Hôm nay,  

Bài GIỚI THIỆU Tiếng Nói Từ Miền Nam

30/04/201815:08:00(Xem: 5827)
Bài GIỚI THIỆU
 
Tiếng Nói Từ Miền Nam

K.W. Taylor

 

  Người ta thường nghĩ Việt Nam Cộng Hoà là một thực thể thống nhất trong suốt hai thập kỷ từ 1955 đến 1975, với Hoa Kỳ là đồng minh chính yếu. Tuy nhiên, trong suốt thời gian đó, chính tình nội bộ của Miền Nam Việt Nam đã trải qua một tiến trình sôi động trong thời chiến, từ một chế độ độc tài, đến một giai đoạn hỗn loạn, rồi sau hết là thời kỳ thực nghiệm tương đối khá ổn định của thể chế dân chủ đại nghị. Hình ảnh của Miền Nam qua các bài viết của các học giả cũng như trong đại chúng đều chỉ tập trung vào hai thời kỳ đầu, để phác họa một tranh biếm của một chế độ tham nhũng, độc tài, bất ổn. Rất hiếm có ai chú tâm đến việc đánh giá những thành quả của tám năm sau cùng. 

blank

  Các tác giả của các bài viết trong quyển sách này là những người đã góp công xây dựng một hệ thống lập hiến cho một chính phủ đại nghị trong bối cảnh chiến tranh tuyệt vọng với một nước chuyên chế. Họ đã làm chuyện đó trong thời của Đệ Nhị Cộng Hòa (1967-75). Những người có tâm huyết xây dựng một Việt Nam tương lai không Cộng Sản đã đặt niềm tin vào nền Đệ Nhị Cộng Hoà; họ đã chiến đấu và tận tâm phục vụ cho sự thành công của chế độ. Quyển sách này là một phương cách để nói lên tiếng nói của họ, vì những thành quả của họ trong thời kỳ vừa nêu không phải là ít.

  Trong những thập kỷ đầu của hậu bán thế kỷ 20, các nước thuộc địa đã trở thành quốc gia độc lập qua những kinh nghiệm khác nhau. Kinh nghiệm của Việt Nam hết sức phức tạp và lâu dài, vì những bất đồng quan điểm giữa người Việt với nhau về tương lai đất nước đã bị lôi cuốn vào cuộc tranh chấp ý thức hệ giữa các cường quốc trên thế giới. Trong bài giới thiệu này, tôi trình bày một bối cảnh lịch sử cho Đệ Nhị Cộng Hoà, bao gồm vai trò của Việt Nam cũng như chính sách của các cường quốc. Tôi cũng xét qua các vấn đề nổi bật của những nỗ lực đánh giá Đệ Nhị Cộng Hoà và đề nghị một phương thức phân tích dựa theo quan điểm của người Việt Nam.

 

  Dân chúng ở các vùng thuộc địa Pháp ở Đông Dương, gồm những nước hiện thời như Cam Bốt, Lào và Việt Nam, đã sống với chiến tranh trong nửa thế kỷ, từ 1940 đến 1990. Chiến tranh bắt đầu khi đế quốc Nhật chiếm đóng khu vực này, đây là Chiến Tranh Thái Bình Dương, hay Đệ Nhị Thế Chiến ở Á Châu.

 

  Sau khi Pháp bị Đức chiếm năm 1940, Nhật đã dàn xếp với chính phủ Pháp thân Đức Vichy để chiếm đóng Đông Dương hầu tận dụng nguồn lực kinh tế và hạ tầng kiến trúc ở đó để phục vụ cho các chiến dịch quân sự của họ ở Đông Nam Á và Thái Bình Dương. Hệ thống hành chánh của Pháp vẫn được Nhật giữ nguyên để họ rảnh tay tập trung vào các mặt trận ở Miến Điện và các quần đảo ở Đông Nam Á-Thái Bình Dương.

  Góp phần đáng kể nhất của Nhật vào lịch sử hiện đại Việt Nam là việc bắt giam người Pháp và nắm quyền cai trị Đông Dương vào tháng 3 năm 1945. Đây là một biện pháp phòng ngừa của Nhật trước viễn ảnh Quân Đội Thuộc Địa Pháp có thể quay lại tấn công họ khi Đồng Minh tiến gần. Biến cố này tạo nên sự căng thẳng càng ngày càng gia tăng giữa Nhật và Pháp; quân đội hai bên tích trữ lúa gạo, gây nên nạn đói lớn ở miền Bắc vào mùa đông năm 1944-45. Việc người Nhật giải giới quân Pháp đã kết thúc chế độ thuộc địa của Pháp. Điều đó có nghĩa rằng người Pháp hoặc phải chấp nhận chấm dứt nền thống trị của họ ở Đông Dương, hoặc phải chiến đấu để quay trở lại; và họ đã chọn cách thứ hai.

