Hôm nay,  

Du Tử Lê Và 8 Năm Quân Ngũ Tại Cục Tâm Lý Chiến, Ở 2 Bis Hồng Thập Tự, Sài Gòn

02/07/201600:00:00(Xem: 7331)
Ghi chép của Vương Hồng Anh

*Đôi điều về KBC 3168, 2 bis Hồng Thập Tự Sài Gòn

Trong bài viết “Du Tử Lê, những ngày ở KBC 3168” đăng trên Việt Báo vào cuối tháng 11 năm 1998, chúng tôi có nói qua về Cục Tâm Lý Chiến, mà khu bưu chính (KBC) có danh số là 3168. Doanh trại của đơn vị này đặt tại 2 bis Hồng Thập Tự từ năm 1955. Đây là một địa chỉ bưu chính giao dịch hành chính của đơn vị với các cơ quan dân sự và số 2 bis có một “lịch sử” của nó. Theo tài liệu quân sử của Bộ Tổng Tham Mưu và lời kể của một số niên trưởng đã làm việc tại doanh trại này từ thời gian doanh trại được hình thành, thì trước năm 1955, đường Hồng Thập Tự có tên là Chasseloup Laubat, và địa chỉ bưu chính số 2 là khu xưởng của ngành công chánh, còn 2 bis là doanh trại của một đơn vị của quân đội Liên Hiệp Pháp. Vào khoảng cuối năm 1956, Nha Chiến Tranh Tâm Lý tiếp nhận doanh trại này và xây dựng thêm một số khu nhà mới. Cũng cần ghi nhận rằng đầu tháng 2 năm 1954, trong kế hoạch phát triển quân đội Quốc gia Việt Nam, Bộ Quốc phòng cho thành lập Nha Chiến Tranh Tâm Lý, Tác Động Tinh Thần và Chính trị (tới tháng 9 năm 1956 thì cải danh thành Nha Chiến Tranh Tâm Lý). Đến cuối năm 1964, Tổng cục Chiến tranh Chính Trị được thành lập, quy hợp các nha Chiến Tranh Tâm Lý, Nha An Ninh Quân Đội, Nha Xã Hội Văn Hóa, các nha đổi thành cục, đồng thời tổng cục này lập thêm Cục Chính Huấn và các Nha Tuyên Úy Phật Giáo và Tin Lành( nha Tuyên Úy Công Giáo đã có từ trước). Riêng Nha Chiến tranh Tâm Lý cải danh thành Cục Tâm Lý Chiến, tổng chỉ huy 5 tiểu đoàn Tâm Lý Chiến, 5 Đại Đội Dân Sự Vụ hoạt động tại 4 Vùng Chiến Thuật và Biệt khu Thủ Đô. Cuối năm 1966, các tiểu đoàn Tâm Lý Chiến và Đại Đội Dân Sự Vụ sát nhập thành các Tiểu đoàn Chiến tranh Chính Trị trực thuộc Tổng cục Chiến Tranh Chính Trị. Cục Tâm Lý Chiến chỉ còn cơ quan trung ương gồm có Khối Kỹ Thuật ( điều hành các phòng Điện Ảnh, Vô Tuyến Truyền Hình, Thông tin Báo chí, Văn Nghệ, Ấn Họa, Đài Phát thanh Quân Đội, Nhật Báo Tiền Tuyến) và các khối Kế hoạch, Hành chính, Tình Báo Tâm Lý Chiến, quân số từ hơn 3 ngàn quân nhân, chỉ còn khoảng 500 người vào cuối năm 1966.

