Hôm nay,  

Ước Mơ Cuối Đời Của Cha Tôi

17/01/201608:30:00(Xem: 6767)

Ước  mơ  cuối  đời  của  cha  tôi

Bút ký của Đoàn Thanh Liêm

 

Cha tôi là người con trưởng của một ông cụ đồ nho. Ông sinh vào khỏang năm 1897 tại một làng quê trong tỉnh Nam Định thuộc vùng đồng bằng sông Hồng ở miền Bắc Việt nam. Cũng như đa số bà con trong làng thời ấy, cha mẹ tôi đều theo đuổi nghề làm ruộng - như tôi vẫn còn nhớ trong giấy khai sinh của mình thời trước năm 1945 thì được ghi bằng tiếng Pháp – mà trong mục nghề nghiệp của người cha, thì được viết là “cultivateur”.
.

Tên thật của cha tôi là Đoàn Đức Hải, nhưng bà con thường gọi là ông Chánh Hải. Chữ Chánh ở đây là một “chức vị hàm” như Chánh Hương, Chánh Hội – chứ không phải là chức vị thực sự hẳn hòi trong hệ thống chính quyền ở thôn quê miền Bắc dưới thời Pháp thuộc như chức vụ Chánh Tổng là một viên chức có uy quyền cai quản cả một khu vực gồm đến 5 -7 xã trong một huyện (ở trong Nam, thì gọi là ông Cai Tổng). Như vậy là cha tôi đã không hề là một viên chức của chính quyền vào thời kỳ trước năm 1945; ông chỉ là một nông dân bình thường mà thôi.
.

Mẹ tôi cho biết là: “Bố con là người có sức khỏe tốt, tinh thần lành mạnh, lại có nhiều sáng kiến, siêng năng làm việc và có tính quyết đáp – một khi đã khởi sự làm việc gì, thì quyết tâm theo đuổi công việc đó cho đến cùng. Vì thế mà bố con gặt hái được nhiều thành công trên đời. Đó là một đức tính tốt, đàn ông con trai như con thì sau này phải tập noi theo cái gương đó...”
.

Kể từ giữa năm 1945 trở đi, cuộc sống của bà con trong làng Cát Xuyên chúng tôi đã hồi phục lại sau nạn đói khốn khổ hồi đầu năm Ất Dậu khiến làm thiệt mạng đến cả trăm người dân. Và trong các gia đình, ai nấy đã bắt đầu tìm lại được bàu không khí an vui phấn khởi như xưa. Tòan thể dân làng đều biểu lộ sự vui mừng nô nức trước hoàn cảnh mới của nền độc lập tự chủ trên đất nước, sau khi nước nhà vừa mới thóat khỏi được tình trạng đô hộ kềm kẹp của thực dân Pháp. Đặc biệt là lớp thiếu niên nhi đồng cỡ tuổi 11- 12 như tôi, thì suốt ngày say mê hát hò theo những bài ca mới lạ, kêu gọi lòng yêu nước, yêu dân tộc.
.

Trong khí thế sôi nổi hăng say như thế đó, cha tôi thường hay tâm sự với bà con trong làng như thế này: “Bây giờ nước ta có độc lập tự do rồi, riêng tôi thì chỉ còn có mỗi một điều mong ước - đó là có thể leo lên máy bay mà đi thăm bà con bạn bè ở khắp nơi trên đất nước Việt nam mình. Rồi thì có nhắm mắt, xuôi tay cũng được thỏa chí vui lòng mà không còn điều gì tiếc nuối ân hận nữa cả ...”
.