 

  Sau khi Nhật đầu hàng vào tháng 8 năm 1945, giai đoạn chiến tranh kế tiếp bắt đầu khi người Pháp cố gắng tái lập địa vị tiền-chiến của họ ở Đông Dương. Pháp gặp phải sự kháng cự của các lực lượng người Việt càng ngày càng bành trướng với sự lãnh đạo của phe Cộng Sản qui tụ quanh Hồ chí Minh, người đã từng khai trừ hoặc cô lập hóa các đối thủ người Quốc Gia. Cuộc chiến này chấm dứt năm 1954, được gọi là Chiến Tranh Pháp, Chiến Tranh Pháp-Việt, hoặc Chiến Tranh Đông Dương Thứ Nhất. Sau khi Cộng Sản chiếm chính quyền ở Trung Hoa thì vào khoảng đầu năm 1950 họ bắt đầu trợ giúp cho Cộng Sản Việt Nam; cuộc xung đột bành trướng và trở thành cuộc chiến địa phương của cuộc tranh chấp toàn cầu giữa Cộng Sản và những người chống Cộng Sản, một sự phân hoá chính trị vốn đã có giữa người Việt Nam với nhau từ thập niên 1930.

  Người Việt chống Cộng theo chủ nghĩa Quốc Gia chỉ còn cách kết hợp sau lưng chính quyền Việt Nam thiết đặt dưới sự giám sát của Pháp, do cựu Hoàng Bảo Đại làm nguyên thủ, hoặc rút lui khỏi chính trường, chờ cơ hội thành lập một chính quyền không Cộng Sản, cũng không bị Pháp kiểm soát. Nổi bật nhất trong số những “người chờ thời” này là Ngô Đình Diệm, người mà về sau Bảo Đại đã giao phó việc chấp chính vào năm 1954. Chính vào năm đó Pháp bắt đầu rút lui khỏi chính sự Việt Nam, theo một hiệp ước quốc tế trao trả độc lập cho ba nước Đông Dương, nhưng để lại Việt Nam với hai chính quyền đối kháng. Phe Cộng Sản dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh chiếm cứ Miền Bắc, và Miền Nam ở dưới quyền kiểm soát của Ngô Đình Diệm và các cộng sự người Quốc Gia.

 

  Một vấn đề thường được tranh luận trong giới học giả và báo giới là vấn đề thuật ngữ. Chủ nghĩa quốc gia - hay dân tộc có một sức mạnh rất hiệu nghiệm trong lịch sử cận đại, và trong nhiều thập kỷ, nhiều người đã tôn sùng chủ nghĩa này và đặt nó trên hẳn các ý thức hệ khác. Do đó, câu hỏi liệu chỉ có người Cộng Sản Việt Nam mới được độc quyền sử dụng từ ngữ quốc gia đã trở nên một vấn đề then chốt trong các cố gắng giải thích lịch sử Việt Nam cận đại. Tất nhiên, dưới nhãn quan của người Việt, vấn đề không khó khăn lắm, vì sau năm 1945 Cộng Sản Việt Nam đã liên minh với một phong trào quốc tế, đặt đấu tranh giai cấp trên quốc gia. Vì vậy, những người Việt Nam chống Cộng Sản đã tự xem mình là người Quốc Gia chân chính, đặt Quốc Gia trên hẳn các hình thức đấu tranh giai cấp. Quan điểm này đã được diễn đạt rất hùng hồn trong quyển hồi ký của Nguyễn Công Luận, Người Quốc Gia Trong Chiến Tranh Việt Nam (Nationalist in the Vietnam Wars)[1]. Mục đích của quyển sách này là để giới thiệu tiếng nói của những người đã từng cống hiến cho sự thành đạt của Đệ Nhị Cộng Hoà, một phương thức cho Chủ Nghĩa Quốc Gia Việt Nam, khác hẳn với Cộng Sản Việt Nam; những người đã cố gắng phát triển tiềm năng cho một Việt Nam hiên đại khả dĩ thay đổi những truyền thống lỗi thời mà không cần đến một cuộc cách mạng tàn bạo. Do đó tôi thấy không có lý do gì để không dùng từ ngữ của những người đã đóng góp sinh lực trẻ của mình cho chính nghĩa của họ.

  Khi Cộng Sản Trung Hoa bắt đầu hỗ trợ Cộng Sản Việt Nam vào năm 1950, thì Mỹ bắt đầu ủng hộ Pháp và các lực lượng người Việt Quốc Gia. Sau năm 1954, Mỹ tiếp tục chính sách hổ trợ đó cho người Việt Quốc Gia ở Miền Nam, trong khi Liên Xô và Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa hậu thuẫn cho người Việt Cộng Sản ở Miền Bắc. Đây là bối cảnh lịch sử của cuộc chiến kế tiếp, xảy ra từ cuối thập niên 1950, và kéo dài cho đến năm 1975, được gọi bằng nhiều tên khác nhau, như Chiến Tranh Đông Dương Thứ Hai, Chiến Tranh Mỹ, Chiến Tranh Việt Nam.