*Khi Du Tử Lê thuyên chuyển về Cục Tâm Lý Chiến

Cũng vào cuối năm 1966, một số Tổng Nha, Nha thuộc Bộ Quốc phòng được tái tổ chức, quân số của những đơn vị này, dược bổ sung cho các Cục thuộc Tổng Cục Chiến tranh Chính Trị và Tổng Cục Tiếp Vận. Riêng Khói Kỹ Thuật Cục Tâm Lý Chiến đã tiếp nhận khoảng 30 quân nhân, bổ sung cho các phòng Điện ảnh, Vô Tuyến Truyền Hình, Thông Tin Báo Chí, và Đài Tiếng Nói Quân Đội. Trong số các quân nhân bổ sung cho Phòng Thông Tin Báo Chí có Trung úy Đặng Tràn Huân (cấp bậc cuối cùng: Thiếu tá), Trung úy Lê Cự Phách ( tức là nhà thơ Du Tử Lê, khoảng 2 năm sau, nhà thơ này được thăng cấp đại úy), Thiếu úy Dương Vy Long ( tháng 11 năm 1967 trở thành dân biểu Hạ Viện), Thượng sĩ Phan Bá Thuần Hậu (bút danh là Anh Thuần). Riêng về Trung úy Lê Cự Phách, ban đầu được điều động về Cục Chính Huấn, nhưng sau đó, Cục Tâm Lý Chiến có trình văn xin hoán chuyển về Cục Tâm Lý Chiến,1 sĩ quan khác của cục được điều động thay thế Du Tử Lê ở Cục Chính Huấn.

Khi Du Tử Lê về phòng Thông tin Báo Chí, thì người viết bài này đang phụ trách ban “Phim thời sự” của phòng Điện ảnh vàVô Tuyến Truyền Hình, và đồng thời là sĩ quan Biên tập chương trình Truyền hình Quân đội trung ương do Cục Tâm Lý Chiến đảm trách. Tôi gặp Du Tử Lê lần đầu tại Phòng Thông Tin Báo Chí khi anh vừa đi làm phóng sự chiến trường từ Vùng 2 Chiến thuật trở về. Họa sĩ Mai Chửng, bạn cùng khóa 21 Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức với tôi, lúc đó phụ trách về kỹ thuật trình bày của phòng này đã giới thiệu tôi với Du Tử Lê. Sau đó, tôi, Mai Chửng và Du Tử Lê trở thành bạn thân. Và vào giữa năm 1967, thì tôi xin thuyên chuyển về Phòng Thông Tin Báo Chí theo gợi ý của Du Tử Lê và Mai Chửng.

*Những chuyện về Du Tử Lê ở phòng Thông Tin Báo Chí

Khi tôi thuyên chuyển về Phòng Thông Tin Báo Chí, thì quân số của phòng có gần 20 người, trong đó có hơn 10 sĩ quan. Phòng này chiếm nguyên một ngôi nhà trong đó có 1 phòng rộng dành cho phụ tá trưởng phòng và các sĩ quan, 1 phòng dành cho tòa soạn bán nguyệt san Chiến sĩ Cộng Hòa, 1 phòng dành cho bộ phận văn thư và 1 phòng dành cho vị trưởng phòng là Đại úy Nguyễn Đạt Thịnh ( cấp bậc cuối cùng là Trung tá). Khi tôi trình diện trưởng phòng, Đại úy Thịnh đã phân nhiệm tôi vào nhóm Phóng viên lưu động tại 4 vùng chiến thuật để viết phóng sự chiến trường và các tin quân sự cho nhật báo Tiền Tuyến ( do số phóng viên cơ hữu của nhật báo rất ít chỉ phụ trách các phần tin thời sự chính trị, xã hội). Riêng Du Tử Lê, công việc chính là biên tập các bài viết của độc giả gửi về cho bán nguyệt san Chiến sĩ Cộng Hòa, và bản tin thời sự quân đội của nhật báo Tiền Tuyến, Trong trường hợp chiến trường tại các vùng chiến thuật sôi động, thì Du Tử Lê được diều động tăng cường cho nhóm phóng viên chiến trường, và vùng chiến thuật mà anh thường đến là Vùng 2 Cao nguyên.


