Hôm nay,  
DAVEMIN.COM

Cải Tổ Y Tế Trong Hỏa Mù

25/07/201700:00:00(Xem: 11139)

...Obama tung quà cáp bừa bãi cho thiên hạ, đưa đến tình trạng bất cân bằng chi thu...

Bảo hiểm sức khỏe là ưu tư thứ nhì của dân Mỹ, sau công ăn việc làm, theo một thăm dò mới nhất. Có lẽ chính vì vậy mà trong vụ cãi cọ Obamacare ta cũng thấy nhiều khói mù nhất, do mọi phe tung ra để làm áp lực chính trị, trả giá qua lại.

Điều mọi người thấy rõ, TT Trump, hay chính xác hơn, Thượng Viện Mỹ, đã vật lộn với vấn đề này từ mấy tháng qua, và kết quả đã thất bại hoàn toàn. Cho đến nay, chưa ra được cái gì thay thế và cũng chẳng biết phải làm gì luôn.

Trước đó, Hạ Viện đã biểu quyết thu hồi Obamacare và thông qua luật y tế mới của họ rồi. Bây giờ đến phiên Thượng Viện. Sau khi Thượng Viện ra được luật y tế mới, hai luật sẽ được đúc kết thành một luật chung và biểu quyết lần cuối. Luật cuối này phải được TT Trump ký, khi đó mới gọi là Trumpcare được. Nôm na ra, bây giờ chưa có Trumpcare.

Những người ủng hộ TT Obama phe phẩy quạt, cười ruồi rồi phán “Thấy chưa, cả nước ủng hộ Obamacare nên CH chẳng có cách nào thu hồi được!”. Fake news! Thực tế là cả nước, kể cả phe DC, đều thấy rõ Obamacare đã thất bại, chỉ là không đồng ý phải sửa đổi thế nào hay thay thế bằng cái gì thôi. Ngay cả phe DC cũng đồng ý cần phải coi lại toàn bộ Obamacare, nhưng họ không đồng ý thu hồi mà chỉ muốn sửa chữa thôi. Kiểu như ai cũng đồng ý căn nhà Obamacare đổ nát, phải làm một cái gì, nhưng vấn đề là có quá nhiều kiến trúc sư, mỗi anh một ý kiến. Để rồi thiên hạ vẫn phải ở trong căn nhà đổ nát cho đến khi đám kiến trúc sư đạt được đồng thuận.

Trước khi đi xa hơn, cần phải định nghiã lại cho rõ vài danh từ:

- Obamacare: nói riêng, chỉ việc mua bán bảo hiểm qua hệ thống phối hợp “exchanges” do luật Affordable Care Act (ACA) của TT Obama thành lập. Trong bài này, Obamacare chỉ toàn thể bộ luật cải tổ y tế ACA của TT Obama.

- Medicaid: bảo hiểm y tế cho những người có lợi tức thấp. Đây là chương trình phối hợp giữa liên bang và tiểu bang, do đó danh xưng và điều kiện có thể khác nhau tùy tiểu bang, như Medical ở Cali, Healthchoice ở Maryland. Năm 2012, Obamacare nới rộng tiêu chuẩn “lợi tức thấp”, giúp nhiều người có Medicaid hơn (Medicaid expansion plan). Có 31 tiểu bang nhận nới rộng Medicaid, 19 tiểu bang không nhận, phần lớn vì không có tiền. Ngoài ra, Obamacare không thay đổi Medicaid gì hết.

- Medicare: bảo hiểm y tế của liên bang dành cho tất cả những người từ 65 tuổi trở lên. Vì Medicare không trả hết 100% chi phi dịch vụ y tế nên những người lợi tức thấp lãnh Medicaid qua tuổi 65 có thể được cả Medicare lẫn Medicaid. Obamacare không thay đổi gì, ngoại trừ việc Nhà Nước bồi hoàn ít tiền hơn cho bác sĩ và nhà thương.

