Trong tuần qua trên mặt trận ngoại giao, tân Ngoại Trưởng Mỹ Tillerson công du Á châu Thái bình dương 4 ngày để củng cố liên minh và cam kết bảo vệ đồng minh Nhựt và Nam Hàn. Sau đó Ông sang TQ vận động sự hợp tác của đối tác TC kềm chế CS Bắc Hàn đã liên tục dùng hoả tiễn đe doạ hai nước láng giềng Nhựt và Nam Hàn. Một số đồng minh Mỹ thấy Ngoại Trưởng Mỹ chiếu TC. Còn TC trên mặt trận ngoài biển Á châu Thái bình dương là diện và Biển Đông là điểm, TC tăng cường quân sự, làm thêm công trình, nam tiến ve vãn, móc nối các nước ASEAN.
Một về Mỹ, Ngoại trưởng Tillerson đến Nhựt, Nam Hàn trước và TC sau. Mục đích, trấn an tinh thần các đồng minh Nhựt và Nam Hàn trước mối đe dọa nguyên tử và hỏa tiễn đang phát triển của Bắc Hàn. Ông cũng thảo luận về kế hoạch tăng cường hỏa tiễn phòng ngự của Nhật và phát huy hệ thống phòng thủ hỏa tiễn THAAD với Nam Hàn. Với Nam Hàn Ngoại trưởng Mỹ nói "rõ ràng là cần có một cách tiếp cận khác" sau 29 năm nỗ lực ngoại giao thất bại để thuyết phục Bắc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân. Khi được hỏi liệu có khả năng có hành động quân sự hay không, ông nói: "Chắc chắn chúng tôi không mong mọi chuyện dẫn tới xung đột quân sự." Nhưng ông nói: "Nếu họ tăng mối đe dọa chương trình vũ khí của họ đến một mức độ mà chúng tôi tin rằng đòi hỏi hành động thì sự lựa chọn đó là có." Ông cũng kêu gọi Trung Quốc thực hiện triệt để các lệnh trừng phạt mà LHQ áp đặt để phản ứng lại các vụ Bắc Hàn thử hoả tiễn và nguyên tử.
Tại Thượng viện Mỹ, dự luật 'trừng phạt Trung Quốc gây hấn Biển Đông' được đệ trình tại Thượng Viện Mỹ hôm 16/03/2017, nội dung trừng phạt các cá nhân và thực thể Trung Quốc tham gia các hoạt động bất hợp pháp của Bắc Kinh trên 2 vùng Biển Đông và Hoa Đông này. Dĩ nhiên TC chống, phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh chê nói “Dự luật do một số thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đề xuất cho thấy sự ngạo mạn và thiếu hiểu biết của họ”.
Hai về TC, Trung Quốc bồi đắp nối liền hai đảo nhỏ ở Hoàng Sa. Giới tùy viên quân sự của nhiều nước trong khu vực tin rằng vụ này cho thấy Bắc Kinh cương quyết xây dựng, bồi đắp và mở rộng một hệ thống đảo nhỏ và bãi đá ngầm từ Trường Sa đến Hoàng Sa thành những chuỗi cơ sở quân sự quy mô trong mưu đồ khống chế toàn bộ Biển Đông.
Còn tại Bắc Kinh, Thủ tướng Lý Khắc Cường nói trong buổi họp báo thường niên ngày 15 tháng 3 khi kết thúc kỳ họp Quốc hội, là Trung Quốc không muốn chứng kiến bất kỳ cuộc chiến thương mại nào bùng nổ giữa hai quốc gia. Ông nói Trung Quốc và Hoa Kỳ dù có nhiều bất đồng, nhưng có thể tăng cường đối thoại để tìm ra giải pháp.
Và có tin chánh thức Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ công du Mỹ và gặp Tổng thống Donald Trump tại tư dinh của Ô Trump vào ngày 6 và 7 tháng Tư tới. Không phải tại Toà Bạch Ốc theo nghi thức ngoại giao long trọng, mà tại khu nghỉ mát riêng Mar-a-Lago của tỷ phú Trump ở Palm Beach, tiểu bang Florida.
Tin nhật báo Hồng Kông South China Morning Post ngày 13/03/2017, một viên tướng Trung Quốc hồi hưu vừa khẳng định rằng Quân Đội Trung Quốc sẽ khai triển hệ thống phá sóng radar của Mỹ ngay trước lúc Hoa Kỳ thiết lập xong lá chắn chống tên lửa THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc.
Không những thế mà TQ còn đánh đòn kinh tế vào Nam Hàn như hạn chế du lịch Nam Hàn, đóng cửa 80% cơ sở tập đoàn Lotte của Nam Hàn tai TC vì Lotte đã dành cho Mỹ một lô đất để giàn hoả tiễn THAAD sử dụng.
