Bóng đá nhí và bóng đá SEA Games
Còn nhớ hồi tôi học lớp tiểu học trường làng, cũng có một đội bóng của làng với các cầu thủ nhí, hầu như gồm toàn những anh em bà con trong họ. Các ông chú tôi: ông Nhạ, ông Vạn, ông Loan; mấy thằng anh em họ, mấy thằng bạn ngoài phố, trong chợ và mấy anh em tôi hợp thành một đội banh. Cũng đi "thi đấu" tưng bừng với các đội bóng làng bên rồi có khi sang cả huyện lân cận đá... mà chẳng ăn cái giải gì.
Rồi đến khi lên trung học, cũng lại có một đội bóng của trường, đá ngôi vô địch với các trường khác và các đội bóng Thiếu Niên toàn thành phố. Đá không có giải, thậm chí không có cả nước uống, nhưng cũng hăng say lắm. Vì "màu cờ sắc áo" cũng đá "liều mạng" đến sứt gọng gãy càng là thường. Dù chẳng có cái cờ nào và cũng chẳng có bộ đồng phục nào, toàn là cởi trần, quần cụt, chân đất. Sau này thì chỉ đi coi đá bóng ở các sân banh, không có trận nào vắng mặt. Cuối cùng thì chỉ nằm nhà hoặc ra tiệm cà phê đầu phố coi Word Cup và SEA Games. Hai năm mới có một lần, cũng nên xem cho biết, nhất là coi đá bóng.
Tôi nói như thế để chứng minh rằng đối với người dân Việt Nam, SEA Games nào thì môn bóng đá cũng được chú trọng hơn cả. Để hình dung một cách rõ ràng hơn, có thể nói một cách chắc chắn rằng nếu bất cứ đội bóng nào của VN, dù là đội tuyển hay U23 mà thua trong bất cứ vòng đấu nào thì kể như SEA Games cũng chấm dứt từ đó đối với họ.
Có chăng chỉ còn một số rất ít người là dân thể thao chuyên nghiệp và mấy anh phóng viên là còn theo dõi những cuộc thi tài khác như chạy, nhảy, bơi lội... mà thôi. Cũng có vài môn được giới trẻ chú ý như bóng chuyền, quần vợt... Tuy nhiên, nếu có thua thì cũng chẳng sao, mà nếu có vô địch thì cũng chẳng ai xuống đường làm chi cho mệt.
Vậy mà ở môn bóng đá, cứ mỗi lần đội VN thắng dù ở vòng ngoài hay vòng trong thì cũng kéo nhau xuống đường. Và, những cuộc xuống đường ấy càng vào đến vòng trong càng "gay cấn" hơn. Những cuộc xuống đường ấy hoàn toàn vì bóng đá chứ không phải vì SEA Games. Thứ bóng đá truyền thống có từ "muôn đời xưa".
Những cuộc xuống đường
Vì thế ngay sau trận thắng Malaysia 2-1 tuốt bên Philippines, tại Hà Nội, Sài Gòn, Cần Thơ... hàng chục ngàn người dân đã ùa ra đường ăn mừng. Các con đường trung tâm thành phố đều bị kẹt cứng, đèn xanh đèn đỏ trở thành... vô nghĩa. Những tiếng trống, còi xe và cả nồi niêu xoong chảo cũng xuống đường. Hãy thử nhìn sơ qua cảnh hỗn loạn ấy tại Sài Gòn.
Lợi dụng cuộc ăn mừng này hay "ăn mừng quá lố", tình trạng đua xe lại diễn ra rất sôi nổi. Chỉ trong một đêm đã có hơn 1000 xe vi phạm bị tạm giữ. Tình trạng đua xe trái phép đã diễn ra sau trận VN thắng Myanmar trong trận bán kết. Đêm 2-12 và kéo dài đến rạng sáng 3-12. Khu vực đường An Dương Vương, Nguyễn Trãi, Q.5, đường Lý Tự Trọng, Hai Bà Trưng, Q.1, Điện Biên Phủ, Đinh Tiên Hoàng, Q.Bình Thạnh... xuất hiện những tốp đua xe hàng trăm chiếc. Các loại cảnh sát Giao thông Trật tự, CS113... đã phải huy động toàn bộ lực lượng để phòng chống đua xe.