Nhưng, bất hạnh thay cái ước mơ nhỏ bé đơn sơ ấy của cha tôi lúc ở vào cái tuổi 50 đã không làm sao thực hiện được – bởi lẽ đơn giản là chẳng bao lâu sau đó vào đầu năm 1948 ông đã bị người Việt minh cộng sản bắt đi biệt tăm và chẳng bao giờ gia đình chúng tôi lại còn có dịp gặp lại ông nữa. Trong bài viết ngắn này, tôi xin lần lượt ghi lại những kỷ niệm vui buồn thật đáng nhớ của những ngày tháng cuối cùng mà cha con chúng tôi còn sinh sống chung với nhau trong mái ấm gia đình. Xin trình bày sự việc như đã xảy ra cách nay đã đến 70 năm với các chi tiết sau đây.
.

I - Hồi đó, vào thời kỳ những năm 1945 - 46 tôi đang ở lứa tuổi 11 – 12, thì hay được cha tôi cho đi theo ông trong các cuộc viếng thăm bà con, bạn hữu thân thiết của ông trong các làng xã lân cận. Nhờ được gần gũi sát cánh với cha như vậy, nên trí óc tôi lần hồi được tiếp nhận thêm sự hiểu biết về con người, về các sự việc trên đời. Và tâm hồn tôi cũng được nâng cao thêm lên theo với lý tưởng đạo hạnh truyền thống của dòng họ nhà mình. Và tôi thực sự có lòng quí mến và cảm phục đối với người cha nhân hậu và quả cảm gương mẫu như thế đó.
.

Ông ôn tồn kiên nhẫn giảng giải cho tôi nhiều điều thật có ích lợi cụ thể thiết thực cho tôi sau này khi đã đến tuổi trưởng thành. Đại khái như các bài học qua mấy câu ngắn gọn như thế này: * Con nhà gia giáo, thì phải biết “Kính Trên, Nhường Dưới” - tức là luôn tỏ ra khiêm tốn, lịch sự nhã nhặn đối với mọi người, bất kể người đó là ai. * Người trượng phu quân tử thì luôn “lấy chữ Tín làm trọng” - tức là phải giữ đúng lời mình đã hứa với người khác.Và người quân tử đích thực thì phải có đày đủ ba phẩm chất như các cụ xưa gọi là “Nhân, Trí, Dũng” * Khi muốn hỏi tên của người nào mà lớn tuổi hơn mình, thì con nên nói “Xin cho biết quí danh” nghe có vẻ lịch sự hơn – chứ không nên nói “Xin cho biết tên”. * Dòng họ Đoàn nhà ta tuy không phải là một “danh gia vọng tộc” với tước vị cao sang quyền quý gì. Ấy thế nhưng cha ông chúng ta cũng chưa hề bị vướng mắc bởi những việc làm xấu xa tệ hại, hoặc do việc gây ra ân óan thù hằn gì đối với bất kỳ một ai trong xóm làng. Vì thế mà các con phải nhắc nhở lẫn nhau để cùng ra sức cố gắng “giữ gìn mãi được cái tiếng thơm đó” của gia tộc nhà mình v.v…
.

Do cuộc chiến tranh Việt Pháp bùng nổ vào cuối năm 1946, trường học đóng cửa nên tôi phải ở nhà suốt trong năm 1947. Tôi được cha giao cho việc chăn giữ con trâu, dẫn nó đi ăn cỏ ngoài đồng, cho nó đi tắm ngoài sông rạch vào ban trưa và buổi chiều còn đi cắt cỏ để cho nó ăn thêm vào ban đêm nữa. Tôi thật thích thú với công việc này, vì thấy mình được góp phần có ích lợi cho việc canh tác của gia đình và cũng được tự do cùng các bạn ngang lứa tuổi đi tung tăng khắp các nẻo đường trong thôn làng nữa. Cha tôi còn dẫn tôi đến tiệm thuốc bắc của ông lang trong khu chợ làng để nhờ ông dậy kèm thêm cho về môn chữ nho. Nhưng sau đó tôi bị bệnh sốt rét ngã nước rất nặng, nên chuyện học hành này cũng bị ngưng lại.
.

