tử ngoài công cộng và, sau khi tập đoàn độc tài đó bị lật đổ bởi tập đoàn khác, bản án trên được thu hồi.

Tuy thế, trong suốt thời gian chế độ đó tồn tại, không có gì phải nghi ngờ: lần đầu tiên trong quá trình lịch sử nền độc lập ngắn ngủi của mình, gần như toàn thể quốc gia Nigeria bị rơi vào nỗi khiếp sợ bao trùm, cùng khắp. Câu hỏi trong trí óc mỗi người giản dị là: họ còn khả năng làm những gì nữa, sau những hành vi mà ngay cả những thành phần mềm dẻo nhất cũng phải công phẫn? Đó là câu hỏi chúng ta đặt ra trong cố gắng thấu hiểu điều dị biệt giữa quá khứ và hiện tại, sự biến dạng của cái áo khiếp sợ chúng ta đang mặc ở thời điểm này. Mỗi lần có vụ tấn công nào khiến cảm giác an ninh địa phương hoặc toàn cầu của chúng ta bị xâm phạm, ngay lúc đó câu hỏi thừa thãi được đặt ra là: Cái gì sẽ xảy ra nữa đây? Nơi đâu? Cách nào? Các giới hạn hoặc tự chế không còn được tôn trọng nữa sao?

 

Những bạo hành xảy ra trên lục địa Phi châu thập niên 70, thập niên 80 lặp lại, có lẽ với mức độ hung hãn bạo tợn hơn. Ở Mỹ châu, nơi những cụm từ rùng rợn như desaparesidos [2], đội sát thủ hữu phái, ủy viên bảo vệ phong hóa do nhà nước bảo trợ, vân vân, trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Nicaragua, Chile, Argentina, Panama. Iran dưới SAVAK. Nam Phi thời kỳ kỳ thị màu da dưới BOSS. Sự khiếp sợ gần như là sản phẩm độc quyền của nhà nước, ngoại trừ, dĩ nhiên, trường hợp có thêm bàn tay đàn áp của bọn hữu khuynh tự nguyện giúp vào, như ở Mỹ châu La-tinh. Giữa những chính quyền hữu phái và bộ máy cai trị hữu hiệu của nhà nước Cộng sản, không có sự khác biệt nào. Hungari, Albania, Đông Đức, Bungari, vân vân. Di dân từ những thiên đường mộng tưởng này chẳng khác gì nạn nhân của chế độ kỳ thị Nam Phi – cả hai, một chiến bại, một vẫn hăng hái và biết chung sức – đi khắp năm châu để tìm kiếm sự trợ giúp từ bên ngoài và tạo tình đoàn kết. Biết bao nhiêu lần, con đường chúng ta đi – con đường của những người sáng tạo – đưa đẩy chúng ta đến chỗ gặp nhau, và dẫn đến câu hỏi khẩn thiết: Làm cách nào sự sáng tạo tồn tại dưới ách thống trị chuyên quyền như thế? Làm cách nào Nghệ thuật tồn tại giữa thời tiết của khiếp sợ? Ngày nay, cứ sở của sợ hãi trở nên rộng lớn hơn nhiều chứ không thu hẹp như trước nữa.

 

Tôi muốn tin là tất cả chúng ta đều đồng ý trên cơ bản cái gì đưa đến khiếp sợ. Nếu không, chí ít, chúng ta có thể tìm ra điểm đồng thuận về những dấu hiệu của nó, nhận biết khi nào sự khiếp sợ gây phương hại lên cá nhân hoặc cộng đồng. Chắc chắn chúng ta đã học qua bài học liên đới cảm giác khiếp sợ với sự mất mát to lớn trong khả năng chủ động quen thuộc. Ý thức tự do, hay đúng hơn, những điều thường nhật hiển nhiên trong đời sống bình ổn, bỗng chốc co rút lại một cách tệ hại. Cẩn trọng và tính toán thay thế cái bình thường của đột phát hay thường nhật. Chuyện trò bình thường, thậm chí giữa người thân trong gia đình, biến thành lời thì thào. Chọn lựa trở nên giới hạn. Người ta đề phòng nhiều hơn, không dám đột xuất, làm gì cũng tính toán hơn thiệt. Một thủ phạm hiếp dâm rình rập trong xã hội. Một thủ phạm say mê giết người gieo rắc khủng bố cho cả một cộng đồng – như mới xảy ra cách đây không lâu ở bang Maryland, nước Mỹ, thầy trò hai gã đàn ông, một già một trẻ, gây tê liệt cho cả bang bằng cách núp bắn người vô tội ngoài đường sá.

