Bản tin chính phủ VN không nói rõ trong số tàu cá gặp nạn, có bao nhiêu tàu cá VN bị tàu Trung Quốc đâm chìm.
Trong khi đó, Việt Nam bàn chuyện mua phi đạn của Ấn Độ và tàu chiến của Nga...
Bản tin VOA hôm 2-6-2016 cho biết:
"Một quan chức phụ trách các vấn đề liên quan tới ngư dân mới cho biết rằng "hơn 4.000 tàu cá Việt Nam gặp nạn với hơn 2.300 ngư dân thương vong, mất tích trên biển" chỉ trong hơn hai năm qua.
Trả lời báo Người lao động mới đây, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, còn cho rằng "cần phải thiết lập đường dây nóng giữa các quốc gia trong khu vực" để bảo vệ ngư dân.
Ông Tám cho biết rằng Việt Nam hiện đã lập một đường dây với Philippines, nhưng muốn có thêm với Thái Lan, Campuchia, Brunei, Malaysia và Indonesia.
Ông Bùi Văn Cu, một ngư dân ở tỉnh Quảng Ngãi, cho VOA Việt Ngữ biết rằng ông ủng hộ đề xuất này.
"Cũng ưng có đường dây nóng lắm chứ, để khi mình gặp chuyện rủi ro, hay bị tông tàu, mình có thể liên lạc được để mà kịp thời cứu vớt."
Hồi cuối năm ngoái, xảy ra một vụ xả súng ở quần đảo Trường Sa làm một ngư dân thiệt mạng trên chiếc tàu đánh cá của ông Cu.
VOA Việt Ngữ không thể liên lạc được với Thứ trưởng Tám để hỏi về con số trên.
Trả lời về việc vì sao số ngư dân gặp nạn trên biển lại lớn như vậy, ông Nguyễn Ngọc Đức, Chánh văn phòng Hội Nghề cá Việt Nam, nói với VOA Việt Ngữ rằng hành động của Trung Quốc ở biển Đông cũng là một yếu tố tác động. Ông nói tới một lý do khác:
"Trong quá trình đánh bắt, ngư dân chưa hiểu hết về luật quốc tế, chưa am hiểu về luật pháp khi khai thác trên biển và các vùng biển mà không được phép đánh bắt hoặc hợp tác giữa các bên với nhau nhưng mà ngư dân đánh lấn ra. Chính vì vậy, sắp tới, Hội Nghề cá chúng tôi báo cáo Bộ Nông nghiệp xin phép tổ chức một chương trình phổ biến để tuyên truyền cho ngư dân đi biển, tăng hiểu biết về luật pháp quốc tế."
Sau sự cố trên biển, ngư dân Cu cho biết đã ra khơi sau khi được hỗ trợ đi đánh bắt trở lại để "bám biển, bảo vệ chủ quyền".
Viên thuyền trưởng tàu cá này từng nói với VOA Việt Ngữ rằng ông muốn được phép "mang súng" lúc ra khơi để tự phòng thân.
Khi được hỏi là có sợ khi vẫn tiếp tục ra khơi dù Trung Quốc đang áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá ở biển Đông, và trong khi có nhiều ngư dân tiếp tục gặp nạn, ông Cu nói:
"Nghe như vậy thì mình cũng sợ, nhưng mà vẫn phải làm, phải bám biển thôi. Phải làm chứ, vì mình là dân lao động, nếu không làm, ở nhà thì lấy gì mà ăn? Đánh ở Hoàng Sa đấy. Thằng Trung Quốc nó đuổi, nó dí mình miết. Cảnh sát biển có sọc đỏ, sọc xanh. Nó đuổi thì mình chạy."
Ông Cu cho biết thêm rằng ông "chưa thấy" các tàu chấp pháp của Việt Nam ra ngoài hỗ trợ ngư dân trên biển.
Mới đây, Việt Nam đã "kiên quyết phản đối" lệnh đánh bắt cá hiện thời của Trung Quốc kéo dài gần 3 tháng ở biển Đông, gọi đó là "quyết định vô giá trị".
Người phát ngôn Lê Hải Bình nói rằng "việc làm này của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam đối với các vùng biển của Việt Nam, đi ngược lại tinh thần và lời văn của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông".
Hội Nghề cá Việt Nam cũng đã từng nhiều lần lên tiếng phản đối lệnh cấm mà tổ chức bảo vệ ngư dân này nói là "đơn phương" và "phi lý" này..."(ngưng trích)
Trong khi đó, một bản tin RFI hôm 2-6-2016 cho biết Ấn Độ chuẩn bị bán hỏa tiễn chống hạm siêu thanh cho Việt Nam...