  Những biến cố xảy ra trong hai thập niên sau khi Chiến Tranh Pháp chấm dứt đến sự thống nhất hai miền Nam Bắc dưới chế độ Cộng Sản thường được xem như một cuộc chiến duy nhứt. Tuy nhiên, theo quan điểm của Miền Nam, thì trong suốt thời kỳ đó, có ba giai đoạn khác nhau trên phương diện chiến sự, chính trị và chính quyền. Trong thời Đệ Nhất Cộng Hoà, (1955-1963), dưới chế độ Ngô Đình Diệm, một chính quyền tương đối khá ổn định đã được thành lập ở Sài Gòn vào những năm cuối thập niên 1950. Tuy nhiên, nhà cầm quyền Hà Nội lại phát động một chính sách khuynh đảo Miền Nam, bằng xách động chính trị, khủng bố, và du kích chiến. Trong lúc ấy, thì chính giới Mỹ lại càng ngày càng chỉ trích ông Ngô Đình Diệm vì ông không mở rộng chính phủ của ông ra khỏi phạm vi gia đình và giới thân cận. Về phần ông Diệm thì ông càng mất tin tưởng ở người Mỹ, vì chính sách Lào của Mỹ đã giúp cho Bắc Việt xâm nhập Miền Nam qua biên giới hạ Lào, cũng như sự gia tăng mau chóng của quân nhân Mỹ đến Miền Nam dưới thời Kennedy là mối đe dọa chủ quyền của chính phủ ông và còn có thể làm tổn hại đến thành tích lãnh đạo của ông.

  Hơn thế nữa, người Mỹ và ông Ngô Đình Diệm không đồng ý với nhau về phương thế hay nhất để đối phó với mối đe doạ của Miền Bắc. Ông Diệm tin rằng các vấn đề an ninh và quân sự cần được chiếu cố trước khi mở rộng hệ thống chính trị để cho các thành phần khác tham gia; còn người Mỹ thì nghĩ là phải làm ngược lại. Giữa lúc đang bế tắc như vậy, thì các biến cố bất ngờ tạo nên khủng hoảng. Năm 1963, anh ông Diệm, Tổng Giám Mục Công Giáo ở Huế, đã tạo dịp cho giới lãnh đạo Phật giáo ở thành phố này chống lại chính quyền Sài Gòn. Huế vốn là kinh đô của chế độ quân chủ Việt Nam trong thời tiền thuộc địa và là trung tâm của một phong trào toàn quốc do các tu sĩ Phật giáo theo khuynh hướng chính trị lãnh đạo. Vào mùa hè năm 1963, các cuộc biểu tình công khai chống chính quyền Ngô Đình Diệm, do tu sĩ Phật giáo lãnh đạo, đã lan rộng đến các thành phố lớn ở Miền Nam, khiến cho các nhà lãnh đạo Mỹ mất hẳn tin tưởng nơi ông Diệm. Đệ Nhất Cộng Hòa kết thúc với sự thảm sát ông Ngô Đình Diệm bởi các tướng lãnh trong một cuộc đảo chánh được chính phủ Mỹ khuyến khích.

  Trong bốn năm kế đó (1963-1967), được xem là Giai Đoạn Giao Động, chính phủ miền Nam được các sĩ quan quân đội lãnh đạo, với sự hợp tác của các viên chức hành chính dân sự. Trong lúc này ngọn lửa chiến tranh lan rộng, cả Bắc Việt và Mỹ đều gia tăng mau chóng quân số của họ đổ vào Miền Nam. Cho đến năm 1966, nhiều bất ổn nội bộ đưa đến nhiều thay đổi chính phủ. Bất ổn công cộng xảy ra vì tranh chấp quan hệ giữa các sĩ quan quân đội, cũng như các hoạt động của các tu sĩ Phật giáo đã từng tham gia chính trị trong việc hạ bệ Đệ Nhất Cộng Hoà, và nỗ lực của các nhóm chính trị hay tôn giáo khác muốn chống trả hay ủng hộ các sự thay đổỉ.

  Vào năm 1967, một bản hiến pháp mới được ban hành, đánh dấu sự ra đời của Đệ Nhị Cộng Hoà (1967-1975), với sự lãnh đạo của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, đã ổn định chính trị, gia tăng trách nhiệm bảo vệ chính thể trong khi quân Mỹ dần dần rút lui và ra đi hoàn toàn vào năm 1973. Trong những năm này, người dân, nhà giáo, nhà báo, chính khách, doanh nhân, công chức, luật gia, thẩm phán, các cấp chỉ huy quân đội, và giới ngoại giao đã cùng nhau nỗ lực xây dựng một chính phủ hiến định, dựa trên những cuộc tuyển cử tương đối mở rộng, với ngành hành pháp, lập pháp, và tư pháp. Mặc dù mới thoát khỏi ách thuộc địa sau những cuộc đấu tranh gay go của một giai đoạn giải thực hỗn loạn, lại khiếm khuyết các truyền thống lập hiến hay dân chủ, ở cạnh một nước luôn có chủ tâm hủy hoại mình, và với một đồng minh trên đà tháo lui, Đệ Nhị Cộng Hòa đã kiên trì và thu đạt được nhiều thành quả.