Đến 1 giờ sáng 3-12, đã có hơn 700 xe gắn máy bị tạm giữ. Tại trụ sở Đội Cảnh sát Giao thông (CSGT) số 1 và 3, các nhà kho giam giữ xe vi phạm đã bị "quá tải" nặng nề. Trong đêm 2 đến rạng sáng 3-12, chỉ tính riêng khu vực trung tâm Q.1 và "điểm nóng" Q.5, CSGT đã tạm giữ 932 xe gắn máy. Như vậy, trên toàn thành phố, công an đã tạm giữ hơn 1.000 xe vi phạm, "kỷ lục" từ đầu SEA Games 23 đến nay. Các trường hợp vi phạm đều bị giữ xe.
Trong thời gian này, TP. Sài Gòn chỉ có một sự thay đổi là từ nay bạn sẽ nhìn thấy xe buýt hai tầng trên những con đường đông đúc chật chội của thành phố. Xin đừng lầm với Hồng Kông.
Tại Hà Nội: Hơn 137 xe bị bắt, có 6 xe hơi đang nằm ở sân trụ sở CA, chưa kể vài chiếc sẽ bị gọi lên vào ngày hôm sau. Tùy mức độ vi phạm, những xe cầm đầu, lạng lách, quá khích sẽ bị phạt từ 4-5 triệu đồng, giữ xe 2 tháng. Biết vậy mà các "quái xế" vẫn không thể kìm giữ được niềm vui.
Có tới 200 xe biển số Hải Phòng từ phía Gia Lâm vượt cầu Chương Dương tiến về Hà Nội. 30 phút sau, phía đường Thanh Niên, đường Âu Cơ ngập tràn xe ngoại tỉnh: Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh..., lao ầm ầm về phía hồ Hoàn Kiếm. Ở bên kia, những chiếc xe biển Hà Tây, Vĩnh Phúc cũng lao về khiến hồ Hoàn Kiếm trở thành điểm tập trung khổng lồ của những quái xế miền Bắc.
Ngay cả khi Đội tuyển bóng đá nữ VN thắng Myanmar, giành ngôi vô địch, kiếm thêm được chiếc HCV, cũng có vài cuộc xuống đường "nhỏ lẻ" không đáng kể.
Trận thua 0-3 vì đẳng cấp
Khi tôi viết bài này (17 giờ ngày 4-12) thì thận đấu chung kết giữa U23 VN và Thái Lan còn chưa có kết quả. Tuy nhiên tôi sẽ cố gắng đợi kết quả trận quyết chiến cuối cùng này xem Đội VN có đủ sức đạt tới niềm ước mơ thiết tha từ nửa 46 năm nay hay không.
Nếu "chẳng may" VN thắng Thái Lan trong trận chung kết, có lẽ tình trạng ăn mừng còn "kinh khủng" hơn nữa. Nói cho đúng ở VN bây giờ, chẳng có gì đáng vui mừng thật sự hơn những vui mừng "truyền thống" đó. Người ta cứ phải vỗ tay hoan hô "theo lời yêu cầu" nhiều quá rồi nên gặp dịp "xả hơi" thì người dân tự động bảy tỏ niềm vui đích thực của mình mà không cần "vui thì vui gượng kẻo là"... Xin thông cảm cho họ.
Nhưng rất tiếc vào lúc 18 giờ, đội U 23 Thái Lan đã thắng đội VN 3-0. Thực tế thì đẳng cấp của Thái Lan vẫn hơn VN nhiều. Một trận thua xứng đáng, không có gì oan uổng, tuy tỉ số có hơi đậm. Thái Lan đoạt chức vô địch lần thứ 7 liên tiếp. Cái ước vọng xô đổ Thái Lan của những đội bóng Đông Nam Á lại một lần nữa không thực hiện được. VN đành ngậm ngùi với chiếc Huy chương bạc. Chắc đêm nay sẽ không có cuộc xuống đường nào.