Bản tin RFI viết:
"Các quan chức quốc phòng Ấn Độ đang chuẩn bị bán cho Việt Nam một trong những loại hỏa tiễn hành trình chống hạm có tốc độ nhanh nhất thế giới. Trang mạng USNI News của Học viện Hải quân Hoa Kỳ dẫn nhiều nguồn tin báo chí hôm qua 01/06/2016 cho biết như trên.
BrahMos là loại tên lửa chống hạm siêu thanh ứng dụng công nghệ tàng hình, dựa theo kiểu P-800 Onyx của Nga, được New Delhi và Matxcơva cùng hợp tác sản xuất trong thập kỷ qua. Hỏa tiễn này được cho là một trong những loại hỏa tiễn chống hạm có tính sát thương cao nhất, nhờ vào tốc độ siêu nhanh của nó.
Theo Janes Defense Weekly, Ấn Độ dự tính xuất khẩu hỏa tiễn siêu thanh Mach 3 từ nhiều năm trước, nhưng vấp phải sự phản đối của Nga do vấn đề sở hữu trí tuệ vẫn chưa được giải quyết. Thêm vào đó, Trung Quốc – đối thủ trên biển của Ấn Độ và Việt Nam – tỏ ra lo ngại nếu New Delhi bán loại tên lửa này cho Hà Nội, sẽ phá vỡ thế cân bằng sức mạnh ở Biển Đông.
Praveen Pathak, phát ngôn viên của BrahMos Aerospace tuần trước đã nói với hãng thông tấn Tass của Nga: «Trong trường hợp Việt Nam, Trung Quốc cho biết họ chống lại việc Ấn Độ cung cấp vũ khí vì đang xung đột với Việt Nam về chủ quyền trên Biển Đông».
Năm 2014, Ấn Độ đã đề nghị xuất khẩu hỏa tiễn cho Việt Nam nhân chuyến viếng thăm của tổng thống Nga Vladimir Putin, nhưng bất thành. Theo chuyên gia Eric Wertheim, nếu mọi việc suông sẻ thì đây sẽ là một thắng lợi lớn cho công nghiệp vũ khí Ấn Độ - xuất khẩu vũ khí vốn là một trong những mục tiêu để đẩy mạnh năng lực sản xuất trong nước.
Đối với Việt Nam, loại tên lửa mới này cũng giúp nâng cao năng lực chiến đấu trong lúc Hà Nội tìm kiếm tăng cường sức mạnh trên biển, chống lại sự bành trướng không ngừng của Trung Quốc. Ông Wertheim nói: «Việt Nam thuộc loại tầm tầm bậc trung, nếu xét về năng lực và các khiếm khuyết lớn của Hải quân, và Bắc Kinh đã đẩy Hà Nội vào cái thế phải xem xét lại vấn đề an ninh hàng hải của mình. Việc mua hỏa tiễn BrahMos sẽ cho thấy Việt Nam đang tìm kiếm các đối tác khác, ngoài những đối tác truyền thống».
Vụ mua vũ khí quan trọng nhất gần đây của Hà Nội là sáu chiếc tàu ngầm tấn công lớp Kilo của Nga, một phần trong thương vụ ký kết năm 2009 với Matxcơva, trị giá từ 1,8 đến 2 tỉ đô la.
Hỏa tiễn BrahMos hiện nay được sản xuất để bắn đi từ mặt đất và trên không, nhưng Ấn Độ đang thử nghiệm một phiên bản có thể phóng ra từ tàu ngầm, thiết kế để sử dụng trên các tàu ngầm Kilo của Việt Nam."(ngưng trích)
Trong khi đó, bản tin Sputnik của chính phủ Nga cho biết Việt Nam đang thảo luận với Nga về đóng thêm hai khu trục hạm "Gepard"...
Bản tin này nói rằng Việt Nam và Nga đang thảo luận về việc đóng thêm chiếc tàu thứ năm và thứ sáu loại "Gepard -3.9" dành cho Hải quân Việt Nam, - theo tin từ tập đoàn nhà nước "Rostex".
"Thời điểm hiện nay các bên đang thảo luận vấn đề đóng tại Zelenodolsk cặp tàu thứ ba loại này dành cho Hải quân Việt Nam", — trang web của "Rostex" thông báo.
Sóng gió Biển Đông cho thâý, thiệt hại đầu tiên là ngư dân Việt... Than ôi, Biển Đông mất rồi chăng?
- Tag :
- Brunei
- ,
- Quảng Ngãi
- ,
- Indonesia
- ,
- Thái Lan
- ,
- Philippines
- ,
- Trung Quốc
- ,
- Campuchia
- ,
- Việt Nam
- ,
- Malaysia
Send comment