Hôm nay,  

Cú thua đậm của Tổng thống Trump: không đủ phiếu dẹp ObamaCare

25/03/201710:30:01(Xem: 11818)

Cú thua đậm của Tổng thống Trump: không đủ phiếu dẹp ObamaCare


Lại thêm một ngày thứ Sáu đen tối cho triều đại 64 ngày của tân tổng thống Hoa Kỳ: Dự luật TrumpCare đã bị rút lại trước khi biểu quyết vì không đủ phiếu thuận ở Hạ Viện. (Kể từ thứ Sáu 20/1/2017 đánh dấu ngày tân Tổng thống Donald Trump nhậm chức, gần như thứ Sáu nào cũng có một “trái bom” tai tiếng bùng nổ liên quan tới chính phủ của ông Trump).


Ngày 24/3/2017 trong khi cả nước hồi hộp chờ đợi kết quả bỏ phiếu cho dự luật chăm sóc sức khỏe của đảng Cộng Hòa (GOP), thì tin phút chót được tung ra là dự luật AHCA (American Health Care Act) đã bị rút lại, và “ObamaCare sẽ tiếp tục là luật của đất nước,” theo lời của Dân biểu Paul Ryan, Chủ tịch Hạ viện kiêm kiến trúc sư chính của dự thảo luật bị thất bại này.


Sau nhiều năm tháng lên án ObamaCare, gọi đạo luật ACA (Affordable Care Act - Luật Bảo hiểm Sức khỏe Vừa Túi tiền) là “thảm họa”, và chắc chắn sẽ bị dẹp bỏ ngay ngày đầu lên nắm quyền của TT Trump, thì sau 64 ngày lúng túng, vội vã tìm một chương trình thay thế, cả ông Trump và đảng GOP đã thấy là việc thay thế ObamaCare không dễ như họ tưởng. Đưa ra được một dự luật bảo đảm chăm sóc y tế cho mọi người, với giá phải chăng, dịch vụ tốt, không tốn nhiều ngân sách chính phủ là một việc không dễ trên thực tế, và bài học lớn nhất cho những người chủ trương bãi bỏ ObamaCare là “nói dễ hơn làm” ,  cần phải khiêm tốn trong ứng xử để có được sự hợp tác của đảng Dân Chủ và các chuyên gia trong việc thực hiện một chính sách y tế tốt đẹp hơn.


ha vien my bo phieu du luat bai bo obamacare hinh 1

Obamacare vẫn nhận được sự ủng hộ của nhiều người dân Mỹ. (Ảnh: Getty)



Ý nghĩa thất bại này đối với ông Trump


Liên tục trong gần hai năm qua kể từ ngày khởi động tranh cử, bãi bỏ ObamaCare được coi là một trong những chính sách chính của ông Trump. Việc ông cho rằng bãi bỏ một “thảm họa tệ hại” như ObamaCare là điều rất dễ - có thể thực hiện ngay ngày đầu lên nắm quyền, cho mình là một người đại tài về thương lượng,  và luôn thành công, luôn thắng cuộc (“We’ll win so much that we’ll be tired of winning – Chúng ta sẽ thắng nhiều tới mức chán ngấy vì thắng,” ông Trump đã từng tuyên bố), thì hẳn cuộc thua đậm ngày hôm nay là một vết thương khắc sâu trong tâm khảm, một bài học thực tế về chính trị và làm chính sách, nhất là không tránh khỏi bị mất mặt đối với thành phần cử tri ủng hộ ông.


Để gỡ gạc thể diện, một lần nữa ông Trump lại đổ tội cho những dân biểu đảng Dân Chủ đã không chịu hợp tác. Ông muối mặt quên rằng với đa số GOP tại lưỡng viện, ông không cần phiếu của đảng Dân Chủ nếu dự thảo luật AHCA không tệ hại như những đánh giá của CBO (Congressional Budget Office) (đính kèm bên dưới). Dự luật AHCA đã chỉ nhận được sự chấp thuận của 17% người dân, 56% người chống và 26% người không có ý kiến. Có ít nhất 34 dân biểu đảng Cộng Hòa không ủng hộ AHCA, tất cả đều đại diện cho các khu vực bỏ phiếu cho ông Trump.


Một điểm đáng khen là nỗ lực vận động ráo riết của TT Trump trong những ngày qua đối với những dân biểu trong đảng của ông. Bằng cả sự chiêu dụ, hứa hẹn, chấp nhận một số thay đổi nhỏ, hù dọa là nếu không thông qua đạo luật này thì các vị dân cử sẽ phải trả giá vào ngày bầu cử giữa nhiệm kỳ năm tới ... nhưng cuối cùng nghệ thuật thương lượng mà ông Trump từng hãnh diện đã thất bại.


Điều này cho thấy, khả năng thương lượng của ông không vượt trội như ông tưởng, đặc biệt khi liên quan tới những chính sách ảnh hưởng trực tiếp và sâu đậm lên đời sống của hàng triệu người dân. Khả năng thương lượng của một con buôn, hay cách điều hành đất nước kiểu độc đoán của một CEO (tổng giám đốc điều hành) của một công ty, dùng đe dọa và áp lực, rõ ràng là không áp dụng được trong vai trò đứng đầu hành pháp của một nền dân chủ. Tổng thống cần phải biết lắng nghe tiếng nói của người dân, phải biết giao tế, tự chế và ứng xử đúng vai trò và quyền hạn của mình, không thể coi thường và tấn công những người khác ý kiến mình, phải biết tôn trọng sự thật và lẽ phải ...


