Trong họp mặt mừng Xuân Kỷ Hợi 2019.
Vào lúc 11:00am ngày Chủ Nhật 3/3/2019 Hội Ái Hữu Quân Cảnh Bắc California tổ chức họp mặt mừng Xuân Kỷ Hợi 2019 tại Thư viện Evendale, 101 E. Branham Ln. San Jose, với sự tham dự của đông đảo chiến hữu Quân Cảnh và gia đình cùng thân hữu đồng hương. Trong số đó người ta ghi nhận có: Ông Nguyễn Tái Đàm Cựu Chủ Tịch CĐVN Bắc Cali. BS Nguyễn Trọng Nhi, Ông John Nguyễn Liên Trường SQ Trừ Bị, Ông Nguyễn Minh Đường LLSQ Thủ Đức, Ông Nguyễn Công Khanh CĐNV Quốc Gia Bắc Cali…Các vị cựu SQ Quân Cảnh: NT Nguyễn Khắc Nhị Hùng, NT Lê Quang Trọng, NT Hoàng Đình Hoạt, NT Nguyễn Văn Mão và Cô Mai Hân…
Lễ chào cờ khai mạc, và phút mặc niệm diễn ra lúc 11:30am. Sau phần nghi thức khai mạc, ông Trần Gia Đắc, hội trưởng, đã ngỏ lời chào mừng quan khách, chiến hữu đã đến tham dự buổi họp mặt ngày. Ông cho biết, theo chương trình, buổi họp mặt sẽ diễn ra tại Thư viện Tully, nhưng vào giờ chót, có trở ngại về phòng vệ sinh, nên buổi họp mặt di chuyển về thư viện Evendale. Ông cáo lỗi, và ngỏ lời chúc quan khách, chiến hữu, một mùa xuân vui vẻ, một năm mới an khang thịnh vượng.
Sau phần khai mạc, quan khách và gia đình dùng bữa trưa do ban tổ chức khoản đãi, thưởng thức ca nhạc do thân hữu đóng góp, với sự điều khiển rất chuyên nghiệp và dí dõm của MC Nguyễn Văn Hải. Các vị phu nhân đã hết lòng tiếp sức các đấng lang quân trong việc “đi chợ” với thức ăn dồi dào, tiếp đãi nhiệt tình nồng hậu. Một số các “hậu duệ” Quân Cảnh không vắng mặt trong công việc dọn dẹp, tiếp khách…v.v. Cũng không thể quên các QC Mai Công Vụ, Lê Mây, Trương Đức Hạnh, Nguyễn Văn Cơ là những người ra về cuối cùng sau khi trả lại phòng họp cho thư viện. Mặc dù có sự thay đổi vào phút chót về địa điểm, nhưng quan khách và “chủ nhà” nhiệt tình đã tạo cho không khí tiệc Tân Niên thêm đầm ấm, thân thương, kỷ niệm.
Tưởng cũng nên biết thêm. Hội Quân Cảnh Bắc Cali hàng năm ngoài các sinh hoat nội bộ binh chủng: Tân Niên và Picnic Hè; hội còn tham dự các sinh hoạt cộng đồng: Ngày Quốc Hận 30/4, ngày Quân Lực 19/6 và nhiều sinh hoạt khác trong cộng đồng.
Tiệc Tân Niên kéo dài đến 2:30pm.
Một Vài Nét Sơ Lược Binh Chủng:
Quân cảnh (1959-1975), là một Binh chủng trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu của Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Binh chủng này được thành lập để thực thi Quân luật của Quân đội, duy trì Quân phong Quân kỷ trong Quân lực Việt Nam Cộng hòa.
Binh chủng Quân cảnh là được hình thành từ thời Quân đội Liên hiệp Pháp tiếp đến thời kỳ Quân đội Quốc gia. Chính thức thành lập vào năm 1959 dưới nền Đệ nhất Cộng hòa Tổng thống Ngô Đình Diệm.
Tổ chức của Quân cảnh gồm:
A -Quân cảnh Hành quân
B -Quân cảnh Tư pháp (Hiến binh)
Nhiệm vụ của Quân Cảnh.
1/ Duy trì Quân phong Quân kỷ trong Quân đội:
-Thi hành Kỷ luật và điều chỉnh Tác phong đối với các Quân nhân từ Sĩ quan, Hạ sĩ quan đến Binh sĩ trong tất cả các đơn vị trong Quân lực Việt Nam Cộng hòa, đồng thời phối hợp với đơn vị Quân cảnh của các Quân binh chủng như: Nhảy Dù, Thuỷ Quân Lục Chiến, Biệt động quân... Các Quân trường và Trung tâm Huấn luyện Quốc gia (Những Quân, Binh chủng và các Quân trường này có đơn vị Quân cảnh riêng của đơn vị).
Các quân trường lớn như Đà Lạt, Thủ Đức, Đồng Đế đều có Binh Chủng Quân Cảnh.
2/ Hộ tống và hướng dẫn lưu thông các đoàn Quân xa:
-Chuyển quân, tiếp vận và các công vụ khác v.v...
3/ Điều hành các Đồn Quân cảnh:
-Đặt các Trạm kiểm soát để kiểm tra Quân nhân.
4/ Điều hành các trại giam tù binh:
-Các trại giam lớn như: Chí Hòa, Côn Đảo, Phú Quốc. Ngoài ra, còn những trại giam nhỏ ở 4 Quân khu và trại giam tù binh ở Qui Nhơn v.v...
