BIỂN ĐÔNG, VIỆT NAM -- Tình hình Biển Đông ngày càng căng thẳng mà cụ thể gần đây nhất là việc Trung Cộng đòi Việt Nam ngưng khoan dầu ở Bãi Tư Chính là vùng đặc quyền kinh tế của VN, theo bản tin của Đài BBC Tiếng Việt cho biết hôm 19 tháng 9.
Bản tin BBC cho biết chi tiết như sau.
Trung Quốc nói Việt Nam phải chấm dứt các hoạt động khoan tìm dầu khí đơn phương tại Bãi Tư Chính, nơi mà Trung Quốc gọi là Vạn An Than, và có tên tiếng Anh là Vanguard Bank.
Các hoạt động tại vị trí ở ngoài khơi Vũng Tàu này, Bắc Kinh tuyên bố hôm thứ Tư, 18/9/2019, là "vi phạm chủ quyền của Trung Quốc ở Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông)".
Trong cuộc họp báo định kỳ hôm thứ Tư, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Cảnh Sảng lên tiếng bác bỏ các cáo buộc của Việt Nam theo đó nói các tàu nghiên cứu Trung Quốc đã xâm phạm quyền tài phán của Hà Nội ở Biển Đông.
"Việt Nam đã đơn phương tiến hành các hoạt động khai thác dầu khí từ tháng Năm tới nay, và việc này vi phạm nghiêm trọng các quyền và lợi ích của Trung Quốc, đồng thời vi phạm các thỏa thuận song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam," ông Cảnh Sảng nói trong đoạn băng do kênh truyền hình chính thức phát bằng tiếng Anh của nhà nước Trung Quốc, CGTN, đăng tải.
"Theo Điều 5 Tuyên bố về Ứng xử của Các Bên ở Nam Hải (DOC) và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, Việt Nam phải ngay lập tức chấm dứt các hoạt động đơn phương và phải khôi phục hòa bình trong khu vực."
"Trung Quốc sẵn sàng giải quyết các vấn đề liên quan thông qua các tham vấn hữu nghị với Việt Nam," ông Cảnh Sảng nói thêm.
Trong khi đó bản tin của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) hôm 19 tháng 9 thì nói rằng:
Bắc Kinh ngày 18/9 nói Việt Nam vi phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích của Trung Quốc khi tiến hành khai thác dầu khí đơn phương trong khu vực Bãi Tư Chính kể từ tháng 5 năm nay.
Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Cảnh Sảng, nhấn mạnh Trung Quốc có chủ quyền tại Trường Sa và quyền chủ quyền, quyền tài phán tại khu vực Bãi Tư Chính kế đó và rằng điều này có cơ sở vững chắc về lịch sử và pháp lý.
Tuyên bố của ông Cảnh được đưa ra đáp câu hỏi của phóng viên liên quan đến phản ứng của phía Việt Nam về việc tàu khảo sát Hải Dương 8 cùng các tàu hộ tống của Bắc Kinh trở lại thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam hôm 13/8. Trước đó, nhóm tàu vừa kể đã bị phát hiện trong khu vực này từ đầu tháng 7 đến ngày 7/8 thì rút đi.
Chính vì thấy TC ngày càng lấn áp Việt Nam và các nước có tranh chấp ở Biển Đông, nên Trợ Lý Ngoại Trưởng Mỹ David Stilwell đã lên tiếng tố cáo TC “đe dọa, bắt nạt” VN và các nước trong khối ASEAN, theo bản tin của Đài VOA cho biết hôm Thứ Năm.
Bản tin VOA viết như sau.
Nhà ngoại giao cao cấp nhất của Mỹ về các vấn đề Châu Á, David Stilwell, vừa ra trước một ủy ban của Thượng viện Hoa Kỳ hôm 18/9, lên án “các hành vi đe dọa, bắt nạt” của Trung Quốc đối với Việt Nam và các nước ASEAN, để đẩy mạnh nghị trình khu vực của mình.
Phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ hôm thứ Tư, Trợ lý Ngoại trưởng David Stilwell tố Trung Quốc là tìm cách gây ảnh hưởng bằng cách một mặt, chiêu dụ một số nước, và mặt khác bắt nạt các nước như Việt Nam, để đẩy mạnh nghị trình của Bắc Kinh giữa một cuộc đôi co đang leo thang với Hoa Kỳ về vấn đề chiến lược và thương mại.
Ông Stilwell nói Trung Quốc đang thách thức “trật tự tự do và mở rộng” trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, ngăn chặn các nước trong vùng tiếp cận nguồn dự trữ năng lượng trên Biển Đông.
Trợ lý Ngoại trưởng Stilwell nói:
“Bắc Kinh đang theo đuổi một viễn kiến khác cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, tìm cách lập ra một trật tự mới có lợi cho họ, và qua đó, đặt Trung Quốc vào vị thế cạnh tranh chiến lược với tất cả các bên đang cố duy trì một trật tự tự do, cởi mở của nhiều nước có quyền tự quyết.”
Nhà ngoại giao Mỹ đề cập tới các hành động của Trung Quốc từ đầu tháng Bảy năm nay, nhiều lần đưa tàu khảo cứu địa chất cùng đội tàu hộ vệ hùng hậu và lực lượng dân quân tới gần Bãi Tư Chính, để dọa nạt Việt Nam và các nước ASEAN khác, ngăn cản các nước này tiến hành các dự án khai thác dầu khí trong khu vực.
Ông nói:
“Bằng việc lặp lại các hành động bất hợp pháp và quân sự hóa các đảo, bãi đá đang tranh chấp, Bắc Kinh đã và đang tiếp tục ngăn chặn các thành viên ASEAN tiếp cận các trữ lượng năng lượng trị giá hơn 2,5 nghìn tỷ đô la.”
...
Về dự án xây dựng cơ sở hạ tầng liên lục địa ‘Vành Đai, Con Đường’, nhà ngoại giao Mỹ tố cáo Trung Quốc là cho một số nước đang phát triển vay những món nợ khổng lồ để xây dựng cơ sở hạ tầng, bất chấp tai hại đối với môi trường, trong nhiều trường hợp dẫn tới tình trạng các nước này phải lệ thuộc vào Bắc Kinh vì không có khả năng thanh toán.
Cũng liên quan đến vấn đề Biển Đông, bản tin hôm 19 tháng 9 của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp Tiếng Việt (RFI) có tựa đề “Thủ tướng Malaysia đề nghị phi quân sự hóa Biển Đông,” viết như sau.
Theo nhật báo South China Morning Post, hôm nay, 19/09/2019, thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad kêu gọi phi quân sự hóa Biển Đông, biến vùng biển này thành một khu vực hòa bình, hữu nghị và thương mại.
Thủ tướng Mahathir đưa ra lời kêu gọi này trong một tài liệu cập nhật hóa chính sách đối ngoại của Malaysia.
Theo tài liệu này, chính phủ Kuala Lumpur giữ nguyên lập trường phi liên kết với các cường quốc, đồng thời tăng cường hợp tác với các nước Hồi Giáo. Thủ tướng Mahathir nhấn mạnh là về cơ bản chính sách ngoại giao của Malaysia không có gì thay đổi, nhưng sẽ có cách tiếp cận khác đối với các vấn đề ảnh hưởng đến lợi ích của nước này.
Riêng về hồ sơ Biển Đông, tài liệu này viết: «Biển Đông phải là một vùng biển của hợp tác, chứ không phải là nơi đối đầu hoặc xung đột. Điều này phù hợp với tinh thần của hiệp định về Vùng Hòa bình Tự do và Trung lập ( ZOPRAN )».
Được Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Singgapore ký kết vào năm 1971, ZOPRAN có mục tiêu giữ cho vùng Đông Nam Á không có sự can thiệp các thế lực bên ngoài dưới bất kỳ hình thức nào.