Ở đây, phải nói cho rõ: nhiều người có Medicaid hay Medicare hoan nghênh Obamacare vì tưởng lầm nhờ Obamacare mà họ được chăm sóc y tế miễn phí. Thật ra, cả hai loại bảo hiểm này đã có từ thời TT Johnson, không phải nhờ Obamacare. Obamacare có bị thu hồi, Medicaid và Medicare vẫn còn.

Bây giờ, ta nhìn vào Obamacare. Ai có lợi, ai bị thiệt thòi?

Cũng như tất cả mọi luật, Obamacare có lợi cho một số người nhưng có hại cho một số khác, đại khái như sau:

- Khối 10% giàu nhất: Obamacare hay không, chẳng khác gì vì họ dư tiền mua bảo hiểm đắt nhất, tốt nhất.

- Khối 25% nghèo nhất đã có Medicaid: Obamacare không thay đổi gì. Khác biệt là Obamacare nới rộng tiêu chuẩn “lợi tức thấp”, nhiều người được lãnh Medicaid hơn.

- Khối 5% trung lưu thấp: Obamacare tốt vì họ được trợ cấp tiền mua bảo hiểm.

- Khối 60% trung lưu vừa và cao: Obamacare là đại nạn vì họ lãnh đủ việc tăng tiền bảo hiểm, bác sĩ, nhà thương, thuốc men, tiền trả trước –deductibles-, mà không được trợ cấp gì hết. Đó là lý do tại sao Obamacare bị xấp xỉ 60% dân Mỹ chống.

- Có lợi lớn nhất với Obamacare là những người đã có bệnh nặng từ trước, mà bảo hiểm trước đây không nhận, nhưng Obamacare bắt phải nhận.

- Thiệt thòi nặng là giới trẻ vì bị bắt phải mua bảo hiểm trong khi chúng cảm thấy không cần thiết, tốn tiền vô ích.

- Giới cao niên trên 65 tuổi không thắc mắc về Obamacare vì đã có Medicare.

- Giới bác sĩ không hoan nghênh Obamacare vì giới hạn số tiền Nhà Nước hoàn trả cho họ qua Medicaid và Medicare.

- Các hãng bảo hiểm vừa và nhỏ không ủng hộ vì chi phí quá lớn, thu nhập không đủ sở hụi. Hàng chục hãng bảo hiểm vừa và nhỏ đã khai phá sản. Một số lớn đã rút ra khỏi hệ thống Obamacare Exchanges.

- Các hãng bảo hiểm lớn hoan nghênh vì Obamacare giết mấy hãng bảo hiểm nhỏ, bớt cạnh tranh, nhưng họ cũng rút ra khỏi nhiều thị trường mà họ nghĩ không đủ khách hàng. Những nơi còn lại, họ tăng bảo phí, có nơi tăng gấp đôi. Tình trạng các nhà thương và hãng bào chế thuốc cũng vậy: nhỏ chết, lớn tăng giá, lời to.

Đối với dân tỵ nạn thì cũng tùy họ thuộc khối nào. Phần lớn dân tỵ nạn có lợi tức thấp nên một số lớn hoan nghênh Obamacare vì nhiều người được lãnh Medicaid hơn, và nhiều người được trợ cấp mua bảo hiểm. Những dân trung lưu phải tự mua bảo hiểm lấy bị thiệt thòi nặng. Trong khi khối tỵ nạn thế hệ hai bước qua ngưỡng cửa trung lưu ngày càng đông đảo, nghiã là số dân tỵ nạn bị thiệt thòi vì Obamacare ngày càng đông.

Bác sĩ trong cộng đồng tỵ nạn phần lớn thuộc thế hệ tỵ nạn đầu, nhận hết Medicaid và Medicare giúp đồng hương. Các bác sĩ trẻ, tỵ nạn thế hệ hai, một số lớn không phục vụ công đồng tỵ nạn, ít nhận Medicaid và Medicare. Vài năm nữa, khi các bác sĩ tỵ nạn thế hệ đầu về hưu hết, cộng đồng tỵ nạn già yếu và nghèo, sẽ gặp khó khăn tìm bác sĩ gốc Việt.

