Hôm nay,  

Nhiều Tay Khiến Vỗ Nên Kêu

20/04/201600:00:00(Xem: 5192)

Từ hồi năm 1965 trở đi, nhóm anh chị em trẻ chúng tôi làm việc tự nguyện trong Chương trình Phát triển ở các Quận 6, 7, 8 Saigon, thì phải thường xuyên phân công với nhau mà đi hội họp với bà con trong các xóm hẻm, để bàn thảo về công việc cải thiện môi trường ở địa phương, cụ thể như việc đặt đường cống thóat nước, chinh trang các con hẻm lầy lội v. v...Chúng tôi phải vận động để bà con ngồi lại với nhau, để cùng hợp tác trong công việc có ích lợi cho tập thể cộng đồng. Người thì góp công sức lao động, người thì góp tiền bạc mua sắm vật liệu, để hòan thành các dự án cải tiến cụ thể này.

Trong những dịp hội họp với bà con như vậy, một trong những câu nói chúng tôi hay sử dụng là như thế này: Xin bà con vui lòng góp công, góp sức vào công tác này. Việc công ích cho cộng đồng, thì mỗi người kẻ ít, người nhiều mà cùng tham gia vào, thì nhất định chúng ta phải thành công thôi. Rõ rệt là “Nhiều tay, thì khiến vỗ nên kêu mà!” Và quả thật, cái lối nói đơn giản, bình dân như vậy, thì dễ lọt tai của quần chúng lao động lắm.

Có thể nói là trong suốt 6 năm say sưa với công việc vận động quần chúng dấn thân tham gia vào công việc cải tiến dân sinh như thế, anh chị em cán bộ tự nguyện chúng tôi đã phải tổ chức đến hàng ngàn các buổi họp với bà con khắp trong ba quận nói trên. Nhất là sau vụ Tết Mậu Thân 1968, chúng tôi phải lo việc tổ chức tái thiết lại đến 8000 đơn vị gia cư trong 20 khu rải rác khắp trong 3 quận, vốn là cửa ngõ của bộ đội cộng sản xâm nhập từ miệt Long An, Cần Giuộc vào thành phố, khiến cho số nhà bị phá hủy lên đến cả mấy vạn đơn vị. Cái khó nhất là nhiều khu vực không bị phá hủy bình địa, mà vẫn còn lại một số căn nhà còn nguyên vẹn, lởm chởm lọt vào giữa khu đa số nhà cửa đã bị phá hủy nặng nề. Vì vậy, công việc tái thiết của tòan khu vực như thế theo một sơ đồ chỉnh trang sao cho có đường ra, lối vào đúng theo tiêu chuẩn đô thị hóa, thì phải phá hủy cả những căn nhà còn lại đó. Điều này, hầu hết các gia chủ thì phản đối không chịu cho đập bỏ căn nhà của mình. Cho nên chúng tôi phải rất vất vả mới thuyết phục được các gia chủ này bằng lòng cho Ban Tái Thiết cuả điạ phương cho ủi sập nhà mình đi, hầu dễ áp dụng đúng theo sơ đồ tái thiết. Mà muốn có được sự đồng ý như thế cuả gia chủ, thì phải nhờ cậy vào”sức mạnh cuả chính số đông bà con tại điạ phương”, chứ bọn chúng tôi thì không thể tự mình mà làm áp lực, bắt buộc được ai phải nghe theo mệnh lệnh cuả mình được. Đó cũng chính là hậu quả cuả cái chuyện “ Nhiều tay khiến vỗ nên kêu”, mà được dùng làm tiêu đề cho bài viết này vậy.

Nhân tiện, cũng xin ghi ít dòng về sự yểm trợ cuả chánh quyền Việt nam Cộng hoà và cơ quan viện trợ Mỹ USAID cho chương trình phát triển cộng đồng này. Khởi sự thì chương trình được Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ chấp thuận cho phép chúng tôi tiến hành; đồng thời lại giao cho Bộ Thanh niên và Toà Đô chánh làm hai cơ quan bảo trợ. Chánh quyền còn trích từ ngân sách quốc gia một ngân khoản ban đầu là 10 triệu đồng để làm quỹ điều hành; sau này còn cấp bổ túc thêm 20 triệu nữa. Bộ trưởng Thanh niên lúc đầu là Bác sĩ Nguyễn Tấn Hồng, sau đến Kỹ sư Võ Long Triều …, thì đều yểm trợ chúng tôi hết mình. Còn vị Đô trưởng Saigon là bác sĩ Văn Văn Cuả, thì cũng rất tích cực nâng đỡ và yểm trợ công việc cuả anh chị em thanh niên tự nguyện chúng tôi. Vế phiá cơ quan viện trợ Mỹ, thì họ cung ứng vật liệu xây dựng chính yếu như sắt, ciment và tôle khá dồi dào. Tiêu chuẩn cấp phát cho mỗi gia đình nạn nhân có nhà bị cháy là: 10 bao ciment, 10 tấm tôle lợp mái và 50 kilo sắt. Còn các vật liệu khác như gỗ, gạch, cát đá v.v…, thì bà con phải tự túc lấy. Nhưng nhờ việc xây cất nhà liên kế với nhau trong từng lô 10-20 căn một dãy, nên tiết kiệm được vật liệu rất nhiều.

