Hôm nay,  

Nghề Rèn

06/09/201522:16:00(Xem: 5653)
Nghề Rèn
 
VÕ HOÀNG

 

Hơn một tiếng đồng hồ rồi, Tư Huỳnh uống gần hết một bình trà mà than vẫn cứ cháy ngún ngún ở một góc lò. Thằng Mót vẫn chưa thấy tới. Hôm nay làm gì thì cũng phải rồi mấy cái lưỡi búa cho “thằng chả,” xong cái nợ đời, còn phải làm này làm nọ kiếm tiền nữa chứ!

Tư Huỳnh ngẫm nghĩ mà thấy mình vô phước, tưởng rằng làm thợ rèn vào thời buổi này dễ kiếm ăn, ai có ngờ nhiều việc phải làm không công, còn bị lằng nhằng khen chê.

Ở một góc lò, một đống ngùn ngụt nào là miểng bom, nhíp xe hơi, cọc sắt… Tư Huỳnh liếc xéo về phía đó, phát ngán. Tiền không ở đó mà chưa có giờ làm. Cả tuần loay hoay với mấy cái lưỡi cuốc “chưn tượng” làm cho Tư Huỳnh thấy rằng nghề của mình thật sự “chưa tới.” Không phải tại lửa, không phải tại nước sao nhiều cái bị nứt, chặt bỏ bớt xong rèn lại cũng bị nứt.

Hư, thường cho người ta là cái chắc, mà nhiều cái hư quá lấy gì mà thường, vì cuốc có đai, nhưng phải đai chưn tượng, không chưn tượng người ta không chịu. Tư Huỳnh không còn thấy hăng hái mấy trong cái nghề của mình, nhiều lôi thôi quá mà khó kiếm ăn.

Thằng Mót tới. Nó vừa đánh bò cạp vừa móc túi lôi ra bịch thuốc rê. Tư Huỳnh phì cười:

“Che mưa mà che bằng vải, cũng như không. Trời lạnh quá, mầy uống trà không?”

“Ừ, để đó tui, chú Tư.” Thằng Mót lột tấm lều vải ra khỏi người, lưng áo nó ướt một nửa phần trên. “Thứ này lâu thấm nước mà gió hổng bay, ‘đã’ hơn mủ chớ chú Tư!”

Lều vải “đã” hơn mủ, dao nhíp xe “đã” hơn dao cọc sắt, thuốc vấn “đã” hơn thuốc Vàm Cỏ, thằng này thì luôn luôn có cái này “đã” hơn cái kia. Tư Huỳnh với lấy một miểng bom nhỏ cào nhẹ bùn dưới gan bàn chân, chép miệng:

“Bữa nay ông Ba Sửu tới lấy mấy cái lưỡi búa, chút nữa mày cưa thêm hai khúc sắt làm luôn cho rồi, mai rảnh được làm cho người ta kiếm tiền.”

Thằng Mót lặng thinh. Nó không còn bực mình khi nghe Tư Huỳnh nhắc tới Ba Sửu nữa. Dưới mắt nó, “thằng chả làm lớn trong hậu cần mà chỉ được có cái tháo nhíp xe mười bánh bán cho lò rèn, rồi mượn làm giùm cái này cái kia…”

Dốc ngược ấm nước châm thêm vô bình tích, thằng Mót sực nhớ ra điều gì cần nói:

“Ờ, chệt Hón làm lèm phát, bán có tám trăm một cái hà chú Tư, chả còn nói là lèm của mình non lửa, mà mũi thì quá già, dễ gãy. Tui nghe tui tức mình.”