II – Cuộc sống của gia đình tôi tại làng quê đang êm ả thuận chiều ấm cúng như vậy, thì bỗng dưng xáo động vì những tai vạ khủng khiếp do người cộng sản gây ra đối với những người thân thiết trong gia tộc.Cụ thể là mấy chuyện như sau:
.

21 – Việc sát hại cậu út Tống Văn Dung vào mùa hè năm 1947.

Cậu Dung là người em út của mẹ tôi. Cậu đẹp trai, trắng trẻo lanh lợi và đã đậu văn bằng trung học (diplôme) vào khoảng năm 1939. Cậu là người thày giáo dạy khai tâm cho tôi tại trường sơ học trong làng Cát Xuyên vào năm 1941 – 42 lúc tôi mới lên 7 – 8 tuổi. Vào năm 1946, hai người em của mẹ tôi là cậu Tú và cậu Dung đều chuyển sang sinh sống với gia đình bên vợ các cậu ấy tại Ninh Bình, Phát Diệm.Và đến đầu năm 1947, cha tôi và cậu Lý Đạc là người em khác sát kế với mẹ tôi đã thực hiện một chuyến đi thăm hai cậu ấy bên Phát Diệm. Tôi và em Bính con cậu Lý Đạc được cho đi theo trong chuyến đi này.


.

Thế mà chẳng bao lâu sau đó vào mùa hè năm 1947, gia đình chúng tôi được tin cậu Dung đã bị Việt minh bắt giết và ném xác xuống sông Trì Chính gần thị xã Phát Diệm. Được tin khủng khiếp này, mẹ tôi đã vật vã sầu khổ khóc lóc, bỏ ăn bỏ ngủ suốt mấy ngày liền - khiến cho anh chị em chúng tôi đều xúc động không cầm được nước mắt. Trong nhà, ai nấy đều đem lòng oán hận những người đã tàn ác ra tay sát hại người cậu yêu quí của chúng tôi như vậy. Khi cậu mất, thì mới ở vào tuổi ngoài 30, để lại mợ Dung và hai em Dũng và Trinh còn rất nhỏ tuổi.

Rồi chỉ vài tháng sau vào cuối năm 1947, thì cậu Lý Đạc cũng lại qua đời vì bệnh, lúc đó cậu cũng mới được chừng 45 tuổi. Anh chị em chúng tôi thương mẹ vô cùng, vì chỉ trong vòng chưa đày 6 tháng mà bà đã mất đi hai người em ruột của mình.
.

22 – Đến lượt cha tôi bị công an đến tận nhà bắt đi vào đầu năm 1948.

Vào khoảng tháng 3 năm 1948, mấy người công an Việt minh lại đến nhà “mời cha tôi cùng đi với họ” nữa. Lại thêm một tai họa cho cả gia đình chúng tôi vì sau cái chết liền nhau của hai người cậu chỉ vừa cách đây có mấy tháng, mà bây giờ thì cha tôi lại bị bắt dẫn đi khỏi nhà nữa. Mẹ con chúng tôi ai nấy đều sầu khổ buồn rầu và càng thêm oán hận đối với người cộng sản đã gây ra cái chuyện đau thương ác nhân ác đức tột cùng như thế đối với cả gia đình.

Họ dẫn cha tôi đi biệt tăm, mẹ tôi chẳng có cách nào mà cử người đi thăm nuôi tiếp tế cho ông được.Chỉ nghe có người nói là họ đã dẫn giải cha tôi đến trại Đầm Đùn gọi là trại giam Lý Bá Sơ thật xa xôi nơi vùng rừng núi hẻo lánh mãi tận tỉnh Thanh Hóa thuộc Liên Khu IV.
.