Đó là tóm lược nguyên tắc. Nhưng thực tế đã không như ý muốn của những người viết luật.

Obamacare bắt tất cả các hãng bảo hiểm phải nhận bảo hiểm những người bị bệnh nặng từ trước, bất kể chi phí chữa trị cực kỳ cao, mà không cho tính bảo phí cao hơn. Nói cách khác, tất cả mọi người dù bệnh hay không bệnh, phải cùng nhau gánh vác tiền chữa trị rất nặng cho những người này. Thêm vào đó, tất cả mọi người đều phải gánh chịu bảo hiểm những thứ nhiều người thấy không liên quan đến họ, hay không thấy cần thiết như bảo hiểm phá thai hay mổ xẻ chuyển giới.

Để bù đắp chi phí quá cao của các hãng bảo hiểm, Obamacare bắt buộc tất cả mọi người đều phải mua bảo hiểm, ai không mua sẽ bị “phạt”. Các công ty có trên 50 nhân viên đều bị bắt buộc phải cung cấp bảo hiểm y tế tập thể cho tất cả nhân viên. Đó là những cách giúp tăng thu nhập cho các hãng bảo hiểm, để họ khỏi lỗ quá nhiều. Là bài toán kinh tế chứ không phải chỉ là tốt lành, lo cho tất cả có bảo hiểm đâu.

Không ít người, nhất là giới trẻ, chấp nhận đóng tiền phạt thay vì mua bảo hiểm vì họ không thấy có nhu cầu, và vì họ tính toán, đóng phạt rẻ hơn mua bảo hiểm. Tiền phạt đi vào túi Nhà Nước, trong khi các hãng bảo hiểm không nhận được số tiền đó để bù đắp việc mất người mua bảo hiểm. Do đó, nhiều hãng lỗ nặng, phá sản hay rút ra khỏi hệ thống exchanges. Những hãng còn lại tăng bảo phí ào ạt.

Đã vậy, lại còn có nhiều người chơi mánh, không mua bảo hiểm, chịu đóng phạt, đến khi bệnh nặng mới mua, mà khi đó hãng bảo hiểm không có quyền từ chối hay tăng bảo phí, khiến họ chi khẩm mà thu không bao nhiêu. Lỗ thêm nữa.

Một số lớn tiểu thương giới hạn không thuê quá 50 nhân viên, hay giảm số nhân viên toàn thời để khỏi phải cung cấp bảo hiểm tập thể cho họ. Đưa đến tình trạng thất nghiệp dây dưa. Nhân viên các cơ sở kinh doanh nhỏ không đủ 50 nhân viên, như tiệm phở ở Bolsa, phải bỏ tiền túi ra mua bảo hiểm rất đắt. Thôi, thà ngồi nhà lãnh tiền thất nghiệp và Medicaid tốt hơn nhiều. Đó chính là một trong những nguyên nhân Obamacare đưa đến những kỷ lục về thất nghiệp và kỷ lục về oeo-phe.

Mặt khác, vì Nhà Nước cắt bớt tiền hoàn trả cho bác sĩ, nhà thương qua Medicare và Medicaid, nên nhiều bác sĩ và nhà thương bớt nhận bệnh nhân Medicaid và Medicare, và danh sách bác sĩ và nhà thương hai khối này được lựa càng thu hẹp hơn. Nôm na ra, bệnh nhân phải lấy hẹn lâu hơn, ngồi chờ tại phòng mạch lâu hơn.

Ngoài ra, các bác sĩ và nhà thương cũng tìm cách bù đắp bằng cách tăng giá dịch vụ y tế với các bệnh nhân không có Medicaid và Medicare, nhất là tăng tiền bệnh nhân phải trả trước (deductibles), đồng thời tăng giá bảo phí tập thể cho các công ty lớn bị bắt buộc phải mua bảo hiểm cho nhân viên. Kết quả, chi phí y tế Mỹ tăng mạnh, chứ không giảm như TT Obama long trọng hứa hẹn.