Mục tiêu chính của nước chủ nhà
Nhưng bây giờ, hãy xin trở lại với SEA Games 23, nhìn lại những ngày vừa qua xem cái đấu trường khu vực này tiến triển ra sao. Trước hết phải công nhận nước chủ nhà Philippines đã cố gắng đến mức tối đa để tổ chức một SEA Games tương đối thành công. Tôi nói "tương đối" vì còn khá nhiều điều chưa được hoàn thiện.
Sự thành công của Philippines lần này phải kể đến vấn đề an ninh. Trong suốt những ngày các đoàn thể thao đến các thành phố của Philippines hầu như không gặp một trở ngại nào. Họ được bảo vệ cẩn mật và cũng không có dấu hiệu nào của những mưu toan phá hoại. Không thể biết, chính phủ Philippines có một cuộc "dàn xếp ngầm" nào với nội bộ của mình không, nhưng dù có thế cũng là một điều đáng khen. Còn nếu không có sự dàn xếp ngầm nào thì chính phủ Philippines đã chứng tỏ được sức mạnh của mình, điều này có liên quan tới chính trị. Tất nhiên còn nhiều mặt khác như du lịch, đầu tư và thương mại... Người ta sẽ có một cái nhìn lạc quan với tình hình Philippines. Có lẽ đó mới là mục tiêu của chính phủ dưới quyền bà Gloria Arroyo. Người đàn bà sau những sự kiện rối loạn và sau SEA Games 23 có thể được coi là "người đàn bà thép" ở Đông Nam Á.
Một cuộc điều tra cần thiết
Mục tiêu của chính phủ là như thế, nhưng những "quan chức thể thao" của SEA Games 23 dường như chưa hiểu hết được ý nghĩa của tầm quan trọng này nên có vẻ như đã có một số hành động khiến nhiều đoàn thể thao nghi ngờ về tinh thần trung thực trong thể thao của họ. Thậm chí, vào ngày thứ tư 30-12, thủ tường Thái Lan Thaksin Shinawatra, không úp mở đã nói thẳng ngay ra: "Philippines đã quan tâm tới việc giành HCV hơn là việc theo đuổi tinh thần thể thao trong kỳ SEA Games 23".
Nếu chỉ là những chuyện "than phiền vặt vãnh" của một số những nhà cầm quân bị thua trong một trận đấu nào đó thì chẳng qua cũng là chuyện bình thường, nhưng quả thật ở SEA Games 23 kỳ này có khá nhiều những lời than phiền như vậy rồi. Trước và trong khi thi đấu, chính đoàn thể thao VN cũng đã kêu ầm lên là bị trọng tài xử ép. Và chuyện khôi hài hơn là một vị trọng tài người Hàn Quốc, chẳng biết trong khi ông làm nhiệm vụ có được các quan chức thể thao nước chủ nhà "rỉ tai" hay không, nhưng sau khi thi đấu, ông biết là mình mắc "sai lầm" với tuyển thủ VN, ông đã đến xin lỗi và gặp phản ứng của VN khá mạnh nên ông rút ngay chiếc đồng hồ ra "đền" cho tuyển thủ VN. Té ra một chiếc huy chương vàng đổi lấy một chiếc đồng hồ dễ dàng như vậy sao!
Nói gọn lại công tác trọng tài cũng có nhiều "vấn đề" đáng ngờ. Ngoài VN tất nhiên còn nhiều nước khác cũng đặt ra vấn đề này. Thế nên Thủ tướng Thái Lan, người đại diện cho một quốc gia, mới phải lên tiếng.
Sự việc đã đến nước này thì chính phủ Philippines phải có thái độ.