 

  Thành tích của Đệ Nhị Cộng Hoà đã bị gạt bỏ bởi hầu hết những tác giả đã viết về những năm sau cùng của cuôc chiến. Đây là một sự ngượng ngùng cho người Mỹ bởi vì một trong những ý tưởng từng được giới phản chiến truyền đạt, và dần dà in sâu vào tâm trí của giới học giả và chính giới Mỹ, là chính quyền Sài Gòn là một chế độ độc tài không sửa đổi được, không xứng đáng để được người Mỹ giúp đỡ, và thế nào rồi cũng sẽ sụp đổ. Ý tưởng này mang lại niềm an ủi tinh thần cho người Mỹ trong tư thế bối rối vì đã bỏ rơi một đồng minh trong cơn nguy khốn. Ý tưởng đó phản ảnh sự thất vọng của người Mỹ hơn là những gì đã thật sự xảy ra cho người Việt Nam. Những tiếng nói trong tuyển tập này phản ảnh ước vọng và nỗ lực của những người đã cống hiến cho tương lai của Đệ Nhị Cộng Hoà.

 

  Có ít nhất bốn thành quả dưới thời Đệ Nhị Cộng Hoà. Trước hết, trên bình diện quân sự, quân đội Miền Nam (Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa-QLVNCH) đã đảm đương nhiệm vụ chiến đấu trên các mặt trận. Trong khi trận Tết Mậu Thân đã chuyển hướng dư luận Mỹ chống chiến tranh, nó lại có tác dụng khác hẳn ở Miền Nam. Tổn thất của phía Cộng Sản đã giúp chính quyền lấy lại quyền kiểm soát ở nông thôn và thực thi những chính sách được dân quê ủng hộ. Hơn nữa, việc Cộng Sản mang chiến tranh vào thành thị đã khiến cho dân chúng đô thị càng đoàn kết hơn chống lại Cộng Sản; phần lớn người dân ở đây hiểu rằng bây giờ họ có lý do xứng đáng để chiến đấu và bảo vệ nền Đệ Nhị Cộng Hoà. Với sự rút lui của quân đội Mỹ, trách nhiệm của người Việt đối với đất nước ngày càng gia tăng.

  Năm 1970 và 1971, QLVNCH với sự phối hợp hoặc yểm trợ tiếp vận của quân đội Mỹ, đã phát động những cuộc hành quân qua biên giới Cam Bốt và Lào nhằm cắt giảm khả năng của quân Bắc Việt dùng căn cứ ở hai nước ấy để tấn công Miền Nam. Những cuộc hành quân này, tuy chịu tổn thất nặng và gây nhiều tranh luận, đã giúp QLVNCH có thêm kinh nghiệm và phát triển khả năng, đồng thời kiềm chế quân Bắc Việt ở căn cứ của họ. Trong cuộc tấn công mùa Xuân 1972, trong khi quân Mỹ đã rút gần hết, QLVNCH, với sự yểm trợ tiếp liệu của Mỹ, đã đẩy lui sự xâm lăng của quân Bắc Việt trên tất cả các mặt trận. Mặc dù vậy, ba năm sau đó, vì không nhận được sự yểm trợ vật chất và tinh thần của đồng minh Mỹ, nền Đệ Nhị Cộng Hoà đã bị áp đảo.

  Thứ hai, tiếp sau trận Tết Mậu Thân, khi an ninh ở nông thôn vãn hồi, một chương trình cải cách ruộng đất đã được thực thi, đưa đến cách mạng kinh tế, xã hội và chính trị ở thôn quê. Mặc dù giới quan sát quốc tế không quan tâm, cuộc cải cách ấy đã tạo ra một quan hệ bình đẳng hơn giữa nông thôn và thành thị, xây dựng tiềm năng nông nghiệp quốc gia để làm nền tảng cho sự phát triển kinh tế tương lai. Hơn nữa, cuộc cải cách ruộng đất này được thực hiện một cách ôn hoà, với sự ủng hộ của nông dân, hoàn toàn tương phản với những cuộc cải cách ruộng đất đẫm máu ở Trung Hoa và Bắc Việt trước kia. Ý nghĩa của cuộc chiến đấu được sáng tỏ hơn.