Nhà Nước gia tăng thành phần lãnh Medicaid và trợ cấp tiền mua bảo hiểm có nghiã là chi tiêu của Nhà Nước gia tăng. Nhà Nước lấy tiền ở đâu ra? Tăng thuế không được vì không có một ông dân biểu, nghị sĩ nào dám biểu quyết tăng thuế hết. Đành phải đi vay mượn các Chú Ba và các vua Ả Rập, khiến công nợ của 8 năm Obama cao bằng công nợ của tất cả 43 tổng thống trước cộng lại.


Tóm lại, Obamacare có lợi cho 30% khối dân nghèo nhất, có hại lớn cho khối 60% trung lưu, chẳng ảnh hưởng gì đến khối đại gia, giết các công ty nhỏ, mang lại lợi tức vĩ đại cho các đại công ty ngành y tế, tăng toàn diện giá bảo phí và dịch vụ y tế, cản việc tạo công ăn việc làm cho dân, khiến nước Mỹ nợ hơn Chúa Chổm.

Trên phương diện nhân đạo, Obamacare tốt hơn chế độ bảo hiểm cũ, không ai chối cãi. Nhưng trên phương diện kinh tế, với Obamacare, không sớm thì muộn, cả hệ thống bảo hiểm y tế tư nhân sẽ xập tiệm. Đó chính là ý đồ lâu dài thực sự của TT Obama và phe cấp tiến: giết hệ thống y tế tư nhân để thay thế bằng hệ thống y tế Nhà Nước, theo mô thức xã hội chủ nghiã Âu Châu và Canada.

Bây giờ ta nhìn qua sự thất bại của Trumpcare. Thật ra, cho đến nay vẫn chưa có Trumpcare, nhưng ta tạm gọi như vậy để chỉ hệ thống y tế mà CH dự tính thay thế Obamacare.

Trong suốt 7 năm qua, phe CH chủ trương thu hồi Obamacare. Nhưng họ chưa bao giờ soạn thảo dự luật nào để thay thế. CH không hề nghĩ có thể có chuyện đổi đời bất ngờ đến độ CH có thể kiểm soát cả Toà Bạch Ốc và hai viện quốc hội đến mức có thể thu hồi và thay thế được Obamacare, nên chỉ lo biểu quyết thu hồi Obamacare như một tuyên cáo chính trị cho có, mà không có luật gì khác thay thế. Bây giờ phải làm luật thay thế thật thì cãi nhau ỏm tỏi, nên thất bại.

Họ cãi nhau vì trong khối CH có ba phe, bảo thủ lèng èng, cực đoan, và đứng giữa.

Khối lèng èng là khối các dân biểu, nghị sĩ, và thống đốc các tiểu bang từng bầu cho TT Obama hay bà Hillary. Họ không dám có giải pháp quyết liệt vì ghế của họ không vững. Họ sợ Trumpcare sẽ cắt giảm số người được Medicaid, cắt giảm trợ cấp và cắt thêm tiền hoàn trả cho bác sĩ và nhà thương nhận Medicaid, Medicare, tức là gây thiệt thòi cho hai khối dân này. Họ sợ sẽ mất ghế vào những cuộc bầu tới.

Khối cực đoan gốc Tea Party thì chủ trương hủy bỏ luật bắt tất cả phải mua bảo hiểm, bỏ chuyện đóng phạt. Họ cũng chủ trương cho các tiểu bang nhiều quyền đặt điều kiện cũng như tính tiền bảo phí cao hơn, chẳng hạn cho những người đã có bệnh từ trước, và những người cao tuổi nhưng chưa tới 65. Họ cũng muốn giới hạn lại số người nhận Medicaid.

Khối đại đa số đứng giữa lo dung hoà hai khối cực đoan.