Ngoài ra, cũng phải kể đến sự yểm trợ cuả các tổ chức xã hôi nhân đạo quốc tế khác như cơ quan CARE, CRS (Catholic Relief Service), Tin Lành Á châu (Asian Christian Service) Tin Lành Việt nam (Vietnam Christian Service), OXFAM, Adenauer Foundation, Misereor v.v…là những cơ quan giúp nhiều về huấn nghệ, hay cung cấp thực phẩm và thuốc men cho các nạn nhân chiến cuộc nữa.

Tổng kết lại, thì trong quá trình liên tục họat động trong 6 năm 1965-1971, Chương trình Phát triển các Quận 6,7,8 đã tổ chức cho bà con ở địa phương chỉnh trang được hàng trăm đường hẻm bằng cách đặt đường cống thóat nước,hoặc tráng ximăng, lấp những khúc lầy lội; xây dựng được nhiều cây cầu bắc qua con rạch. Đặc biệt là mở được 2 trường Trung học Cộng đồng tại Quận 6 và Quận 8. Giúp các chùa và nhà thờ mở được nhiều trung tâm huấn nghệ. Công tác lớn nhất là giúp tái thiết được trên 8000 đơn vị gia cư trong 20 khu vực bị tàn phá hồi Tết Mậu Thân như đã ghi chi tiết ở trên.


Chương trình phát triển mà đạt được thành quả như thế, đó chính là do “rất nhiều bàn tay khiến vỗ nên kêu”. Trước hết là do số đông đảo quần chúng nhân dân tại hạ tầng cơ sở địa phương, hàng ngàn hàng vạn người cùng nối vòng tay lớn với nhau để mà thực hiện hàng mấy trăm dự án xây dựng cụ thể ngay trong xóm ngõ của mình. Điều này chỉ có thể được thực hiện do sự chấp thuận cho phép và yểm trợ của chánh quyền cấp trung ương, cũng như cấp địa phương. Rồi đến sự viện trở của USAID cũng như các tổ chức xã hội nhân đạo quốc tế nữa. Dĩ nhiên còn phải ghi ra con số hàng ngàn những thanh niên, sinh viên, học sinh cũng tình nguyện tham gia vào các công tác phát triển đó nữa.

Đây là trường hợp minh họa cho sư “ hợp tác của Xã hội Dân sự với cơ quan Nhà nước” để cùng phục vụ đồng bào tại một địa phương đang gặp cảnh chiến tranh tàn phá nặng nề. Rõ ràng Xã hội Dân sự ở đây đã đóng vai trò “làm đối tác” (counterpart) cùng với Nhà nước, trong việc mưu cầu công ích cho tập thể cộng đồng địa phương. Thiết nghĩ lớp người trẻ hiện nay ở trong nước vẫn có thể xoay xở vận dụng tính sáng tạo và lòng nhiệt thành của mình, để mà cùng phát động được cái phong trào “Tuổi trẻ dấn thân nhập cuộc với đồng bào”, trong ý hướng thực hiện công trình “Nâng cao Dân trí, Chấn hưng Dân khí và Cải tiến Dân sinh”, đúng như nhà cách mạng tiền bối Phan Châu Trinh đã kêu gọi ngay từ hồi đầu thế kỷ XX đó.

Trên đây là những chuyện xưa cũ đã trên dưới 40 năm, trước năm 1975 ở Việt nam. Còn hiện nay trên đất Mỹ, thì tôi được biết có rất nhiều nhóm họat động thật hữu hiệu với sự hợp tác rộng rãi của nhiều tổ chức quốc tế khác nữa. Cụ thể như “Cao Trào Nhân Bản do Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân, bào huynh của BS Nguyễn Đan Quế điều hành từ miệt thủ đô Washington DC, thì hiện đã mở rộng họat động chung với các phong trào tranh đấu cho Dân chủ, Tự do, Nhân quyền ở Á châu như Miến Điện, Tây Tạng, Trung Quốc v.v… Tổ chức này lại đã thu hút được nhiều người trẻ mà điển hình là Bác sĩ Nguyễn Thể Bình, cháu ngọai của Trung Tướng Linh Quang Viên, Bác sĩ Đỗ Minh Thiệu, con trai của Luật sư Đỗ Ngọc Phú v.v…Các bạn trẻ thuộc thế hệ thứ hai này mới thật sự có khả năng để đi sâu sát với dòng chính của nước Mỹ (American Mainstream) và nâng cao hiệu quả của phong trào tranh đấu cho Dân chủ và Nhân quyền của Viêt nam trong tương lai gần đây.