Trong một năm phục vụ tại phòng Thông Tin Báo Chí, trước khi tôi tình nguyện thuyên chuyển về bộ chỉ huy một trung đoàn tân lập ở chiến trường Quảng Trị-Thừa Thiên, tôi đã chứng kiến nhiều sự việc liên quan đến con người Du Tử Lê, xin được ghi lại sau đây:

*Du Tử Lê và những người khách từ xa đến

Vào những năm 1967, 1968, hàng ngày, ở cửa phòng trực của doanh trại Cục Tâm Lý Chiến, thường có khách xin vào Phòng Thông Tin Báo Chí để gặp một số phóng viên, biên tập viên, với nhiều lý do khác nhau.. Người có nhiều khách nhất là Du Tử Lê, những người khách này thường từ xa về, có người từ Huế, Đà Nẵng vào, có người từ Cao Nguyên xuống, có người từ miền Tây lên, Họ gặp Du Tử Lê để trao đỏi về một bài thơ, bài viết của tác giả đăng ở các tuần báo xuất bản tại Sài Gòn, Những người này được tòa soạn các tòa báo đó hướng dẫn rằng “ cứ đén 2 bis Hồng Thập Tự xin gặp Du Tử Lê ở phòng Thông Tin Báo Chí”. Mỗi lần gặp như thế, Du Tử Lê phải nói nhỏ với Đại úy Phạm Huấn, phụ tá trưởng phòng, xin ra ngoài để đưa khách đi uống nước. Khoản tiền tiếp khách của Du Tử Lê nếu cuối tháng cộng lại cũng chiếm một phần lớn tổng số tiền nhuận bút của các tuần báo trả cho anh.

Trong số những người khách bốn phương đó, có nhiều người còn nhờ Du Tử Lê, qua sự quen biết rộng với các bạn bè ở Không quân, xin cấp giấy vận chuyển bằng phi cơ vận tải quân sự để trở lại địa phương sau chuyến đi Sài Gòn. Một trong những người bạn ở Không quân đã “gánh giùm” cho Du Tử Lê việc này là anh Phan Lạc Giang Đông, lúc đó là quân nhân phục vụ tại Bộ Tư lệnh Không quân.

Không chỉ giúp bạn về vận chuyển, có những trường hợp Du Tử Lê còn tìm chỗ tạm trú cho bạn trong thời gian người này ở Sài Gòn. Chiếc Vespa của anh đã chở không biết bao nhiêu người bạn từ bốn vùng chiến thuật, ngao du Đô Thành.

*Vài câu chuyện về tình bạn của Du Tử Lê

Trong số thi hữu, văn hữu của Du Tử Lê, có vài người (mà vì sự tế nhị xin miễn nên tên) gặp nhiều khó khăn trong đời sống, và mỗi lần từ xa về Sài Gòn, đã được Du Tử Lê tự nguyện lo luôn tiền tiêu vặt, ăn uống, và những chuyện như thế Du Tử Lê không kể với ai.. tôi biết được là do chính do những người đó kể lại với tất cả sự cảm kích về tình bạn của Du Tử Lê.

Trước năm 1975, tôi gặp Du Tử Lê lần cuối vào mùa Hè năm 1973. Thời gian đó, Du Tử Lê phụ trách tòa soạn nguyệt san Tiền Phòng của Phòng Thông Tin Báo Chí. (báo dành cho sĩ quan). Tôi xin phép vào Sài Gòn trong 1 tuần để dự kỳ thi chứng chỉ cử nhân chuyên khoa Nhân Văn. Tôi đã ở lại nhà của Du Tử Lê trong khu cư xá Bưu Điện trong 3 ngày đầu, do nhà bạn gần trường thi. Sau đó, tôi về nhà người cậu để thăm bà con. Khi từ giả bạn, tôi nói rằng mùa hè năm sau, tôi sẽ về lại Sài Gòn để dự kỳ thi hoàn tất chương trình Cử nhân, Nhưng lời hứa đó đã không thực hiện được vì vào mùa Xuân năm 1974, tôi thuyên chuyển về Đà Nẵng, và do công việc tại đơn vị mới quá nhiều, nên tôi đành tạm gác việc thi cử. Tháng 12 năm 1974, khi tôi đang phụ trách Phòng Tâm Lý Chiến của một sư đoàn Bộ binh, vị Tướng Tư lệnh Sư đoàn muốn phổ biến một bài viết về chiến công của Sư đoàn trên nhật báo Tiền Tuyến. Tôi đã cử một sĩ quan đem bài viết về Sài Gòn kèm lá thư của tôi gửi cho Du Tử Lê nhờ bạn chuyển cho nhật báo Tiền Tuyến. Khi giao thư. tôi hỏi người sĩ quan: “Cậu có biết nhà thơ Du Tử Lê không”. Sĩ quan này trở lời ngay: “Em rất thích thơ của Du Tử Lê, nhưng chưa có dịp gặp ông ta”. Sau lần đó, tôi không có dịp để liên lạc với nhà thơ lớn này.