Tổng thống Arroyo ra lệnh phải điều tra kỹ lưỡng. Bà nói: "Chúng ta phải trân trọng sự đoàn kết và tình hữu nghị giữa các đối thủ thi đấu và các quốc gia tham dự, để đóng góp vào tình đoàn kết láng giềng giữa các nước Đông Nam Á, nơi mà chúng ta đều là thành viên". Bà muốn một bản báo cáo không thiên vị phải được đệ trình trong thời gian 24 giờ nữa.
Các quan chức có trách nhiệm về thể thao của Philippines đã tranh cãi về các tường thuật nói rằng có sự bất thường trong thi đấu. Họ lập luận rằng không hề có trọng tài hay vị giám khảo nào là người Philippines trong các cuộc thi đấu mà vận động viên đội chủ nhà có tham dự. Lập luận như thế chẳng cải chính được điều gì. Không nhất thiết là phải làm trọng tài, chỉ cần "rỉ tai" trọng tài để triệt hạ những đối thủ mạnh là đủ và còn hàng trăm "mánh lới" khác người ta có thể hạ đối thủ khi thiếu tinh thần fair play.
Và những sự thật
Tính trong suốt thời gian diễn ra SEA Games 23, các tuyển thủ Philippines đã giành được chiến thắng ở gần một phần ba các cuộc thi thể dục dụng cụ và võ thuật. Từ ngày thi đấu đầu tiên đến ngày cuối cùng, luôn luôn họ đứng ở vị trí nhất bảng. VN đứng thứ hai và Thái Lan ở hạng ba, bám đuổi VN ráo riết. Đã có một ngày Thái Lan vượt lên vị trí thứ ba. Nhưng ngay ngày hôm sau, VN lại vươn lên nhì bảng. Tuy nhiên còn 1 ngày cuối cùng, Thái Lan có nhiều môn điền kinh có lợi thế hơn hẳn VN, cho nên họ đưa VN xuống vị trí thứ ba, điều đó xảy ra không có gì lạ.
Và thứ hạng: Nước chủ nhà Philippines xếp thứ nhất, Thái Lan thứ nhì, VN thứ ba và sau đó đến Malaysia, Indonesia, Singapore, Myanmar, Lào Brunei, Campuchia, Đông Tymor cho đến khi bế mạc SEA Games 23 là khó thay đổi.
Nhưng một cuộc điều tra như Tổng thống Philippines đã ra lệnh là điều cần thiết, mong rằng bản điều tra đó sẽ được công khai cho cả thế giới cùng biết. Tôi không tin rằng đó chỉ là một hành động "ngoại giao khéo léo" có tính làm dịu tình hình, ve vuốt "tình đoàn kết giữa những người bạn láng giềng"!
Ngoài ra những tiện nghi phục vụ cho việc tranh tài cũng không thể nào sánh bằng Thái Lan và VN. Ngay cả những sân bãi được sử dụng cho những trận bán kết và chung kết cũng còn mấp mô như sân bóng ở huyện. Những nhà thi đấu có vẻ như được xây dựng, sửa chữa gấp rút và không được đầu tư đúng mức. Trung tâm báo chí cũng chỉ có mỗi chiếc Ti Vi, các phóng viên "người nhà châu Á" hoặc phóng viên thế giới cũng cứ ngồi bệt xuống đất mà xem, cứ tự nhiên như ở nhà. Còn thua cả một quán cà phê loại sang.
Song dù sao SEA Games 23 đã khép lại mà không có một điều gì quá đáng tiếc như các đoàn thể thao tham dự đã từng lo ngại. Thế cũng là thành công đối với Philippines rồi. Theo nhận định của nhiều phóng viên và giới chức chuyên môn thì SEA Games 23 có nhiều tiến bộ về mặt thể lực, nhưng về mặt kỹ thuật thì chưa có gì đáng kể. Nhất là về bóng đá, khán giả chưa được xem những màn trình diễn đẹp mắt như mong muốn. Sự tuột dốc của nó không cho thấy một tương lai rực rỡ đối với bóng đá Đông Nam Á. Các quốc gia còn nhiều việc phải làm, còn phải đầu tư rất nhiều công sức về cả con người và tài chánh nữa mới mong theo kịp các nước ngay tại châu Á, chưa nói đến tầm mức quốc tế. Đợi một đội bóng Đông Nam Á có mặt trong Word Cup có lẽ còn khá lâu.