Do khí hậu khắc nghiệt, lại thiếu thốn dinh dưỡng thuốc men, nên nhiều tù nhân đã phải kiệt sức mà bỏ xác nơi đây. Và chắc chắn là cha tôi cũng đã là một trong những người tù bất hạnh đó. Trong gia tộc chúng tôi lại còn có chú Lý Ty là người em đôi con dì với cha tôi. Chú Lý Ty là em của chú Tổng Biểng, cả hai chú là con ông bà Bá Đàm ở xã Liên Thủy. Bà Bá Đàm là em ruột của bà Đồ Nhuận bà nội của tôi, nên tôi đã có nhiều lần đi theo mấy anh chị lớn đến biếu Tết tại nhà ông bà. Chú Ty cũng bị bắt vào năm 1948 lúc chú mới có hai con trai còn rất nhỏ tuổi tên là em Minh và em Trí và chú bị dẫn đi biệt tăm tích - mà gia đình không hề được hay biết gì về ngày giờ chú lìa đời và thân xác được chôn cất nơi đâu. Cũng y hệt như trường hợp của cha tôi vậy. Như thế là riêng về phía họ nội nhà tôi đã có ít nhất hai người bị chết trong nhà tù cộng sản rồi.
.

Vì không biết rõ ngày mất của cha tôi, nên từ lâu nay anh chị em chúng tôi thường tổ chức Lễ Giỗ Tưởng Niệm chung cho cả cha và mẹ vào ngày mẹ tôi mất vào cuối tháng 11 năm 1952. Từ ngày qua định cư ở Mỹ, thì hằng năm chúng tôi đều tổ chức Lễ Giỗ vào đúng ngày Thanksgiving cuối tháng 11. Và năm 2015 này là kỷ niệm năm thứ 63 ngày mẹ tôi mất – giữa lúc bà phải chạy loạn mà đến tá túc tại nhà bà cô là bà Phó Tích ở làng Ngọc Cục huyện Xuân Trường kề sát với làng Hành Thiện.
.

III – Bây giờ thì lớp con lớp cháu của cha tôi lại có thể đi khắp năm châu bốn biển rồi.

Như đã ghi ở trên, vào hồi năm 1945 – 46 lúc ở vào độ tuổi 50, cha tôi chỉ có một niềm mong ước là được đi bằng máy bay để thăm viếng bà con bạn bè trên khắp nước Việt nam của mình. Ấy thế mà do bị cộng sản bắt giữ, cha tôi đã không thể nào thực hiện được cái điều ước muốn bé nhỏ khiêm tốn đó.

Nhưng đến thế hệ chúng tôi là con, là cháu của cụ, thì kể từ năm 1954 tất cả chúng tôi đều di cư vào sinh sống ở miền Nam và nhiều người lại còn đi khắp các tỉnh ở miền Trung và miền Lục Tỉnh Hậu Giang nữa. Và sau năm 1975, thì hầu hết gia đình chúng tôi đã qua định cư ở bên nước Mỹ nữa.

Và riêng tôi, thì từ năm 1960 tôi còn được đi du học tu nghiệp tại Mỹ và sau này vào đầu thập niên 1970 tôi còn được mời đi tham dự rất nhiều hội nghị quốc tế ở Âu châu và Á châu nữa. Và kể từ khi qua định cư ở Mỹ năm 1996 đến nay, thì tôi đã đi đến mấy chục vòng xung quanh lục địa nước Mỹ và Canada. Tôi cũng đi thăm bà con, bạn bè ở nhiều thành phố tại Úc châu và ở nhiều quốc gia khác tại Âu châu nữa.
.

Mà rồi đến lượt thế hệ thứ ba là các cháu nội ngoại của cha tôi, thì các cháu lại còn có nhiều dịp đi và làm việc ở khắp năm châu bốn biển nữa rồi.

Và đặc biệt là đến lượt các cháu thuộc thế hệ thứ tư, thứ năm lại được sinh ra và trưởng thành trên đất Mỹ, thì các cháu lại càng hội nhập sâu sắc vào trong xã hội sở tại – do tiếp nhận được những kiến thức vững vàng về khoa học kỹ thuật cũng như thông thạo về ngôn ngữ, nên các cháu đều có công ăn việc làm với thu nhập cao, đời sống nhiều tiện nghi sung túc. Rõ ràng đó là một điều thật may mắn cho lớp hậu duệ trong gia tộc chúng tôi vậy.
.