Gần 9 năm sau, vào cuối năm 1981, từ trại tù trở về Sài Gòn, cuộc sống của tôi vô cùng khó khăn, Trước khi được một người bạn bão lảnh vào dạy Toán tại một Trung tâm luyện thi Đại học, trong ba năm đầu, tôi phải làm đủ nghề để mưu sinh. Nhà tôi ở gần Cầu Thị Nghè, mỗi lần đạp xe ngang 2 bis Hồng Thập Tự, tôi đều nhìn vào doanh trại Cục Tâm Lý Chiến của ngày tháng cũ, vào lúc đó đã trở thành một “cơ quan nhà nước”, mà lòng ngậm ngùi. Toàn cảnh của doanh trại có nhiều thay đổi nhưng cái hồn xưa vẫn còn đó.

Tháng Sáu năm 1995, trước ngày rời Sài Gòn để sang Mỹ theo diện H.0, tôi đã đạp xe đi ngang 2 Bis Hồng Thập Tự, và đã dừng lại ở bên đường hơn một phút. Tôi đã nhìn toàn cảnh doanh trại ngày xưa lần cuối, tôi mường tượng khu nhà của Phòng Thông Tin Báo Chí, lòng bùi ngùi nhớ đến những người lính muôn năm cũ, những người bạn của đơn vị đầu tiên trong đời quân ngũ của tôi, và sáng ngời lên trong tâm tưởng là nụ cười hiền hậu của Du Tử Lê mỗi lần thấy tôi từ chiến trường trở về.