Xin chào SEA Games 23, chào Philippines.
Nghe tin bên lề rằng Việt Nam lại sẵn sàng đứng ra xin tổ chức SEA Games 24 sắp tới. Chúng ta hãy đợi xem.
Biết rồi khổ lắm nói mãi
Chuyện thứ hai đang làm râm ran bà con TP. Sài Gòn lại là chuyện tham nhũng. Đúng là thứ chuyện "biết rồi khổ lắm nói mãi", nhưng không nói thì chịu không nổi.
Bởi trong những ngày vừa qua hầu như từ Quốc hội VN cho đến người dân "bàn về việc diệt tham nhũng". Cũng lại là thứ chuyện người ta bàn mỏi cả miệng từ bao lâu nay rồi. Bàn nhiều đến nỗi có người cho rằng "càng bàn, nạn tham nhũng càng tăng". Người ta nói ngược như vậy song không hẳn là không có lý. Bởi bàn mãi cách diệt tham nhũng, đưa ra cả ngàn biện pháp, xem ra biện pháp nào cũng "đầy quyết tâm" cả mà... không thấy thực hiện được tí quyết tâm nào thì không khác nào khuyến khích "cứ tham nhũng đi, không sao đâu".
Điều tra về dư luận xã hội đi đến đâu"
Lần này các nhà nghiên cứu đi bắt mạch, kê đơn, tìm xem vi trùng tham nhũng từ đâu mà có. Một cuộc điều tra "rộng khắp" khám phá ra hàng đống lý do tại sao người ta tham nhũng và những ai tham nhũng... Cứ như đã tìm ra đúng con virus tham nhũng để có thuốc đặc trị vậy.
Nhưng 90% người dân lại cho rằng những khám phá đó chẳng có gì là mới mẻ. Toàn những chuyện cũ xì. Đại khái tham nhũng là do yếu tố con người. Tham nhũng vì đã giàu càng muốn giàu hơn. Tham nhũng là do những anh có chức có quyền hoặc bán chức bán quyền. Và nguy hiểm hơn những "quan" công chức bây giờ cho rằng không tham nhũng là dại, đó là chuyện "tự nhiên"...
Để có thể thống kê, hai ông Tiến sĩ Phạm Đại Đồng và Phó giáo sư Nguyễn Đính Cử đã làm một cuộc khảo sát rồi đưa ra một nhận định mà theo các ông này "khá đa dạng" là: thành phần công chức, có 11% trả lời là sẽ thẳng thừng từ chối nếu được hối lộ. Còn 6% xem hối lộ là chuyện "thường tình", nhận ngay. Có tới 26% xử sự theo kiểu "tùy trường hợp". 42% sẽ từ chối nhưng là từ chối khéo.
Con số trên đây quả là khó mà tin được. Chỉ cần có 42% ông từ chối khéo cũng đã là phúc cho dân lắm rồi. Điều tra theo cái kiểu thống kê này thì chắc là chỉ vác giấy bút đi hỏi các vị đang ngồi ung dung trong bàn giấy.Những điều có thể tin
Sau đó ông tiến sĩ Đồng lại cho biết thêm: một nửa số người từng có việc liên quan đến tòa án, kiểm sát nói rằng họ bị nhũng nhiễu, chi tiền ngoài quy định. Ngoài ra, có tới 85,4% cán bộ, công chức nói họ không dám tích cực chống tham nhũng vì sợ chính quyền, cấp trên trù dập. Một số người cũng như thế lấy lý do người tố giác không được giữ kín, không được bảo vệ nên "chống làm gì cho mệt".
