Từ ngày lên giữ chức Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam cuối năm 1997, đây là lần đầu tiên ông Sếp cộng sản Việt Nam xuất chinh qua Paris, nơi còn gọi là “Kinh đô của ánh sáng”. Thân phận ông Phiêu như thế nào người ta đã biết quá rõ vì chính ông đã có lần nhận ông chỉ là một người biết đi cầy. Ông đã học dở tiểu học để tham gia đảng từ thuở nhỏ nên kinh tế là cái gì ông cũng biết đại khái. Những chuyến đi trước đây của ông Phiêu ra ngoại quốc chỉ vỏn vẹn có mấy nước Cộng sản như Lào, Trung Quốc, Cuba, đó là ông đi “thụ huấn” nghề công du nước ngoài của các lãnh tụ. Học nghề ba năm rồi mới thực thi kể ra cũng hơi chậm tiến, nhưng dù sao ông vẫn hơn ông Kim Chánh Nhật ở Bắc Hàn, vì kể từ khi lọt lòng mẹ ông này chưa ra ngoại quốc bao giờ.
Nhưng tại sao ông Phiêu lại chọn nước Pháp làm nơi thử thách đầu tiên cho tư thế quốc tế của ông" Có thể vì không có một nước tư bản nào mời một ông Tổng bí thư đảng, người ta chỉ mời Tổng Thống hay Thủ tướng một nước như thế mới đúng thông lệ ngoại giao. Nhưng cũng có thể bộ Chính trị Hà Nội tin rằng Pháp là nơi ít hung hiểm cho anh học trò mới ra lò. Nước Pháp không xa lạ với chế độ Hà Nội từ khi có cuộc hội nghị Geneva 1954 để Pháp đồng ý chia đôi nước Việt Nam và chia cho đảng Cộng sản quản lý một nửa. Khi nước Pháp phải rời miền Nam Việt Nam năm 1957 để Mỹ vào thay thế trong vai trò gọi là bảo vệ miền Nam chống Cộng sản, Pháp bỗng thấy khoảng cách của mình với Hà Nội và Saigon cũng không khác nhau bao nhiêu.
Ở Pháp có cả ngàn Việt kiều đã theo chân mẫu quốc về Pháp từ hơn 40 năm nay, họ và con cái đã trở thành người Pháp chính cống. Vì nhiều lý do khác nhau, một số vẫn có liên hệ mật thiết với Hà Nội, họ không biết gì về chế độ quốc gia ở miền Nam sau thời vua Bảo Đại bị truất phế. Hơn nữa ở Pháp vẫn còn đảng Cộng sản và hiện nay liên minh tả phái, trong đó có hai đảng mạnh là Cộng sản và Xã hội, nắm đa số tại Hạ Viện. Một vài quan chức địa phương như ông Thị trưởng thị xã Montreuil là đảng viên Cộng sản và ở đây cũng có nhà “bảo tàng” nơi ông Hồ Chí Minh trú ngụ năm xưa vào thập niên 20. Vì thế chuyến đi Tây của ông Phiêu tương đối an toàn như ta về quê mẹ. Ở Việt Nam thời xa xưa có mẫu quốc bảo hộ, các gia đình giầu có sính việc cho con đi Tây học để lấy le với hàng xóm. Dù có những cậu ấm đi du học bên Tây cả chục năm chỉ đem được mảnh bằng “nhẩy đầm” về nước, người ta cũng thấy hãnh diện có con đi Tây học.
Thế nhưng thời buổi vàng son đó (le bon vieux temps) đã qua rồi, nó không bao giờ trở lại nữa. Thời thế ngày nay đã khác nếu xét tới cuộc Hội nghị Pháp thoại ở Hà Nội năm 1997. Vì thế chuyến về “quê mẹ” lại hóa thành chuyến Phiêu lưu Tây vực. Một chuyện lạ là chuyến Tây du của ông Lê hành giả này không do đảng Cộng sản mời và các giới chức cao cấp của đảng Cộng sản Pháp cũng không thấy mặn mà lắm với ông cộng sản Lê Ngộ Không. Thư mời là của Tổng Thống Jacques Chirac thuộc một đảng bảo thủ và của Thượng viện Pháp nơi các đảng bảo thủ cũng chiếm đa số. Từ thời Napoleon, Pháp là nước đi tiên phong khai sáng các nghi tiết ngoại giao quốc tế. Vậy mà lần này, một ông Tổng Thống và một Thượng viện của nước Pháp đưa giấy mời không phải ông Chủ tịch Nhà nước Trần Đức Lương, cũng không phải ông Chủ tịch nhất viện Nông Đức Mạnh của Hà Nội, mà mời Tổng bí thư một đảng, một anh chẳng có vai vế nào trong chính quyền một nước. Không biết khi trải thảm đỏ đón ông Lê Khả Phiêu các vị nghi lễ ngoại giao Pháp dùng nghi thức nào. Bắn 19 phát thần công là để chào một ông Thủ tướng, bắn 21 phát là chào một ông Quốc trưởng. Vậy chào một ông Đảng trưởng phải bắn bao nhiêu phát. Nếu coi “ông đảng” ngồi trên đầu “ông nước”, Pháp phải bắn đến 23 phát đại bác mới có thể diễn cho trọn vẹn tấn tuồng Tây du ký trên sân khấu Quảng Lạc. Bởi vì vô hình trung nó chỉ làm bộc lộ tất cả sự quái gở của cái tam đầu chế độc tài đảng trị đã lạc hậu trong thời đại phát triển kinh tế hậu chiến tranh lạnh.
Sự thật Hà Nội có một mục tiêu đặc biệt khi tổ chức chuyến Tây du này. Đó là tạo uy thế quốc tế cho Lê Khả Phiêu. Hà Nội muốn làm giống như Bắc Kinh khi xây dựng địa vị quốc tế của Giang Trạch Dân. Vở tuồng chỉ có một nhưng diễn viên lại quá kém và chưa được trang bị đầy đủ. Giang Trạch Dân đã kiêm chức Chủ tịch Nhà nước với chức Tổng bí thư đảng nên có danh chính ngôn thuận. Còn Lê Khả Phiêu chỉ có chức Tổng bí thư đảng, giống như một anh lên sấn khấu chỉ có áo mà không mặc quần. Xây dựng tư thế quốc tế cho Lê Khả Phiêu là chuẩn bị thay đổi nhân sự vào kỳ Đại hội đảng 2001.
Trong cái tam đầu chế của Hà Nội, Thủ tướng Phan Văn Khải hiển nhiên đã rớt đài sau vụ xuất quân vận động đầu tư bị thất bại thê thảm ở Thái Lan. Chuyện này cũng không đáng ngạc nhiên vì khi vừa ra đi, Khải đã bị hụt cẳng. Quốc hội sửa đổi luật đầu tư cụt một mảng lớn, người ta đã chuẩn bị thay thế Khải từ lâu rồi. Chủ tịch Nhà nước Trần Đức Lương là vai trò làm cảnh không còn cần nữa. Bởi vậy nếu vụ “xây dựng” cho Phiêu cũng hỏng thì thật kẹt vì hết người. Tây du ký biến thành Phiêu du Tây ký. Cái buổi vàng son đó quả đã hết thời.