Hôm nay,  

Chú Giải Chuyện Đời Xưa của Trương Vĩnh Ký (71-72)

01/12/201600:51:00(Xem: 3797)

Chú Giải

Chuyện Đời Xưa của Trương Vĩnh Ký

  

Nguyễn Văn Sâm
    

 

(Chuyện 71-72. Sẽ đăng tiếp)

  

Quyển Chuyện Đời Xưa của Trương Vĩnh Ký là quyển sách bán chạy nhứt của nhà văn nầy. In tới lui nhiều lần, năm 1914 đã in tới ngàn thứ chín. Những lần in không đề tái bản lần thứ mấy và in bao nhiêu thì phải nói là cơ man.

Tại sao quyển truyện mỏng nầy lại có sức hấp dẫn như vậy? chính là nhờ ông Trương khi viết đã đưa ra hai mục tiêu và đã làm gần như trọn vẹn

1. Giáo dục về luân lý. Người đọc cẩnthận sẽ thấy những bài học tốt cho cách ở đời, cách xử thế, ứng xử trong trạng huống cần thiết, đề phòng kẻ xấu, chớ cả tin..

2. Dùng tiếng Annam (Việt Nam) ròng. Trong toàn quyển chuyện không sự kiện làm văn chương, mặc dầu điều nầy không hẵn là xấu, mà chỉ có sự sử dụng tiếng Việt thường nhựt, với những từ ngữ của người bình dân. Người đọc đón nhận cũng vì lẽ đó.

Ngoài ra vì tác giả khéo léo cho thấy sinh hoạt của dân chúng có thể nói là cuối thế kỷ 19 nên đây là nguồn tư liệu dồi dào về những chi tiết của cuộc sống dân ta mà gần như ngày nay không thể thấy (ăn ong, ăn bánh lớ, cái chày mổ, sư làm đám, hầm bắt cọp, bắt chồn, tục mai dong, tục ở rể…).

Sách viết hơn trăm năm trước, bằng chữ của dân miền cực Nam nên chắc chắn là khó hiểu với phần đông người đọc hiện giờ. Sự chú giải những từ nầy là cần thiết nên quyển sách Chú Giải Chuyện Đời Xưa của Trương Vĩnh Ký có lý do để ra đời.

Victorville, CA, tháng 11, 2016

  blank

71. Con chó và chồn.

  

     Bữa kia sói và chồn rủ nhau đi câu. Sói nói với chồn rằng: Nề[1], đứa nào đem giỏ theo, rồi kéo cá về? Mầy hay là tao? Chồn rằng: Đuôi anh chắc, thôi anh lãnh chuyện ấy. Sói chịu. Vậy chồn lấy dây chắc, cột giỏ vào đuôi sói, rồi đi câu với nhau.

     Bữa đó câu trúng quá[2], được cho một giỏ đầy cóng[3], sói kéo đi một đỗi, vụt đứt đuôi phứt. Ôi! Cha chả là đau!

    Sói giận nói với chồn rằng. Mầy gạt tao hử, thôi, để tao nhai xương mầy cho rồi. Chồn năn nỉ rằng: Ăn tôi làm chi tội nghiệp, anh? Anh theo tôi vô nhà chú thợ rèn gần đây, tôi mướn chú rèn cái đuôi anh chắc lại như thường, cho anh coi, mà có khi nó chắc hơn trước, không gãy, không đứt nữa.

    Sói nghe lời vô nhà chú thợ rèn: chú thợ thổi lửa nướng một miếng sắt đỏ, rồi đắp vào cây đuôi anh ta, nóng quá anh ta vụt chạy sải, la lối inh ỏi. (tr. 100)

    Chồn cũng chạy theo, gặp sói đang ngồi một bên đàng. Sói thấy mặt chồn, thì phát nổi gan[4], mà nói rằng: Chuyến nầy tao ăn mầy đi cho rồi, chớ không dung[5] nữa.

    Chồn rằng: Anh Cụt ơi, chơi chút vậy, mà anh oán chi, anh? Thịt tôi nó dai nhách, anh ăn mỏi răng, chẳng ích lối gì, chi bằng anh chịu khó theo tôi đây, nay mình trúng to: tôi biết có nhà kia có thịt dồi ngon quá đi, để mình đi ăn cắp ăn chơi cho sướng bụng.

   Sói ta nghe nói thịt dồi, nhễu nước miếng, đi theo chồn. Tới nơi, đỡ chồn lên treo lấy mấy khúc dồi đem ra ngoài bụi.