Cũng vậy, Mạng Lưới Nhân Quyền Việt nam với trụ sở chính ở Nam California, thì đã mở rộng sư liên kết với nhiều tổ chức tranh đấu nhân quyền của người Việt cũng như quốc tế, điển hình như Ân xá quốc tế (Amnesty International), Human Rights Watch (Theo Dõi Nhân quyền), Reporters Sans Frontieres (Phóng viên Không Biên giới), v.v…

Cũng nên ghi nhận sự kiện quan trọng khác nữa: Đó là việc Cựu Tổng Thống Tiệp khắc là Vaclac Havel từ năm 2007 đã nhận làm “Cố vấn danh dự” cho Hội Ái Hữu Cựu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo do Thượng Tọa Thích Thiện Minh sáng lập. Đây là một thành công lớn của Hội Ái Hữu trong việc kết hợp được với các nhân vật có tầm vóc quốc tế như vị lành đạo “Phong trào Hiến Chương 77” đã làm nên một “Cuộc Cách Mạng Nhung” góp phần làm xụp đổ chế độ cộng sản ở Đông Âu 20 năm trước đây.

Đấy là những minh họa cụ thể, rất ư lạc quan và phấn khởi của chuyện “Nhiều tay khiến vỗ nên kêu” trên phạm vi quốc tế, giữa thời đại “tòan cầu hóa ngày nay” vậy.

Sau cùng, cũng về chuyện “Vỗ tay”, thì vào thời những năm 60-70 đó, trong các buổi sinh hoạt tập thể thanh niên chúng tôi thường có dịp ca hát chung với nhau theo nhịp điệu rất phấn khởi say sưa, cả một số đông đảo “vừa vỗ tay vừa hát”, khiến tạo được một khí thế sôi nổi, rộn ràng lôi cuốn mọi người tham dự, cùng nhập vào cuộc vui chung, mà có ý nghiã xây dựng rất lành mạnh. Cụ thể là các bài tâm ca của nhạc sĩ Phạm Duy, bài “Gia tài của Mẹ” của Trịnh Công Sơn. Và nhất là các bài hát của nhạc sĩ Du ca Nguyễn Đức Quang, thì rất được giới trẻ khắp nơi ưa chuộng và được cả tập thể nồng nhiệt ca hát.

(Xin coi ở Phần Phụ Lục: Bài hát “Hy Vọng Đã Vươn Lên” của nhạc sĩ Du ca Nguyễn Đức Quang)

Như vậy đó: Công tác xã hội cụ thể, thiết thực mà còn gắn liền với sinh họat tập thể như thế đã đánh dấu cả một thời đại say mê lý tưởng phục vụ đồng bào của giới thanh niên, sinh viên học sinh tại miền Nam Việt nam duới chế độ cộng hòa hồi trước năm 1975 vậy.

Tiếng vỗ tay ngân vang của hàng hàng lớp lớp những người trẻ đó, thì nay vẫn còn dư âm mãnh liệt trong sâu thẳm nội tâm mỗi người chúng tôi, mà phần đông đã bước vào tuổi lục thập, thất thập cả rồi. Thật là cảm động để mà khơi lại cái kỷ niệm của “ những ngày xưa đam mê miệt mài và đày tình thân ái như thế ấy”./