 

Đời sống đang bình ổn đột nhiên bị cắt ngang như thế tạo cảm giác bất an trong lòng con người, nó khác với cảm giác gây nên bởi chiến tranh, thị trấn mình đang sống bị bao vây. Thậm chí, cho dù bom đạn, hỏa tiễn không ngừng rơi như mưa xuống đầu dân chúng, vẫn còn tồn tại ít nhiều không gian cho sự chủ động do quy luật của chiến tranh, do đó, sức mạnh nội tại không đến nỗi cạn kiệt vốn thường hay đi kèm với cảm giác bất lực. Trong trường hợp của bang Maryland, hai tên sát nhân đã thành công trong việc biến sự khiếp sợ thành động lực khống chế lên cả một đám đông. Sức mạnh vô danh đó làm tê liệt trường học, cơ quan công tư và đảo lộn nếp sống bình thường. Cha mẹ phải đưa con em đến tận lớp học, lo lắng nhìn trước nhìn sau. Hiển nhiên, suốt thời gian vụ bắn xảy ra, hai thủ phạm vô danh này bị mọi người oán trách thậm tệ, thậm chí giận dữ nữa, nhưng sản phẩm thông thường nhất của giai đoạn đó là nỗi khiếp sợ, sợ mà không biết trút vào đâu. Một khía cạnh đáng ghi nhận của nỗi khiếp sợ phủ trùm này là sự mất mát, ở bình diện nào đó, ý thức tự tại của con người: một phần bản ngã bị tước đoạt, một mức độ ý thức, và điều này thậm chí có thể đưa con người đến chỗ sút giảm lòng tự trọng – một cách ngắn gọn hơn, mất cả phẩm cách con người. Không phải bao giờ điều đó cũng đúng, và mỗi lần như thế lại cho chúng ta thêm cơ hội đánh giá sự khác biệt trong những cảnh huống khác nhau mà qua đó tính cách đặc trưng của lòng khiếp sợ hiện rõ.

 

 

Chú thích:

 

[1]  Bài diễn văn của triết gia Iris Murdoch đọc trước cử tọa Viện Hàn lâm Văn học Nghệ thuật Hoa Kỳ, năm 1972, được in chung với nhiều tiểu luận đặc sắc khác trong cuốn Existentialists and Mystics: Writings on Philosophy and Literature, xuất bản sau khi bà qua đời.

 

[2]  Desaparecidos: Những người vô cớ mất tích.