    Bấy giờ chồn bày mưu rằng: Ở đây không xong, sợ mấy đứa khác đánh hơi tới dành, thì ta ăn không được mấy miếng, thôi mình kiếm cây nào cao, leo lên để trên, rồi mình ăn với nhau cho vững bụng.

    Sói nghe bày chịu liền. Vậy chồn đem mấy khúc dồi lên trên cháng hai cây đầu[6] cao, rồi ngồi ăn một mình.

    Sói trèo lên không được, mới nói rằng: Thôi, thì mầy ăn phần của mầy, còn phần của tao thì quăng xuống cho tao chớ. Chồn ném xuống một hai miếng vụn mà rằng: Ừ đây, cho mầy ít miếng đây, Cụt. Sói giận nói rằng: Tao có bắt được mầy, thì tao nhai đi, thịt mầy có cứng bằng vỏ cây, tao cũng nuốt không dung. (tr. 101)

    Nó liền la hét dậy rừng, mấy con chó sói khác nghe tiếng chạy tới nhiều lắm, anh Cụt ta mới học lại chuyện con chồn ăn ở bất nhơn với mình. Mấy con kia nghe nói thì thương xót, quyết hại chồn mà báo cừu giùm cho anh ta.

   Vậy bọn nó bày thế mà bắt chồn, nó tính con nầy leo lên vai con kia, chồng tiếp lên luôn dựa theo cây cho tới con chồn, nó bắt Cụt ta chịu gốc, rồi nhảy trên vai nhau, mà lên lần lần.

   Khi gần tới, thì chồn la: Bớ Chú thợ rèn, đem miếng sắt cháy đỏ đây mà sửa đuôi anh Cụt một chút! Cụt ta nghe tên thợ rèn, nhớ trực bữa hổm, hoảng hồn vụt chạy, mấy con kia nhào xuống lục cục[7], giận quá, rượt theo anh Cụt bắt vặn họng chết. Chồn thấy vậy tức cười ngồi ăn cho hết dồi, rồi xuống đi mất.

    Mạnh sức mà thua mưu người yếu là sự cũng thường[8].

  

 

72. Thầy dạy ăn trộm, thử học trò.

  

    Có ông thầy kia làm thầy dạy phép đi ăn trộm. Học trò cũng được năm bảy đứa. Có một đứa mới vô sau, thầy muốn thử coi cho biết nó có dạn dĩ lanh lợi hay không, thì thầy dắt nó đi ăn trộm với thầy. (tr. 102)

    Thầy đem rình cái nhà có đứa con gái hay làm hàng lụa. Biết có cây lụa dệt rồi, nó gói nó để trên đầu giường kê đầu mà ngủ, thầy mở cửa biểu nó vô lấy cây lụa đem ra. Thầy thì đứng giữ nơi cửa, nó vào thắp đèn ló[9] lên, rọi thấy rồi, thụt đèn đi, thò tay lấy cây lụa. Mà chưa từng đứng dựa cái giường sợ run rẩy, động con ấy thức dậy, nắm đầu chú bợm, nó thất kinh kêu: Nó nắm đầu tôi rồi, thầy ôi! Thầy nó mới nói mưu: tưởng nắm đâu, chớ nắm đầu không hề gì nắm mũi mới sợ.

    Con kia nghe tưởng nắm mũi chắc, bỏ đầu nắm lấy mũi, nó giựt nó chạy ra được. Mõ ống[10] làng xóm chạy tới rượt theo, nó sợ quá nhè bụi tre gai chun phóc[11] vào trỏng. Gai đâm trầy trụa nát cả và mình[12], và khi ấy không biết đau. Thủng thẳng càng lâu càng đau, nhứt nhối rát rao[13] lắm. Còn ông thầy chạy thẳng về nhà chỏng cẳng ngủ.

    Sáng ngày ra, thầy nói với vợ nó phải lo mà đi kiếm nó về. Chỉ phải đi kiếm đàng nào. Vợ nó ra đi kiếm, nó ở trong bụi tre gai thấy cỏn[14] đi ngang qua, mới kêu vô: Mầy về nói với thầy cứu tao với. Tao hồi hôm sợ quá chun vô đây. Họ rượt thét lấy[15], chun đại vào không biết đau, bây giờ chun ra không được: Mình mảy[16] nát hết.

    Vợ nó về thưa lại với thầy. Thầy xách gậy ra. Nó lạy lục xin cứu. Thầy nó mới vùng la làng lên: Bớ làng xóm! Thằng ăn trộm đây! Nó sợ đã (tr. 103) sẵn, thất kinh quên đau, vụt chạy tuốt ra được. Về nhà thuốc men hai ba tháng mới lành.