Tư Huỳnh nhìn thẳng vào mắt thằng Mót một lúc thì thở ra. Tự dưng mà thấy buồn ngủ trở lại. Phải chi nghĩ tới một số ít tiền sẽ được ngày hôm nay mà nghe thằng Mót nói tới vụ chệt Hón cũng rán mà làm, đàng này chút nữa Ba Sửu tới, cà kê đủ thứ chuyện từ chuyện hồi chín năm tới chuyện lập tổ hợp thợ rèn huyện, từ chuyện biển động chìm xuồng tới chuyện chệt Hón làm bộ đau không rèn giúp đồ hậu cần, rồi thỉnh thoảng “chỉ thị” thằng Mót dũa lại cạnh kia chút xíu, mài lại góc này chút xíu… Tư Huỳnh ngó ra ngoài, thầm mong đừng bao giờ thấy mặt Ba Sửu và thầm mong trời tối thật nhanh cho hết thật sớm ngày hôm nay.

Vậy mà làm xong cái đai búa đầu tiên thì Ba Sửu tới. Hắn dắt xe vào dựng tuốt phía trong lò rèn và để nguyên áo mủ ra ngồi trên sạp tre, hắt bỏ tách nước dư rót lại đó một ít, xong mới chào Tư Huỳnh:

“Mạnh giỏi anh Tư. Bữa nay thì chắc thế nào cũng xong đồ tui hén, tốt quá. Nghỉ tay chút đi, anh Tư, uống miếng trà mà. Mót, nghỉ mầy, làm nhiều quá không sợ đau sao?” Hắn uống một ngụm rồi nói luôn, “Mấy cái này chắc làm hơi lâu hả anh Tư, phải tối mới xong. Tôi chỉ ở đây được một chút rồi phải lên huyện có chuyện, để coi anh làm xong cái đầu ra sao đã, tui cho thêm ý kiến.”

“Ừ, ý kiến!” Tư Huỳnh buông búa đặt khối sắt hừng hực nóng trở lại lò, cười gượng:

“Bảo đảm, bảo đảm mà anh Ba, tối xong mà.”

Thằng Mót cũng thôi không kéo cưa nữa, nó ngồi bẹp trên miếng ván dầu, quẹt mũi nhìn chầm chập vào khúc sắt đang cưa dở nửa chừng, không nói gì cả. Tư Huỳnh gác một chân lên máng nước, ngửa cổ uống cạn tách trà:

“Cây lèm phát hôm trước xài được không, anh Ba? Tui ưng ý cây đó nhứt đó, nhíp xe mà!”

“Được thôi, hơi non lửa. Đáng lẽ anh trui thêm ít nước nữa, mới chặt tràm mà phải mài liền liền, gặp đước, bằng lăng dám cuốn mép lắm.”

Tư Huỳnh biết hắn nói đúng: “Đồ làm giùm nó vậy đó, hơi đâu tốn than trui cho tới!”

Ba Sửu xếp hai chân lên sạp, cao giọng:

“Nhu cầu lèm phát rồi đây tăng lên nhiều lắm, anh Tư. Đừng lo không có việc.”

Tư Huỳnh giật thót người. Đừng lo không có việc làm giùm à? Thằng Mót lần này không thể không quan tâm tới Ba Sửu, nó thỏ thẻ:

“Ông Hón làm lèm ‘tới’ lắm, chú Ba. Ổng làm mau hơn chú Tư nhiều.”

Ba Sửu đồng ý ngay:

“Cha Hón là thâm niên mà, chả chỉ có cái nghề rèn. Rồi đây tổ hợp cần nhiều thợ giỏi như vậy đó.”

Thằng Mót nói câu vừa rồi đúng là một câu nói mà Tư Huỳnh muốn nói. Tổ hợp thợ rèn huyện trong tương lai sẽ có hai lò. Người, thì cha con chệt Hón, Tư Huỳnh và thằng Mót. Tư Huỳnh lâu nay vẫn nghĩ nghề rèn mặc dầu cũng là nghề “làm dâu thiên hạ” nhưng ít ra phải có ít nhiều duyên nợ mới sống với nó được.

Việc tổ hợp làm thằng Mót lải nhải nhiều ngày và có ý định không làm với Tư Huỳnh nữa. Có một dạo, nó để Tư Huỳnh vừa quay quạt gió, vừa vỗ đe, rồi mài, giũa… Cáng đáng hết công việc cần có ít nhất hai người làm. Nó không đành lòng, phải trở lại lò.

