Trong Lễ Giỗ Tưởng Niệm.
Wesminster (Bình Sa)- - Tại hội trường Việt Nam Tương Tế, 7621 Westminster Blvd, Thành phố Westminster, CA 92683.
Vào lúc 1:00 chiều Chủ Nhật ngày 24 tháng 6 năm 2018, Nhóm Nhân Văn Nghệ Thuật, Tiếng Thời Gian cùng nhà văn Nguyễn Quang phu quân của cố Nhà văn Minh Đức Hoài Trinh đã tổ chức lễ Tưởng Niệm một năm ngày mất của nhà văn Minh Đức Hoài Trinh
Tham dự lễ giỗ có: giáo sư, nhạc sĩ Nguyễn Văn Khoa, các giáo sư: Dương Ngọc Sum, Nguyễn Văn Sâm và phu nhân, Trần Huy Bích, Trần Mạnh Chi, Đào Đức Nhuận, Bác sĩ Hồ Ngọc Ẩn. Ngoài ra còn có một số những thân hữu của gia đình co:ù Giáo sư Quyên Di, cô Thụy Vy (Phó Chủ Tịch Ngoại Vụ Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California), nhà văn Việt Hải và phu nhân, Họa sĩ Trân, nhạc sĩ Hoài Khanh, nhà văn, nhà báo Kiều Mỹ Duyên, nghệ sĩ Đào Bích Ty, nghệ sĩ Ngọc Nuôi; ông Lưu Anh Tuấn, cô Ánh Liên, ca sĩ Thanh Thanh, ca sĩ Lâm Dung…
Mở đầu buổi lễ, giáo sư Quyên Di có vài lời giới thiệu, ông nói: “Tất cả chúng ta đang ngồi đây không phải là người xa lạ với nhau, những người tha thiết với văn hóa Việt Nam, những người còn tha thiết với tiền đồ của dân tộc gặp gỡ nhau ở đây nhân ngày giỗ nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh. Bởi vậy ngày hôm nay lễ giỗ là một chuyện nhưng vấn đề quan trọng thứ hai, chúng ta cùng chung một lòng, một ý cầu mong cho dân tộc Việt Nam được trường tồn.”
Nghi thức lễ tưởng niệm bắt đầu với 3 hồi chiêng trống được gióng lên, giáo sư Quyên Di mời qúy giáo sư và thân hữu lần lượt lên thắp hương tưởng niệm trước di ảnh cố nhà văn Minh Đức Hoài Trinh. Sau đó, Giáo sư Trần Mạnh Chi thay mặt ban tổ chức lên chào mừng và cảm ơn tất cả mọi người, trong dịp nầy ông nhắc lại công lao to lớn của nhà văn Minh Đức Hoài Trinh, bà là người đã bảo vệ thành công Văn Bút Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn đứng vững trong Hội Văn Bút Quốc Tế mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam ra sức muốn chiếm chỗ nhưng không thành công.
Tiếp theo Giáo Sư Quyên Di lên giới thiệu nhà giáo Thụy Vy một MC thật duyên dáng lên điều hợp chương trình.
Mở đầu Cô Thụy Vy cám ơn tất cả mọi người đã bỏ thì giờ qúy báu cuối tuần đến tham dự lễ giỗ cố nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh, Sau đó cô mời nhà văn Nguyễn Quang, phu quân nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh lên có lời tâm tình cùng quan khách, bạn bè thân hữu. Nhà văn Nguyễn Quang cho biết: “Hai ông bà lúc nào cũng khắng khít bên nhau, Tôi luôn nói với Minh Đức câu, Em ơi! anh thương em lắm! mỗi khi hai người phải đi xa, và bà xã tôi cũng luôn nói Anh à, em thương anh lắm! Thế rồi có lúc bận việc quá tôi quên nói câu nói đó thì bà lấy ngón tay ấn vào trán tôi hỏi: Không còn thương em nữa sao? Tôi mới sực nhớ mình quên, bèn nói ngay, Anh thương em lắm! bà hỏi, Tại sao không nói?”
Ông tiếp: “Thực ra nhiều người cứ tưởng tôi là chỗ dựa của Minh Đức nhưng thật ra, chính Minh Đức là chỗ dựa của tôi. Nay Minh Đức không còn nữa, tôi cảm thấy hụt hẫng, nhưng thật xúc động khi thấy bên cạnh mình vẫn còn những người như nhà văn Quyên Di, cô Ái Liên, cô Thụy Vy, giáo sư Dương Ngọc Sum và tất cả quý vị đang hiện diện tại đây. Tôi vô cùng xúc động và chân thành cảm tạ.”