  Thứ ba là những thành tựu lớn lao trong sản xuất và phân phối lúa gạo, quản lý thị trường, tìm kiếm dầu hỏa, và chính sách tài chánh đã giúp đất nước hướng dần đến độc lập kinh tế khi viện trợ Mỹ bị cắt giảm. Một thế hệ mới gồm các chuyên viên quản trị, nhiều người được huấn luyện ở các đại học Mỹ, với khát vọng quốc gia mạnh mẽ, đã mang thái độ đổi mới, thực tiễn và tích cực để cải thiện một hệ thống hành chánh vốn đóng khung do thời thuộc điạ để lại. Đứng trước những khó khăn nghiêm trọng, gần như tuyệt vọng của quốc gia, nền hành chánh của Đệ Nhị Cộng Hoà đã tỏ ra có những sáng kiến táo bạo, bất chấp tình trạng tài nguyên cạn dần do việc đồng minh Mỹ tháo lui.

  Thứ tư, nhiều nỗ lực lớn lao đã hướng vào việc hình thành một hệ thống chính quyền lập hiến với tuyển cử đa đảng cho một quốc hội lưỡng viện, và một ngành tư pháp tương đối độc lập để lành mạnh hóa các thủ tục pháp lý nhằm bảo vệ nhân quyền và các định lệ dân chủ. Giới phê bình Mỹ thường có khuynh hướng đánh giá những tiến bộ dân chủ của người Việt Nam bằng cách so sánh với sự thành tựu của thể chế gần hai trăm năm của họ. Tuy nhiên, nếu nhận định qua bối cảnh chiến tranh và thuộc địa mà Việt Nam đã trải qua, thì Đệ Nhị Cộng Hoà đã chứng tỏ có nhiều tiến bộ.

 

  Những thành tựu trên đây không có nghĩa là Đệ Nhị Cộng Hoà không có sơ sót. Trong thời hậu thuộc địa, nhiều quốc gia, trong đó có cả hai nước Việt Nam, đã tùy thuộc quá nhiều vào nguồn lực viện trợ của các cường quốc. Khác với Bắc Việt, Đệ Nhị Cộng Hoà còn mắc phải một yếu điểm nghiêm trọng nhứt là đã tùy thuộc vào một đồng minh không đáng tin cậy. Các nhà lãnh đạo Đệ Nhị Cộng Hoà có khuynh hướng xem sự liên minh với Mỹ là mặc nhiên và đã không hề tìm cách duy trì hay thay thế khi chính sách của Mỹ xoay chiều.

  Đệ Nhị Cộng Hoà đã thua trong mặt trận tuyên truyền ở Mỹ, vì bị người ta gán cho các sai lầm của Đệ Nhứt Cộng Hòa và của giai đoạn giao động. Dĩ nhiên, đối với bất kỳ nước nào, và đặc biệt đối với một tân quốc gia đang phải đương đầu với các kẻ thù đáng sợ, những ai có thiên kiến chỉ trích vẫn có thể tìm ra kẽ hở. Nhưng giới bình phẩm Mỹ, với óc kiêu ngạo của họ đã đi xa hơn bằng cách đặt nghi vấn về tư cách của nền Đệ Nhị Cộng Hoà như một quốc gia có chủ quyền. Với thái độ này, Mỹ đã thương thảo hiệp ước hoà bình với Bắc Việt, gây tổn thương cho hiến pháp và chủ quyền quốc gia của Đệ Nhị Cộng Hoà.   

  Vào năm 1954, Pháp đã lấy danh nghĩa của người Việt Quốc Gia để thương lượng Hiệp Định Genève, một hiệp định gây tổn thất cho người Quốc Gia, rồi đến năm 1973 người Mỹ cũng đã làm chuyện đó với Hiệp Định Paris. Ngô Đình Điệm xem Hiệp Định Genève là hành động của người Pháp qua mặt ông để thương thuyết với kẻ thù của ông và Nguyễn Văn Thiệu cũng xem Hiệp Định Paris là người Mỹ đã qua mặt ông thương kết với kẻ thù của ông. Cả hai hiệp định này đều có những điều khoảng có tiềm năng hoặc thực sự đã trói tay người Việt Quốc Gia.

  Một yếu tố phức tạp của Hiệp Định Genève 1954 là Pháp đã tôn trọng một hiệp ước quốc tế mặc nhiên công nhận Cộng Sản Việt Nam là đại diện cho một quốc gia có chủ quyền, mà lại làm ngơ việc phê chuẩn hiệp ước trao trả độc lập cho Việt Nam, đã được thương thảo trước đây với phe quốc gia do Bảo Đại đại diện. Pháp cố tình trì hoãn việc trao trả chủ quyền để mưu đồ nắm giữ quyền điều khiển chính sự ở Miền Nam cho đến khi cuộc “tuyển cử” hai năm sau như đã dự định trong Hiệp Định.