California, Tháng Hai 2009

Đoàn Thanh Liêm

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Lá vẫn còn xanh. Hè vẫn còn nấn ná. Trời vẫn chưa muốn vào thu mà (không dưng) sáng nay California chợt thoáng chút âm u, và lấm tấm vài hạt mưa nho nhỏ. Mưa chưa ướt đất nhưng cũng đủ làm cho tôi hơi thấy ngại ngần khi nghĩ đến chuyện phải ra khỏi nhà chỉ vì một ly cà phê nóng.
Sau khi nâng cấp ngoại giao lên “Đối tác chiến lược toàn diện” với Mỹ trong chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Joe Biden (10-11/09/2023), thế đứng chính trị của Việt Nam với nước láng giềng Trung Quốc đã tự tin hơn.
Theo tin Tổng Hợp ngày 10/9/2023, theo chân bốn đời tổng thống tiền nhiệm, Tổng Thống Joe Biden thăm Việt Nam với đoàn tùy tùng hủng hậu bao gồm các viên chức cao cấp của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, Bộ Ngoại Giao cùng những công ty khổng lồ…không ngoài mục đích biến Việt Nam thành quốc gia hùng mạnh, độc lập, tự chủ để không còn lệ thuộc vào Trung Quốc...
Việt Nam và Hoa Kỳ đã thiết lập quan hệ ngoại giao cấp “chiến lược toàn diện”, sau 28 năm ngoại giao từ năm 1995. Quyết định này được công bố ở Hà Nội chiều ngày 10/09/2023 trong chuyến thăm 1 ngày rưỡi của Tổng thống Joe Biden...
Năm nay đánh dấu kỷ niệm mười năm thành lập “SK/VĐ&CĐ” (SK/VĐ&CĐ) của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, dự án phát triển cơ sở hạ tầng lớn nhất và đầy tham vọng nhất trong lịch sử nhân loại. Trung Quốc đã cho vay hơn 100 ngàn tỷ đô la Mỹ cho hơn 100 quốc gia qua chương trình này, nó làm giảm chi tiêu của phương Tây ở các nước đang phát triển và dấy lên lo ngại về sự lan rộng quyền lực và ảnh hưởng của Bắc Kinh...
Vào tháng 7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết rằng cuối cùng ông sẽ từ bỏ phản đối Thụy Điển gia nhập Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Hungary, quốc gia ủng hộ lệnh cấm của Thổ Nhĩ Kỳ, cũng có dấu hiệu cho thấy họ sẽ không cản trở việc Thụy Điển gia nhập nếu Thổ Nhĩ Kỳ bật đèn xanh. Điều đó có nghĩa là, sau cuộc bỏ phiếu theo thủ tục vào mùa thu này, Thụy Điển sẵn sàng trở thành thành viên thứ 32 của NATO.
Ngày 2 tháng 9 năm 45, ông Hồ Chí Minh long trọng đọc Tuyên Ngôn Độc Lập tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Bữa đó, tui không có mặt. Lý do: không phải vì quá bận, hay vì có chuyện chi đó (đố kỵ) với đám Cộng Sản mà chỉ vì tôi chưa kịp… ra đời! Dù sinh sau đẻ muộn, tôi cũng nghe được hơi nhiều chuyện “không được tử tế gì cho lắm” quanh cái ngày này, ngày khai sinh ra cái gọi là nước “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà.” Trước hết, xin ghi lại vài mẩu tin có liên quan đến ông Nguyễn Hữu Đang, Trưởng Ban Tổ Chức Ngày 2 Tháng 9, được trích dẫn nguyên văn từ những cơ quan truyền thông (*) của Nhà Nước, mười lăm năm sau đó
Mặc dù những bất đồng là phổ biến giữa các nhà lãnh đạo được bầu và các thống đốc Ngân hàng trung ương, nhưng chúng lại không bình thường ở các quốc gia độc đảng. Khi chúng xảy ra, đó thường là dấu hiệu của một cuộc tranh giành quyền lực. Điều đó dường như đang xảy ra ở Việt Nam, quốc gia đang phải chịu suy thoái kinh tế và có thể sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội 6,5% cho cả năm. Theo những người quen thuộc với tình hình, mặc dù bất cứ điều gì gần với mức đó sẽ khiến nhiều thị trường mới nổi ghen tị, nhưng việc không đạt được mục tiêu trên có thể gây tổn hại đến sự nghiệp của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Lời người dịch: Trong bài viết sau đây, tác giả Jeffrey D. Sachs đưa ra ba luận điểm thiếu thuyết phục. Một là, nền kinh tế Trung Quốc đình đốn phần lớn là do Mỹ gây ra nhằm làm chậm mức tăng trưởng của Trung Quốc. Làm như vậy, Mỹ đã vi phạm các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và là mối nguy hiểm cho sự thịnh vượng trong toàn cầu. Do đó, Mỹ nên dừng lại. Cuộc thương chiến giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ không phải chỉ Hoa Kỳ đơn phương gây ra và còn tiếp diễn. Cả hai đang tận dụng mọi ưu thế để cải thiện vị thế của mình. Ai sẽ có khả năng làm cho đối phương suy yếu kinh tế, còn cần nhiều thời gian và nỗ lực. Các chính sách ngăn chận của Trump và Biden đã có kết qủa tốt đẹp. Ai sẽ thắng cử trong năm 2024 cũng phải tiếp tục phát huy thành quả này.
Cách đây chưa lâu, tôi có được gặp một người từ Việt Nam sang Pháp du ngoạn. Mặc dù vẫn sung sức trong độ tuổi làm việc nhưng nhân vật của chúng ta có thể thư thả rong chơi nhiều tháng ngày tại xứ người. Không chỉ thể hiện sự mãn nguyện về đời sống riêng tư, nhân vật còn cho thấy nhiều sự lạc quan về xã hội...
CTA BACK TO SCHOOL BANNER
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.