Trung Quốc có lộ trình hẳn hoi để sẽ gặm nhấm Biển Đông. Cả thế giới thấy như thế. Có cơ may nào, những bước đi này sẽ bị chận đứng? Đây là nan đề vậy.
Bản tin VOA hôm Thứ Tư 7-1-2015 ghi rằng Trung Quốc mới loan báo phát hiện dầu khí ở Biển Đông.
Bản tin nói, Tổng công ty dầu khí Hải Dương Trung Quốc CNOOC loan báo vừa phát hiện thêm một mỏ dầu khí nước sâu nữa ở Biển Đông.
Thông cáo tối ngày 6/1 cho hay tập đoàn dầu khí quốc doanh này tìm thấy trữ lượng dầu khí cỡ trung bình tại giếng Lăng Thủy 25-1.
Bản tin không nói rõ giếng này có nằm trong Biển Đông của VN hay không.
Tuy nhiên, VOA cũng ghi nhận:
“Tập đoàn dầu khí CNOOC tuyên bố việc phát hiện mỏ dầu khí Lăng Thủy 25-1 hôm nay càng chứng tỏ các tiềm năng khai thác đầy hứa hẹn của Trung Quốc ở các vùng biển sâu.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc nói giàn khoan 981 với kỹ thuật thăm dò dầu khí nước sâu góp phần tô đậm sự hiện diện của Bắc Kinh trên bản đồ đường lưỡi bò ở Biển Đông.”
Nhưng, có phải tình hình giá dầu giảm đã làm Biển Đông hạ nhiệt?
Chuyện này do báo Thanh Niên nêu lên:
“Căng thẳng do tranh chấp chủ quyền trên biển Đông giữa Trung Quốc và các nước láng giềng sẽ không được giải quyết nhưng có thể hạ nhiệt trong năm 2015, một phần là vì giá dầu giảm, các chuyên gia nhận định.”
Bản tin ghi lời Robert Farley, giáo sư thuộc Đại học Kentucky, nhận định: “Giá dầu tiếp tục giảm sẽ khiến cho việc khai thác năng lượng trên biển Đông đem lại ít lợi nhuận, điều này có thể dẫn đến giảm căng thẳng trong khu vực”, theo tờ The Philippine Star (Philippines) ngày 6.1.
Báo Thanh Niên viết:
“Giáo sư Dingding Chen thuộc Đại học Macau (Macau) nhất trí với nhận định của ông Farley, cho rằng có một sự tương quan giữa giá dầu và căng thẳng ở biển Đông.
“Mặc dù giá dầu giảm sẽ khiến cho việc thăm dò và khai thác dầu mỏ ở biển Đông không sinh lợi nhuận nhiều, nhưng giảm khả năng xảy ra xung đột giữa Trung Quốc và những quốc gia có tranh chấp lãnh thổ với nước này trong một giai đoạn ngắn”, ông Chen nói.
Trong một bài viết cho Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (Mỹ), chuyên gia về chính sách ngoại giao Trung Quốc, ông Nicholas Khoo dự báo quan hệ ngày càng thắt chặt giữa Mỹ và đồng minh Philippines sẽ phần nào làm “mềm hóa” sự hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông.
Ông Khoo cho rằng Thỏa thuận Tăng cường Hợp tác Quốc phòng (EDCA) giữa Philippines và Mỹ mới vừa được ký kết trong năm 2014 phần nào kềm hãm Bắc Kinh.”
Cũng hôm Thứ Tư, VOA cho biết rằng Bắc Kinh hâm nóng chuyện Biển Đông bằng cách chỉa mũi dùi vào Ấn Độ:
“Tờ Hoàn Cầu Thời báo của nhà nước Trung Quốc kêu gọi Bắc Kinh cần đề cao cảnh giác trước các tiềm năng võ trang mới của Ấn Độ đặc biệt là hợp tác quân sự đang phát triển giữa Ấn Độ với Việt Nam và Philippines.
