Không có nghĩa là Mỹ kém sức mạnh quân sự... Không, không có nghĩa đó. Chỉ là vì, “nước xa không cứu nổi lửa gần,” trong khi Hoa Kỳ không lộ vẻ tích cực hiện diện ở Biển Đông. Thế nên, Việt Nam và Philippines phải lạnh cẳng trước đàn anh TQ.
Bản tin trên báo Rappler cho biết rằng Tổng Thống Duterte của Philippines hy vọng buổi họp sắp tới -- vào ngày 19/5/2017 -- về Biển Đông với Chủ Tịch TQ Tập Cận Bình và Thủ Tướng Lý Khắc Cường sẽ thành công, gỡ được bế tắc về Biển Đông.
Duterte nói với họ Tập trong khi gặp Tập hôm Thứ Hai 15/5/2017:
“Tôi hài lòng rằng chúng ta đã thiết lập một cơ chế tham vấn song phương về Biển Đông. Đây là một bước tới gần giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và tôi hy vọng buổi họp khai mạc về Biển Đông ngày 19/5/2017 sẽ thành công.”
Trong khi đó, bản tin BBC cho biết rằng TQ và VN đã “nhất trí kiểm soát bất đồng ở Biển Đông.”
Bản tin nói rằng Việt Nam và Trung Quốc đã nhất trí "kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông", theo nội dung thông cáo chung Việt-Trung nhân chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang.
Kể từ khi Phillipines, dưới quyền Tổng thống Rodrigo Duterte, giảm bớt đối đầu với Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông, Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á có nhiều bất đồng nhất với Trung Quốc về vấn đề này, hãng tin Reuters bình luận.
Sau những cuộc họp mà phía Trung Quốc nói là "tích cực" giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Chủ tịch Trần Đại Quang, thông cáo chung nhấn mạnh hai bên cần kiểm soát các bất đồng.
Thông cáo chung còn nói hai bên đã "đi sâu trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển" và nhất trí sử dụng cơ chế đàm phán hiện hành về biên giới lãnh thổ để "tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được".
Lạc quan chăng?
Trong khi đó, bản tin RFA ghi nhận về chiến lược bủa lưới của họ Tập: Truyền thông Trung Quốc được chỉ thị chỉ nói về tầm quan trọng của chiến lược mang tên “Vành Đai Và Con Đường”, một sáng kiến đưa ra bởi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm 2013 với tên gọi ban đầu là Một Vành Đai, Một Con Đường mà không được đưa tin nói về số tiền mà Bắc Kinh bỏ ra để đầu tư ở những nước tham gia, tại Hội nghị Thượng đỉnh quốc tế 2017 tại thủ đô Bắc Kinh vào hai ngày 14 và 15 tháng Năm
Liệu đây có phải là động thái mới của Trung Quốc? Vai trò của Việt Nam như thế nào khi tham gia Vành đai và Con đường?
RFA đã phỏng vấn Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quan lý Kinh tế Trung ương, hiện là thành viên Ủy ban chính sách phát triển của Liên Hiệp Quốc, trong đó nêu nhận định trích:
“Trung Quốc đưa ra chiến lược Một vành đai, Một con đường là một chiến lược nhằm phát huy vai trò của Trung Quốc trong chiến lược kinh tế quốc tế và muốn khẳng định Trung Quốc là một đối tác có tầm cỡ thế giới, và có thể đóng góp quan trọng vào thương mại, xây dựng kết cấu hạ tầng của các nước, thúc đẩy quá trình thương mại và mua bán, cũng như đầu tư và xây dựng kết cấu hạ tầng.
Trung Quốc đã bỏ nhiều vốn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ở các nước xung quanh. Ví dụ như định xây dựng đường sắt ở Lào, định xây dựng con đường nối qua Malaysia…
...Việt Nam đã nhiều lần bày tỏ là Việt Nam rất muốn tham gia, có thiện chí, và hiện nay chủ tịch nước Trần Đại Quang đang thăm Trung Quốc và sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh đó, thể hiện thiện chí của Việt Nam. Việt Nam cũng hoan nghênh các đầu tư và cũng có đề nghị Trung Quốc có thể cho Việt Nam vay.