Nửa năm nay, thằng Mót đã làm Tư Huỳnh thấy rằng nghề rèn không còn là một cái nghề nữa bằng cái nhìn thật sự ngán ngẩm với tổ hợp trong tương lai mà nó sẽ là một tổ viên.

Vô tổ hợp được mua đồ chế độ mà lương đâu có bằng mình làm riêng, chú Tư. Làm riêng “đã” hơn nhiều. Làm riêng dĩ nhiên là “đã” hơn, nhưng nhu cầu của hậu cần nhiều lắm, Ba Sửu nói thế và cho biết Huyện “quyết định yêu cầu” hai lò rèn phải sát nhập thành tổ hợp, vả lại, “cái lò anh Tư ở giữa xóm, mà theo phong tục nước ta, lò rèn phải ở đầu xóm, cuối xóm.”

Trong thâm tâm, Ba Sửu nghĩ rằng mình đã làm cái công việc thuyết phục được người thợ rèn theo sự sắp đặt của mình. Thằng Mót cũng cho như thế: “Chả đem hết đồ này đồ nọ tới làm, toàn là nhu cầu của huyện, của hậu cần làm mình đâu có dám nghỉ bỏ ngang xương được, chú Tư.”

Nhưng Tư Huỳnh cảm thấy không đúng hẳn như vậy. Nghề rèn dầu “tới” hay chưa cũng đã là nghề của mình. Cái “tinh” trong nghề mình đã bòn mót bao nhiêu năm nay đâu dễ một sớm một chiều bị gạt hẳn ra ngoài cuộc sống bằng những chuyện xét ra không dính líu gì tới sự cố gắng của mình. Việc Ba Sửu đem đồ đạc tới tấp nhờ làm giùm và việc lâu nay Tư Huỳnh phải mất ăn mất ngủ vì mấy lưỡi cuốc “chân tượng” là hai việc hoàn toàn khác nhau, mặc dầu hai việc đều đem lại cho Tư Huỳnh sự buồn nản kéo dài từ ngày này sang ngày khác.

“Không phải tại nước, không phải tại lửa,” Tư Huỳnh lẩm bẩm mãi vấn đề này. “Chẳng lẽ tại mình?”

Lâu nay nghĩ mãi Tư Huỳnh cũng vẫn chỉ biết có vậy, nếu không tại mình thì chắc chắn là tại chất thép. Có lần, Tư Huỳnh nghĩ tới sự phối hợp có thể giữa khối sắt nung đỏ và cái tâm của người thợ, những nhát búa chẳng hạn…

Ba Sửu dắt xe đạp lướt ngang qua mặt, miệng lải nhải những gì không rõ lắm. Tự dưng, Tư Huỳnh buông tách nước ngã sang, nói với theo:

“Bữa nào anh Ba về rẫy, trở lại đem theo cây lèm hôm trước tới đây tui trui lại nghe.”

Thằng Mót đang dúi đầu vào cái lưỡi búa làm dở, phần đuôi cắm ngập xuống than hồng, quay phắt lại:

“Ai biểu” – nó liếc nhanh ra cửa – “hôm trước chú Tư nói là làm cho cha Ba Sửu là làm lấy có thôi. Bây giờ chú kêu trui lại, mất công thêm.”

Nhìn theo cái bóng dáng hăm hở sấn ra ngoài trời đang mưa, Tư Huỳnh thấy lòng thật nhẹ nhàng. “Mình sẽ không bỏ nghề. Thằng Mót làm sao biết được có những ràng buộc thật thân ái giữa cái im lặng tịch mịch và tiếng bóp chát chói tai làm con người ta cảm thông được với những cái chướng mắt nhất trên đời. Thằng Mót làm sao biết được có những ràng buộc thật thân ái giữa tàn lụi của than hồng và sức chịu đựng vô cùng tận của máng nước làm con người ta dễ dàng nhận thấy cái tinh diệu của trời đất. Ừ! Cái máng nước chứa đựng trọn vẹn năm thức kim, mộc, thủy, hỏa, thổ của ngũ hành. Nhất là điều này, Ba Sửu lại càng không hiểu.