5/ Điều hành quân kỷ:
-Các Quân lao của 4 Quân khu: Đà Nẵng (QK1), Nha Trang (QK2), Gò Vấp (QK3), Cần Thơ (QK4). Các trại tạm giam: Trại Nguyễn Văn Sâm (Gia Định), Quân vụ Thị trấn (Sài Gòn), Quân trấn ở các Biệt khu, Đặc khu và các trại tạm giam ở các Quân khu, Tiểu khu, Chi khu trên toàn quốc. Các trại chuyển tiếp Quân nhân ở 4 Đơn vị Quản trị Trung ương thuộc 4 Quân khu.
6/ Áp giải Quân nhân phạm pháp hình sự, các Quân nhân đào ngũ hoặc vi phạm Kỷ luật đến Quân lao, Tòa án Mặt trận Quân sự và trại giam sau khi những thành phần này đã thụ án.
7/ Áp giải tù binh từ tiền tuyến về hậu cứ và đến các trại giam
8/ Bảo vệ an ninh Cơ sở Quân đội.
Nhiệm vụ của Quân cảnh Tư pháp
1/ Điều tra và thụ lý các vi phạm quân luật Quân đội.
2/ các Toà án Quân sự Mặt trận:
-Gồm các Tòa án mặt trận Trung ương (Sài Gòn), Toà án mặt trận của 4 Quân khu. Ngoài ra còn những Tòa án Mặt trận Lưu động trên toàn quốc.
3/ Nha Quân pháp. Thiết lập hồ sơ các vụ phạm pháp (Điều tra tư pháp và truy tố các vi phạm hình luật liên quan đến Quân đội).
4/ Điều hành các đơn vị Quân cảnh Tư pháp:
-Những năm đầu thập niên 1960 ngành Hiến binh Quốc gia do Thiếu tá Lê Nguyên Phu làm Chỉ huy trưởng (sau là Đại tá Phó Giám đốc Nha Quân pháp). Trụ sở đặt tại đường Gia Long, trước mặt Bộ Quốc phòng. Khi được lệnh giải tán, một số nhân sự Hiến binh chuyển qua Quân cảnh, một số chuyển qua Tổng Nha Cảnh sát Quốc gia.
Năm 1974, một số Tiểu đoàn Quân cảnh được chuyển sang đơn vị tác chiến để thành lập Liên đoàn 8 Biệt động quân.
Ngày 30 tháng 4 năm 1975, Tổng thống Dương Văn Minhđã ra lệnh hạ vũ khí ngừng chiến đấu. (Theo tài liệu của QC)
Câu chuyện xưa: Trong tháng 4 của năm 1975, trong sự hổn loạn của ngày mất nước, có bao nhiêu chuyện kể về các gương anh dũng của các quân binh chủng. Xin ghi lại một câu chuyện về binh củng Quân Cảnh. Một tấm gương anh dũng: “11 giờ 30 ngày 30 tháng 4-1975: Lúc 11 giờ 30, từ cổng 1 TTM tôi nghe súng nổ dữ dội ở phía Bệnh Viện Dã Chiến Hoa Kỳ, thì ra các anh em LĐ 81 BCND đang bắn xe tăng Việt cộng. Khi chiếc xe T54 của Việt cộng có treo cờ GPMN hướng về cổng 1 TTM thì tất cả chúng tôi lái xe Jeep rút về văn phòng Đại Đội 1 Quân Cảnh vì xe cộ đồ đạc tất cả đều để đây. Khi xe ngừng, Minh bước xuống và nước mắt đã đầm đìa. Tôi nhìn Minh mà lo cho thân mình nên vội vàng cột ba lô mang súng ống, rồ xe Mobylette phóng chạy. Cái cảnh lúc đó thật là hoảng loạn, mạnh ai nấy lo, giành đường thoát ra.
11 giờ 40 ngày 30 tháng 4-1975: Sau lưng tôi, Minh khóc và nói một mình “Thôi rồi, mất nước rồi.” Nói xong anh Minh bước tới gần cột cờ, nghiêm chỉnh đưa tay lên, chào xong móc khẩu Colt 45 bên hông kê lên màng tang. Một tiếng nổ đơn độc vang lên. Tôi chắc tiếng nổ đó đã hòa tan trong tiếng máy của hàng trăm chiếc xe Honda, Vespa, Suzuki. Minh ngã xuống. Trung sĩ I Trần Văn Minh đã trả xong nợ nước vào giờ thứ hai mươi lăm. Tôi là một người sợ chết nên nhìn Minh một lần chót, nén xúc động và chạy thoát thân với hàng đoàn người kia. Giờ đây Minh họ Nguyễn hay Trần tôi không biết chắc. Anh đã chết thật hay chỉ bị thương cũng không biết chắc. Có điều Minh đã làm một việc thật là đáng để tôi quỳ xuống mà lạy anh. Tất cả các đoạn trên tôi viết dông dài chỉ nhằm mục đích kể lại đoạn cuối về cái chết của một Quân Cảnh tại Bộ Tổng Tham Mưu. Chúng tôi là binh chủng lo về quân kỷ của quân đội. Xin các anh em chiến hữu hiểu rằng chúng tôi cũng sống chết với quân đội như anh em. Và trong hàng ngũ hạ sĩ quan chúng tôi cũng có người tự vẫn dưới ngọn cờ Tổng Tham Mưu vào giờ thứ 25. Gần 30 năm qua, ngồi cố nhớ mà viết lại chắc có nhiều chi tiết thiếu sót, ước mong các chiến hữu bổ khuyết dùm cho. (Quân Cảnh Huỳnh Hồng Hiệp, San Jose.)