IV – Để tóm kết lại.

Bài này được viết vào trung tuần tháng 11 năm 2015, trong lúc anh chị em chúng tôi đang chuẩn bị Lễ Giỗ Cha Mẹ hàng năm vào đúng ngày Lễ Thanksgiving là ngày Thứ Năm 26 tháng 11 sắp tới. Tôi muốn ghi lại một ít kỷ niệm vui buồn thật đáng nhớ trong gia đình chúng tôi ở ngoài Bắc trước năm 1954. Và rồi cũng nói qua về sinh hoạt thật phấn khởi sinh động của lớp hậu duệ thuộc thế hệ thứ ba, thứ tư tức là các cháu, các chắt của cha mẹ chúng tôi hiện nay trên đất Mỹ.

Đó cũng là để cùng nhau ôn lại những khó khăn vất vả mà thế hệ cha mẹ chúng tôi đã trải qua – trong khi các ngài vẫn cố gắng vun đắp cho lớp anh chị em chúng tôi trở thành những con người lương thiện, có nhân có nghĩa - biết ra sức cố gắng làm điều lành điều thiện, tránh điều gian ác lươn lẹo khuất tắt.
.

Và nhân dịp này, tôi cũng kêu gọi tất cả anh chị em, các cháu, các chắt trong gia tộc hãy hợp cùng nhau bày tỏ lòng biết ơn đối với cha mẹ, ông bà tổ tiên trong dòng họ nhà mình – đồng thời cũng nhắc nhở động viên lẫn nhau để cùng tiếp tục con đường đạo hạnh nhân ái mà các bậc tiền nhân đã khai mở ra trước đây lúc các ngài còn hiện diện sinh sống trên cõi đời này vậy./


Costa Mesa, California, ngày 15 tháng 11 năm 2015

Đoàn Thanh Liêm




                 

 