Tư Huỳnh lại nghĩ trở lại những lưỡi cuốc bị nứt và thấy rằng mình sẽ có lúc tìm được nguyên do, chứ bây giờ thì chưa ngoài cái ý tưởng nhất thời là cứ đổ thừa cho chất thép của nó không tốt, vậy thôi.

“Chệt Hón nói mình như vậy là đúng, Mót à! Ngày mai chắc tao nghĩ một bữa xả hơi.”

Tư Huỳnh luồn tay gãi lưng, ngẫm nghĩ, “Ít nhất cũng đúng với trường hợp Ba Sửu.” Thằng Mót quơ cây sắt nhỏ gạt đùa những hòn than trên lò. Tiếng nổ lách chách và những vệt lửa văng tung toé chắc làm nó vui lắm. Nó nghĩ tới ngày mai có quyền nằm nhà đọc hết cuốn chưởng, cho “đã.”

Tư Huỳnh cúi mình rót trà, nghĩ đến những lời lẽ thân thiện nhất để nói với chệt Hón vào ngày mai về nghề rèn.

(Trích: Măng Đầu Mùa, của Võ Hoàng & Tưởng Năng Tiến, Hương Quê phát hành 1982.

Nguồn: https://gocbebentroi.wordpress.com/2011/06/21/ngheren/ )

 

***

 

Truyện ngắn trên của nhà văn Võ Hoàng.

Tên thật Võ Hoàng Oanh. Sinh 1952 ở Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

1974: Gia nhập Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa.

1975-1976: Tù cải tạo.

1978: Vượt biển, đến Úc.

1979: Định cư ở Hoa Kỳ.

1980-1981: Cộng tác viên báo Đại Dân Tộc của Hà Túc Đạo và tạp chí Việt Nam của Vũ Thế Ngọc.

1982: Cùng với Tưởng Năng Tiến, Thượng Văn, Lý Khánh Hồng chủ trương tạp chí Nhân Văn ở San Jose.

1983: Gia nhập Mặt Trận ông Hoàng Cơ Minh.

1984: Về Thái Lan, Đông Dương.

1984-1987: Uỷ viên chính trị cấp Kháng Đoàn.

1986: Tổng Thư Ký Hội Văn Nghệ Kháng Chiến.

Mất ngày 28 tháng Tám 1987, tại rừng núi Nam Lào.
.

Tác phẩm:

Măng Đầu Mùa, truyện ngắn, cùng viết với Tưởng Năng Tiến, Nhân Văn xuất bản 1982.

Trong Lòng Cách Mạng, truyện ngắn, Nhân Văn xuất bản 1983.

Góc Bể Chân Trời, truyện dài, Nhân Văn xuất bản 1983.

Đất Lạ, truyện ngắn, cùng viết với Tưởng Năng Tiến, Hương Quê xuất bản 1984.

 

.

Nhà văn Võ Hoàng sẽ được tưởng niệm chung trong
Lễ Tưởng Niệm Cố Đề Đốc Hoàng Cơ Minh
và Các Anh Hùng Đông Tiến Năm Thứ 28
Ngày: Chủ Nhật, ngày 13 tháng 9 năm 2015
Từ    : 3 giờ đến 6 giờ chiều
Tại    : Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ
         14140 All American Way, Westminster, CA92683.