Giờ đây, ông Trump đã không thể tự đánh lừa và rêu rao là sự thất bại của AHCA không có thật, là “fake news” hay do một “âm mưu” đen tối nào đó thực hiện để hại ông, lại càng không thể đổ tội cho ông Obama, như ông đã từng cáo buộc nhiều lần trong hai tháng qua.


Nỗ lực hủy ObamaCare của đảng Cộng Hòa chưa biết đến bao giờ sẽ được đưa ra trở lại. Nhưng nếu không rút ra những bài học từ sự thất bại kỳ này,  ông Trump sẽ tiếp tục thất bại trong những nỗ lực khác không kém phần phức tạp như cải tổ luật thuế, đề nghị ngân sách mới, cải tổ các hiệp ước thương mại, chính sách kinh tế để gia tăng công ăn việc làm ... Tất cả các chính sách lớn này đều cần tới sự hỗ trợ của các cơ quan lập pháp, ít nhất là những người trong cùng đảng với ông.


Tuy nhiên, con người cao ngạo đã từng tuyên bố “I alone can fix it,” tức một mình có thể sửa chữa một đất nước mà ông đã tự tô đen mọi khía cạnh, dường như không bao giờ biết nhận lỗi, xin lỗi, và thấy được những khiếm khuyết của mình.  Ngay trong phần tuyên bố với báo chí về sự thất bại của dự luật AHCA, ông Trump đã tiếp tục tấn công những người mà ông cho là đối thủ hơn là đồng nghiệp trên đường phục vụ đất nước.


“Kẻ thua cuộc hôm nay chính là ông Schumer và bà Pelosi,” ông Trump tuyên bố về hai vị lãnh đạo thiểu số đảng Dân Chủ của Thượng viện và Hạ viện. “vì họ đang sở hữu ObamaCare 100%, và chắc chắn chính sách này đang trên đường sụp đổ.”


Ý nghĩa thất bại này đối với GOP


Bài học lớn nhất cho GOP là không phải cứ nắm đa số tại lưỡng viện, và có một ông tổng thống cùng đảng là chuyện gì cũng xong, muốn gì cũng được. Và dù nắm đa số tại quốc hội, GOP cũng nên hợp tác với đảng Dân Chủ để điều hành đất nước một cách hữu hiệu, theo đúng nguyện vọng của toàn dân.


Những vị dân biểu biết lắng nghe tiếng nói của người dân và sẵn sàng biểu quyết NO đối với dự luật AHCA, hy vọng sẽ giữ được niềm tin của cử tri và giữ vững được vị trí của mình trong tòa nhà lập pháp. Hy vọng trong những quyết định về chính sách tương lai, họ cũng sẽ tiếp tục biểu quyết bằng lương tri, biết đặt quyền lợi của người dân và đất nước lên trên quyền lợi của đảng phái. Họ cũng là những người can đảm vì dám cưỡng lại thành phần đa số trong đảng.



blank

Chủ tịch Hạ viện đảng Cộng Hòa Paul Ryan (giữa) đang vận động cho dự luật bảo hiểm sức khỏe AHCA do ông là kiến trúc sư chính
 

Ai thắng cuộc và bài học của nền dân chủ?

Chính sự can dự mạnh mẽ của người dân trong tiến trình tranh đấu để bảo vệ quyền lợi của mình qua ObamaCare đã đưa đến chiến thắng sau cùng là bảo vệ được đạo luật đang giúp cho hơn 20 triệu người dân nghèo có được bảo hiểm sức khỏe.

Các cuộc biểu tình bảo vệ ObamaCare đã nổ ra khắp nước từ giữa tháng Giêng, và tiếp tục qua nhiều hình thức: viết thư, gọi điện thoại, lên tiếng trực tiếp trong những buổi hội thảo town hall cho các vị dân biểu và thượng nghị sĩ liên bang đại diện cho địa hạt của mình. Trong mấy ngày vừa qua, các dân biểu đảng Cộng Hòa cho biết đã nhận được hằng ngàn cú điện thoại yêu cầu họ biểu quyết NO đối với dự luật.

Các lãnh đạo đảng Dân Chủ đã bày tỏ sự vui mừng và cho rằng “Hôm nay là một ngày vĩ đại cho đất nước chúng ta. Đây là một chiến thắng - chiến thắng của người dân,” Chủ tịch thiểu số Hạ viện, Dân biểu Nancy Pelosi phát biểu trong một cuộc họp báo cùng với các đồng viện thuộc đảng Dân Chủ.

Chủ tịch thiểu số Thượng viện, Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, đã phê bình thẳng thừng: “Trong cuộc đời tôi, chưa bao giờ lại thấy một nội các thiếu khả năng như vậy trong Tòa Bạch Ốc. Họ không biết hoạch định chính sách cho ra hồn, không có khả năng quản trị và thực hiện những chính sách đã viết được ra, họ bất nhất, và hôm nay, đã không thể hoàn tất việc thương lượng, đã không thể đếm phiếu. Thế mà cũng gọi là ‘Nghệ thuật Thương lượng,”  nhằm mỉa mai những sắc lệnh thất bại của ông Trump trong 64 ngày qua và tấn công quyển sách “The Art of the Deal” mà ông Trump đã nhờ người viết để ca tụng khả năng thương lượng của mình.

