Trong khi Tập Cận Bình như dường khó cục cựa giữa vòng vây bất ổn, bàn tay sắt họ Tập đang cố gắng chứng tỏ cứng rắn hơn.
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Ba trước Liên Hiệp Quốc đã cho biết đang quan sát tình hình TQ ứng xử đối với khủng hoảng Hồng Kông, thúc giục Bắc Kinh phải bảo vệ bầu không khí dân chủ kiểu Anh tại đặc khu này, và nói rằng Hoa Kỳ đang “quan sát kỹ càng” những cuộc biểu tình đòi dân chủ tại Hồng Kông.
Trong khi đó, TQ đang đưa cán bộ vào làm việc trong các công ty tư doanh lớn nhất tại lục địa với cớ là củng cố việc sản xuất kỹ nghệ cao.
Cán bộ tại thành phố Hangzhou, một trung tâm các doanh nghiệp tư doanh ở tỉnh Zhejiang của TQ, sẽ được gài vào 100 công ty trong khu vực, kể cả vào hãng thương mại điện tử Alibaba và hãng sản xuất xe hơi Geely.
Vai tró các cán bộ đại diện nhà nước trong hãng tư được nói là tạo sự truyền tin và giúp các công ty thực hiện các dự án chủ lực.
Trong khi đó, chính khách được ưa chuộng nhất Hồng Kông – tiểu thuyết gia Roy Kwong – đã bị ba người đàn ông đánh bầm dập công khai tới mức phải nhập viện. Người ta tin rằng việc vây đánh công khai ngoài phố là do công an chìm thực hiện để hămd ọa tất cả các đại biểu có khuynh hướng dân chủ tại Hồng Kông.
Một suy luận nữa được đưa ra: tuần sau là một ngày quan trọng của Hoa Lục, ngày 1 tháng 10/2019 là Quốc Khánh 70 năm ngày lập quốc Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc.
Nghị viên Kwong bị một nhóm ba người đấm, đá vào cổ, xương sống, tay chân trong một bãi đậu xe ngoài Wetland Park tại thị trấn Tin Sui Wai lúc 10 giờ sáng Thứ Ba. Người ta thấy một người đàn ông thứ tư đứng gần quay phim vụ đánh hội đồng này, có lẽ là để báo cáo hoàn tất việc đánh đập cho một ai chỉ huy.
Nghị viên Kwong được chở nhập viện, vào phòng cấp cứu, nhưng vẫn có ý thức.
Kwong nói với báo chí sau khi rời bệnh viện vào chiều Thứ Ba: “Trong cương vị dân cử cho người Hồng Kông, bảo vệ Hồng Kông là nhiệmv ụ chính đang của chúng tôi. Nếu bảo vệ người Hồng Kông – các sinh viên, công dân – có nghĩa là chúng tôi bị tấn công, như thế này là một cú xì căng đan quốc tế.”
Gần đây đã có những vụ tấn công các khuôn mặt nổi tiếng trong các cuộc biểu tình. Nghị viên Kwong được dân ưa chuộng đặc biệt năm nay khi ông không mệt mỏi chạy ra các nơi xung đột giữa người biểu tình và cảnh sát để can thiệp cho bình an. Ông là một nhân viên ngành xã hội và cũng nổi tiếng là tiểu thuyết gia loại truyện ngôn tình.
Jimmy Sham, một nhà hoạt động trong tổ chức nhân quyền Civil Human Rights Front, đã bị 2 người đàn ông mang mặt nạ đánh bầm dập trong một tiệm ăn hồi tháng 8/2019.
Davin Wong, lãnh tụ sinh viên ở trường Hong Kong University, mới đây đã bị một người đàn ông mang mặt nạ đánh ở Wanchai.
Trong khi đó, bàn tay CSTQ bắt đầu áp lực các công ty, buộc doanh nghiệp đứng về phía chính quyền làm khó những công nhân biểu tình. Nghĩa là, một số công ty áp dụng chính sách chiều chuộng chính phủ và nói với công nhân rằng, ai biểu tình là sẽ bị sa thải.
Trong ba tháng vừa qua, những ngày cuối tuần của Hồng Kông đầy bom xăng, lựu đạn cay và xô xát ngoài đường phố… Bây giờ, người ta chờ đợi tuần sau là 70 năm lập quốc của CSTQ… Chưa ai hình dung được biểu tình sẽ lớn tới mức độ nào.
Những ngày sắp tới dự kiến sẽ xảy ra một số sự kiện:
--- Thứ Bảy 28/9/2019, kỷ niệm 5 năm những cuộc biểu tình của phong trào dân chủ Cách Mạng Dù 2014, lúc đó người biểu tình mang dù vàng xuống chiếm nhiều nơi trong thành phố liên tục 79 ngày. Người ta dự đoán cuối tuần này sẽ có biểu tình kỷ niệm ở công viên Chater Garden kế bản doanh chính quyền Hồng Kông.
--- Chủ Nhật 29/9/2019, người biểu tình dự định đi tuần hành trong khu thương mại và du lịch ở thị trấn Causeway Bay. Trong khi toàn cầu sẽ diễn hành chống độc tài -- Global Anti Totalitarianism March – tại nhiều thành phố lớn thế giới để ủng hộ người biểu tình Hồng Kông.