Vì tất cả DC chống, nên bắt buộc phải có ít nhất 50 ông bà nghị sĩ CH đồng ý thì mới thông qua Trumpcare được. Nhưng vì sự chia rẽ trên, khối ôn hoà chỉ thuyết phục được có 48 người, với 4 người công khai chống. Không đủ phiếu, thất bại.

Vấn nạn lớn nhất của TT Trump và Thượng Viện là trong nội bộ CH đã không có kỷ luật tối thiểu. Vài nghị sĩ vì quyền lợi riêng hay tham vọng cá nhân, bất chấp hết, chống đến cùng. Cho dù cái giá phải trả là... vẫn để Obamacare sống.

Làm gì bây giờ?

Lãnh tụ CH tại Thượng Viện, Mitch McConnell, muốn thu hồi Obamacare ngay, trong 2 năm tới đưa ra luật y tế mới. Đây là cách du di qua kỳ bầu cử giữa mùa 2018, nhưng trước bầu cử tổng thống 2020. Nhưng chẳng giải quyết được gì hết.

Gọi là thu hồi Obamacare, nhưng thật ra chỉ thu hồi có đúng một điều khoản bắt buộc mọi người phải mua bảo hiểm, nếu không sẽ bị phạt. Còn lại, không có gì thay đổi, không ai bị mất bảo hiểm hết.

Về phần TT Trump, ông rõ ràng không tích cực lắm, không áp lực các nghị sĩ CH quá mức. Sau khi Thượng Viện thất bại, TT Trump có ý thu hồi Obamacare trước, rồi lo làm luật mới sau, giống như ông McConnell đề nghị. Nhưng sau đó, ông đổi ý, kêu gọi các nghị sĩ CH tiếp tục thảo luận Trumpcare thay thế.

Thật ra, ý định đầu của TT Trump như ông đã nói từ lâu rồi, là không làm gì hết, cứ để yên như hiện nay, sẽ có ngày không xa, Obamacare sẽ tự xụp đổ toàn diện. Khi đó, sẽ dễ thông qua luật mới hơn. Nhưng sự thật là đợi tới khi Obamacare xập tiệm, thì sẽ có rất nhiều thảm họa xẩy ra, và đảng DC với sự phụ họa của TTDC sẽ mau mắn xiả tay đổ thừa TT Trump ngay.

Phải nói thêm nữa là trước những tấn công hung hãn của phe DC và TTDC, uy tín của TT Trump bị sứt mẻ không ít, nhiều nghị sĩ, dân biểu CH, nhất là trong khối lèng èng, “ít sợ” ông hơn, thậm chí còn muốn tránh xa ông để khỏi bị họa lây. Do đó, TT Trump cũng khó áp lực họ, đưa đến tình trạng thiếu kỷ luật trong đảng CH.

Cho đến khi bài này được viết, chẳng ai biết CH sẽ làm gì. Trong khi chờ đợi, chúng ta nên bình tĩnh đừng bị hớp hồn bởi những hù dọa vớ vẫn.

Cái hù dọa lớn nhất mà ta thấy rõ là cả chục triệu người sẽ “mất” bảo hiểm.

TTDC la hoảng dưới Trumpcare sẽ có 22 triệu người “mất” bảo hiểm vào năm 2026, theo tính toán của Văn Phòng Ngân Sách Quốc Hội. Trước hết, chẳng có gì bảo đảm Văn Phòng tiên đoán đúng. Tất cả những tiên đoán trước đây của Văn Phòng về Obamacare đều sai bét hết. Bây giờ, cho dù đúng đi nữa, thì Văn Phòng loan báo bằng tiếng Anh là 22 triệu người “will not have insurance coverage”, nghiã là “sẽ không có bảo hiểm”. TTDC viết lại “will lose insurance”, và truyền thông tỵ nạn dịch ngay là “sẽ mất bảo hiểm”. “Không có” và “mất” khác nhau rất xa.

Trumpcare không bắt buộc tất cả mọi người phải mua bảo hiểm, nên nhiều người sẽ tự ý bỏ, không mua nên “không có” bảo hiểm. Đại đa số 22 triệu người này tự ý không mua bảo hiểm chứ không bị ai lấy “mất” bảo hiểm.