TNS Schumer cũng cho rằng sự thất bại của AHCA minh chứng “sự kém cỏi và không tôn trọng lời hứa với cử tri” của ông Trump và các giới chức đảng GOP khi đưa ra một chính sách chăm sóc y tế không phục vụ cho người dân.

Tuy nhiên, các giới chức đảng Dân Chủ cũng đã từng lên tiếng là sẵn sàng làm việc với giới chức đảng Cộng Hòa để cùng cải thiện ObamaCare cho hoàn hảo hơn. Trước bế tắc hiện nay, hy vọng là đảng Cộng Hòa sẽ bỏ đi ý tưởng “nhất định dẹp bỏ ObamaCare”, mà sẽ cùng bắt tay với đảng Dân Chủ để thực hiện một chính sách y tế tốt đẹp nhất cho đất nước. Ông Trump cũng đã, lần đầu tiên, nói lên ý sẵn sàng hợp tác với các giới chức đảng Dân Chủ để cải thiện ObamaCare.
 

So sánh TrumpCare và ObamaCare – Mỹ mạnh hơn hay yếu đi?

Sau 7 năm chỉ trích Đạo luật ACA (Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền - Affordable Care Act) của cựu Tổng thống Obama, được gọi bằng tên quen thuộc là ObamaCare,  cho đạo luật này là một “thảm họa” và “đang trên đường giãy chết”, thì ngày 6/3/2017, Hạ viện Cộng Hòa đã đưa ra một bản dự thảo luật để thay thế, Luật Chăm Sóc Sức Khỏe Mỹ (American Health Care Act - AHCA) do Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan là nhân vật phác thảo chính.  

Tổng thống Donald Trump, người cũng đã gay gắt lên án ACA trong lúc tranh cử, và hứa sẽ dẹp bỏ ObamaCare ngay ngày đầu lên nắm quyền, đã trầm trồ khen dự luật AHCA là một điều “tuyệt diệu”, đáp ứng những lời ông đã hứa với cử tri là sẽ dẹp bỏ ObamaCare để thay thế bằng một chương trình chăm sóc sức khỏe cho “tất cả mọi người”, với “phẩm chất tốt hơn và rẻ hơn.”

(Xin tạm gọi AHCA là TrumpCare dù chưa được TT Trump ký thành luật, và còn đang  phải chờ thông qua lưỡng viện Quốc hội).

Ngày 13/3, Phòng Ngân sách Quốc hội (Congressional Budget Office – CBO), một cơ quan độc lập do lưỡng đảng tại Quốc hội chỉ định (đặc biệt với vị chủ tịch đương nhiệm của CBO là do Thượng viện với đảng Cộng Hòa nắm đa số bổ nhiệm năm 2015), đã đưa ra 37 trang phân tích và kết luận về TrumpCare, so với ObamaCare, như sau:

  1. Sẽ có thêm 24 triệu người Mỹ không có bảo hiểm y tế tính tới năm 2026, tức tổng số không có bảo hiểm sẽ là 52 triệu, thay vì là 28 triệu so với ObamaCare. Trong năm đầu tiên áp dụng TrumpCare, sẽ có 14 triệu người mất bảo hiểm (2018) vì giá bảo hiểm gia tăng và người nghèo mất trợ cấp chính phủ (của thời ObamaCare) để mua bảo hiểm, trong khi đó tín dụng thuế (tax credit) của TrumpCare để mua bảo hiểm không đủ bù đắp.

  2. Hãng bảo hiểm được quyền tính lệ phí cho giới cao niên cao gấp 5 lần so với tuổi trẻ, trong khi ObamaCare chỉ cho phép hơn gấp 3 lần.

  3. TrumpCare có lợi cho người giàu và người trẻ; có hại cho người nghèo, người già và ở những vùng quê hẻo lánh –  đa số là những người đã bỏ phiếu cho ông Trump. Hiện những thành phần cử tri này đang rất lo lắng cho tương lai của họ, nhất là những người đang bị bệnh nặng vì TrumpCare sẽ khiến cho số tiền mà họ phải trả gia tăng rất nhiều.

Một thí dụ của CBO về sự khác biệt giữa TrumpCare và ObamaCare

Bảo hiểm Obamacare

Bảo hiểm Trumpcare

Mức lương $26,500

21 tuổi

$1700

$  1450   - giảm 15%

64 tuổi

$1700

$14.600  - tăng 760%

Mức lương $68,200

64 tuổi

$15.300

$14.600  - giảm 5%


  1. TrumpCare sẽ ngưng trợ giúp cho cá nhân có lợi tức thấp và giảm chương trình Medicaid mà đa số người nghèo, người bệnh và trẻ em con nhà nghèo đang cần. Do đó, sẽ giúp tiết kiệm ngân sách tới $337 tỷ MK trong 10 năm. Tuy nhiên, chính vì vậy mà hằng triệu người dân nghèo, nhất là những người bệnh nặng, sẽ mất bảo hiểm và có thể nguy hiểm tới tính mạng. Tổng Giám đốc chương trình Medicaid, Bác sĩ Andrey Ostrovsky, đã công khai chỉ trích TrumpCare.