Giáo sư Đào Đức Nhuận trong lời phát biểu đã nói về những tác phẩm của Minh Đức Hoài Trinh, trong đó có cuốn “Cuộc Đời Minh Đức Hoài Trinh” đó là tác phẩm mà nhà văn Nguyễn Quang đã bỏ rất nhiều công sức để thực hiện cho bà, trong cuốn sách đó rất đầy đủ nên ông thấy không cần giới thiệu các tác phẩm khác vì hầu hết những người yêu mến văn học Việt Nam đều đã biết những tác phẩm văn chương của nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh, ông chỉ nêu một vài kỷ niệm với nhà văn quá cố mà thôi.
Sau đó nhà giáo MC. Thụy Vy kể lại một vài kỷ niệm rất trân quý của cô với nhà văn Minh Đức Hoài Trinh tiếp theo Cô mời Giáo Sư Dương Ngọc Sum nói về tiểu sử của bà.
GS Dương Ngọc Sum mặc dù tuổi cao nhưng ông vẫn nhớ những chi tiết mà không cần tài liệu, ông cho biết: Nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh tên thật là Võ Thị Hoài Trinh, sinh ngày 5 tháng 10 năm 1930 tại Huế, sống tại Pháp, từ năm 1953 đến 1964. Đến Hoa Kỳ định cư từ năm 1980. Ngoài tên thật bà có nhiều bút hiệu khác nhau như: Hoàng Trúc, Nguyễn Vinh, Bằng Cử và Minh Đức Hoài Trinh. Bà là con Tổng Đốc Võ Chuẩn, ông nội bà là Võ Liêm, Thượng Thư Bộ Lễ triều Nguyễn. Năm 1945 bà tham gia phong trào chống thực dân Pháp. Năm 1964 du học Pháp và tốt nghiệp báo chí và Hán văn. Năm 1972 bà được cử theo dõi và tường thuật cuộc hòa đàm Paris. Sau biến cố 30.4.1975 bà trở lại Paris, xuất bản tạp chí “Hồn Việt” và cộng tác với đài phát thanh ORTF . Bà đứng ra thành lập Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại và vận động để được công nhận là hội viên Hội Văn Bút Quốc Tế. Bà đã sáng tác trên 25 tác phẩm giá trị, trong đó có văn, thơ, truyện ngắn v.v.. Bà mất ngày 19.6.2017 tại Nam California.
Tiếp theo nữ ký giả chiến trường Kiều Mỹ Duyên nổi tiếng một thời trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt nhất tại Miền Nam Việt Nam qua những phóng sự của bà, sang định cư tại Hoa Kỳ bà đã cho xuất bản tác phẩm “Chinh Chiến Điêu Linh” đã được nhiều độc giả mến mộ lên phát biểu cảm tưởng, Bà cho biết: “khi còn đi học bà đã mê đọc sách của chị Minh Đức Hoài Trinh và mơ ước được gặp chị dù chỉ một lần. Rồi cơ duyên đưa đến, năm 1969 ước mơ của bà thành sự thật, bà gặp chị mặc một chiếc áo dài rất đẹp bước vào phòng họp báo tại Paris. Trong phòng họp chia ra hai bên, một bên là những người cộng sản và thân cộng, một bên là những người quốc gia. Bà đã đặt câu hỏi với phía bên kia: “Tại sao các giáo sư người Đức sang giúp nước mình qua chương trình trao đổi văn hóa, họ không có làm chính trị mà tại sao quý vị giết họ trong biến cố Mậu Thân làm cả thế giới lên án?” Câu hỏi được người vỗ tay lớn nhất là chị Minh Đức Hoài Trinh.”
Trong dịp nầy MC. Thụy Vy đã diễn đọc bài thơ “Hỏi Anh” của nhà văn Minh Đức Hoài Trinh,
Trong phần phụ diễn văn nghệ, ca sĩ Thanh Thanh lên hát hai nhạc phẩm phổ từ thơ của Minh Đức Hoài trinh đó là: “Ai Trở Về Xứ Việt” và “Kiếp Nào Có Yêu Nhau.”
Tiếp theo Nghệ sĩ Bích Ty lên diễn ngâm bài thơ “Mẹ Dặn Con Đừng Nhìn Qua Cửa Sổ” của nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh qua tiếng sáo điêu luyện của Nghệ sĩ Ngọc Nôi.
Trước khi chấm dứt, mọi người cùng hát các bản nhạc: “Cờ Bay Trên Cổ Thành Quảng Trị” “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” và “Việt Nam-Việt Nam”.
Kết thúc buổi lễ, Nhà văn Nguyễn Quang và ban tổ chức mời mọi người cùng dùng bữa cơm thân mật.
Gửi ý kiến của bạn