  Ngô Đình Diệm đã bác bỏ ý đồ đó của Pháp không để cho họ mặc nhiên tiếp tục xử lý tương lai của người Việt Nam. Cuộc Trưng Cầu Dân Ý tháng 10 năm 1955 của ông Diệm truất phế Bảo Đại, mở đường cho việc thành lập Đệ Nhất Cộng Hoà, đã có tác dụng như là một Tuyên Bố Độc Lập của người Quốc Gia đối với Pháp. Chuyện này thành công vì người Quốc Gia đã tìm được một đồng minh, Mỹ. Tuy nhiên, về sau, khi người Mỹ bắt tay với Cộng Sản để giải kết sự can thiệp của họ trong các vấn đề Việt Nam thỉ người Quốc Gia không còn tìm đâu ra chỗ nào khác để nương tựa.

  Có lẽ miền Nam không có lối thoát trước cái yếu điểm then chốt là không có những đồng minh đáng tin cậy trong khi đồng minh của đối phương thì giữ cam kết cho đến cùng. Và có lẽ cũng không có cách xóa bỏ hình ảnh đã ăn sâu trong tâm trí người Mỹ về những thất bại của Đệ Nhất Cộng Hoà và Giai Đoạn Giao Động. Cũng có thể lập luận như vài tác giả trong quyển sách này đã cho rằng Đệ Nhị Cộng Hoà đáng lẽ phải gia tăng hiệu năng của mối quan hệ đồng minh với Mỹ bằng cách tham gia tích cực vào sinh hoạt truyền thông chính trị Hoa Kỳ để kéo dài và gia tăng sự cam kết của Mỹ đối với sự sống còn của mình. Tuy nhiên đây là một thử thách đầy khó khăn trong một thời điểm mà các cuộc xáo trộn trong nước đang làm bận tâm dân chúng Mỹ.

  Hiển nhiên, Đệ Nhị Cộng Hoà đã phải đối phó với nhiều vấn đề nghiêm trọng. Phần nhiều, nếu không nói là tất cả, những vấn đề này về mặt nào đó liên quan đến sự mất dần sự trợ giúp từ bên ngoài cùng nhu cầu xây dựng sức mạnh bên trong để đương đầu với áp lực của một kẻ thù được hậu thuẫn bởi những chủ nhân hùng mạnh. Trong quyển sách này, những bài viết của Trần Quang Minh và Nguyễn Đức Cường mô tả nỗ lực tái thiết kinh tế và tự túc. Hồ văn Kỳ Thoại đã thuật lại trận hải chiến năm 1974 khi Hải Quân Mỹ từ xa nhìn lực lượng Trung Hoa Cộng Sản chiếm Hoàng Sa mà không cứu vớt các thuỷ thủ Miền Nam bị quân Trung Hoa Cộng Sản đánh chìm. Thái độ không can thiệp của Quân Đội Mỹ đáng lẽ đã cảnh giác Sài Gòn không nên trông cậy vào sự giúp đỡ của Mỹ nữa. Thiếu cảnh tỉnh, lại tiếp tục mong đợi vào sự giúp đỡ của Mỹ, nên Sai Gòn đã không có kế hoạch ứng phó thích hợp. Đây có lẽ là nguyên nhân thất bại lớn nhứt của Đệ Nhị Cộng Hoà, tuy rằng vào lúc đó không thấy có giải pháp nào khả dĩ thay thế được sự liên minh với Hoa Kỳ.

  Những quyết định chiến thuật và chiến lược của Nguyễn Văn Thiệu vào mùa Xuân 1975 rất dễ để chỉ trích. Nhưng làm khác hơn để thay đổi tình thế thì cũng không có chỉ dấu nào rõ rệt. Kể từ lần cuối quân Mỹ rút đi vào năm 1973, sự yểm trợ quân sự của Mỹ đã giảm đi nhanh chóng. Trong khi đó, địch quân, nhờ vào Hiệp Định Paris 1973, được ở lại Miền Nam, đã được củng cố, tăng cường, tiếp tế và huấn luyện để sẵn sàng cho các chiến dịch kế tiếp.

  Cũng có thể nói rằng quyết tâm theo đuổi nền Dân Chủ Lập Hiến của Đệ Nhị Cộng Hòa đã tạo nên một tình huống bất lợi cho họ khi so sánh với chế độ toàn trị ở miền Bắc, một chế độ đã đẩy toàn dân vào chiến tranh và đàn áp mọi sự bất đồng. Thật sự thì ở Miền Nam, sự khác biệt về quan điểm chính trị, cùng với một nền báo chí và tuyển cử tương đối tự do đã tạo cơ hội cho những chính trị gia đối lập hoạt động trong Quốc Hội. Thêm vào đó, một hệ thống tư pháp không hẳn bị chi phối đã ngăn ngừa được việc huy động cả nước vào chiến tranh theo kiểu Bắc Việt. Chính sự khác biệt đó là ý nghĩa của cuộc chiến. Nếu Miền Nam sao chép chính sách kiểm soát toàn diện về văn hoá, xã hội, và chính trị của Miền Bắc thì không còn lý do để chiến đấu nữa.