  1. Phụ nữ sẽ thiệt thòi, đặc biệt phụ nữ nghèo và gốc thiểu số, vì TrumpCare cắt tài trợ cho cơ quan Planned Parenthood, nơi có những chương trình chăm sóc y tế cho phụ nữ như thuốc ngừa thai, chữa các chứng bệnh liên quan tới tình dục, ung thư ...

  1. Giới giầu có được hưởng lợi nhiều nhất qua chính sách bồi hoàn thuế dựa theo lợi tức. Tổng số tiền thuế mà những người giầu nhất Hoa Kỳ (khoảng 2% dân số) sẽ nhận được là $275 tỷ trong 10 năm.

  1. TrumpCare không bắt mọi người phải mua bảo hiểm như ObamaCare. Do không bị phạt nếu không có bảo hiểm như ObamaCare, nhiều người sẽ bỏ không mua bảo hiểm, nhất là những người trẻ và khỏe mạnh. Khi tổng số người mua bảo hiểm giảm, các công ty bảo hiểm sẽ phải tăng giá lệ phí để kiếm lời, khiến yếu tố “cạnh tranh giúp giảm giá” theo nguyên tắc “thị trường tự do” mà đảng Cộng hòa chủ trương sẽ không hiệu nghiệm.  

Phân tích của CBO cũng tương tự như của các cơ quan chăm sóc y tế và chuyên gia độc lập khác như Brookings Institution và S&P Global Ratings. Dự thảo TrumpCare đã bị nhiều cơ quan y tế, y sĩ, cao niên, xã hội ... chỉ trích mạnh mẽ. Ngoài số lượng người Mỹ không có bảo hiểm gia tăng vì lệ phí cao, dịch vụ y tế sẽ kém đi dưới TrumpCare, hoặc ngoài tầm tay của những người bệnh. 56% người dân lo âu về tương lai của chính họ và người thân sẽ không mua nổi bảo hiểm dưới TrumpCare, do đó đã không chấp thuận dự luật AHAC.

blank

Nói chung với TrumpCare, giới cao niên và người nghèo sẽ bị thiệt hại. Phụ nữ cũng là thành phần bị thiệt thòi hơn. Giới giầu có, tuổi trẻ, và các hãng bảo hiểm sẽ được lợi hơn.
 

Khoảng 7 triệu nhân viên đi làm sẽ mất bảo hiểm sức khỏe vì TrumpCare bỏ điều kiện buộc các hãng có hơn 50 người phải mua bảo hiểm cho nhân viên.

14 triệu người dân nghèo dựa vào chương trình bảo hiểm sức khỏe Medicaid sẽ mất bảo hiểm trong vòng 10 năm tới do mất dần trợ cấp liên bang (cắt tới $880 tỷ MK). TrumpCare đòi hỏi các tiểu bang phải tự túc ngân khoản này, vì vậy mà các nhà chỉ trích đã phê bình là khoản ngân sách $337 tỷ tiết kiệm được qua TrumpCare, thực chất là liên bang đẩy trách nhiệm và tốn kém sang cho các tiểu bang, chứ không phải tiết kiệm. Đây cũng là cách phó thác sinh mạng cũng như sức khỏe của người dân nghèo cho tiểu bang, mà nhiều phần là tiểu bang không cáng đáng được.

So với ObamaCare, TrumpCare sẽ bỏ đi 10 dịch vụ quan trọng trong Medicaid, kể cả chăm sóc sức khỏe cho thai phụ, tiền thuốc, và sức khỏe tâm thần, bắt đầu từ năm 2020.

Đối với những người về hưu có bảo hiểm Medicare, TrumpCare không ảnh hưởng lên lệ phí bảo hiểm (premiums) hay tiền phải trả thêm cho các dịch vụ y tế (co-pays). Tuy nhiên, TrumpCare sẽ cắt mọi khoản thuế tài trợ cho Medicare, do đó tới năm 2024,  quỹ này sẽ hết tiền và phải giảm các khoản lợi ích, theo nhận định của hội cao niên AARP.

Có 2 điểm son của ObamaCare được duy trì trong TrumpCare, đó là:

  • Các công ty bảo hiểm không được từ chối khách hàng đã mang bệnh. Tuy nhiên, nếu lỡ ngưng 63 ngày thì khi mua lại bảo hiểm, sẽ phải trả thêm 30%

  • Con em dưới 26 tuổi vẫn được mua bảo hiểm cùng với cha mẹ.

 
Nỗ lực hủy bỏ và thay thế Obamacare gặp nhiều sóng gió

Sau nhiều đe dọa mạnh mẽ hủy bỏ ObamaCare và những hứa hẹn hấp dẫn cho một đạo  luật mới, đảng Cộng hòa và TT Trump đã lúng túng dậm chân tại chỗ vì không có chương trình thay thế, tới độ ông Trump phải than thở là “không ngờ bảo hiểm y tế lại phức tạp tới vậy!” Mãi tới đầu tháng 3, tin tức rò rỉ cho biết đã có một dự thảo luật được thành hình và cất rất kỹ, tới độ chỉ có một nhóm nhỏ trong số hơn 200 dân biểu đảng Cộng Hòa được biết tới dự thảo luật bảo hiểm y tế này. Có vị dân biểu đã đi lục lạo khắp Quốc hội để tìm kiếm, có vị đã tới trước tượng đài của cố TT Abraham Lincoln trong Quốc hội để than thở và cầu nguyện ông hướng dẫn cho con cháu khôn ngoan giải quyết vấn đề, đó là Dân biểu Steny Hoyer (D-MD) hôm 2/3 đã ta thán về sự phi lý việc giấu kín dự thảo khi ông đứng trước tượng vị tổng thống đầu tiên của đảng Cộng Hòa.

