Phạm Đình Sơn - Melbourne VIC
Hôm Chủ Nhật 19/12 vừa rồi, tôi có đến dự lễ đặt viên đá đầu tiên xây Đài Tưởng Niệm Chiến Sĩ Úc Việt tại TP Dandenong và thấy thật xúc động, tự hào trước ý nghĩa cao qúy của buổi lễ. Tôi cũng còn rất hãnh diện khi thấy có rất nhiều quan khách Úc Việt, nhất là có cả cố phu nhân thủ tướng Phan Huy Quát tham dự. Nhưng càng xúc động và tự hào bao nhiêu thì khi theo dõi những tin tức của báo SGT về chuyện treo Cờ Vàng ở Cabra -Vale Park thì nói qúy vị tha lỗi tôi lại càng thấy tức anh ách như bò đá. Cố gắng kiếm mấy tờ báo khác để đọc xem có tin tức nào mới hay ho gì hơn không thì chẳng thấy gì. Tôi thấy hìnhh như báo chí Việt ngữ của mình tỏ vẻ ít quan tâm đến chuyện này thì phải. Như vậy là thế nào" Có người cho rằng có thể có sự thiếu thuận thảo giữa CĐ và báo chí gì đó. Tôi thì tôi không tin là có chuyện này vì cho dù là có chuyện đó đi nữa, thì tôi thấy lập trường của cộng đồng tỵ nạn mình bao giờ cũng phải là lập trường của báo chí tỵ nạn mới phải chứ. Báo chí đã do người tỵ nạn mình làm, làm cho người tỵ nạn mình đọc, thì phải có nhu cầu bảo vệ lập trường, chính nghĩa của người tỵ nạn mình. Tôi thấy hầu hết báo chí Việt ngữ đều trước sau một mực xác nhận là "cơ quan ngôn luận của người Việt tự do" thì làm gì có chuyện chỉ vì không thuận thảo với CĐ về một chuyện gì đó mà bỏ quên việc hậu thuẫn CĐ làm chuyện đúng, chuyện phải. Thêm vào đó, chúng ta phải thấy, CĐ người Việt tại Úc đã chính thức công bố "quốc kỳ VNCH là biểu tượng của tự do dân chủ và là truyền thống của CĐ chúng ta" nên đã là biểu tượng của tự do dân chủ, là truyền thống của CĐ, thì bất cứ cơ quan ngôn luận nào (ngoài việc đăng tin hay tường thuật về cờ Vàng) thì cũng nên quan tâm quảng bá để mọi người cùng biết, cùng vui cùng hậu thuẫn cờ Vàng mới phải.
Điểm quan trọng nữa tôi muốn bàn ở đây là ông H.A. đã nói rất đúng. Đài tưởng niệm chiến sĩ Việt Úc được xây ở Cabramatta Park là xây đầu tiên ở Úc và có thể nói đầu tiên ở hải ngoại và trên cả thế giới nữa vì xây cách đây mười mấy năm lận. Và Cờ VNCH cũng đã được treo một cách chính thức đầu tiên ở Cabramatta vào thời đó rồi nghi lễ thượng kỳ đó đã diễn ra cách đây cả hơn chục năm, trang trọng cũng đâu kém gì lễ đặt viên đá đầu tiên xây Đài Tưởng Niệm Chiến Sĩ Việt Úc ở Dandenong đây. Có cả quan toàn quyền đến dự mà (theo SGT 4/11/2004). Như vậy tôi nghĩ là nếu [... ...] cùng qúy bà con mình ở trên đó biết duy trì truyền thống treo cờ Úc và cờ Vàng ngay từ thời đó hay biết mấy. Vì lúc ấy đâu có ai cấm đoán gì, đâu cần phải xin phép gì. Cứ treo từ đó đến nay thì coi như là một truyền thống vì phép vua phải thua lệ làng và như vậy là cờ Vàng của mình sẽ bay vĩnh viễn cho đến nay. Được như vậy thì bây giờ đâu có ai dám nghĩ tới chuyện hạ xuống, hay dù có nghĩ cũng đâu có dễ làm nổi. Nhưng chuyện đáng tiếc này đã là chuyện quá khứ, nhắc lại ở đây để mong mọi người rút ra được bài học đấu tranh cần thiết mà thôi.
*
Vịt Xiêm tấn công 5 Ẩn!
Lâm Hữu Xưa - Victoria
Câu chuyện mà tôi sắp kể ra đây là một chuyện có thật tới 100% mà mỗi lần vui miệng kể cho bạn bè nghe thì chính tôi phải ngần ngại, phải rào trước đón sau vì chuyện xảy ra khó có thể nào mà dễ dàng tin là chuyện thật được. Chính tôi là người chứng kiến cùng với 81 người khác, nào là Sáu Giao, TH Thành, NM Bạch, VV Nửa, LV Chánh, TV Ninh, HV Miểng, NV Quảng, TT Học, DLen, VK Tài, PN Nam, DLa, ĐQ Tỏa, LT Trung... Thế mà tôi vẫn cứ hoài nghi cặp mắt mình, cứ ngỡ là chuyện trong mơ! Sau 5 tháng nằm ở khám lớn, nhóm tôi được xe đò Liên Trung lúc 2 giờ sáng chở vào ngã ba Tắc Cậu, dồn xuống khoang tàu đánh cá chạy dọc kinh Cán Gáo và thả xuống lội bộ từ vàm kinh làng thứ 7, đi vào trại giam “tù số”, sau này có tên là Trại Kinh Làng Thứ 7, nằm ven rừng U Minh Thượng cách Vàm Kinh Cán Gáo chừng 10 cây số. Lúc đầu chỉ có 82 người bao gồm nhiều thành phần với chức tước và ngành nghề khác nhau, hầu hết là dân hành chánh và cảnh sát đặc biệt. Công việc chánh của 82 anh em chúng tôi là chuyên đốn cây tràm làm nhà. Tính ra mỗi căn nhà loại một, hai, ba gian... cần bao nhiêu cột cái, cột hàng nhì, cột hàng ba, đòn tay, ruôi mè. Cứ thế mà vào rừng đốn đủ các loại cây tràm theo chỉ tiêu mà ban quản trại đưa ra mỗi ngày. Ít lâu sau thì có thêm một trại lớn hơn vừa cất xong, nằm ngay trên kinh làng thứ 7, gọi là trại ngoài.