Chúng ta bắt đầu vào những ngày đầu năm 2017. Cộng đồng người Mỹ gốc Việt đang có những hội nhập vững chắc.
Dân số người Việt tại Hoa Kỳ trước 1975 không có bao nhiêu, đã tăng vọt liên tục sau đó. Nghĩa là, từ khi Miền Nam sụp đổ.
Theo một bài phân tích trên viện nghiên cứu Migration Policy Institute (MPI) vào ngày 8 tháng 6/2016, tính trong năm 2014, người Việt là nhóm di dân đông thứ 6 tại Hoa Kỳ, sau những người sanh ở Mexico, Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines, và El Salvador.
Trong năm 2014, thống kê cho thấy có 1.3 triệu người Việt định cư tại Hoa Kỳ, chiếm 3% trong tổng số 42.4 triệu di dân ạti Hoa Kỳ.
Đối với người tỵ nạn và người di dân từ Việt Nam, Hoa Kỳ là quốc gia thu hút nhiều nhất, kế tiếp là Úc châu (với 227,000 người Việt sang tỵ nạn và định cư), rồi tới Canada (183,000), và Pháp (126,000), theo ước tính hồi giữa năm 2015 của cơ quan Liên hiệp quốc về dân số United Nations Population Division.
Người Việt tại Hoa Kỳ nổi tiếng là siêng năng. Tính chung, dân gốc Á tại Hoa Kỳ là siêng năng.
Một bản tin của thông tấn Bloomberg ngày 1 tháng 7/2016 phân tích rằng, đàn ông nói chung tại Hoa Ky lương cao hơn đàn bà, da trắng lương cao hơn da đen, nhưng khi tính tới lương giờ trung bình, lãnh lương cao nhất là đàn ông gốc Á châu.
Một bản nghiên cứu của Pew Research Center cho thấy rằng khi nhìn về các công nhân toàn thời gian hay bán thời gian ở tuổi 16 trở lên, lương giờ trung bình của đàn ông gốc Á là 24 USD/giờ trong năm 2015, trong khi đàn ông da trắng chỉ có lương giờ trung bình 21 USD/giờ.
Khi tính lương giờ trung bình cho phụ nữ gốc Á châu là 18 USD/giờ, trong khi phụ nữ da trắng là 17 USD/giờ.
Trong khi đó, lương giớ đàn ông da đen trung bình trong năm 2015 là 15 USD/giờ, và đàn ông gốc Mỹ Lan trung bình là 14 USD/giờ.
Có một lý do giải thích: dân gốc Á châu trung bình học cao hơn.
Và bởi vì người có văn bằng đại học 4 năm sẽ có lương cao hơn người chưa có văn bằng 4 năm.
Có 53% dân gốc Á châu tuổi từ 25 trở lên có ít nhất một văn bằng cử nhân trong năm 2015, trong khi con số này ở da trắng là 36%, da đen là 23%, và 15% là Mỹ Latin.
Trong khi đó, 21% dân gốc Á tuổi 25 trở lên ccó một văn bằng cao hơn cử nhân, con số này phía da trắng là 14%.
Thực tế, gộp chung dân gốc Á thì như thế. Nhưng khi tính riêng cộng đồng gốc Việt, gốc Cam Bốt, gốc Lào… sẽ thấy phức tạp hơn.
Bởi vì nhóm 3 quốc gia này khi chạy tỵ nạn chiến tranh sau 1975, thành phần tuổi lớn cho dù có văn bằng đại học cũng thấy hội nhập gian nan hơn. Chỉ có những người vào Mỹ khi tuổi trẻ, hay sinh tại Hoa Kỳ mới dễ thành công hơn.
Đó cũng là đặc điểm của cộng đồng gốc Việt, Cam Bốt, Lào… khi so với cộng đồng gốc Ấn Độ, Nhật Bản, Nam Hàn, Trung Quốc, Đài Loan, Singapore…
Và ngay trong nội bộ người gốc Á, thực ra cách biệt giàu nghèo vẫn có, và vẫn thường cách biệt xa hơn các sắc dân khác.
Tạp chí Asian Journal ngày 28/12/2016 cho biết cách biệt giàu nghèo giữa người Mỹ gốc Á ngà càng xa hơn.
Đặc biệt là nhiều người tin rằng dân gốc Á thành công hơn các sắc dân khác, như thế chỉ đúng một phần.
Một bản nghiên cứu năm 2015 của viện Pew Research Center cho thấy tài sản trung bình các gia đình Mỹ gốc Á đang tăng đều, và dự kiến sẽ sớm ngang bằng với các gia đình Mỹ trắng.
Nhìn chung thì như thế, nhưng một bản nghiênc ứu của viện Center for American Progress (CAP) cho thấy rằng bất bình đẳng về tài sản giữa người gốc Á với nhau lại cách biệt hơn là giữa các gia đình da trắng với nhau.
Thống kê này dựa trên dữ kiện của chính phủ liên bang, cho thấy một gia đình gốc Á ở hạng nghèo nhóm dân số 1/5 thấp nhất có tài sản trung bình là 9,319 USD từ 2010 tới 2013.
Trong khi đó, gia đình gốc Á trung bình có tài sản 132,653 USD, và trị giá tài sản các gia đình lương cao nhất (nhóm 90% trở lên) là 1.4 triệu USD trong cùng thời kỳ 4 năm đó.
Nghĩa là cách biệt giàu nghèo giữa dân gốc Á mở rộng hơn.
CAP nói rằng, lý do người ta có ảo giác rằng dân gốc Á phần đông đa số giàu hơn sắc dân khác là vì con số trị giá tài sản trung bình của gia đình da trắng và gia đình gốc Á là kể như bằng nhau (680,000 USD, theo nghiên cứu của CAP) làm cho có ảo giác rằng dân gốc Á đã giàu tương đương da trắng.
Thực tế không đúng. Người di dân từ Việt Nam, Lào và Cam Bốt (chiếm 45% dân số gốc Á tại Mỹ) thực ra không thành công bằng sắc dân gốc Á khác.
Hôm nay nhân ngày đầu năm, xin gửi lời chúc lành tới quý thân chủ và quý độc giả: năm 2017 sẽ là năm thành công cho cộng đồng gốc Việt, về mọi phương diện.