Hai ủy ban của Hạ viện là Ủy ban Đường lối và Cách thức, Năng lượng và Thương mại, đã thông qua Dự luật ngày 9/3/2017, giữa rất nhiều tranh cãi và chống đối từ cả những giới chức đảng Cộng Hòa, và nhiều tổ chức chăm sóc y tế. Tuy nhiên, sau sự đánh giá của CBO và sự chống đối của dư luận, thì hiện nay người ta không biết là dự luật sẽ có thể thông qua được Hạ viện - hiện do đảng Cộng Hòa nắm đa số - hay không vì số lượng các dân biểu đảng Cộng Hòa chống đối dự luật chăm sóc y tế đang càng ngày càng gia tăng. Đặc biệt, dự luật này nếu không thay đổi một số khoản, thì chắc chắn sẽ không thể nào được Thượng viện thông qua với túc số chống đối cao, bao gồm toàn bộ 44 vị thuộc đảng Dân Chủ. Đạo luật cần tới 60 phiếu thuận trong số 100 phiếu tại Thượng viện.  

ObamaCare kể từ khi chính thức có hiệu lực năm 2010 đã giúp khoảng 20 triệu người Mỹ lợi tức thấp có bảo hiểm sức khỏe, và số lượng người Mỹ không có bảo hiểm đã giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử Hoa Kỳ là 9%.

Riêng một số thành viên bảo thủ Cộng Hòa lại phê bình là Dự luật chưa thay đổi đủ mà giữ lại quá nhiều nội dung của ObamaCare, và họ gọi là “ObamaCare Lite” - một hình thức nhẹ của ObamaCare.

Những chính sách khác của ông Trump và đảng Cộng Hòa như dẹp bỏ ObamaCare, cấm ngừa thai, phá thai, bỏ hoặc giảm những chương trình xã hội và y tế giúp người nghèo, ảnh hưởng trực tiếp tới người dân, do đó cũng đang gặp nhiều khó khăn hơn.

Liên tục trong 60 ngày đầu của Tổng thống Trump, các cuộc biểu tình đã nổ ra khắp nước, nhất là những cuộc gặp gỡ của người dân với dân biểu hay thượng nghị sĩ liên bang đại diện cho địa phương mình. Trong các buổi này với số lượng đông đảo có khi lên tới hàng ngàn, người dân đã chất vấn các vị dân cử và “ra lệnh” cho họ phải làm việc theo ý dân, bảo vệ ObamaCare hoặc sửa đổi cho tốt hơn, chứ không được quyền dẹp bỏ, và lên tiếng chống đối nhiều chính sách khác của ông Trump cũng như những bộ trưởng mà chính thượng viện của đảng Cộng Hòa đã thông qua. Nhiều vị dân cử đã sợ hãi trốn tránh và bị người dân “truy lùng” với những bảng hiệu như “missing”, bị mất tích hay tìm người đi lạc.

Người dân đã cầm những biểu ngữ hoặc phát biểu: “Hãy thực hiện bổn phận của ông/bà”, “Người dân là chủ”,  "Ông/Bà theo lệnh Đảng, hay nghe nguyện vọng của cử tri?"

Sự bất mãn sâu rộng của quần chúng khiến giới quan sát cho rằng đảng Cộng Hòa có thể mất cả 100 ghế trong số 239 ghế dân biểu họ đang nắm hiện nay, và mất nhiều ghế tại Thượng viện trong cuộc bầu cử sắp diễn ra ngày 6/11/2018 để bầu lại toàn bộ bộ 435 dân biểu và 34 trong số 100 ghế thượng nghị sĩ, hiện cũng do đảng Cộng Hòa nắm đa số. Số phiếu tối thiểu cần phải có để kiểm soát Hạ Viện là 218.

Chống đối và áp suất thay đổi lên dự luật AHCA đến từ nhiều phía

Ngoài giới chức thuộc cả lưỡng đảng và lưỡng viện lên tiếng chống đối dự luật TrumpCare, các hiệp hội lớn đại diện cho bác sĩ, bệnh viện, y tá, người cao niên cũng đồng loạt bày tỏ sự quan tâm khi có quá nhiều triệu người dân và bệnh nhân sẽ bị thiệt hại.

Các tổ chức chống đối TrumpCare thí dụ American Hospital Association, the American Medical Association, và the American Academy of Pediatrics, một tổ chức bao gồm 66,000 bác sĩ trẻ em. Tổ chức này cho biết có tới 95% con trẻ hiện được bảo hiểm qua chương trình Medicaid của ObamaCare và sẽ có nguy cơ mất bảo hiểm.