 

 


.
.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Những người đấu tranh cho quyền hợp pháp của di dân có trong Tu chính án thứ Tư và thứ Năm của Hiến Pháp, vui mừng gọi phán quyết của chánh án liên bang hôm thứ Sáu 11/7 là “chiến thắng.” Chánh án Maame E. Frimpong ra phán quyết các cảnh sát di trú ở Nam California phải tạm dừng việc bắt giữ, tra hỏi di dân chỉ dựa vào chủng tộc hoặc ngôn ngữ Tây Ban Nha. Nhưng Jaime Alanís Garcia, 57 tuổi, người làm việc ở nông trại Glass House Farms, quận Ventura 10 năm, đã không có cơ hội vui với chiến thắng tạm thời này. Với ông, và gia đình ông, tất cả đã quá muộn. ICE đã thực hiện cuộc đột kích quy mô lớn ở nông trại Glass House Farms gần Camarillo, quận Ventura hôm thứ Năm 10/7. Đoạn video ghi lại cảnh những chiếc xe bọc thép có chữ Police rượt đuổi theo nhóm nông dân tháo chạy hoảng loạn. Càng chạy, xe càng lao tới, bất kể có người đang cố bám vào đầu xe để chặn bánh xe lăn. Súng hơi, đạn cay mù mịt trên cánh đồng từng rất yên ả với những cây cà chua, dưa leo, và cây cannabis có giấy phép.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đe dọa áp đặt mức thuế cao hơn nữa đối với hàng hóa nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU), đặc biệt là dược phẩm. Thông qua các vòng đàm phán mới, EU hiện đang nỗ lực tìm cách ngăn chặn nguy cơ này. Tuy nhiên, triển vọng đạt được thỏa thuận vẫn rất mong manh, trong khi mức thiệt hại kinh tế dự kiến đối với EU có thể lên đến khoảng 750 tỷ đô la, một con số khổng lồ.
Rạng sáng thứ Bảy, tại Rafah, một em bé 12 tuổi – chưa xác định tên – bị bắn chết ngay tại chỗ hôm 12 tháng 7, khi em đang cố len lỏi tiến lên rào sắt để nhận phần lương thực cho gia đình. Cùng hôm đó, hơn ba mươi người khác gục xuống giữa bụi cát và khói đạn, trong lúc chen chúc tại điểm phát thực phẩm của một tổ chức mang tên Gaza Humanitarian Foundation (GHF).Trước đó, tại trại Nuseirat, sáu trẻ em – có em chỉ độ sáu tuổi – trúng pháo kích thiệt mạng khi đang hứng nước vào ca. Trong tay các em không có đá, không có súng… chỉ có chiếc bình nhựa, vài mẩu bánh mì chưa kịp đem về nhà. Giữa cảnh Gaza bị phong toả hoàn toàn, dân chúng đói khát, bệnh tật, kiệt sức… thì chính phủ Hoa Kỳ chọn rót ba mươi triệu Mỹ kim cho GHF – một tổ chức tư nhân, lập ra vội vã, không kinh nghiệm, không kế hoạch, không kiểm toán, không ai giám sát.
Có một câu hỏi đã ám ảnh tôi suốt gần mười năm: Làm sao mà một nửa nước Mỹ nhìn Donald Trump mà không thấy ông ta đáng ghê tởm về mặt đạo đức? Một người luôn nói dối, gian lận, phản bội, tàn nhẫn và tham nhũng một cách công khai như vậy mà hơn 70 triệu người vẫn chấp nhận ông ta, thậm chí còn ngưỡng mộ. Việc gì đã khiến cả một xã hội trở nên chai lì về mặt đạo đức như vậy? Để tôi kể cho bạn nghe một câu chuyện. Câu chuyện này, phần lớn dựa trên tư tưởng của nhà triết gia đạo đức Alasdair MacIntyre, một người mới qua đời vào tháng Năm vừa rồi, thọ 94 tuổi. Ông là một trong những nhà trí thức lớn hiếm hoi dám đào tận gốc sự suy đồi đạo lý của thế giới Tây phương, và của nước Mỹ hiện nay.
