LTS. Tiến sĩ Bruce T. Vu -Vũ Thành Long- là khoa học gia gốc Việt được NASA vinh danh trong năm 2002 về công trình sửa soạn cho thế hệ phi thuyền con thoi tương lai. Hiện nay, ông đứng đầu một nhóm khoa học gia ở trung tâm NASA-Kennedy, nghiên cứu về việc giảm độ rung và tiếng ồn khi phóng phi thuyền. Với bút hiệu Bùi Thanh Liêm, Dr. Bruce Thanh Vu cũng là tác giả được trao tặng giải danh dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ nhất và mới đây, ông là diễn giả danh dự trong buổi họp mặt Viết Về Nước Mỹ 2002.
Sáng hôm nay, như thường lệ mỗi khi có phi thuyền đáp trở lại trung tâm vũ trụ Kennedy, tôi chờ đợi nghe 2 tiếng nổ khi tàu con thoi phá vỡ bức tường âm thanh vài phút trước khi hạ cánh. Theo thời khoá biểu, hôm nay tiếng nổ đó sẽ vang lên khoảng 9 giờ 16 phút.
Đến 9 giờ, tôi mở máy điện toán ở nhà, nối mạng vào hãng hoài không được, thì đúng lúc đó điện thoại trong nhà reo vang. Bên kia đường dây là giọng của Đào, vợ tôi:
"Anh có nghe tin gì chưa" NASA mất liên lạc với space shuttle rồi!"
"Cái gì""
Tôi hỏi qua loa vài câu rồi cúp máy để mở TV lên xem, trong đầu tự nhủ chắc có thể liên lạc bị mất là do thời tiết xấu, nhưng tại sao lại mất ngay lúc này, khi quá gần giờ hạ cánh"
Trên màn ảnh, đài truyền hình CNN chiếu rõ một vệt khói quét dài một đường trên bầu trời, ngay phía đầu của vệt khói là một chấm nhỏ, chấm nhỏ đó loé sáng lên, rồi chia ra làm 2 chấm, rồi nhiều chấm hơn. "Ôi thôi, không còn nghi ngờ gì nữa, tàu Columbia bị nổ trên không rồi!" Tôi tự nhủ trong đầu. Gai ốc tự nhiên nổi cùng mình. Hình ảnh tàu con thoi Challenger bị nổ tung trên không trung lúc mới rời bệ phóng xảy ra khoảng 17 năm về trước lại hiện ra, rõ mồn một.
Sáng hôm nay là sáng mùng một Tết Quý Mùi, theo dự định tôi sẽ gọi điện thoại cho bạn bè và người thân trong gia đình để chúc Tết. Tôi đè nén xúc động và gọi điện thoại chúc Tết. Tin tức còn nóng hổi quá cho nên không ai hay biết gì, sau vài lời chúc Tết tôi cho biết cái bản tin sét đánh đó, người nghe vội xin cúp máy để mở đài truyền hình lên xem. Tôi cố hoàn tất thủ tục đầu năm cho có lệ, rồi dán mắt vào màn ảnh để nghe các nhà khoa học lẫn chính trị phân tích và phỏng đoán lý do đưa đến tai nạn.
Một trong những giả thuyết được đưa ra là có bàn tay của bọn khủng bố nhúng vào, vì trong sứ mệnh của tàu Columbia lần này có một phi hành gia gốc Do Thái.
Khủng bố làm nổ Columbia" Bằng cách nào"
Bằng cách bắn hoả tiển, giả thuyết này sai bét! Ở độ cao xảy ra tai nạn, 60 km, không có hoả tiển nào có thể bay tới, chỉ còn cách là bọn khủng bố đặt chất nổ trên phi thuyền. Giả thuyết này cũng khó có thể chấp nhận được.
Tuy không làm việc trực tiếp ở khu vực "Shuttle Processing", nhưng tôi biết rất rõ là quá trình kiểm tra tất cả các hệ thống trọng tải trong phi thuyền rất là chu đáo và an toàn. Đặc biệt trong lần phóng tàu Columbia vừa qua, với sự hiện diện của một đại tá phi công người Do Thái, vấn đề an ninh đã được tăng lên gấp bội. Có thể nói rằng đối với bọn khủng bố, mang bom vào trong máy bay của Air Force One chở tổng thống còn dễ hơn là ở trong phi thuyền con thoi.
Do đó, cuộc điều tra phải được tập trung vào lý do tai nạn. Các nhà điều tra và phân tích gia đi ngược giòng thời gian, coi lại đoạn phim lúc tàu Columbia rời bệ phóng ngày 16 tháng 1 thì thấy có một mảnh nhỏ dùng để cách nhiệt bị rơi từ bình chứa nhiên liệu và va phải bên cánh trái của phi thuyền. Sự kiện này đã được nêu ra trong kỳ họp báo sau chuyến phóng tàu, nhưng giới đại diện văn phòng đường bay vũ trụ cho rằng sự va chạm này không đáng kể vì các mảnh vụn va vào phi thuyền trong khi bay là chuyện thường.