     Còn có thằng học trò khác dạn lắm, thầy nó muốn thử coi nó có khôn ngoan biết làm mưu, mà thoát thân khi túng nước hay không, thì đem anh ta tới nhà kia giàu lắm, thầy đánh ngạch[17] vô được giở rương xe ra, biểu nó vô khuân đồ.

     Nó chun vô, ở ngoài thầy khóa quách lại[18], bỏ đó ra về ngủ. Nó ở trong không biết làm làm sao ra cho được, mới tính dùng mưu. Vậy nó mới quơ hết các áo quần tốt mặc vào sùm sùm sề sề. Lại lấy cái bung đội trên đầu, khuất mặt khuất mầy đi hết. Ở trong rương mới kêu lên: Ớ chủ nhà, ta là thần, bấy lâu nay ta ở với, cho mà làm giàu, nay mở rương cho ta đi dạo chơi ít bữa. Mở rương rồi, đờn bà ô uế phải đi đi cho xa. Còn đờn ông thì nhang đèn, mà đứng nới ra xa xa, đừng có lại gần không nên.

     Trong nhà ngờ là thần thật, vật heo vật bò, để tạ thần. Lại có mời tổng xã tới thị đó nữa. Dọn dẹp xong, tiêm tất, mở rương chống nắp lên dẹp lại hai bên[19] đứng ra xa xa chờ ông thần ra.

     Đâu ở trỏng thấy mặc đồ sùm sề đầu đội cái bung[20] đen đen, đi ra, rồi đi luôn đi, thần dạy: Ai có muốn cúng dưng vật chi, thì đi theo sau xa xa. Tới chùa thần mới vô ngự cho mà lạy. Thiên hạ ai nấy nghe đồn, rủ nhau đô hội đi theo coi. (tr. 104)

     Tới cái chùa kia, ông thần vô chùa, leo lên trên bàn thờ ngồi, cất cái bung đi. Thiên hạ vô thì đứng xa ngoài sân không dám vô. Bữa ấy anh học trò nhát, mà bị chúng rượt chun bụi tre gai, có đi theo coi. Biết là bạn học mình, thì thưa với quới chức[21], xin cho va vô coi cho gần. Mà mắc có lời thần đã phán, hễ ai lại gần, thì thần phạt sặc máu ra mà chết.

     Làng tổng mới nói với nó: Mặc ý, muốn chết thì vô. Nó bươn[22] nó vô leo lên đàng sau dòm mặt, biết. Anh kia mới nói: Anh đừng có nói ra, để nữa về tôi chia đồ cho. Nó không tin nói: Rồi về anh chối đi, anh không chia. Anh kia nói: không thì thề. Thằng nọ hỏi: Thề làm sao? Nó nói: Anh le lưỡi tôi liếm, rồi tôi le lưỡi anh liếm, thì là thề đó. Vậy thằng kia le lưỡi ra, anh nọ cắn ngang đứt lưỡi đi, máu chảy ra, dầm dề, leng teng[23] chạy ra, mà nói không được, lấy tay chỉ biểu làng vô bắt.

     Ai nấy thấy máu mủ vậy, thì ngờ là nó bị thần phạt sặc máu, liền sợ thất kinh bỏ chạy ráo[24].

     Thần ta mới mang đồ về nhà thầy, chia cho thầy mà đền ơn. Thầy khen nói: Mầy học phép ăn trộm được rồi đó. Có muốn ra riêng[25], thì thầy cho ra được. (tr. 105)

 

 

[1] Nề: Nói trại của nầy, tiếng bắt đầu để sai biểu của người có quyền thế.

[2] Trúng (câu): Thường làm việc gì mà được lợi nhiều gọi là trúng. Câu trúng: Câu được nhiều cá. Trúng mối: Được mối hàng có lời lớn. Trúng mánh: Được tiền. Trúng cờ bạc, trúng me, trúng số. trúng thưởng. Nghĩa rộng là ngay, gặp như trúng thực, trúng độc…

[3] Đầy cóng: Đầy ngập, đầy chật tới miệng giỏ.

[4] Nổi gan: Nổi giận, phát giận.

[5] Không dung: chẳng tha thứ, chẳng bỏ qua.

[6] Cháng hai cây đầu: Chỗ cây đầu chẻ ra làm hai nhánh, chỗ dễ ngồi trên cây, như cháng ba. Cây đầu: theo HTC thì có hai thứ cây đầu. 1. Cây đầu heo: Cây lớn, da trơn, có nhiều u giống cái đầu heo. 2. Cây đầu rái: Thứ cây có nhiều dầu, phải mổ bộng mà đốt thì dầu chảy ra.