Donald Trump không giống như các vị tổng thống tiền nhiệm. Ông từng úp mở chuyện tái tranh cử nhiệm kỳ thứ ba, khiến không ít đối thủ phải giật mình. Nhưng trước mắt, Trump đang phải đối mặt với một quy luật lịch sử đã từng làm khó các vị Tổng thống khác: lời nguyền nhiệm kỳ hai. Từ trước đến nay, có đến 21 Tổng thống Mỹ bước vào nhiệm kỳ hai, nhưng không một ai đạt được thành tựu tương đương như giai đoạn đầu tiên. Thành tích nhiệm kỳ hai thường tụt dốc – từ thiếu sức sống, mờ nhạt cho đến những giai đoạn đầy biến động hoặc thậm chí thảm khốc. Người dân không còn hài lòng, tổng thống bắt đầu mệt mỏi, và không còn hướng đi rõ ràng cho tương lai.
Trong bài viết “Thế thời không phải thế” đăng trên Việt Báo ngày 4 tháng 4 về sau 100 ngày hành xử của tổng thống Trump (*), tôi có dự đoán rằng bên Dân Chủ sẽ giữ thế im lặng nhiều hơn lên tiếng ồn ào chống những việc làm của ông Trump và đảng Cộng Hòa vì muốn ông Trump tự sa lầy dẫn đến hậu quả đảng Cộng Hòa sẽ bị mất ghế, mất chủ quyền đa số trong lưỡng viện quốc hội quốc gia. Cho đến nay gần sáu tháng tổng thống, ông Trump vẫn tiếp tục gây hấn với thế giới và một số lớn thành phần dân chúng Mỹ và đảng đối lập vẫn giữ sự im lặng, thỉnh thoảng vài người lên tiếng một cách yếu ớt, kiểu Tôn Tẩn đối phó với Bàng Quyên.
Ngày 12/6/2025, từ văn phòng làm việc tại gia của mình ở Washington DC, ký giả, xướng ngôn viên kỳ cựu gần 28 năm của ABC News, Terry Moran loan báo đơn giản: “Có lẽ các bạn đã biết, tôi không thuộc về nơi đó nữa. Tôi sẽ ở đây, tại nền tảng Substack này. Có rất nhiều việc mà tất cả chúng ta cần phải làm trong thời gian đất nước quá nhiều vết nứt. Tôi sẽ tiếp tục tường thuật, phỏng vấn, để gửi đến các bạn sự thật, với tư cách là một nhà báo độc lập. Tôi là một ký giả độc lập.” Từ hôm đó, Terry Moran chính thức bước ra khỏi “luật chơi” của truyền thông dòng chính. Và cũng ngay ngày hôm đó, Terry Moran là danh khoản xếp thứ hạng đầu tiên (#1) về số người theo dõi (follower), số “subscriber” trả phí theo tháng và năm.
Ngày 2/7/2025 Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump thông báo ngắn gọn trên mạng xã hội Truth rằng Việt-Mỹ đã thỏa thuận để Hoa Kỳ áp thuế 20% lên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam và 40% trên hàng hóa trung chuyển qua Việt Nam; ngược lại Việt Nam đánh thuế 0% vào hàng hóa mua của Mỹ...
Ngài tự nhận trọn đời ngài chỉ là một nhà sư đơn giản, nhưng sóng gió tiền định đã đưa ngài vào ngôi vị Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14 để gánh vác chức lãnh đạo cả đạo và đời cho dân tộc Tây Tạng từ khi ngài còn thơ ấu. Ngài từ những ngày mới lớn, miệt mài tu học theo lời Đức Phật dạy về hạnh từ bi và trí tuệ, nhưng từ khi chưa đủ tuổi thành niên đã chứng kiến khắp trời khói lửa chinh chiến để tới lúc phải đào thoát, vượt nhiều rặng núi Hy Mã Lạp Sơn để xin tỵ nạn tại Ấn Độ.
Zohran Mamdani tuyên bố tranh cử thị trưởng New York vào tháng 10/2024. Khi đó, phần lớn New York vẫn không biết đến vị lập pháp tiểu bang 33 tuổi này là ai. Ngày 1/7/2025, Zohran Mamdani chính thức đánh bại cựu Thống đốc Andrew Cuomo, chiến thắng vòng bầu cử sơ bộ cuộc tranh cử thị trưởng New York vào tháng 11/2025.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.