.
.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tình hình kinh tế Việt Nam đan xen mảng xám trong nhiều lĩnh vực của hệ thống tổ chức khiến nhà đầu tư lo âu và mức tiêu dùng của dân co lại...
Lá vẫn còn xanh. Hè vẫn còn nấn ná. Trời vẫn chưa muốn vào thu mà (không dưng) sáng nay California chợt thoáng chút âm u, và lấm tấm vài hạt mưa nho nhỏ. Mưa chưa ướt đất nhưng cũng đủ làm cho tôi hơi thấy ngại ngần khi nghĩ đến chuyện phải ra khỏi nhà chỉ vì một ly cà phê nóng.
Sau khi nâng cấp ngoại giao lên “Đối tác chiến lược toàn diện” với Mỹ trong chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Joe Biden (10-11/09/2023), thế đứng chính trị của Việt Nam với nước láng giềng Trung Quốc đã tự tin hơn.
Theo tin Tổng Hợp ngày 10/9/2023, theo chân bốn đời tổng thống tiền nhiệm, Tổng Thống Joe Biden thăm Việt Nam với đoàn tùy tùng hủng hậu bao gồm các viên chức cao cấp của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, Bộ Ngoại Giao cùng những công ty khổng lồ…không ngoài mục đích biến Việt Nam thành quốc gia hùng mạnh, độc lập, tự chủ để không còn lệ thuộc vào Trung Quốc...
Việt Nam và Hoa Kỳ đã thiết lập quan hệ ngoại giao cấp “chiến lược toàn diện”, sau 28 năm ngoại giao từ năm 1995. Quyết định này được công bố ở Hà Nội chiều ngày 10/09/2023 trong chuyến thăm 1 ngày rưỡi của Tổng thống Joe Biden...
Năm nay đánh dấu kỷ niệm mười năm thành lập “SK/VĐ&CĐ” (SK/VĐ&CĐ) của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, dự án phát triển cơ sở hạ tầng lớn nhất và đầy tham vọng nhất trong lịch sử nhân loại. Trung Quốc đã cho vay hơn 100 ngàn tỷ đô la Mỹ cho hơn 100 quốc gia qua chương trình này, nó làm giảm chi tiêu của phương Tây ở các nước đang phát triển và dấy lên lo ngại về sự lan rộng quyền lực và ảnh hưởng của Bắc Kinh...
Vào tháng 7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết rằng cuối cùng ông sẽ từ bỏ phản đối Thụy Điển gia nhập Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Hungary, quốc gia ủng hộ lệnh cấm của Thổ Nhĩ Kỳ, cũng có dấu hiệu cho thấy họ sẽ không cản trở việc Thụy Điển gia nhập nếu Thổ Nhĩ Kỳ bật đèn xanh. Điều đó có nghĩa là, sau cuộc bỏ phiếu theo thủ tục vào mùa thu này, Thụy Điển sẵn sàng trở thành thành viên thứ 32 của NATO.
Ngày 2 tháng 9 năm 45, ông Hồ Chí Minh long trọng đọc Tuyên Ngôn Độc Lập tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Bữa đó, tui không có mặt. Lý do: không phải vì quá bận, hay vì có chuyện chi đó (đố kỵ) với đám Cộng Sản mà chỉ vì tôi chưa kịp… ra đời! Dù sinh sau đẻ muộn, tôi cũng nghe được hơi nhiều chuyện “không được tử tế gì cho lắm” quanh cái ngày này, ngày khai sinh ra cái gọi là nước “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà.” Trước hết, xin ghi lại vài mẩu tin có liên quan đến ông Nguyễn Hữu Đang, Trưởng Ban Tổ Chức Ngày 2 Tháng 9, được trích dẫn nguyên văn từ những cơ quan truyền thông (*) của Nhà Nước, mười lăm năm sau đó
Mặc dù những bất đồng là phổ biến giữa các nhà lãnh đạo được bầu và các thống đốc Ngân hàng trung ương, nhưng chúng lại không bình thường ở các quốc gia độc đảng. Khi chúng xảy ra, đó thường là dấu hiệu của một cuộc tranh giành quyền lực. Điều đó dường như đang xảy ra ở Việt Nam, quốc gia đang phải chịu suy thoái kinh tế và có thể sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội 6,5% cho cả năm. Theo những người quen thuộc với tình hình, mặc dù bất cứ điều gì gần với mức đó sẽ khiến nhiều thị trường mới nổi ghen tị, nhưng việc không đạt được mục tiêu trên có thể gây tổn hại đến sự nghiệp của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Lời người dịch: Trong bài viết sau đây, tác giả Jeffrey D. Sachs đưa ra ba luận điểm thiếu thuyết phục. Một là, nền kinh tế Trung Quốc đình đốn phần lớn là do Mỹ gây ra nhằm làm chậm mức tăng trưởng của Trung Quốc. Làm như vậy, Mỹ đã vi phạm các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và là mối nguy hiểm cho sự thịnh vượng trong toàn cầu. Do đó, Mỹ nên dừng lại. Cuộc thương chiến giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ không phải chỉ Hoa Kỳ đơn phương gây ra và còn tiếp diễn. Cả hai đang tận dụng mọi ưu thế để cải thiện vị thế của mình. Ai sẽ có khả năng làm cho đối phương suy yếu kinh tế, còn cần nhiều thời gian và nỗ lực. Các chính sách ngăn chận của Trump và Biden đã có kết qủa tốt đẹp. Ai sẽ thắng cử trong năm 2024 cũng phải tiếp tục phát huy thành quả này.
CTA BACK TO SCHOOL BANNER
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.