[7] Lục cục: Lỏng chỏng từ đứa từ đứa như những cục đá nằm kế nhau.

[8] Lại một lời giải thích câu chuyện của người kể chuyện.

[9] Đèn ló: Đèn của ăn trộn, để trong ống tre cho khỏi tỏa sáng ra chỗ không cần thiết, có nắp đậy, khi cần lấy nắp để đènló ra. Như kiểu đèn pin ngày nay.

[10] Mõ ống: Mõ làm bằng ống tre gõ tiếng kêu vang hơn mõ thường. Thời xưa còn có mõ gió là người ta treo những vật có thể gây tiếng động khi có gió làm cho chim chóc thú nhỏ sợ mà không dám tới phá mùa màng. Kiểu nhu utrong chiến tranh vừa qua nhhững lo hộp thiếc được treo lên hang rào quanh đồn…

[11] Chun phóc: Chung thẳng vô không do dự, không vạch gai … Như nhảy phóc.

[12] Nát cả và mình: Nát cả mình mẫy. Cách nói xưa.

[13] Rát rao: Rát

[14] Cỏn: Con ấy.

[15] Rượt thét: Rượt thúc bách lắm. Thét: Tiếng trạng từ đi sau động từ làm cho hành động trở nên mãnh liệt hơn. (G. Hue: Thét: violemment, vivement.) như Dộng thét: đập dồn dập, Đói thét: đói quá. Làm thét: làm nhiều, Mắng thét: rầy rà quá đỗi, Quở thét: quở mắng nghiêm khắc. Riêng chữ nói thét nay dùng thường nhưng nghĩa hơi trại đi thành nói nhiều lần để khuyên lơn rầy biểu ai.

[16] Mình mảy: Mình mẩy.

[17] Đánh ngạch: Đào lỗ dưới vách mà chung vô ăn trộm. Xưa ăn trộm thường đào chỗ ngạch cữa vì vô sẽ mở cửa liền khỏi đi lại trong nhà tìm cửa có thể nguy hiểm.

[18] Khóa quách lại: Khóa lại liền.

[19] Dẹp lại hai bên: Biểu tránh ra hai bên để có đường trống chừa lối đi ở giữa. Nguyên bản: đẹp lại. nghĩ là in sai.

[20] Cái bung: Nồi lớn, phình ra ở hông, đít rộng.

[21] Quới chức: Quí vị có chức tước.

[22] Bươn: Lách mình đi mau qua, lật đật. Bươn bả, bươn tới, bươn ra…

[23] Leng teng chạy ra: Chạy ra một cách thần thờ.  Như lơn tơn: bộ đi lật đật..

[24] Bỏ chạy ráo: Bỏ chạy hết trơn.

[25] Ra riêng: Làm ăm một mình không chung, không hùn hạp, không lệ thuộc nữa. Nay còn thấy trong nghĩa con cái lớn lên có gia đình không ở với cha mẹ nữa.



Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Câu nói của cố thủ tướng Việt Cộng là Võ Văn Kiệt rằng ngày 30-4 có một triệu người vui và một triệu người buồn...
“Ý thức xã hội mới Việt Nam “là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm, những tình cảm, tâm trạng, truyền thống tốt đẹp, v.v. của cộng đồng dân tộc Việt Nam, mà hạt nhân là chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh lợi ích căn bản của nhân dân nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ xã hội mới”. Nói như thế là cuồng tín, vọng ngoại và phản bội ước vọng đi lên của dân tộc...
Nhiều sự việc thay đổi kể từ thập niên 1970 khi Richard Nixon và Mao Trạch Đông nghĩ ra công thức “một Trung Quốc” cho sự dị biệt của họ đối với quy chế Đài Loan. Nhưng nếu kết hợp với các biện pháp khác để tăng cường việc răn đe chống lại bất kỳ hành động xâm lược bất ngờ nào, chính sách này trong 50 năm qua vẫn có thể giúp cho việc gìn giữ hòa bình. Liệu Trung Quốc có thể cố tấn công Đài Loan vào năm 2027 không? Philip Davidson, Tư lệnh mãn nhiệm của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, nghĩ như vậy hồi năm 2021 và gần đây ông đã tái khẳng định việc đánh giá của mình. Nhưng liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có định sẵn cho cuộc chiến trên hòn đảo này không, đó là một vấn đề khác. Trong khi nguy hiểm là có thật, một kết quả như vậy không phải là không thể tránh khỏi.
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.