Các thống đốc thuộc đảng Cộng Hòa nay đang đứng đầu 33 tiểu bang, gồm cả các tiểu bang được coi là rất quan trọng cho chiến thắng 2016 của Tổng Thống Donald Trump. Vai trò của các thống đốc này trong cuộc tranh luận về bảo hiểm y tế có thể ảnh hưởng tới TrumpCare, và nhiều vị thống đốc đã lên tiếng chống dự luật vừa được đưa ra, nhất là việc cắt chương trình Medicaid mở rộng của ObamaCare với ngân sách $1.2 ngàn tỷ trợ giúp y tế cho các gia đình nghèo của tiểu bang. Việc hủy bỏ tài trợ của liên bang cho phần này của Medicaid sẽ ảnh hưởng trầm trọng tới các tiểu bang đang tham gia chương trình, như Michigan, Ohio, Kentucky, West Virginia ... là những tiểu bang đã bầu cho ông Trump.

“Hủy bỏ tài trợ Medicaid mà không đưa ra một giải pháp nào khác sẽ khiến chúng tôi không thể chữa trị cho giới nghiện ngập ma túy, bệnh tâm thần và thành phần lao động nghèo đang có nơi chăm sóc sức khoẻ,” theo lời Thống Đốc John Kasich thuộc tiểu bang Ohio.
 

TrumpCare sẽ giảm $275 tỷ MK thuế cho các triệu phú

Một bản phân tích của tổ chức nghiên cứu về thuế vụ Joint Committee on Taxation (JCOT) đưa ra nhận định rằng những triệu phú Hoa Kỳ sẽ được giảm thuế $275 tỷ đôla nếu TrumpCare được thực hiện và ObamaCare bị hủy bỏ, song song với việc hàng chục triệu người nghèo sẽ mất bảo hiểm y tế.

Theo nghiên cứu của JCOT, các gia đình với mức lương nhiều hơn 1 triệu đôla/năm sẽ được giảm thuế trong một thập niên tới, với tổng cộng lên tới $275 tỷ MK. Số tiền này đến từ 2 khoản thuế mà ObamaCare đánh trên người giàu nhằm tài trợ việc nới rộng bảo hiểm y tế cho người nghèo.

Theo trung tâm nghiên cứu chính sách thuế độc lập không thuộc đảng phái Tax Policy Center (TPC), dự luật AHAC sẽ cho các gia đình thuộc hạng 1% giầu nhất nước Mỹ, tức nhóm có mức lợi tức hàng năm hơn $772,000 được giảm thuế trung bình  $37,240 tiền thuế mỗi năm. Giới giầu hơn với lợi tức $3.9 triệu MK một năm - tầng lớp chỉ chiếm 0.1 % dân số, sẽ được bớt thuế trung bình $207,390 một năm. Những người có mức lợi tức giữa $52,600 và $89,400, chiếm khoảng 20% dân số, sẽ chỉ được bớt $300 thuế một năm, trong khi đó 20% người có lợi tức thấp nhất nước chỉ giảm được có $150 tiền thuế mỗi năm.

Ông Roberton Williams của TPC chia sẻ: "Ai cũng được bớt thuế, nhưng giầu nhất thì được bớt nhiều nhất, mà nghèo nhất thì lại được bớt ít nhất."

Các chuyên gia đã kết luận dự luật TrumpCare là “một sự chuyển tài sản khổng lồ từ người Mỹ nghèo cho người Mỹ giàu.”

Tiến sĩ kinh tế Paul Krugman, giáo sư kinh tế kiêm bình luận gia cho tờ The New York Times, từng là khôi nguyên giải  Nobel Kinh tế năm 2008 đã phê bình TrumpCare là “Một dự luật tồi đến độ kinh hoàng.”

Nếu được ban hành, dự luật này gần như chắc chắn sẽ dẫn đến vòng xoáy tử thần với giá bảo hiểm tăng lên và sự sụp đổ toàn diện của hệ thống bảo hiểm để giúp mọi công dân Hoa Kỳ được chăm sóc sức khỏe.  

“Đảng Cộng hòa tuyên bố Obamacare đang sụp đổ, điều đó không đúng. Nhưng Trumpcare, nếu được áp dụng, sẽ sụp đổ trong một phút Mar-a-Lago”, theo ý của Tiến sĩ Krugman.

TrumpCare gây tổn hại cho Medicare và Medicaid

TrumpCare bỏ khoản thuế 0.9% mà ObamaCare đánh trên những người có lợi tức hơn $200.000 MK, một nguồn tài trợ cần thiết để cung cấp $117 tỷ MK trong 10 năm tới. Mất khoản tiền này, Part A của Medicare giúp trang trải tiền nhà thương sẽ hết ngân khoản năm 2024, và dịch vụ cho những người lớn tuổi bệnh hoạn sẽ bị cắt giảm trầm trọng.
Suốt thời kỳ tranh cử năm 2016, ông Trump đã hứa sẽ không đụng tới tiền về hưu Social Security của 59 triệu người, bảo hiểm y tế Medicare của 56 triệu người già và trợ cấp y tế liên bang Medicaid, có ảnh hưởng lên 71 triệu người già về hưu, trong số có 14 triệu người nghèo và con trẻ sống nhờ vào Medicaid. Gần đây, ông Trump vẫn tuyên bố chắc nịch là sẽ có một chương trình bảo hiểm mới cho tất cả mọi người dân Hoa Kỳ với dịch vụ tốt hơn ObamaCare. Giờ đây, TT Trump ủng hộ một đạo luật nuốt trắng tất cả những lời hứa với cử tri về bảo hiểm y tế.