Những người này có lý do chính đáng, nhưng xét cho cùng, đã là "cán bộ", là công chức, mà còn sợ thì kể cũng là thứ "cán bộ và công chức hơi hèn". Quan nọ còn sợ quan kia, nói chi đến người dân đen. Hầu như không bao giờ họ dám nghĩ đến chuyện tố tham nhũng, ngoại trừ khi bị ức hiếp, chà đạp quá đáng mới dám ho he mà thôi. Chưa biết chừng vừa tố cáo xong chính việc của mình đã bị ngay cơ quan điều tra gọi lên "hỏi thăm sức khỏe", bị vu oan giá họa là hết tố cáo.
Ông Phó giáo sư Cử còn cho biết thêm rằng "sở dĩ các công chức ăn hối lộ vì đồng lương quá thấp". Trong khi người dân lại cho rằng dù thu nhập của công chức có thấp nhưng được đi học không mất tiền, được mua nhà đất giá rẻ, được đi lại bằng xe công, được ưu tiên đủ thứ... nếu được tính thành tiền thì thu nhập của công chức không phải là thấp so với mặt bằng xã hội.
Quan trên quan dưới như nhau
Ông Cử cũng cho biết thêm một tin tức khá thú vị: Hơn một nửa cán bộ công chức được hỏi, cho rằng cấp trên của mình cũng tham nhũng, còn ngược lại gần một phần năm cán bộ lãnh đạo (tức quan chức cấp cao) cho rằng cấp dưới trực tiếp của họ cũng như vậy. Đặc biệt, hơn 98% người dân cho rằng cán bộ có chức có quyền, tham nhũng không phải vì nghèo mà vì đã giàu còn muốn giàu hơn nữa. Nhưng tố cáo rồi không xử lý, kéo dài dây dưa thì tố cáo cũng vô ích!
Đó là tóm tắt một số điều mà hai chuyên gia của Đại học Kinh tế quốc dân được mời làm thành viên nhóm tư vấn cho nhà nước đã nói ra trong những ngày vừa qua khi lần đầu tiên một cuộc điều tra dư luận xã hội về tham nhũng được thực hiện và công bố kết quả.
Với những kết quả này, thì liều thuốc đặc trị tham nhũng là thế nào" Cả hai ông đều có chung một nhận định là tùy thuộc vào quyết tâm của chính phủ. Chắc các ông này quên mất một điều quan trọng là chính phủ tuyên bố từ lâu là "có quyết tâm cao" rồi.
Cuối cùng giải pháp đưa ra của các vị tư vấn này theo ý kiến của hầu hết người dân là xây dựng một công thức chống tham nhũng: nhân dân phát hiện, báo chí lên tiếng và cơ quan vào cuộc.
Thì từ bao lâu nay công thức kia vẫn được thực hiện chứ có cơ quan nào tự phát hiện ra tham nhũng đâu. Nếu có cũng chỉ là rất ít và do mâu thuẫn cá nhân, ăn chia không đều, mâu thuẫn nội bộ, bất mãn riêng lẻ mà ra. Công thức "toán học" này chắc chắn chẳng mang lại hiệu quả gì. Cần phải có những giải pháp khác.
Một trong những giải pháp đó là xử thật nghiêm minh, không bao che cho bè cánh, không nương tay với bất kỳ một anh quan tham nào. Không chỉ cho ngồi tù vài năm để trấn an dư luận, để ra cái điều ta có làm, ta có diệt tham nhũng. Khi mọi thứ tạm yên rồi lại cho "anh em nhà" về thừa hưởng những của cải tham nhũng. Những "màn biểu diễn" này đến nay đã quá lộ liễu, chỉ làm cho người dân bực tức thêm mà thôi.
Hãy làm một cái gì đáng giá và cho người dân may mắn có được niềm tin hơn là những công thức "toán học" vô bổ này.