MỘT TẠP CHÍ VĂN HỌC NGHỆ THUẬT BIÊN KHẢO IN VÀ PHÁT HÀNH TOÀN CẦU, KỂ CẢ TRONG NƯƠC, SẮP RA ĐỜI
Ba mươi năm trước Hợp Lưu ra đời, là diễn đàn đầu tiên khởi xướng giao lưu hai dòng văn học Việt Nam Bắc Nam do hoàn cảnh trớ trêu và bi thảm của một giai đoạn lịch sử, đã phân rẽ thành hai nhánh. Hai thập kỷ, 1954-1975, nếu lấy chiều dài của dòng chảy một dân tộc, quả thực chả nghĩa lý gì. Nhưng chúng ta, những người làm văn học nghệ thuật đã sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong giai đoạn này, không thể phủ nhận đã khắc đậm vào não trạng của chúng ta, hướng dẫn tư duy của chúng ta, để sản sinh, làm thành hai mãng văn học chảy về hai hướng khác biệt. Bằng rung cảm nhạy bén của một người yêu tiếng Việt, chúng tôi đã nhìn thấy điều đó, và mang khát vọng muốn đồng qui hai dòng chảy này. Bởi chưng, thiển nghĩ, văn học Việt Nam không thể lớn mạnh nếu không hợp lưu. Một thủy đạo lớn tất nhiên sẽ mạnh hơn hai phụ lưu nhỏ.
Ba mươi năm trước chúng tôi đã quan niệm phải dứt khoát gạt bỏ ra khỏi đầu óc sự đánh giá hay dở đúng sai mang tính chủ quan, bắt nguồn từ hai nền giáo dục “có định hướng”. Sự đúng sai hay dở sẽ được thời gian gạn lọc, cái gì sai, dở sẽ bị loạt bỏ, đào thải. Và ngược lại. Qui luật này từ ngàn xưa đến ngàn sau. Thường hằng.
Chỉ mới nửa thế kỷ, thời gian quá ngắn trong tiến trình chuyển động của dân tộc, ngày nay chúng ta đã dần dần nhìn thấy.
Tuổi đời cũng đã cao, thêm bệnh tật, lẽ ra chúng tôi nên lui về ngơi nghỉ, dọn đường để một ngày không xa, sẽ tan vào tịch lặng. Đúng qui trình bất biến: có sinh phải có tử. Nhưng hai mươi năm nay, từ ngày bạo bệnh và giã từ Hợp Lưu, chúng tôi nhận thấy tình hình đã thay đổi rất nhiều, thời gian đã lặng lẽ làm công việc của nó, xóa mờ dần những cách ngăn. Thêm vào đó các thế hệ mới ra đời và trưởng thành. Khác với cha anh, những thế này không mang trên vai gánh nặng quá khứ, có chăng cũng không đến nỗi nặng nề như đã. Vì thế, chúng tôi lại nghĩ, phải tiếp nối truyền thống Hợp Lưu ba mươi năm trước, nhưng sẽ mở rộng biên cương hơn, mạnh mẽ xóa tan cách biệt. Đã quá trễ để nuôi mãi phân chia Bắc Nam, trong ngoài. Văn học nghệ thuật Việt Nam là của người Việt Nam, dù họ ở đâu trên hành tinh này. Khác chăng chỉ địa chỉ cư trú.
Từ ngày cổng thông tin mở rộng, Fb và các trang website nở rộ, chúng ta có thêm rất nhiều diễn đàn văn học, và cũng có thêm rất nhiều những cây viết mới đầy tài năng và sung mãn. Tuy nhiên, vì có số lượng quá đông, người đọc không có thì giờ dừng lâu ở một trang web nào, vì thế những công trình nghiên cứu, sáng tác công phu, giá trị thường bị lướt qua, bỏ quên. Đáng tiếc và đáng buồn.
Bởi những lý do trên, chúng tôi, một lần nữa lên đường.
Xuất bản một tờ báo giấy vào thời điểm này xem chừng có vẻ… không bình thường. Nhưng phải làm thôi, chúng tôi tin độc giả sẽ tán dương, hổ trợ.
Vậy ngay từ bây giờ độc giả hãy chuẩn bị ghi danh làm độc giả dài hạn. Báo sẽ ra mỗi năm 4 số, từ 250 đến 300 trang, khổ lớn hơn Hợp Lưu lúc xưa một tí (HL :5.5×8.5,inches. Tờ báo dự định sẽ xuất bản: 6x9inches), giá bán sẽ rất tượng trưng: US$12.00. Nghĩa là 1 năm/$48 + cước phí. Chúng tôi sẽ cụ thể địa chỉ và điều lệ khi đã sắp xếp xong nhân sự. Cũng như sẽ thông tin cách thức gửi bài cộng tác…
Chúng tôi cũng sẽ phát hành toàn cầu, kể cả trong nước.,
Khánh Trường
Một tập san giấy in trình bày mỹ thuật với giá bán tượng trưng 12 mỹ kim + cước phí.
Mở Nguồn khổ 6×9 inch, dầy 250 trang, phát hành mỗi 3 tháng. Số ra mắt tháng 4-2019.
Thư từ, bài vở gửi về chủ bút Khánh Trường: email [email protected]
Ghi danh độc giả dài hạn trả bằng PAYPAL qua link: http://saigonocean.com/TapChiMO/contact.htm
Hộp thư: http://saigonocean.com/index.php/vi/?option=com_phocaguestbook&view=guestbook&id=1
do Lê Hân, giám đốc nhà xuất bản Nhân Ảnh trị sự: [email protected]