Tuy vậy, tất cả các dự án về Một vành đai, Một con đường, cho đến nay không có một dự án nào ở Việt Nam cả. tức là dự án đường sắt thì chạy qua Lào; Campuchia thì Trung Quốc đã thuê 92km bờ biển, thuê cảng Sihanouk 99 năm, Trung Quốc sẽ có cơ sở, căn cứ hải quân ở Campuchia. Cho đến nay thì chúng ta Trung Quốc chưa làm một cái gì cả cho Việt Nam. Vậy thì Một vành đai, Một con đường đó sắp tới đây đối với Việt Nam được cái gì và sẽ hoạt động như thế nào? chúng ta có thể thấy là nếu như Một vành đai, Một con đường được hoàn tất năm 2020 thì tất cả hàng hoá của Trung Quốc sẽ chạy qua Việt Nam chứ không chạy vào Việt Nam, tránh Việt Nam và đi vòng sang nước khác.”(ngưng trích)
Như thế là nguy ngập vậy.
Trong khi đó, RFI cho biết Châu Âu và Ấn Độ tẩy chay Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc.
Bản tin nói, Thượng đỉnh Con Đường Tơ Lụa thế kỷ 21 tổ chức tại Bắc Kinh kết thúc hôm 15/05/2017. Nhiều thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu từ chối ký kết văn bản về thương mại trong dự án Một Vành Đai Một Con Đường. Đối với New Delhi, tham vọng của Bắc Kinh thiết lập một vành đai từ Âu sang Á xuyên qua Cachemire vùng có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ là một mối đe dọa.
Theo một nguồn tin ngoại giao được hãng tin Pháp AFP trích dẫn, ít nhất 6 nước trong Liên Hiệp Châu Âu gồm Anh, Đức, Pháp, Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Estonia từ chối ký kết vào thông cáo kết thúc thượng đỉnh ở Bắc Kinh liên quan đến vế thương mại. Nhiều nước châu Âu tẩy chay đề xuất của Trung Quốc do văn bản này không quan tâm đúng mức đến "các chuẩn mực về môi trường, về các tiêu chuẩn xã hội, không bảo đảm tính minh bạch mỗi khi các cơ quan nhà nước gọi thầu".
Trong trường hợp của Ấn Độ, New Delhi tẩy chay thượng đỉnh Một Vành Đai Một Con Đường tổ chức tại Bắc Kinh trong hai ngày 14 và 15/05/2017 do bất đồng về chủ quyền lãnh thổ, theo như giải thích của thông tín viên đài RFI từ New Delhi, Sébastien Farcis:
"Thái độ kình địch giữa hai Ấn Độ và Trung Quốc trong khu vực lên đến đỉnh cao vào cuối tuần này. Điều ấy được thể hiện qua việc New Delhi tẩy chay thượng đỉnh quốc tế quan trọng được tổ chức tại Bắc Kinh. Thật vậy, từ lâu nay Trung Quốc đã yểm trợ kẻ thù truyền thống của Ấn Độ là Pakistan, xem Islamabad là một trong những cánh tay đắc lực để thực hiện dự án Con Đường Tơ Lụa mới.
Trung Quốc dự trù đầu tư 42 tỷ euro tại Pakistan, với nhiều dự án xây dựng cầu đường, hải cảng. Vấn đề đặt ra là xa lộ chính của dự án vĩ đại này lại đi ngang qua vùng Cachemire của Pakistan, nơi mà từ 70 năm nay Ấn Độ vẫn khẳng định chủ quyền. Đây là điều New Delhi không thể chấp nhận được.
RFI báo nguy rằng trong cuộc đối đầu với Trung Quốc, Ấn Độ đang trong thế đơn độc. Tất cả các quốc gia trong vùng, ngoại trừ Bhoutan, đều đã ngả vào vòng tay Bắc Kinh. Trung Quốc hứa giúp các quốc gia này nhanh chóng phát triển cơ sở hạ tầng, cấp tín dụng và huy động các tập đoàn xây dựng của Trung Quốc.
Trước mắt, New Delhi đang mở chiến dịch phản công: vận động một vài nước lân cận như là Sri Lanka hay Nepal kháng cự với Bắc Kinh. Nhưng có khả năng, Ấn Độ sẽ khó cưỡng lại trước sức thuyết phục mạnh mẽ của Trung Quốc...
Trường hợp VN cũng ở vào thế tiến thoái lưỡng nan... Chống TQ không nổi, nhưng nếu phò TQ sợ là có khi rơi vào bẫy đồng hóa... May ra, VN mở cửa cho Mỹ, Nhật, Úc cùng vào, trong khi cải cách thể chế sang dân chủ từ từ...
- Từ khóa :
- Biển Đông
- ,
- Philippines
- ,
- Việt Nam
- ,
- Trung Quốc
- ,
- Campuchia
Gửi ý kiến của bạn