TC lo lắng giàn radar này có thể dùng vào việc định vị những bệ phóng hoả tiễn của Trung Quốc và gửi thông số về cho hệ thống phòng thủ của Hoa Kỳ, chẳng hạn như loại hỏa tiễn tìm diệt sóng tại Mỹ, và như thế sẽ làm suy yếu năng lực răn đe của Trung Quốc.
Trung Quốc cũng thề sẽ phản ứng mạnh nếu Nhật Bản cố tình đưa hàng không mẫu hạm trực thăng Izumo đến Singapore, Indonesia, Philippines và Sri Lanka trước khi tham gia cuộc tập trận hải quân chung Malabar với các tàu hải quân Ấn Độ và Mỹ ở Ấn Độ Dương vào tháng 7. Chuyến đi được xem là cuộc biểu dương lực lượng hải quân lớn nhất của Nhật Bản trong khu vực kể từ Đệ nhị thế Chiến.
Đối với Phi luật tân,TC đã mua đứt TT Duterte từ sau chuyến công du của tổng thống Rodrigo Duterte hồi tháng 10/2016, sang Bắc Kinh tuyên bố “ly khai Mỹ”. Mới đây theo thông báo của sứ quán Trung Quốc ở Manila, doanh nghiệp Trung Quốc cam kết nhập cảng ít nhất 1,7 tỷ đôla hàng hóa Philippines trong năm nay 2017. Nên coi như TT Duterte giao Scarborough [VN gọi là Hoàng Nham] cho TC. Ông dùng khổ nhục kế, tuyên bố Philippines tuyên bố «không cản nổi» Trung Quốc. Nếu động binh thì «toàn bộ quân đội và cảnh sát Philippines sẽ bị tiêu diệt, đất nước sẽ tan nát». Ông sẽ nói với Trung Quốc cứ giữ Scaborough miễn là đừng phong tỏa vùng duyên hải biển Tây Philippines.
Đối với ASEAN, TC còn Nam tiến, ve vãn mua chuộc các nước ASEAN. Nhân kỷ niệm 50 năm ASEAN, TC thông báo sáng kiến lập một khu vực bảo tồn thiên nhiên ở Biển Đông sau khi đưa Manila vào vòng kim cô. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày 15-3 tuyên bố sẽ đẩy nhanh đàm phán Bộ quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông để duy trì nền hòa bình và ổn định cho khu vực.
Còn Đài Loan mà TC coi là một tỉnh của TQ, TC đã cài ít nhất 5.000 gián điệp Trung Quốc hoạt động trên đảo quốc, nhắm vào cả các công sở nhà nước và cơ sở kinh tế, kỹ nghệ, 80% cài vào lãnh vực quân sự, 20% vào chính trị, hành chính.
Còn VNCS, Tư lệnh hải quân VN gặp Bộ trưởng Quốc phòng TQ hôm 15/3 tuyên bố “sẵn lòng hợp tác” với quân đội quốc gia đông dân nhất thế giới.
Xuyên qua tình hình Á châu Thái bình dương là diện và Biển Đông là điểm, người ta thấy có hai mặt trận. Một là ngoại giao có vẻ ôn hoà, chiều chuộng TQ. Hai là quân sự, TC căng thẳng, gây hấn.
Phản ứng của một số nước sau chuyến công du TC, của Ngoại Trưởng Mỹ Tillerson trong hai ngày 18 và 19/03. Báo The Japan Times của Nhật lên tiếng qua tựa hàng đầu của báo, lo lắng đặt câu hỏi trong hàng tựa: «Lãnh đạo ngoại giao Mỹ đã vô tình tạo cho Trung Quốc một mối quan hệ đại cường mới?». Ngoại trưởng Tillerson đã sử dụng các cụm từ và ngôn ngữ thường được Đảng Cộng sản Trung Quốc sử dụng.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn ngày 21/03/2017 thông báo nước này sẽ tự chế tạo tàu lặn và hy vọng Mỹ tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan. Bà Thái Anh Văn cũng nói thêm: «Đây là vấn đề mà tất cả mọi người đều biết (…), nhưng chúng ta đã không thể làm được trong quá khứ. Với tư cách là tổng tư lệnh quân đội, tôi quyết tâm giải quyết vấn đề này».
Thủ tướng VNCS Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc gặp gỡ ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung Se tại Hà Nội hôm 20/03/2017 đã bày tỏ mong muốn Seoul ủng hộ lập trường của Việt Nam về Biển Đông. Thông cáo của chính phủ CSVN cho biết: «Thủ tướng đã đề nghị Hàn Quốc tiếp tục ủng hộ lập trường của Việt Nam và các nước Đông Nam Á về Biển Đông, giúp đỡ Việt Nam tăng cường việc thực thi pháp luật trên biển». Nhưng thông cáo trên không nói rõ Hàn Quốc có đồng ý hỗ trợ hay không./.(VA)