--- Thứ Ba 1 tháng 10/2019. Kỷ niệm 70 năm lập quốc Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc. Dự kiến người biểu tình xuống đường ở Hồng Kông trong trang phục áo đen, trong khi chính quyền Hồng Kông tổ chức các buổi lễ nhỏ cho có hình thức. Tuy nhiên tại Bắc Kinh, Chủ Tịch Tập Cận Bình sẽ thị sát diễn binh khổng lồ xuyên trung tâm Bắc Kinh, với quân nhân di hành, vũ khí hiện đại, pháo bông rực rỡ và dân chúng múa hát. Dự kiến các buổi lễ tại Bắc Kinh sẽ lớn ở mức kỷ lục.
Trong khi đó, tại một buổi họp báo hôm thứ Ba 24/9/2019, Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong, bà Carrie Lam bày tỏ mong muốn đối thoại. Bản tin RTI ghi rằnh nhà lãnh đạo Hong Kong họ Lam hy vọng tìm được giải pháp cho tình trạng hỗn loạn hiện nay thông qua đối thoại với người dân một cách hòa bình và hợp lý.
Buổi đối thoại đầu tiên dự kiến bắt đầu vào thứ Năm với sự tham gia của 150 người lựa chọn từ 20.000 người đăng ký. Mục đích đối thoại là trao đổi quan điểm với bà Lam và các quan chức khác. Các cuộc biểu tình quy mô lớn gây chấn động Hong Kong kể từ tháng 6. Người biểu tình phản đối dự luật cho phép dẫn độ nghi phạm sang Trung Quốc đại lục để xét xử. Hồi đầu tháng 9, chính quyền Hong Kong thông báo chính thức rút lại dự luật dẫn độ nhưng người dân vẫn tiếp tục biểu tình.
Các nhà hoạt động dân chủ yêu cầu thành lập một ủy ban độc lập để điều tra việc cảnh sát sử dụng bạo lực đối với người biểu tình. Họ cũng kêu gọi tiến hành bầu cử theo hình thức dân chủ và trực tiếp để chọn ra người lãnh đạo Hong Kong. Họ từ chối tham gia đối thoại, viện dẫn rằng đây chỉ là một biện pháp để trì hoãn đưa ra giải pháp.
Nhiều người nghĩ rằng đối thoại cũng chỉ là hình thức và sẽ chẳng dẫn tới đâu.
Trong khi đó bản tin RFI ghi nhận rằng nhân quyền và các quyền tự do của người dân Hồng Kông liên tục bị hạn chế trong những năm gần đây với bằng chứng mới nhất là dự luật dẫn độ sang Hoa lục. Trong bản báo cáo Chính sách Lằn ranh đỏ của Bắc Kinh ở Hồng Kông công bố ngày 24/09/2019, tổ chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) lên án Bắc Kinh ngày càng gia tăng ảnh hưởng tại đặc khu hành chính thông qua chính sách «an ninh quốc gia».
Trong thông cáo của Ân Xá Quốc Tế, ông Joshua Rosenzweig, phụ trách khu vực Đông Á của tổ chức này, nhấn mạnh: «Từ nhiều năm nay, chính quyền trung Quốc, bắt tay với giới lãnh đạo Hồng Kông, gặm nhấm quy chế đặc biệt mà lẽ ra Hồng Kông được hưởng trong lĩnh vực bảo vệ nhân quyền».
Đánh giá về phản ứng không nương tay của cảnh sát Hồng Kông đối với người biểu tình, ông Joshua Rosenzweig lo ngại Hồng Kông dần dần bị chuyển sang «kiểu chế độ trấn áp giống như ở Hoa lục», đồng thời kêu gọi chính quyền đặc khu «lắng nghe những yêu cầu của hàng triệu người biểu tình và bảo vệ quyền được tập hợp ôn hòa của người dân». Ngoài ra, Ân Xá Quốc Tế yêu cầu chính quyền đặc khu «ra lệnh điều tra độc lập và hiệu quả về hành động của cảnh sát».
Báo cáo Chính sách Lằn ranh đỏ của Bắc Kinh ở Hồng Kông (Beijing’s Red Line in Hong Kong) do Ân Xá Quốc Tế thực hiện dựa trên các cuộc phỏng vấn nhiều nhà báo, các nhà đấu tranh, giảng viên đại học, sinh viên, nhân viên của các tổ chức phi chính phủ.
Trong khi đó, bạo lực ngày càng tăng. Bản tin VOA cho biết rằng người biểu tình Hong Kong hôm 22/9 giẫm đạp lên quốc kỳ Trung Quốc, phá hoại một ga tàu điện ngầm và đốt lửa trên một con đường lớn, theo AP. Theo hãng tin Mỹ, cuộc phản đối ban đầu diễn ra ôn hòa khi người biểu tình tiến vào một trung tâm mua sắm. Sau đó, một số người để quốc kỳ Trung Quốc trên sàn và thay nhau giẫm đạp trước khi vẽ lên đó rồi vứt ra ngoài thùng rác bên ngoài và sau đó đẩy thùng rác xuống một dòng sông gần đó.
Theo AP, một nhóm sau đó tấn công ga tàu điện ngầm Shatin nối với trung tâm mua sắm. Họ đập phá máy quay an ninh cũng như đập vỡ màn hình của máy bán vé. Họ sử dụng ô để che giấu danh tính. Cảnh sát chống bạo loạn sau đó tới hiện trường vụ tấn công và bảo vệ ga điện ngầm.
Theo AP, người biểu tình sau đó dựng chướng ngại vật trên con đường gần trung tâm mua sắm rồi sau đó châm lửa đốt. Cảnh sát sau đó sử dụng hơi cay khi họ tìm cách tiến tới người biểu tình
Hồng Kông đang càng lúc càng bất định… Khó ai đoán trước tình hình sẽ diễn ra thế nào.