Có thể bảo phí sẽ tiếp tục tăng như đang tăng dưới Obamacare hiện nay, do đó, nhiều người trung lưu không đủ tiền mua, đành bỏ bảo hiểm. Nhưng hiện tượng này đã có từ vài năm qua rồi, không phải là hậu quả của Trumpcare. Ít ra, với Trumpcare, họ bỏ bảo hiểm thì không còn bị đóng tiền phạt cho Nhà Nước nữa.

Năm 2016, bảo phí đã tăng ít nhất 40% tại hơn một chục tiểu bang. Có tiểu bang tăng gần gấp đôi. Một điều TTDC dấu kín như bưng là chỉ trong nửa năm đầu của 2017, dưới Obamacare, đã có 2 triệu người bỏ không mua bảo hiểm nữa vì quá đắt hay vô ích, chấp nhận đóng phạt (theo Gallup-Sharecare Well-Being Index). Tức là tính nguyên năm, năm nay sẽ có 4 triệu người bỏ bảo hiểm. Nếu tiếp tục đà này thì cho dù còn Obamacare thì một chục năm nữa, cũng vẫn có 40 triệu người bỏ bảo hiểm. Thế thì Trumpcare hại hơn Obamacare ở điểm nào?

Việc dùng danh từ “mất” rõ ràng mang hơi hám lừa gạt để hù dọa thiên hạ. Và đáng tiếc thay, khá nhiều người bị lừa và đâm ra hoang mang. Những thăm dò mới nhất cho thấy đa số dân Mỹ chống lại Trumpcare và đổi ý, quay qua ủng hộ Obamacare, chính vì là nạn nhân của chiến dịch hù dọa này.

Cũng không có chuyện những người có bệnh nặng sẽ bị mất bảo hiểm, hay trợ cấp sẽ chấm dứt dưới Trumpcare.

Ta đừng quên những nhà làm luật dù CH hay DC, sẽ phải ra tranh cử lại. Họ biểu quyết một luật khiến cả chục triệu người “mất” bảo hiểm, sẽ mất job ngay. Họ không ngu đâu. Không có thể chế chính trị nào bảo vệ quyền lợi người dân hữu hiệu bằng thể chế bầu bán dân chủ kiểu Mỹ. Mất lòng dân, mất job ngay.

Cái khó khăn cụ thể nhất trong việc thay đổi luật là từ chính sách của TT Obama. Con người ta, bình thường một khi đã nhận được quyền lợi nào, thì rất khó nhả ra. Bản tính con người là vậy. Chính sách vung tiền ra cửa sổ của TT Obama nói riêng và khối cấp tiến nói chung là chính sách vô trách nhiệm nhất, mỵ dân để lấy phiếu bầu cử bất kể hậu quả tai hại đến đâu.

TT Obama tung quà cáp bừa bãi cho thiên hạ, đưa đến tình trạng bất cân bằng chi thu. Không phải chỉ có Obamacare không, mà đủ loại trợ cấp, tiền thất nghiệp, phiếu thực phẩm,… tràn ngập tới những mức kỷ lục chưa từng thấy. Chi quá nhiều, nợ nần chồng chất. Chỉ có cách duy nhất cứu vãn khỏi phá sản là thu nhiều hơn và chi bớt đi. Nhưng cái khổ là làm sao cho người dân chấp nhận bớt trợ cấp, đóng thuế cao hơn, mà lại bớt quyền lợi đi. Những người đang có bảo hiểm, làm sao thu hồi bảo hiểm của họ được? Những người đang nhận trợ cấp bảo hiểm, làm sao cắt được? TT Obama bất cần, chỉ cốt đắc cử hai nhiệm kỳ, rồi đi tắm biển Hawaii.

Bởi vậy, TT Trump mới chủ trương cứ để cho Obamacare tự phá sản, khi đó dân chúng sẽ hiểu và dễ chấp nhận thay đổi hơn.