  Những bài viết trong quyễn sách là kết tinh của một Hội Thảo được tổ chức tại Đại Học Cornell vào tháng 6 năm 2012. Các bài này phô bày tính cách đa dạng về kinh nghiệm và quan điểm trong thời Đệ Nhị Cộng Hoà, 1967-75, và cho thấy ước vọng và cố gắng của người Việt để xây dựng một nền dân chủ lập hiến trong thời chiến. Công trình xây dựng một nền dân chủ bền vững và việc thực thi các cuộc cải cách và chính sách để đạt đến mục đích đó đã chiếm ngự tư tưởng, hy vọng và nỗ lực của nhiều người Việt. Họ bất chấp những điều kiện khắc nghiệt của chiến tranh cũng như các sự xuyên tạc của một đồng minh đã từng lấn áp chủ quyền quốc gia của họ để rồi sau đó biến đi mất. Tôi muốn bày tỏ sự tri ân của tôi đối với sự quả cảm của các tác giả. Sau nhiều thập kỷ bị coi thường vì các bài viết bóp méo của người Mỹ, họ vẫn giữ nguyên tiếng nói của mình, và bây giờ họ viết lại các sự hiểu biết và kinh nghiệm của họ một cách trung thực.

  Bài của Bùi Diễm dựa trên kinh nghiệm của ông trong chính trường Việt Nam từ thập niên 1940 và nhiều năm phục vụ với tư cách một nhà ngoại giao trong quan hệ Sài Gòn-Hoa Thịnh Đốn. Ông đưa ra một hồi ức đầy ý nghĩa về cuộc đấu tranh lâu dài giữa người Việt Cộng Sản và người Việt Quốc Gia, xảy ra trước và sau khi có sự can thiệp của Mỹ. Theo ông, việc người Mỹ can thiệp vào Việt Nam rồi sau đó bỏ rơi đã gây tổn hại nặng cho người Quốc Gia, trong khi đồng minh ngoại quốc của Cộng Sản lại không làm như vậy cho phe của họ.

  Phan Công Tâm phục vụ ở Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo (TUTB), tương tự như cơ quan CIA của Mỹ. Ông đã trình bày việc thành lập, tổ chức và sự phát triển của TUTB và những kinh nghiệm hoạt động của ông liên quan đến lảnh vực quốc tế, như cuộc Hoà Đàm Paris, cuộc hỗn loạn năm 1970 ở Cam Bốt, và hoạt động ngoại giao với lãnh tụ của một quốc gia Phi Châu.

  Nguyễn Ngọc Bích viết về những cố gắng của ông trên mặt đại diện cho Miền Nam ở Mỹ và ở những quốc gia khác trong thời điểm mà tuyên truyền thân Cộng đang kích động phong trào phản chiến. Vốn là một nhà giáo dục chuyên nghiệp, nhưng ông đã nỗ lực đối đầu và phản bác tất cả những dối trá vào thời đó về Đệ Nhị Cộng Hoà. 

  Trần Quang Minh là một giáo sư đại học về thú y, từng phục vụ trong nhiều cơ quan và bộ trong chính quyền liên quan đến sản xuất và tiếp thị nông nghiệp, gồm cả trong chương trình Cải Cách Điền Địa “Người Cày Có Ruộng” năm 1970. Bài của ông tường thuật rất sinh động về hoạt động của ông trong hơn một thập niên trong lãnh vực nông nghiệp.

  Nguyễn đức Cường là một Tổng Trưởng trong thời Đệ Nhị Cộng Hoà chịu trách nhiệm về phát triển kinh tế. Bài của ông mô tả nền Kinh Tế Miền Nam trong những năm cao điểm của sự can thiêp của Mỹ, đặc biệt tập trung vào nỗ lực để thích ứng với sự cắt giảm viện trợ Mỹ vào những năm cuối của cuộc chiến.

  Phan Quang Tuệ cung cấp một hồi tưởng sinh động về sự nghiệp chính trị của thân phụ ông và của bản thân ông qua suốt cả hai nền Cộng Hoà. Thân phụ của ông, Bác Sĩ Phan Quang Đán, là một người đối lập nổi tiếng trong thời Đệ Nhất Cộng Hoà; ông và gia đình đã chịu nhiều hậu quả đau khổ. Phan Quang Tuệ miêu tả giai đoạn khôn lớn với người cha tiếng tăm của mình, về sự nghiệp của ông trong ngành tư pháp của Đệ Nhị Cộng Hoà, và cuộc vận động tranh cử vào Hạ Viện trong muà tuyển cử năm 1971.