Bài viết đăng trên báo này hôm 6/1 nói rằng tham vọng của Thủ Tướng Narendra Modi muốn tăng cường vị thế của Ấn Độ vượt xa ngoài phạm vi kinh tế.
Tờ báo nói dù Ấn Độ là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, chiếm 14% trên toàn cầu, nhưng chiến lược của Thủ tướng Modi rất sâu xa đang tìm cách đảo ngược tình thế để biến Ấn Độ thành một nước xuất khẩu vũ khí bên cạnh việc củng cố khả năng quốc phòng.
Bài báo chỉ ra rằng Ấn Độ đang chú ý đến việc bán vũ khí cho Việt Nam và Philippines, hai quốc gia Đông Nam Á đang có tranh chấp chủ quyền gay gắt với Trung Quốc ở Biển Đông.
Vẫn theo bài phân tích trên Global Times, bằng cách nhắm tới các khách hàng đang có nhu cầu ở Đông Nam Á, Ấn Độ đang áp dụng kế sách một mũi tên trúng hai con nhạn.
Ngoài ra, sự hiện diện quân sự của Ấn Độ trong khu vực, theo tác giả bài báo, sẽ mang lại cơ hội tốt hơn cho nước này dự phần vào các trữ lượng dầu khí dồi dào ở Biển Đông và tạo áp lực đối với đối thủ tương lai là Trung Quốc.
Hoàn cầu Thời báo cảnh báo rằng hợp tác quân sự giữa New Dehli với Hà Nội và Manila, dù còn ở mức thấp, nhưng là một phần trong nỗ lực của Ấn Độ muốn xoay trục về khu vực Châu Á-Thái Bình Dương với chính sách Hướng Đông được đổi thành Hành động Hướng Đông....”
Trong khi đó, báo Pháp Luật đăng bài phân tích của VOV cho thấy tình hình Biển Đông ngày càng hung hiểm:
“Trung Quốc đang thực hiện một chiến thuật gặm nhấm từng bước, dẫn đến “cái chết với nhiều lát cắt” và hiện đã đạt đến mức hết sức nguy hiểm.
Theo đánh giá của giới phân tích chính trị, Trung Quốc đang thực hiện “biến đá thành đảo” trên bãi đá Gạc Ma và một số đảo khác trên Biển Đông. Đây là một trong những hành động nằm trong chiến lược trên Biển Đông của Trung Quốc.
Chiến lược “Biển xanh”
Trung Quốc xác định rõ mục tiêu cần đạt được trong chiến lược biển Đông đó là thiết lập lộ trình “chiếm đoạt” biển Đông theo yêu sách “đường lưỡi bò” và thực hiện chiến lược này một cách chắc chắn, quyết đoán.
Chiến lược trên biển Đông của Trung Quốc được giới phân tích gọi là “chiến lược biển xanh”. Theo chiến lược này, Trung Quốc đặt nhiệm vụ cho lực lượng hải quân: (1) Bảo đảm các con đường tiếp cận trên biển tới Đài Loan; (2) Tiến hành các chiến dịch ở phía Tây Thái Bình Dương để không có các lực lượng thù địch tự do hành động; (3) Bảo vệ các tuyến giao thông đường biển của Trung Quốc; (4) Chặn các tuyến giao thông đường biển của kẻ thù; (5) Duy trì sức mạnh trên thế giới, sẵn sàng tấn công đối phương.
Trung Quốc cho rằng, Biển Đông không chỉ dồi dào về nguồn lợi hải sản, năng lượng, mà đó còn là con đường duy nhất mà lực lượng tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc có thể đi ra Đại dương một cách an toàn...”(hết trích)
Thật khó vậy. Thấy âm mưu của Bắc Kinh, nhưng Hà Nội có vẻ như không cảnh giác thật lực.
Có gì bí mật trong nội bộ Ba Đình chăng? Đáng lo vậy.