Cái khó khăn thứ nhì là CH học được bài học của Obamacare, muốn thiết lập một hệ thống bảo hiểm hoàn hảo, có giá trị lâu dài, chứ không muốn ra đại một luật đầy lỗ hổng và sai lầm như Obamacare để rồi vài năm nữa, cả nước lại phải xúm lại, thu hồi và viết luật khác.

Câu chuyện chưa đâu vào đâu hết. Ta bình tĩnh chờ xem. (23-07-17)

Vũ Linh

Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nếu mũ cối là biểu tượng của thực dân Tây phương vào thế kỷ 18 thì, bây giờ, “năng lượng tích cực”, như là diễn ngôn của thực dân Đại Hán với những dấu ấn đậm nét của tân hoàng đế Tập Cận Bình, đã trở nên gắn bó với người Việt, từ diễn ngôn của thể chế cho đến giọng điệu ngôn tình của những đôi lứa bỡ ngỡ trước ngưỡng cửa hôn nhân.
AI là trí tuệ nhân tạo. AI là một kho kiến thức nhiều vô cùng vô tận, đã siêu xuất chứa đựng nhiều thư viện nhân loại hơn bất kỳ dữ liệu tri thức nào, và cứ mỗi ngày AI lại mang thêm nhiều công năng hữu dụng, mà một người đời thường không thể nào có nổi kho tri thức đó. Trong khi đó, Thầy Tuệ Sỹ là một nhà sư phi thường của dân tộc, với những tri kiến và hồn thơ (như dường) phong phú hơn bất kỳ nhà sư nào đã từng có của dân tộc Việt. Câu hỏi là, AI có thể biểu hiện như một Tuệ Sỹ hay không? Chúng ta có thể gặp lại một phong cách độc đáo của Tuệ Sỹ trong AI hay không? Thử nghiệm sau đây cho thấy AI không thể sáng tác được những câu đối cực kỳ thơ mộng như Thầy Tuệ Sỹ. Để thanh minh trước, người viết không phải là khoa học gia để có thể hiểu được vận hành của AI. Người viết bản thân cũng không phải học giả về kho tàng Kinh Phật để có thể đo lường sự uyên áo của Thầy Tuệ Sỹ.
Israel và Iran đã âm thầm chống nhau trong một thời gian dài. Nhưng nhiều diễn biến sôi động liên tục xảy ra gần đây làm cho xung đột giữa hai nước leo thang và chiến tranh có nguy cơ bùng nổ và lan rộng ra toàn khu vực. Điển hình là vào tháng 4 năm nay, Iran công khai tấn công bằng tên lửa vào lãnh thổ Israel. Đầu tháng 10, Israel đã tấn công bằng bộ binh ở miền nam Lebanon. Trước đó, trong cuộc không kích vào trụ sở dân quân Hezbollah ở Beirut, Israel đã tiêu diệt thủ lĩnh Hezbollah là Hassan Nasrallah và nhiều nhân vật quan trọng khác.
Nhà báo Cù Mai Công vừa lên tiếng nhắc nhở đồng nghiệp (“Ráng Xài Tiếng Việt Cho Đúng, Xài Bậy, Dân Họ Cười Cho”) vào hôm 6 tháng 9 vừa qua. Ông dùng tựa một bản tin của báo Dân Trí (“Hai Kịch Bản Siêu Bão Yagi Tác Động Đến Đất Liền”) như một thí dụ tiêu biểu: “Trong toàn bộ các tự điển tiếng Việt xưa nay, ‘kịch bản’ nguyên nghĩa là bản viết cho một vở kịch, sau có thể mở rộng thành văn bản, bản thảo về nội dung cho một phim truyền hình, quảng cáo, phim ảnh, gameshow…