Đặc biệt cùng với dự thảo ngân sách, ông Trump đang quay lưng lại với người nghèo và giúp giới giầu trở nên giầu có hơn, chi nhiều tiền cho quân đội nhưng lại khiến đất nước và thế giới kém an ninh, thiếu ổn định hơn khi coi thường ngoại giao, coi thường giáo dục, dẹp bỏ viện trợ nhân đạo quốc tế, hủy các chính sách giúp đỡ người nghèo, người cao niên, người khuyết tật và phụ nữ, kỳ thị chủng tộc, vô cảm trong chính sách di dân, sẵn sàng chia cắt bố mẹ và con cái, tạo sự sợ hãi, gây phẫn nộ, chia rẽ nội tình đất nước, phá hoại môi sinh ...; chưa kể đến một nguy cơ an ninh quốc phòng là sự nhúng tay thao túng của Nga đối với Hoa Kỳ qua những thành phần thân Nga trong nội các ông Trump.

Thống đốc tiểu bang California Jerry Brown hôm 22/3/2017 đã không thể kềm chế sự bất mãn của ông trước những ảnh hưởng tai hại của TrumpCare, ông đã gởi ra thông điệp mỉa mai trong buổi biểu tình tại thềm Quốc hội liên bang:

“Tôi đến từ California để nói lên sự thật về dự luật chăm sóc sức khỏe giả dối này. Đây không phải là một sự cải thiện chăm sóc y tế. Dự luật này là về bệnh tật, chết chóc và chịu đựng đau khổ. Hỡi ông Trump, hãy bước xuống từ tháp Trump của ông, hãy cùng đi với người dân và thấy tận mắt những tai hại mà việc hành xử quyền lực chính trị non nớt này sẽ giáng xuống những phụ nữ, những người đàn ông, và con trẻ của đất nước này.”

 


Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Kể từ khi tổ chức khủng bố Hamas tấn công vào Israel vào ngày 7 tháng 10 năm 2023, các vụ xung đột đẫm máu xảy tại Dải Gaza cho đến nay vẫn chưa kết thúc. Nhưng gần đây, cộng đồng quốc tế còn tỏ ra lo ngại nhiều hơn khi giao tranh giữa Israel và lực lượng dân quân Hezbollah ở Lebanon đang gia tăng. Bằng chứng là sau cái chết của thủ lĩnh Hamas Ismail Haniya và thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah, tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Bi hài kịch “ngoại giao cây tre”, với hoạt cảnh mới nhất là “cưỡng bức đặc xá”, đã giúp chúng ta nhận ra rằng, dẫu khác nhau nước lửa, “phóng sinh” và “hiến tế” vẫn có thể hội tụ ở ý nghĩa “triều cống” khi phải chiều lòng hai cường quốc ở hai đầu mút của hai hệ tư tưởng trái ngược nhau. Để đẹp lòng bên này thì phải nhẫn tâm “hiến tế”, mà để làm hài lòng bên kia thì phải diễn tuồng “phóng sinh” để có một dáng dấp khai phóng, cởi mở. “Chiến lược ngoại giao” này, phải chăng, là một trò chơi “ăn bù thua” mà, diễn đạt bằng ngôn ngữ toán học của Game Theory, là có tổng bằng không?
Trận Điện Biên Phủ kết thúc vào hôm 7 tháng 5 năm 1954. Bẩy mươi năm đã qua nhưng dư âm chiến thắng, nghe chừng, vẫn còn âm vang khắp chốn. Tại một góc phố, ở Hà Nội, có bảng tên đường Điện Biên Phủ – cùng với đôi dòng chú thích đính kèm – ghi rõ nét tự hào và hãnh diện: “Tên địa danh thuộc tỉnh Lai Châu, nơi diễn ra trận đánh quyết liệt của quân và dân ta tiêu diệt tập đoàn cứ điểm thực dân Pháp kéo dài 55 ngày đêm”.
JD Vance đã chứng tỏ một “đẳng cấp” khác, rất “Yale Law School” so với thương gia bán kinh thánh, giày vàng, đồng hồ vàng, Donald Trump. Rõ ràng, về phong cách, JD Vance đã tỏ ra lịch sự, tự tin – điều mà khi khởi đầu, Thống đốc Walz chưa làm được. Vance đã đạt đến “đỉnh” của mục tiêu ông ta muốn: lý trí, ôn hoà, tỉnh táo hơn Donald Trump. “Đẳng cấp” này đã làm cho Thống Đốc Tim Walz, người từng thẳng thắn tự nhận “không giỏi tranh luận” phải vài lần phải trợn mắt, bối rối trong 90 phút. Cho dù hầu như trong tất cả câu hỏi, ông đã làm rất tốt trong việc phản biện lại những lời nói dối của JD Vance, đặc biệt là câu chất vất hạ gục đối thủ ở phút cuối: “Trump đã thua trong cuộc bầu cử 2020 đúng không?” JD Vance đáp lại câu hỏi này của Tim Walz bằng hàng loạt câu trả lời né tránh và phủ nhận sự thật. Và dĩ nhiên, rất “slick.” “Trump đã chuyển giao quyền lực rất ôn hoà.” Cả thế giới có thể luận bàn về sự thật trong câu trả lời này.
Phải nhìn nhận rằng chuyến đi đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Mỹ đã được giới chức ngoại giao Việt Nam thu xếp để ông gặp được nhiều lãnh đạo, xem như xã giao ra mắt để hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong nhiều lãnh vực trong tương lai. Bài diễn văn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trước diễn đàn Liên Hiệp Quốc chỉ lặp lại các chính sách đối ngoại của Hà Nội, nên không được truyền thông quốc tế chú ý nhiều như các diễn văn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, là đại diện cho những quốc gia trực tiếp liên can đến các xung đột ở Trung Đông, ở Ukraine mà có nguy cơ lan rộng ra thế giới. Ông Lâm mới lên làm chủ tịch nước kiêm tổng bí thư Đảng Cộng sản được vài tháng, sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, nên ông muốn dịp đến Liên Hiệp Quốc là dịp để thể hiện vai trò lãnh đạo của mình và nhấn mạnh đến chính sách ngoại giao du dây của Hà Nội.
Sự bất mãn lan rộng với các hệ thống thuộc chủ nghĩa tư bản hiện tại đã khiến nhiều quốc gia, giàu và nghèo, tìm kiếm các mô hình kinh tế mới. Những người bảo vệ nguyên trạng tiếp tục coi Hoa Kỳ là một ngôi sao sáng, nền kinh tế của nước này vượt xa châu Âu và Nhật Bản, các thị trường tài chính của nước này vẫn chiếm ưu thế hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, công dân của nước này cũng bi quan như bất kỳ công dân nào ở phương Tây.
Sau 38 năm quyết định “đổi mới hay là chết” (1986-2924) CSVN vẫn còn là quốc gia do một đảng độc quyền lãnh đạo; không có bầu cử tự do; không cho lập đảng đối lập và không có báo chí tư nhân. Vì vậy, những khẩu hiệu “nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân”, hay “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” được Đại hội lần thứ X khẳng định là những khoe khoang nhàm chán...
Việc Donald Trump được gần phân nửa người Mỹ chấp nhận và ủng hộ trong những năm gần đây đã khiến nhiều người trí thức trong xã hội Hoa Kỳ đặt câu hỏi về sự tồn tại của “human decency”, hay dịch nôm na là “sự đàng hoàng, sự tử tế, đạo đức nhân tính của con người”. Liệu xã hội ngày nay đã hạ thấp chuẩn mực “đàng hoàng”, hay có thể nào sự đàng hoàng, tử tế giờ đây không còn là một nhân tính cần thiết trong giá trị nhân bản? Dĩ nhiên trong mỗi xã hội, mỗi người có mỗi “thước đo” riêng về mức độ của “đàng hoàng”, nhưng từ ngữ tự nó phải phần nào nói lên một chuẩn mực nhất định. Theo một số tự điển tiếng Việt, chúng ta có thể đồng ý rằng: 1. Đàng hoàng là một tính từ tiếng Việt mô tả cuộc sống đầy đủ, đáp ứng được các nhu cầu chung của xã hội. Ví dụ: cuộc sống đàng hoàng, công việc đàng hoàng, nhà cửa đàng hoàng. 2. Đàng hoàng còn được dùng để chỉ những biểu hiện về tính cách mẫu mực, hay tư cách con người tử tế đáng được coi trọng.
Thư tịch cổ ghi rằng… Lịch sử trên thế giới thật sự rất hiếm người tài vừa là vua đứng đầu thiên hạ vừa là một hiền triết. Nếu văn minh La Mã có Marcus Aurelus, hoàng đế triết gia, vừa minh trị dân, độ lượng với mọi người và để lại tác phẩm triết học nổi tiếng “Meditations” thì ở phương Đông hơn mười hai thế kỷ sau có Vua Trần Nhân Tông của nước Việt. Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, triều đại của Vua Trần Nhân Tông là triều đại cực thịnh nhất của sử Việt. Ông là vị vua liêm chính, nhân đức, một thi sĩ, đạo sĩ Phật giáo. Do là một vị vua đức độ, trọng dụng nhân tài, nên ông thu phục nhiều hào liệt trong dân, lòng người như một. Quốc triều có Thái sư Trần Quang Khải, về binh sự có các danh tướng Trần Quốc Tuấn, Trần Quốc Toản, Phạm Ngũ Lão, Trần Khánh Dư, Trần Nhật Duật…Về văn thơ có những người uyên bác như Trương Hán Siêu, Mạc Đĩnh Chi. Vua Trần Nhân Tông thương dân như con, xem trung hiếu làm đầu, lấy đạo nghĩa trị quốc.
Biển Đông hiện như một thùng thuốc súng và, liệu nếu xung đột bùng ra, chúng ta có phải đối phó với một quân đội Trung Quốc man rợ mà, so với quân đội Thiên hoàng Nhật trong Thế chiến thứ hai, chỉ có thể hơn chứ khó mà bằng, đừng nói chuyện thua? Như có thể thấy từ tin tức thời sự, cảnh lính Trung Quốc vác mã tấu xông lên tàu tiếp tế của Philippines chém phá trông man rợ có khác nào quân cướp biển từ tận hai, ba thế kỷ trước? [1] Rồi cảnh chúng – từ chính quy đến dân quân biển, thậm chí cả ngư dân – trấn lột, cướp phá, hành hung và bắt cóc các ngư phủ Việt Nam từ hơn ba thập niên qua cũng thế, cũng chính hiệu là nòi cướp biển.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.