 Đêm thứ Sáu 24 tháng Sáu năm 2016

Vương Hồng Anh

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tình hình kinh tế Việt Nam đan xen mảng xám trong nhiều lĩnh vực của hệ thống tổ chức khiến nhà đầu tư lo âu và mức tiêu dùng của dân co lại...
Lá vẫn còn xanh. Hè vẫn còn nấn ná. Trời vẫn chưa muốn vào thu mà (không dưng) sáng nay California chợt thoáng chút âm u, và lấm tấm vài hạt mưa nho nhỏ. Mưa chưa ướt đất nhưng cũng đủ làm cho tôi hơi thấy ngại ngần khi nghĩ đến chuyện phải ra khỏi nhà chỉ vì một ly cà phê nóng.
Sau khi nâng cấp ngoại giao lên “Đối tác chiến lược toàn diện” với Mỹ trong chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Joe Biden (10-11/09/2023), thế đứng chính trị của Việt Nam với nước láng giềng Trung Quốc đã tự tin hơn.
Theo tin Tổng Hợp ngày 10/9/2023, theo chân bốn đời tổng thống tiền nhiệm, Tổng Thống Joe Biden thăm Việt Nam với đoàn tùy tùng hủng hậu bao gồm các viên chức cao cấp của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, Bộ Ngoại Giao cùng những công ty khổng lồ…không ngoài mục đích biến Việt Nam thành quốc gia hùng mạnh, độc lập, tự chủ để không còn lệ thuộc vào Trung Quốc...
Việt Nam và Hoa Kỳ đã thiết lập quan hệ ngoại giao cấp “chiến lược toàn diện”, sau 28 năm ngoại giao từ năm 1995. Quyết định này được công bố ở Hà Nội chiều ngày 10/09/2023 trong chuyến thăm 1 ngày rưỡi của Tổng thống Joe Biden...
Năm nay đánh dấu kỷ niệm mười năm thành lập “SK/VĐ&CĐ” (SK/VĐ&CĐ) của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, dự án phát triển cơ sở hạ tầng lớn nhất và đầy tham vọng nhất trong lịch sử nhân loại. Trung Quốc đã cho vay hơn 100 ngàn tỷ đô la Mỹ cho hơn 100 quốc gia qua chương trình này, nó làm giảm chi tiêu của phương Tây ở các nước đang phát triển và dấy lên lo ngại về sự lan rộng quyền lực và ảnh hưởng của Bắc Kinh...
Vào tháng 7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết rằng cuối cùng ông sẽ từ bỏ phản đối Thụy Điển gia nhập Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Hungary, quốc gia ủng hộ lệnh cấm của Thổ Nhĩ Kỳ, cũng có dấu hiệu cho thấy họ sẽ không cản trở việc Thụy Điển gia nhập nếu Thổ Nhĩ Kỳ bật đèn xanh. Điều đó có nghĩa là, sau cuộc bỏ phiếu theo thủ tục vào mùa thu này, Thụy Điển sẵn sàng trở thành thành viên thứ 32 của NATO.
Ngày 2 tháng 9 năm 45, ông Hồ Chí Minh long trọng đọc Tuyên Ngôn Độc Lập tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Bữa đó, tui không có mặt. Lý do: không phải vì quá bận, hay vì có chuyện chi đó (đố kỵ) với đám Cộng Sản mà chỉ vì tôi chưa kịp… ra đời! Dù sinh sau đẻ muộn, tôi cũng nghe được hơi nhiều chuyện “không được tử tế gì cho lắm” quanh cái ngày này, ngày khai sinh ra cái gọi là nước “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà.” Trước hết, xin ghi lại vài mẩu tin có liên quan đến ông Nguyễn Hữu Đang, Trưởng Ban Tổ Chức Ngày 2 Tháng 9, được trích dẫn nguyên văn từ những cơ quan truyền thông (*) của Nhà Nước, mười lăm năm sau đó
Mặc dù những bất đồng là phổ biến giữa các nhà lãnh đạo được bầu và các thống đốc Ngân hàng trung ương, nhưng chúng lại không bình thường ở các quốc gia độc đảng. Khi chúng xảy ra, đó thường là dấu hiệu của một cuộc tranh giành quyền lực. Điều đó dường như đang xảy ra ở Việt Nam, quốc gia đang phải chịu suy thoái kinh tế và có thể sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội 6,5% cho cả năm. Theo những người quen thuộc với tình hình, mặc dù bất cứ điều gì gần với mức đó sẽ khiến nhiều thị trường mới nổi ghen tị, nhưng việc không đạt được mục tiêu trên có thể gây tổn hại đến sự nghiệp của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Lời người dịch: Trong bài viết sau đây, tác giả Jeffrey D. Sachs đưa ra ba luận điểm thiếu thuyết phục. Một là, nền kinh tế Trung Quốc đình đốn phần lớn là do Mỹ gây ra nhằm làm chậm mức tăng trưởng của Trung Quốc. Làm như vậy, Mỹ đã vi phạm các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và là mối nguy hiểm cho sự thịnh vượng trong toàn cầu. Do đó, Mỹ nên dừng lại. Cuộc thương chiến giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ không phải chỉ Hoa Kỳ đơn phương gây ra và còn tiếp diễn. Cả hai đang tận dụng mọi ưu thế để cải thiện vị thế của mình. Ai sẽ có khả năng làm cho đối phương suy yếu kinh tế, còn cần nhiều thời gian và nỗ lực. Các chính sách ngăn chận của Trump và Biden đã có kết qủa tốt đẹp. Ai sẽ thắng cử trong năm 2024 cũng phải tiếp tục phát huy thành quả này.
CTA BACK TO SCHOOL BANNER
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.