Trong nhiều ngày qua, Donald Trump và Cộng Hòa MAGA tung rất nhiều tin giả hay bóp méo và nhiều thuyết âm mưu liên quan đến cơn bão lụt Helene một cách có hệ thống. Mục đích để hạ đối thủ Kamala Harris và Đảng Dân Chủ. Theo tường thuật của CNN vào ngày 6/10, Cựu Tổng thống Donald Trump đã đưa ra hàng loạt lời dối trá và xuyên tạc về phản ứng của liên bang đối với cơn bão Helene. Theo MSNBC, “Những lời dối trá đó đã được khuếch đại bởi những người như tỷ phú Elon Musk, nhà lý luận âm mưu chuyên nghiệp Alex Jones và ứng cử viên Đảng Cộng hòa đang dính nhiều bê bối cho chức thống đốc Bắc Carolina, Mark Robinson. Dân biểu Marjorie Taylor Greene, một đồng minh trung thành của Trump.” Ngay cả Hùng Cao, một nhân vật MAGA mới bước vào chính trường cũng góp phần vào việc nấu nồi canh hẹ này.
“Luật Phòng Chống tham nhũng ở Việt Nam năm 2005 nêu rõ: Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để vụ lợi.”
Kể từ khi tổ chức khủng bố Hamas tấn công vào Israel vào ngày 7 tháng 10 năm 2023, các vụ xung đột đẫm máu xảy tại Dải Gaza cho đến nay vẫn chưa kết thúc. Nhưng gần đây, cộng đồng quốc tế còn tỏ ra lo ngại nhiều hơn khi giao tranh giữa Israel và lực lượng dân quân Hezbollah ở Lebanon đang gia tăng. Bằng chứng là sau cái chết của thủ lĩnh Hamas Ismail Haniya và thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah, tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Trong vài tháng qua, người dân Mỹ, dù muốn hay không muốn, cũng đã có nhiều cơ hội để nhìn về một bức tranh mà trong đó có quá nhiều sự tương phản. Những mảnh ghép từ hai tầm nhìn, hai chiến lược, hai mục đích hoàn toàn khác biệt đã dần dần rơi xuống, để lộ ra hai con đường hoàn toàn khác biệt cho người Mỹ lựa chọn. Dù có một bức màn đã rơi xuống (như nữ hoàng Oprah Winfrey đã ví von) cho một thuyền trưởng bước ra, trao lại cho người dân sự hy vọng, lòng tin, trách nhiệm, thì sâu thẳm bên trong chúng ta vẫn muốn biết, những giá trị thực của một triều đại đã mang lại. Từ đó, niềm tin sẽ được củng cố.
Bi hài kịch “ngoại giao cây tre”, với hoạt cảnh mới nhất là “cưỡng bức đặc xá”, đã giúp chúng ta nhận ra rằng, dẫu khác nhau nước lửa, “phóng sinh” và “hiến tế” vẫn có thể hội tụ ở ý nghĩa “triều cống” khi phải chiều lòng hai cường quốc ở hai đầu mút của hai hệ tư tưởng trái ngược nhau. Để đẹp lòng bên này thì phải nhẫn tâm “hiến tế”, mà để làm hài lòng bên kia thì phải diễn tuồng “phóng sinh” để có một dáng dấp khai phóng, cởi mở. “Chiến lược ngoại giao” này, phải chăng, là một trò chơi “ăn bù thua” mà, diễn đạt bằng ngôn ngữ toán học của Game Theory, là có tổng bằng không?
Trận Điện Biên Phủ kết thúc vào hôm 7 tháng 5 năm 1954. Bẩy mươi năm đã qua nhưng dư âm chiến thắng, nghe chừng, vẫn còn âm vang khắp chốn. Tại một góc phố, ở Hà Nội, có bảng tên đường Điện Biên Phủ – cùng với đôi dòng chú thích đính kèm – ghi rõ nét tự hào và hãnh diện: “Tên địa danh thuộc tỉnh Lai Châu, nơi diễn ra trận đánh quyết liệt của quân và dân ta tiêu diệt tập đoàn cứ điểm thực dân Pháp kéo dài 55 ngày đêm”.
DAVEMIN.COM
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.