Kính bạch Chư Tôn Đức Tăng Ni,
Kính thưa Quý Khách cùng Thân Hữu,
Kính thưa Chơn Linh Thầy Thích Pháp Tấn,
Thưa Chị Trần Việt Thắng và các Cháu thương mến,
Thật ngậm ngùi khi nói lời vĩnh biệt bào huynh của chúng tôi, Thầy Thích Pháp Tấn, vị Tỳ kheo vừa viên tịch ngày 26 tháng 9 năm 2018 tại Houston.
Thầy Thích Pháp Tấn, thế danh là Trần Việt Thắng, sinh năm 1939 tại Điện Bàn, Quảng Nam, học Tiểu học tại quê nhà, học Trung học tại Trường Tây Hồ, Đà Nẵng. Khi đến tuổi thi hành nghĩa vụ thanh niên trong thời chiến, Thầy đã tình nguyện gia nhập Không Quân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà từ năm 1961 và đã phục vụ quân đội với nhiệm vụ Phó Ban Không Ảnh Sư Đoàn 1 Không Quân tại phi trường Đà Nẵng cho đến ngày VNCH bị Cộng Sản Bắc Việt cưỡng chiếm năm 1975.
Như hầu hết quân nhân công chức VNCH, sau thời gian gọi là học tập cải tạo thì Thầy phải đưa gia đình về thôn quê sinh sống với nghề nông. Không chịu đựng nổi sự phân biệt đối xử của chế độ Cộng Sản, Thầy đã đưa gia đình gồm hai vợ chồng và sáu người con vượt biển tìm tự do năm 1983.
Là một người con trai lớn trong gia đình, Thầy đã hết lòng phụng dưỡng cha mẹ. Thầy vừa đi học Trung học vừa giúp gia đình điều hành một tiệm may như là nguồn thu nhập chính khi cha mẹ chúng tôi phải xa lìa quê để ra sinh sống tại Đà Nẵng vì tình trạng chiến tranh ngày càng khốc liệt tại quê nhà. Thầy nhất quyết làm việc giúp gia đình để tôi và các em gái của tôi được tiếp tục việc học với toàn thời gian học tập. Tôi không thể nào quên được hình ảnh Thầy cương quyết phản đối việc tôi xin đi làm sau khi tôi đỗ Tú Tài 2. Thầy đã xin phương tiện máy bay vận chuyển của Sư Đoàn 1 Không Quân tại Đà Nẵng để đưa tôi vào Sài Gòn học Đại học. Sau khi gửi gắm tôi ở trọ tại nhà người bạn đồng ngũ của Thầy tại Sài Gòn thì Thầy quay trở về đơn vị tại Đà Nẵng. Thầy đã dúi vào tay tôi để cho thêm tôi một số tiền và nói, "Để mỗi ba tháng Ba Mẹ và Anh gửi tiền cho em chứ bây giờ Anh không thể cho em nhiều hơn nữa." Khi Thầy đi rồi thì tôi mới biết đấy là tất cả tiền lương một tháng của Thầy mà Thầy không giữ lại một đồng nào cho riêng Thầy cả.
Năm 1965 lúc 26 tuổi, Thầy đã lập gia đình với chị Nguyễn Nho Thị Huân, một người thật đức hạnh. Chị là một người phụ nữ thật hiền lành với một tâm hồn thật cao quý. Chị đã đồng lòng với chồng hiếu kính với cha mẹ và giúp đỡ các em. Từ ngày kết hôn năm 1965 đến lúc vượt biển năm 1983, suốt 18 năm với sáu người con, bốn gái và hai trai, Chị đã ở chung một nhà với cha mẹ và anh em chúng tôi nhằm giúp đỡ gia đình mà tâm hồn chị luôn luôn trong sáng, nhân ái, hy sinh cho các em và vô cùng hiếu kính với cha mẹ chúng tôi. Trong giây phút lâm chung năm 2002, Mẹ tôi vẫn một lòng trăn trở là không được gặp lại chị trước khi Mẹ tôi nhắm mắt lìa đời.
Suốt 35 năm tái định cư tại Houston, Chị đã nhọc nhằn cùng chồng làm việc vất vả để nuôi dưỡng sáu cháu trưởng thành, đều tốt nghiệp Đại học, đều đã có gia đình riêng và đều có công việc làm thật tốt với đời sống thật ổn định.
Thầy và Chị đã giáo dục các cháu tính nhân ái, chân thành và tận tuỵ dưới sự hướng dẫn nhẹ nhàng và từ tâm; vì thế phong cách của các cháu thật từ ái và lễ độ. Thầy và Chị có 19 cháu nội, ngoại mà tất cả đều học hành rất giỏi. Cháu ngoại gái lớn nhất là Uyên, đã tốt nghiệp Đại học, đã đi làm, và là một thanh nữ thông minh, ngoan hiền và vô cùng thanh nhã; cháu ngoại trai lớn nhất là Khoa, cũng đã tốt nghiệp Đại học và đã đi làm, và cháu Khoa là hình ảnh một thanh niên tuấn tú, cương nghị, khôn ngoan, giao thiệp với ngôn từ thật khiêm tốn mà chững chạc. Trên nền tảng tốt đẹp đó, các cháu nội, ngoại của Thầy sẽ tiếp tục phong cách hoà nhã và làm thăng hoa truyền thống giáo dục gia đình đầy nhân ái của Thầy.
(1) Xuân Quỳnh: Thuyền và Biển.
(2) Tuệ Sỹ: Những Điệp Khúc Cho Dương Cầm, 2008.
.