  Trần văn Sơn kể lại những biến cố của gia đình ông trong suốt các cuộc chiến của thế kỷ 20 và về sự nghiệp của một sĩ quan hải quân, những kinh nghiệm trong tư cách là thành viên đối lập trong Quốc Hội sau khi ông đắc cử vào Hạ Viện năm 1971, về việc ông bị Cộng Sản cầm tù sau chiến tranh, việc ông thoát khỏi Việt Nam bằng đường biển, và sự nghiệp sau này của ông trong khi tị nạn chính trị ở Mỹ.

  Mã Xái cũng là một thành viên đối lập của Hạ Viện trong suốt thời Đệ Nhị Cộng Hoà, đắc cử năm 1967 và sau đó vào năm 1971. Bài của ông nói về Đảng Tân Đại Việt, chương trình và hoạt động của đảng trong những năm đó.

  Hồ văn Kỳ Thoại đã phục vụ với tư cách Phó Đề Đốc Hải Quân. Bài của ông tường thuật kinh nghiệm của một tư lệnh mặt trận khi quân Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa năm 1974 và về lý do tại sao Hải Quân Việt Nam đã cố gắng nhưng không bảo vệ được quần đảo. Bài của ông cung cấp những tin tức trực tiếp về trận chiến Hoàng Sa.

  Lữ Lan là một tướng lãnh trong quân đội của Đệ Nhị Cộng Hoà. Ông đã phục vụ trong những cương vị huấn luyện, tham mưu, tư lệnh sư đoàn, và tổng thanh tra. Ông cung cấp một tổng hợp sâu sắc, cả phân tích lẫn miêu tả, về nhiều biến cố.

  Các bài viết trong tuyển tập này phản ảnh các kinh nghiệm, quan điểm và phong cách diễn đạt khác nhau. Điều này nói lên sự đa dạng về chủ đích hoạt động và quan điểm của những thành phần trí thức của xã hội Miền Nam trong suốt thập niên 1960 và những năm đầu của thập niên 1970, khi mà những thăng trầm của cuộc nội chiến và sự can thiệp của ngoại bang đã tạo ra nhiều thay đổi nhanh chóng và một loạt những khủng hoảng về lãnh đạo, tổ chức chính trị, hoạt động quân sự, ổn định kinh tế, an sinh xã hội, và chính sách công quyền. Chính sự đa dạng này đã cho thấy lý do căn bản của cuộc chiến khi so với xã hội độc tài ở Miền Bắc. Hình ảnh của Đệ Nhị Cộng Hòa trong tâm trí người Mỹ vào thời đó, và về sau, ngay cả đến hôm nay, là một chế độ độc tài đáng bị đánh bại, có lẽ chỉ là một sự vu khống để tiện dụng, dù sao đi nữa thì vẫn là một vu khống! Công trình của người Việt đề xây dựng một chính thể dân chủ trong hoàn cảnh bất lợi vẫn chưa đánh tan được cái huyền thoại ích kỷ của người Mỹ, một huyền thoại đã che phủ sự bỏ rơi một đồng minh đã từng bị miệt thị nhất trong lịch sử Mỹ. Mục đích của việc biên soạn quyển sách này không những chỉ để đưa lên tiếng nói của những người Việt Nam thuộc Đệ Nhị Cộng Hoà trước khi bị tắt hẳn, nhưng cũng để cho người Mỹ có cơ hội cuối cùng, sau gần nửa thế kỷ, để hiểu rõ hơn một quốc gia đồng minh, nơi mà hàng chục ngàn thanh niên Mỹ đã hy sinh.

   



[1] Nguyen Cong Luan, Nationalist in the Vietnam Wars:Memoirs of a Victim Turned Soldier (Bloomington and Indianapolis, IN: Indiana University Press, 2012).

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
“Ý thức xã hội mới Việt Nam “là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm, những tình cảm, tâm trạng, truyền thống tốt đẹp, v.v. của cộng đồng dân tộc Việt Nam, mà hạt nhân là chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh lợi ích căn bản của nhân dân nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ xã hội mới”. Nói như thế là cuồng tín, vọng ngoại và phản bội ước vọng đi lên của dân tộc...
Nhiều sự việc thay đổi kể từ thập niên 1970 khi Richard Nixon và Mao Trạch Đông nghĩ ra công thức “một Trung Quốc” cho sự dị biệt của họ đối với quy chế Đài Loan. Nhưng nếu kết hợp với các biện pháp khác để tăng cường việc răn đe chống lại bất kỳ hành động xâm lược bất ngờ nào, chính sách này trong 50 năm qua vẫn có thể giúp cho việc gìn giữ hòa bình. Liệu Trung Quốc có thể cố tấn công Đài Loan vào năm 2027 không? Philip Davidson, Tư lệnh mãn nhiệm của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, nghĩ như vậy hồi năm 2021 và gần đây ông đã tái khẳng định việc đánh giá của mình. Nhưng liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có định sẵn cho cuộc chiến trên hòn đảo này không, đó là một vấn đề khác. Trong khi nguy hiểm là có thật, một kết quả như vậy không phải là không thể tránh khỏi.
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.