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chiều thứ Bảy, 13/4/2024, tại hội trường Nhật báo Người Việt, Quận Cam, đã có một sự kiện văn học đáng chú ý. Đó là buổi Ra Mắt Sách (RMS) của nhà văn Đặng Thơ Thơ với cuốn tiểu thuyết mới nhất của chị, “Ai”...
Nhà văn, nhà thơ Viên Linh (1938-2024) vừa ra đi. Ông tên thật là Nguyễn Nam, sinh ngày 20/1/1938 tại Hà Nam, từ trần ngày 28/3/2024 tại Virginia, Hoa Kỳ, hưởng thọ 86 tuổi. Bài viết này để đưa tiễn nhà thơ Viên Linh, người mà tôi hân hạnh có nhiều năm thân cận tại Quận Cam, California. Tôi thuộc thế hệ sau nhà thơ Viên Linh rất xa, nên những gì biết và tương tác với nhà thơ chỉ là một góc nhìn. Tôi hân hạnh được gọi nhà thơ Viên Linh là "anh" theo thói quen giao tiếp trong giới văn nghệ, cũng như tôi đã gọi anh Mai Thảo, anh Nhật Tiến, anh Nguyễn Mộng Giác, anh Trần Dạ Từ, chị Nhã Ca... trong những buổi gặp nhau ở Quận Cam. Thật sự họ cách biệt tôi rất nhiều, vì họ đã hiện ra như các ngọn núi huyền thoại của văn học Miền Nam trước 1975. Và tôi đã có cơ duyên làm người bạn trẻ của họ. Và cũng là người viết các bản tin về họ, vì tôi phụ trách mục tin tức trên tờ Việt Báo. Trong các bài viết hay bản tin trước giờ về Viên Linh, đôi khi tôi gọi Viên Linh là anh, đôi khi gọi là ông.
Nhà thơ Viên Linh ra đi trong Tháng Ba, nhưng tang lễ của ông diễn ra trong Tháng Tư. Ừ nhỉ, Tháng Tư! Bây giờ đã bước vào Tháng Tư. Tháng Tư đối với người Việt Nam chứa đầy ký ức thương đau! Đất nước thay ngôi đổi chủ. Hàng hàng lớp lớp người bị đẩy vào các ngục tù khổ sai trên khắp nước. Hàng triệu người bị đuổi khỏi nhà cửa vườn tược để đi tới những “vùng kinh tế mới” xa xôi, lạ hoắc, những nơi “khỉ ho cò gáy.” Hàng trăm ngàn người bỏ nước ra đi, lên núi, xuống biển để tìm lẽ sống trong cái chết bi hùng! Đúng như nhà thơ Viên Linh đã viết, “Tháng tư máu chảy một trời sương tan.”
Cùng một thời điểm làm “Thơ Tình”với Đinh Hùng và Vũ Hoàng Chương, nhưng có một cái gì rất khác với hai thi sĩ này. Thanh Tâm Tuyền mở ra cho chúng ta một trang Thơ Tình rất lạ, rất khác, rất kén độc giả nhưng vô cùng quyến rũ. Nhân kỷ niệm ngày qua đời của Thi Sĩ Thanh Tâm Tuyền, tôi muốn nói về 2 bài Thơ trong số những bài Thơ tôi yêu thích của Thanh Tâm Tuyền...
Vòng Tay Học Trò là tác phẩm tiêu biểu của nữ văn sĩ Nguyễn Thị Hoàng, được đăng nhiều kỳ trên tạp chí Bách Khoa năm 1964. Tác phẩm được công chúng nồng nhiệt đón nhận và theo đó cũng hứng nhiều luồng ý kiến khác nhau, càng làm cho tác phẩm nổi tiếng hơn. Chính vì vậy, từ khi xuất hiện, tác phẩm đã gây được tiếng vang lớn, làm xôn xao dư luận trong giới chuyên môn và công chúng độc giả. Hàng chục năm sau, lúc chúng tôi còn nhỏ, chưa đọc tác phẩm đã thuộc tựa đề vì Vòng Tay Học Trò gắn liền với tên tuổi tác giả. Nói đến Nguyễn Thị Hoàng người ta nhớ đến Vòng Tay Học Trò...
Nhà sư, nhà thơ, nhà thư pháp Thích Nhuận Tâm cho biết sau khi thầy hoàn tất Lớp hướng dẫn thư pháp tại Huntington Beach, California cuối tuần này, Thầy sẽ bay sang Houston, Texas để sẽ hướng dẫn một lớp thư pháp dự kiến sẽ mở ra tại Tịnh Xá An Nhiên ở Houston.
Bài thơ Lời tình buồn được nhạc sĩ Vũ Thành An phổ nhạc năm 1967, khi nhạc sĩ và thi sĩ Chu Trầm Nguyên Minh cùng đang theo học lớp Sĩ quan tại quân trường Lam Sơn, Đồng Đế, đến nay đã trở thành một trong những ca khúc vượt thời gian, được thể hiện qua những giọng ca: Tuấn Ngọc, Khánh Ly, Bằng Kiều…
Trong một bối cảnh đất nước nhiễu nhương, hỗn loạn, nhà văn thường đóng một vai trò quan trọng bằng cách sử dụng ngôn từ của mình để phản ánh, phê bình, truyền cảm hứng và đôi khi thậm chí thách thức hiện trạng. Trong suốt chiều dài lịch sử, nhà văn phản ứng với những biến động khác nhau, cho dù đó là xã hội, chính trị hay văn hóa...
Tết và Xuân, Xuân và Tết, thời điểm kỳ lạ trong một năm. Vừa trông chờ vừa mong đừng đến. Vừa lưu luyến rét đông vừa háo hức xuân ấm. Vừa khép kín đoàn tụ gia đình vừa chan hoà xôn xao lễ hội. Vừa lặng lẽ hoài niệm chuyện riêng tư vừa hân hoan cùng nhau “nâng chén ta chúc nơi nơi”...
Nhà hiền triết người Ấn Độ Jiddu Krishnamurti (1895-1986) qua đời vào ngày 17 tháng 2 năm 1986 tại Ojai Valley, Quận Ventura, Nam California, Hoa Kỳ, nơi ông đã chọn làm quê hương thứ hai từ năm 1922 cho đến khi ông mất, dù ông không ở đó thường trực. Tính đến tháng 2 năm nay, 2024 đã tròn 38 năm kể từ ngày ông lìa bỏ trần gian. Krishnamurti là một trong những nhà hiền triết có sức ảnh hưởng rất lớn đối với nhân loại trong thế kỷ 20. Cuốn “The First and Last Freedom” của ông được Giáo sư Phạm Công Thiện dịch sang tiếng Việt từ trước năm 1975 ở Sài Gòn với tựa đề “Tự Do Đầu Tiên và Cuối Cùng” là một trong những cuốn sách tôi rất yêu thích đọc từ thời còn niên thiếu. Nhân tìm đọc lại một số bài giảng và bài viết của Krishnamurti, tôi tình cờ gặp được bài thơ “Song of the Beloved” (Bài Ca Về Người Yêu), nhưng không thấy ghi ông đã làm từ bao giờ. Có lẽ bài ca này ông làm vào những lúc về nghỉ ngơi tịnh dưỡng ở Ojai, vì bài đó nói lên lòng yêu thích thâm thiết của ông đối với thiên nhiên,